Connect with us

Hi, what are you looking for?

Kinh nghiệm giành học bổng

[Apply experience] Kinh nghiệm apply chương trình Yale Young Global Scholars (YYGS)

Chào mọi người, 

Mình là Jason Trịnh, và hôm nay mình viết bài này ngày hôm nay với tư cách là Ambassador và prospective Associate Instructor của chương trình học thuật hè tại Đại học Yale, Yale Young Global Scholars (YYGS). Mình là một trong những Ambassadors đầu tiên của YYGS ở Việt Nam, và trước đây mình từng có một Information Session nho nhỏ tại trường cấp ba của mình tại Hà Nội. Nhưng hiện tại mình đang không ở Việt Nam và nhận thấy có rất nhiều bạn muốn biết thêm về YYGS mà quỹ thời gian của mình lại có hạn, nên mình quyết định viết bài này để giải đáp một số những thắc mắc chung chung của các bạn. Nếu các bạn thấy đọc hết bài này mà vẫn còn thắc mắc, mong các bạn không ngại mà cứ nhắn cho mình vào địa chỉ email jason.trinh@sciencespo.fr 

Trước khi đi vào phần chính, mình sẽ giới thiệu thêm một chút về bản thân. Mình hiện tại đang là sinh viên năm nhất của chương trình song bằng giữa Đại học Sciences Po (Paris, Pháp) và Đại học Columbia (New York, Mỹ), với dự định học về Luật và Chính trị. Mình đang dành 2 năm tại Pháp ở Sciences Po (Học viện Chính trị Paris), ngôi trường chính trị bảy trên tám tổng thống Pháp từng theo học, và mình sẽ dành 2 năm cuối tại thành phố New York để theo học ở Columbia, một trong tám trường thuộc nhóm Ivy League, và tốt nghiệp với hai bằng Đại học. Mình từng tham dự YYGS vào năm 2018, đỗ vào session International Affairs & Security (IAS) với mức hỗ trợ tài chính là hơn 80%. Sau khi tham gia YYGS, mình có vinh dự trở thành Ambassador của chương trình và mới vừa đây mình vừa đỗ để quay trở lại YYGS hè này với tư cách là một instructor cho session về Politics, Law and Economics (PLE). Điều này có nghĩa là bạn nào đỗ vào PLE thì rất nhiều khả năng sẽ gặp mình. 

Mình đã muốn viết bài này từ lâu nhưng mình không có thời gian, cho tới bây giờ là kì nghỉ đông ở trường. Kì Early Admissions của YYGS đã qua và đã có kết quả, tuy nhiên vẫn còn một kì Regular Admissions nữa và mình hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn app kì regular cũng như những bạn muốn app trong tương lai. Trước khi mình bắt đầu, sau đây là một số trang web về YYGS mà mình nghĩ các bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi đọc bài này vì mình sẽ cố gắng không lặp lại quá nhiều những gì đã có trên web của YYGS: 

Frequently Asked Questions: https://globalscholars.yale.edu/frequently-asked-questions

Programs: https://globalscholars.yale.edu/our-program

Tuition & Fee (and Scholarships): https://globalscholars.yale.edu/tuition

How to Apply: https://globalscholars.yale.edu/how-to-apply

Okay, giờ mình sẽ cố gắng trả lời một số câu hỏi mà mình thường được hỏi về quá trình apply: 

 

 

  • YYGS là gì? 

 

YYGS là một chương trình hè học thuật (gọi là trại hè cũng không đúng lắm) của Đại học Yale (một trong tám thành viên của Ivy League) dành cho học sinh cấp 3. Cá nhân mình thấy YYGS là chương trình hè dành cho học sinh cấp 3 competitive nhất ở Mỹ, chắc chỉ có chương trình ở Đại học Chicago là tương đương. Hàng năm, có hàng ngàn người nộp hồ sơ nhưng chỉ khoảng 30% được chấp nhận. Vì là một chương trình học thuật, nên là có nhiều sessions mà bạn có thể lựa chọn để app, tùy vào academic interests của các bạn. Các sessions của YYGS thay đổi hàng năm – có một số sessions được giữ và một số sessions không được giữ nữa hoặc được gộp vào sessions nào đó khác, nhưng YYGS luôn cố để có được 3 mảng học thuật chính về khoa học và kĩ thuật, khoa học xã hội và cuối cùng là nhân văn. Năm nay (hè 2020), có 4 sessions khác nhau mà các bạn có thể lên trang web để xem thêm. Mỗi sessions sẽ có 3 time slots khác nhau trong mùa hè. Những người tham gia sẽ ăn ở và học tại campus của Đại học Yale tại New Haven, Connecticut. Trước đây YYGS có một session ở Trung Quốc để học về châu Á, tuy nhiên năm nay đang tạm dừng. Những người tham dự YYGS rất diverse – như năm của mình là có 130 quốc gia có học sinh đỗ vào YYGS và gần như tất cả bang ở Mỹ đều có người tham dự. Phí để tham dự YYGS (bao gồm cả ăn ở) là $6300 (khoảng hơn 140 triệu đồng tiền Việt) cho khoảng thời gian gần 2 tuần. Điểm đặc biệt của YYGS là họ rất rộng lượng trong cung cấp hỗ trợ tài chính (financial aid), và gần đây thì mở thêm full scholarship cho học sinh Việt Nam (năm mình không có cái này). 

YYGS có 2 đợt tuyển sinh là Early Admissions (đợt sớm) và Regular Admissions (đợt thường). Đây là một thay đổi rất mới mẻ vì YYGS chưa từng có tuyển sinh đợt sớm. App đợt sớm thì không có thêm lợi ích gì ngoài biết kết quả sớm hơn, nên nếu có ai lỡ đợt sớm mà vẫn hứng thú thì vẫn có thể app đợt thường.

 

  • Những người đã từng tham dự YYGS là những người thế nào? Nói cách khác, YYGS tìm kiếm những người thế nào? 

 

Dựa vào những quan sát của cá nhân mình và những người bạn của mình đã từng đi YYGS, mình có thể kết luận là vì YYGS rất competitive, họ tìm kiếm những người xuất chúng. Xuất chúng không chỉ có nghĩa là học giỏi và học bạ đẹp, điểm standardized tests cao, mà còn có nghĩa là có nhiều tiềm năng, có đam mê, có tham vọng, biết được bản thân nên làm gì, muốn đóng góp cho xã hội. Apply vào YYGS acceptance rate cao hơn là apply vào Yale, nhưng hầu hết bạn bè mình ở YYGS đều rất giỏi và hiện tại đều đang học ở những trường Ivy hoặc các trường top. Họ không chỉ giỏi về học thuật mà đều có đời sống rất phong phú, muốn đóng góp cho xã hội. 

Sau đây mình sẽ kể một số người Việt mà mình biết từng đi YYGS. Một người mà chắc các bạn sẽ biết rõ đấy là bạn Đỗ Nhật Nam, cũng đi session IAS nhưng là một năm trước mình. Hoặc một người bạn cùng lớp của mình cũng đỗ và đi cùng năm với mình hiện tại đang học ở Brown – cô bạn này là người đỗ thủ khoa kép chuyên Văn và chuyên Hóa tại trường của mình cùng với rất nhiều giải cấp thành phố và quốc gia. Một người bạn khác giới thiệu mình tới chương trình này hiện đang học ở Dartmouth. Một người bạn khác hiện cũng đang học tại Columbia. Tất nhiên, không phải đi YYGS là sẽ guarantee đỗ được vào các trường tốt, mà mình kể vậy để cho các bạn thấy rằng it works the other way around – những người đỗ vào được YYGS đều đã có tiềm năng sẵn. Có nhiều bạn không vào được những trường top, tuy nhiên qua những gì mình trao đổi và nói chuyện với các bạn thì mình thấy đều là những người rất tiềm năng (bởi vì đôi khi trường Đại học bạn học không thể hiện hết được con người bạn) 

Cũng tiện đây nói luôn là đi YYGS sẽ không tăng khả năng bạn đỗ bất kì trường nào hết, mà nó chỉ là một hoạt động ngoại khóa rất prestigious trong hồ sơ của bạn, và bạn dùng nó thế nào và liệu nó có giúp bạn vào trường này trường kia không hoàn toàn là dựa vào bạn. 

 

  1. Những ai thì được apply vào YYGS? Tôi hiện đang học lớp 12 hoặc đang là sinh viên Đại học có được app không?

    YYGS là một chương trình học thuật hướng tới học sinh cấp 3, thế nên chỉ chấp nhận 2 nhóm học sinh đó là sophomore (tương đương với lớp 10) hoặc junior (tương đương với lớp 11), tức là trong lúc app bạn phải đang học lớp 10 hoặc lớp 11. Trong khoảng thời gian app, applicant phải đủ 16 tuổi và chưa từng tham gia session nào của YYGS. Cho các bạn dễ hình dung hơn, lúc mình app vào năm 2018  mình đang học lớp 11 và đi vào hè năm lớp 11 lên lớp 12. Có một số trường hợp các bạn đi du học và học lùi lại một năm thì vẫn không ảnh hưởng – eligibility của YYGS là các bạn đang học lớp 10 hoặc 11 chứ không quan trọng tuổi của các bạn là bao nhiêu (ví dụ ở YYGS năm mình có rất nhiều người lớn tuổi hơn mình nhưng vẫn được đi vì vẫn đang học high school) 

 

 

  • Kĩ năng tiếng Anh của tôi không đủ tốt lắm, liệu có đi được không? Tiếng Anh của tôi khá tốt nhưng không có điểm IELTS, TOEFL, SAT, ACT, etc. thì có app được không?  Nếu không nộp điểm thì làm sao họ biết được kĩ năng tiếng Anh của tôi ở mức nào? 

 

Những điều đó phần nhiều sẽ thể hiện qua cách các bạn viết luận (essays) và CV và phần mô tả hoạt động ngoại khóa. Nếu kĩ năng tiếng Anh của bạn không đủ tốt lắm, mình xin lỗi là mình hơi pragmatist một tẹo nhưng mình nghĩ là kể cả các bạn có may mắn đỗ thì cũng khó có thể học và hòa nhập được tại YYGS. Mặc dù YYGS không yêu cầu bất kì điểm gì trừ điểm học bạ của bạn (và mình nghĩ đó là một chính sách rất nhân văn vì không phải bạn nào cũng có điều kiện thi những điểm kể trên), nhưng họ luôn nói rõ là tiếng Anh của bạn phải ở mức tốt tới rất tốt để giao lưu được với mọi người và theo được các bài giảng cũng như các cuộc thảo luận. Cá nhân mình thấy kĩ năng Nghe và Nói tại YYGS lại càng quan trọng, và vì các bạn sẽ phải làm một research nên Đọc và Viết cũng phải tốt không kém. Lúc mình app mình không hề có IELTS hay SAT, tuy nhiên tiếng Anh của mình năm lớp 11 đã ở sẵn mức C2  là khoảng 8.0 IELTS. Những người Việt đỗ vào YYGS theo mình thấy cũng đều có tiếng Anh rất tốt – học sinh đi du học, học trường quốc tế hoặc tiếng Anh cũng ở mức C1-C2. 

Vì vậy nên mình nghĩ các bạn nên cứ viết essays trong khả năng của mình, vì giả sử như các bạn có nhờ ai đó viết và may mắn đỗ thì tới đó cũng chưa chắc đã hòa nhập được, mà như vậy thì không hay chút nào. 

 

 

  • Tôi không khá giả lắm, tôi có nên apply không? Xin financial aid có ảnh hưởng tới khả năng được nhận của tôi không? Xin scholarship 100% có khó không? 

 

Có, khả năng chi trả của mình cũng không tốt và mình xin gần hết phần phí nhưng vẫn đi được. YYGS rất rộng lượng trong việc hỗ trợ tài chính nên mình luôn khuyến khích các bạn app dù không có khả năng chi trả cao. Vì khái niệm hỗ trợ tài chính (financial aid) vẫn còn mới mẻ với người Việt nên mình xin miêu tả sơ qua đó là khác với scholarship, financial aid là need-based, tức là bạn chỉ có khả năng chi trả một khoảng x thì phía tuyển sinh sẽ cố gắng để meet need của bạn, tức là giảm số tiền bạn phải chi trả xuống x – và khi họ làm điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình tài chính của bạn (qua việc review bảng lương của bố mẹ bạn, sổ tiết kiệm, etc. chẳng hạn). Khi xin financial aid, việc bạn xin được nhiều tiền hơn người khác không phải là do bạn giỏi hơn người khác, mà đôi khi chỉ là do khả năng chi trả của bạn thấp hơn người ta. Ở Việt Nam có Đại học Fulbright là sử dụng hệ thống financial aid này. Và khi bạn xin financial aid, mình khuyên là các bạn nên trung thực trong việc khai báo về tiền nong và nói chuyện với bố mẹ hay người giám hộ để biết khả năng chi trả của gia đình, tránh trường hợp xin quá nhiều tiền ảnh hưởng tới người khác hay xin quá ít tiền và có đỗ cũng thiếu aid không đi được. 

Tuy nhiên, việc xin hỗ trợ có ảnh hưởng tới khả năng đỗ của các bạn không thì mình không dám nói chắc, bởi theo những gì mình quan sát được thì trước khi có scholarship cho học sinh Việt Nam, hàng năm cũng chỉ có vài người Việt được mức hỗ trợ tài chính cao (khoảng 50%-80%). Có nhiều người Việt không xin hoặc xin rất ít. 

Còn về scholarship hiện tại đang available cho người Việt Nam (bao cả tuition fee lẫn vé máy bay), vì nó là merit-based nên mình nghĩ các bạn cũng không cần phải để tâm tới nó quá mà cứ nên app và hội đồng chấm đơn sẽ xem xem các bạn có xứng đáng với nó không. Hiện tại mình nghĩ các bạn nên quan tâm tới việc có đỗ vào YYGS được hay không đã trước khi quan tâm tới scholarship, vì nếu đỗ vào đã khó thì việc có scholarship còn khó hơn vì chỉ có một suất cho Việt Nam. 

 

 

  • Tôi nên viết gì vào các bài luận của tôi? Các bài luận có cần liên quan tới các sessions mà tôi apply không? 

 

Vì các bài luận mỗi năm lại thay đổi và mỗi người lại có trải nghiệm khác nhau nên mình cũng không biết khuyên gì ngoài hãy viết một cách trung thực, viết những gì thực sự xảy ra với bạn, những gì bạn thực sự nghĩ, chứ không phải viết những gì bạn nghĩ là phía tuyển sinh muốn nghe. Điều này không chỉ đúng với việc app YYGS mà còn đúng với việc app bất kì trường Đại học hay Cao học nào: nếu bạn làm thế và may mắn lắm vẫn được nhận, ban tuyển sinh nhận một phiên bản dối trá của bạn chứ không phải là bản thân bạn, và mình nghĩ như vậy thì cũng không hề hay ho cho bạn và nhà tuyển sinh một chút nào. 

Nếu bạn muốn viết liên quan tới các academic interests dẫn bạn tới apply vào các sessions của YYGS thì tốt, đó là cách mà mình đã làm trong bài luận dài (bài 500 từ). Tuy nhiên nếu bạn không muốn nhắc đến nó ở bài luận chính thì mình vẫn khuyên nên tìm cách nhắc tới ở đâu đó trong một số những bài luận, để thể hiện được rằng bạn thật sự rất đam mê tới chủ đề đó. 

 

 

  • Tôi nên xin thư giới thiệu của những ai? Giáo viên của tôi không biết thư giới thiệu là gì thì nên giải thích thế nào với họ?

 

Mình xin thư giới thiệu của cô Giáo viên Chủ nhiệm dạy Văn (cũng là môn chuyên của mình) và cô giáo dạy Sử. Nếu mình nhớ không nhầm thì YYGS yêu cầu bạn nộp thư giới thiệu của giáo viên hoặc academic supervisors, nhưng nếu đã thay đổi thì đôi khi những nhà tuyển sinh ở Mỹ chấp nhận peer recommendation letters nữa, tức là thư giới thiệu tới từ những người đã làm việc với bạn hoặc giám sát bạn làm dự án nào đó. 

Nếu giáo viên của bạn không biết thư giới thiệu là gì thì bạn có thể lên mạng tra các mẫu thư giới thiệu và đưa cho giáo viên của bạn. Nếu họ không biết tiếng Anh thì có thể bảo họ viết bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh và nộp cả 2 bản. 

 

 

  • Hồ sơ của bạn lúc app có những gì? 

 

Lúc mình app vào session IAS năm 2018, lúc đó mình là học sinh lớp chuyên Văn tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, với GPA gần nhưng chưa tới 9.0, không có điểm SAT, không có IELTS, không học đội tuyển. Bản CV mình nộp có bao gồm một số hoạt động ngoại khóa tiêu biểu liên quan tới Model United Nations (lúc đó mình đi khoảng gần 10 conferences có tiếng với tư cách Đại biểu và có nhiều giải thưởng cũng như Chủ tọa và có làm ở một số tổ chức liên quan tới MUN ở vị trí researcher cũng như một vài vị trí leadership khác), nhiếp ảnh (mình có đính kèm một số artworks của mình và từng có ảnh được treo ở một triển lãm nhỏ về nữ quyền tại Hà Nội, nếu bạn muốn xem một vài artworks này có thể lên xem tại Instagram của mình @jasontrinh2806) và piano (mình có certificate của Trinity College London). Mình là một người tập trung khá nhiều vào hoạt động ngoại khóa những năm cấp 3 và mình làm nhiều hơn những gì mình ghi trong CV, nhưng mình đã quyết định chọn những thứ liên quan tới interest của mình về International Affairs và Politics. 

Về luận, mình xin phép không công khai luận của mình nhưng về nội dung thì bài luận chính của mình mình đã viết về một cú sốc tinh thần của mình, sự đồng cảm của mình với nhà thơ Xuân Diệu và từ đó nói về niềm đam mê của mình với International Affairs. Sau một-hai năm thì tất nhiên interest của mình có một chút thay đổi (giờ mình tập trung nhiều vào Law và Politics hơn), nhưng những gì mình viết vào bài luận đó hoàn toàn là sự thật và là những gì mình cảm nhận được trong thời điểm đó. 

Vì phần điểm của mình cũng bình thường không nổi trội, nên mình đoán phía YYGS nhận mình vì luận và hoạt động ngoại khóa thể hiện rằng bản thân mình thật sự phù hợp với session IAS. 

Vào năm mình app, có một số bạn nữa ở Ams cũng app nhưng không được nhận dù điểm cao hơn mình rất nhiều, nhưng về sau vẫn vào được những trường Đại học rất tốt và mình thật sự rất nể phục các bạn ấy và tới giờ mình vẫn thấy chắc là mình rất ăn may chứ không hiểu tại sao YYGS lại chọn mình chứ không phải họ, nên nếu bạn có không đỗ thì cũng đừng nên buồn nhé, vì còn có rất nhiều cánh cửa cơ hội phía trước. 

Tạm thời đó là tất cả những chia sẻ mình có về quá trình apply YYGS của mình. Còn về trải nghiệm YYGS thì mình nghĩ nếu bạn đã đỗ thì đó sẽ là một trải nghiệm rất tuyệt vời và mở mang tầm mắt, cái này chắc mình không cần nói nhiều mà để các bạn tự trải nghiệm thì tốt hơn. Cảm ơn các bạn đã đọc tới đây, và nếu đọc tới đây mà các bạn vẫn còn khúc mắc thì xin hãy cứ liên hệ với mình qua email, nếu có thời gian hoặc thấy gấp rút mình sẽ cố trả lời trong tầm hiểu biết! Hè này mình cũng sẽ quay lại YYGS từ giữa tháng 6 tới cuối tháng 7 nên nếu bạn nào đỗ đặc biệt vào session PLE nhiều khả năng chúng ta sẽ gặp nhau đấy! Chúc các bạn may mắn!

Tác giả: Jason Trịnh

Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987