Connect with us

Hi, what are you looking for?

Kinh nghiệm

Kinh nghiệm viết luận – Xin học bổng du học

Kinh nghiệm viết luận xin học bổng Mỹ nói riêng và các đất nước khác nói chung. Bạn sẽ hiểu được PS, SOP và SAI là gì. Biết được lỗi sai thường gặp và cách sửa lỗi.

HANNAED.CO - Kinh nghiệm viết luận

Những lỗi lớn khi viết luận (PS, SOP và SAI) để xin học bổng Mỹ

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây, cầu và ngoài trờiViết một bài luận thành công để xin học bổng là cả một nghệ thuật. Bài luận là chỗ duy nhất mình có thể tự do thể hiện và cố gắng bù lại cho những điểm yếu khác trên hồ sơ của mình. Một bài luận mạnh có thể cứu cánh điểm SAT, GRE và GMAT không đạt chuẩn.

Tuy nhiên, để viết một bài luận như thế thì bạn phải thực sự hiểu bản thân mình. Và lưu ý rằng dù bạn đang cố gắng cá nhân hóa bài luận của mình thì cũng đừng mắc những lỗi sai dưới đây. Hannah mới đọc được 1 bài viết về 05 lỗi sai khi viết SOP, PS của chị Jenny Hoang. Các bạn nhớ share với mọi người nếu thấy có ích nhé. Hy vọng nó sẽ giúp ích được cả nhà trong quá trình apply học bổng đầy gian nan và vất vả này nhé.

  • Lỗi 1: NHẪM LẪN GIỮA PS, SOP VÀ SAI Khi viết luận.

BA BÀI NÀY RẤT GIỐNG NHAU VỀ MẶT TỔNG QUAN NHƯNG ĐIỂM NHẤT CỦA NÓ LẠI CỰC KỲ KHÁC NHAU.

PS (Personal Statement):

Tập trung nhiều hơn về cá tính, con người bạn. Thường PS được viết dưới dạng những câu chuyện rất riêng, rất cá nhân. Qua đó, bạn thể hiện được bản lĩnh, sự sáng tạo, sự trưởng thành của mình. Rất ít người bị lẫn PS sang các bài khác khi viết luận. Nhưng mình vẫn phải nêu ra đây để tiện phân biệt tại sao mọi người hay nhầm SOP hoặc SAI sang PS.

SOP (Statement of Purpose):

Tập trung nhiều nhất vào định hướng 5 năm 10 năm của bạn. Khi yêu cầu ứng viên nộp SOP, các trường thường muốn thông qua SOP để tìm hiểu sự trưởng thành trong tư tưởng và suy nghĩ của ứng viên.

Vì vậy, bài luận này yêu cầu về cá tính thì ít mà muốn bạn viết nhiều hơn về động lực phát triển bản thân của mình. Giải thích xem động lực đó khiến bạn muốn là ai ở đâu sau 10 năm nữa. Sau đó, bạn phải nói rõ tại sao việc học ở trường bạn đang ứng tuyển là một bước để bạn tiến gần hơn đến cái hình ảnh 10 năm của bạn.

Rất nhiều bạn viết SOP mà viết như PS. Có lẽ vì các bạn luôn được khuyên rằng viết luận cho trường Mỹ thì phải kể một câu chuyện thật cảm động và liền mạch thì mới có học bổng cao. SOP cũng vẫn là một câu chuyện nhưng mà câu chuyện đó phải dẫn đến động lực và mục tiêu 10 năm thì mới là SOP.

Trong PS bạn có quyền làm người mộng mơ “dreamer” vì đó là cá tính. Nhưng trong SOP bạn phải nói đến hành động “actionable plan” để hiện thực hóa giấc mơ đó. (Ví dụ hoặc Tham khảo thêm tại đây)

SAI (Statement of Academic Intent):

Bài này có lẽ dùng nhiều hơn khi ứng tuyển bậc học Tiến sĩ. Nhưng với một số trường, thì ứng viên thạc sĩ chuyên môn (không phải MBA) cũng phải viết bài luận này. Các trường muốn thông qua SAI để tìm hiểu sự hiểu biết, đam mê và nỗ lực tìm tòi của bạn về một ngành hẹp.

Vì vậy câu chuyện trong SAI thường dành ít đất hơn cho động lực nói chung. Mà dành nhiều thời gian để thảo luận về một vấn đề hoặc một rắc rối xảy ra trong quá trình bạn làm việc. Trong rắc rối đó, bạn phải nêu được rằng bạn đã tìm hiểu, đọc thêm về ngành. Hoặc phát triển quan hệ để học hỏi từ người có chuyên môn hơn như thế nào.

Và cuối cùng,

Khi giải quyết được rắc rối đó thì bạn cảm thấy rằng bạn cần đi học. Cụ thể việc học tại trường đang ứng tuyển, sẽ giúp bạn cải thiện được phần nào trong kiến thức của mình. SAI bị nhầm với PS ở đoạn kể chuyện. Cũng nhầm với SOP vì nhiều bạn lại nói về tương lai nhiều hơn là hiện tại của việc học.

Mình cũng phải đính chính luôn. Là SAI không hẳn là Đề xuất Chủ đề Nghiên cứu “Research Topic Proposal” cho bậc học Tiến sĩ. Mặc dù nhiều trường hỏi Chủ đề mà bạn muốn nghiên cứu trong phần này. SAI thực sự là một bài luận để tìm hiểu đam mê và sự tìm tòi trong ngành của bạn.

Không phải trường nào cũng tách bạch ba bài này: Mọi người hay nghĩ phải viết ba bài luận thì khổ quá, khó quá. Nhưng mình lại nghĩ nếu trường nào cho viết cả ba bài thực ra là dễ hơn. Vì bạn có đất để thể hiện tất cả những gì bạn muốn nói theo ba hướng khác nhau.

                   Vấn đề:

Cái khó của việc viết luận cả ba bài chỉ là làm sao 3 câu chuyện nhỏ nối được vào với nhau thành 1 câu chuyện lớn. Chứ không phải “truyện ngắn” rời rạc không liên quan gì đến nhau. Khó hơn là những trường chỉ cho viết 2 bài. Và đôi khi họ ra đề SOP nhưng họ lại muốn SAI. Họ ra đề PS nhưng lại không hẳn là PS. Vậy nên bạn phải đọc thật kỹ câu hỏi định hướng của bài luận. Để xem thực sự thì họ muốn bài nào trong 3 bài trên. Hoặc một thể loại lai lai giữa giữa nào.

Khó nhất là những trường chỉ cho 1 bài lại còn giới hạn số chữ. Mà kể cả không giới hạn chữ thì bạn cũng nên chủ động viết dưới 800 hoặc tối đa 1000 từ. Vì dài quá không ai tập trung đọc cho nổi. Với những trường đề mở như thế này, bạn phải chọn được câu chuyện cực kì độc đáo. Để thể hiện được cả cá tính, động lực và đam mê tìm tòi ngành hẹp của mình. Mà một câu chuyện như thế không dễ tìm. Nên thông thường cái thể loại một bài duy nhất thường là IVY League. Hoặc top 20, 30 gì đó.

Thực ra với thể loại một bài luận, các trường thường nhắm đến việc tìm hiểu tư duy tổng hợp của ứng viên. Vì vậy, trong bài này, ứng viên phải viết cực kì ngắn gọn và chính xác mà vẫn chuyển tại được hết câu chuyện của mình. Nói thẳng là những bạn viết được bài này một là cực kì xuất sắc. Hoặc có cả một hội đồng tư vấn từ câu chuyện đến văn phong đứng đằng sau.

  • Lỗi 2: DIỄN XUÔI CV

LỖI NÀY VÔ CÙNG PHỔ BIẾN ĐẶC BIỆT VỚI NHỮNG BẠN QUÁ ÍT HOẶC QUÁ NHIỀU KINH NGHIỆM.

Với những bạn quá ít kinh nghiệm,

Thì các bạn hay nghĩ bài luận là chỗ để bạn diễn giải những kinh nghiệm này một cách rõ ràng và hay ho hơn. Tuy nhiên, nếu viết không khéo thì lại thành ra: ôi thằng bé hoặc cô bé này ít kinh nghiệm quá nên cứ phải nhai đi nhai lại. Nên thà rằng bạn viết về một kỉ niệm nào đó ngoài việc đi làm. Ví dụ như làm từ thiện, tổ chức họp lớp đã tạo nên con người và cá tính của bạn. Thì tổng chung, bài luận làm cho hồ sơ của bạn mạnh hơn nhiều so với việc diễn giải cụ thể. Là bạn đã làm gì trong những kinh nghiệm ít ỏi của mình.

Một lựa chọn khác hơi liều mạng hơn là kể về một thất bại trong công việc gần đây của bạn. Và bạn đã phục hồi từ thất bại đó thế nào. Cũng như sau khi phục hồi thì tại sao bạn lại quyết tâm đi học. Mình nói liều mạng là vì bài này viết tốt thì thắng toàn tập mà viết dở thì lại làm hỏng hồ sơ. Nên nếu bạn chọn viết về thất bại, tốt nhất bạn nên tìm sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm viết và sửa hồ sơ.

Còn với những bạn kinh nghiệm quá nhiều,

Thì các bạn lại hay nghĩ bài luận là chỗ để nhấn vào những kinh nghiệm giá trị. Mà qua đó thể hiện mình là một ứng viên xuất sắc và đáng được mọi thể loại học bổng. Đúng. Kinh nghiệm của bạn là một trong những cái thể hiện sự xuất sắc. Nhưng nếu muốn đọc kinh nghiệm thì người ta đọc CV chứ không đọc bài luận.

Hơn nữa, kinh nghiệm là những gì bạn đã đạt được. Chứ không thể hiện cái bạn sẽ đạt được trong tương lai khi học và sau khi tốt nghiệp tại trường. Vì vậy , tốt nhất là tránh xa cái CV ra. Và kể một câu chuyện. Mà từ câu chuyện đó bạn có thể dẫn tới bàn luận về tương lai tươi sáng chứ không phải quá khứ huy hoàng.

Nói chung…

Bài luận là thứ để các trường nhìn bạn một cách toàn diện hơn là CV. Vậy nên nếu bạn dùng bài luận để diễn xuôi CV thì vô hình chung bạn đã làm cho hồ sơ của mình yếu đi. Ngoài ra, việc các bạn viết một CV quá dài cũng không hẳn là một lợi thế. Vì CV dài có nghĩa là người ta có thể hiểu hầu hết về bạn khi đọc CV. Ủa nếu thế thì đến phần phỏng vấn bạn còn gì để nói nữa?

Nhìn chung, CV viết vừa đủ, đến bài luận kể một câu chuyện hay ho nằm ngoài CV. Rồi vòng phỏng vấn nói về một câu chuyện vui vui khác mới là một hồ sơ hiệu quả. Sai lầm của nhiều người là phần nào của hồ sơ cũng viết tất. Viết hết mọi thứ làm cho trường cảm thấy thực sự nhàm chán.

Con người thú vị ở chỗ có nhiều tầng lớp tính cách khác nhau, thể hiện qua nhiều góc cạnh của cuộc sống. Nếu các bạn cứ cái gì cũng viết hết trong từng phần của hồ sơ. Thì… không khác gì một bát nước hắt đi. Trường đọc xong kết luận lại một điểm “OK. Quá khứ huy hoàng nhưng tiềm năng thì không chắc.”

(Xem thêm: Một số khóa học dạy viết CV)

                   Giải pháp:

Mình từng được một partner Consulting lớn dạy rằng: “Giỏi không phải ở chỗ cho Khách hàng biết rằng mình biết nhiều. Mà giỏi là ở chỗ mình nói tuy ít thôi nhưng Khách hàng lại cảm thấy là mình biết nhiều hơn mình nói.” Ý của câu nói này là nếu bạn nói cho người khác rằng bạn biết nhiều thì không chắc người ta đã tin bạn. Nhưng nếu bạn khôn khéo thể hiện qua một quá trình. Thì người ta lại cảm thấy bạn thực sự biết rất rất nhiều. Và có thể còn biết nhiều hơn cái bạn thể hiện ra.

Trong consulting, cái khôn khéo nhất là để cho khách hàng nói trước sau đó ở từng phần. Mình đặt câu hỏi một cách thông minh và cài vào đó một phần sự hiểu biết của mình. Đến cuối buổi, khách hàng sẽ gật gù nghĩ rằng: “À người này biết nhiều đấy. Có thể tin tưởng được và có khả năng sẽ làm được cho mình nhiều việc”. Lúc đó thì bạn sẽ thắng Hợp đồng.

Trong việc ứng tuyển cho các trường Mỹ cũng vậy…

Mỗi phần của hồ sơ nếu bạn cứ dần dần thể hiện rằng mình còn nhiều hơn là cái mình nói. Thì phía trường sẽ gật gù cảm thán: “Khi vào học tại đây, có lẽ người này sẽ còn tỏa sáng hơn.” Bản thân quá khứ huy hoàng đúng là có thể hiện một chút tiềm năng nhưng mà nó không thể hiện được tương lai.

Vì vậy dù là viết bài luận hay tổng quan hồ sơ. Việc tập trung quá nhiều vào thành tích quá khứ cũng là một sai lầm. Nó dễ dàng khiến bạn mất học bổng (hoặc cơ hội việc làm nếu là đi xin việc).

  • Lỗi 3: GIẢI THÍCH QUÁ NHIỀU “LÝ DO LÝ TRẤU”

Một số bạn “bị mụn” trong hồ sơ nên hơi bị nhạy cảm về nó. “Cái mụn” của bạn này có thể đơn giản là bạn ấy đã từng học một bộ môn thạc sĩ tương tự trước khi ứng tuyển cho chương trình thạc sĩ này. Hoặc học một trường hơi quá thấp rank quá hồi còn đại học.

Nói thật thì “mụn” này không khác gì các loại “mụn” trên mặt của bạn. Người khác thì không để ý lắm nhưng bạn thì mất tự tin vì cứ cảm giác có gì đó lồi lồi trên mặt. Vậy nên trong bài luận bạn cứ cố gắng giải thích cho “cái mụn” đó mà quên mất rằng trường nhìn về tương lai nhiều hơn.

Việc giải thích “mụn” này lợi bất cập hại.

Thứ nhất, có thể chẳng ai để ý đến nó. Nhưng vì bạn giải thích (sờ mụn trên mặt nhiều) thì tự dưng nó thành tâm điểm sự chú ý.

Thứ hai, bạn giải thích không khéo. Trường sẽ nhìn điểm này như là “lý do lý trấu chỉ để hợp lý hóa cho lựa chọn sai lầm” của bạn. Nó chẳng khác gì cậy mụn ngay trước mặt người khác cả.

                   Phương pháp sửa sai khi bị lỗi viết luận này: 

Cách sửa thứ nhất:

Nghĩ ra một câu chuyện mà “cái mụn” đó biến thành một bước hợp lý trong kế hoạch lâu dài cho tương lai của bạn. Cách này thực sự không dễ và cần có sự trợ giúp của những người viết và kể chuyện lâu năm.

Cách sửa thứ hai:

Thật thà nói rằng “cái mụn” đó là một thất bại. Rồi từ thất bại đó bạn trưởng thành hơn. Và lần này bạn định hướng được chính xác hơn cho mình. Tuy là dễ hơn cách trước. Nhưng mà nếu viết không khéo thì vẫn bị lôi kéo sự chú ý của người ta nhiều hơn vào ý bạn thất bại chứ không phải vào ý bạn trưởng thành.

Cách sửa thứ ba:

Bỏ qua cái mụn đó và nói về những cái khác thú vị hơn.

Nếu người ta có hỏi thì tự tin nói rằng đúng là một quyết định hơi sai một chút. Nhưng bạn đã vượt qua nó và trưởng thành rồi nên bạn sẽ không lặp lại lỗi lầm đó nữa. Cách này dễ nên mình hay khuyên các bạn dùng. Hơn nữa nếu có ai để ý đến phần đó trong hồ sơ của bạn. Sau đó hỏi bạn lúc phỏng vấn thì tự dưng bạn lại có nhiều câu chuyện để nói hơn. Và có thể trở thành một người thú vị trong mắt trường.

  • Lỗi 4: GIỌNG VĂN TIÊU CỰC

Các bạn luôn được khuyên rằng khi viết bài luận cho trường Mỹ thì phải làm sao để bài luận thật cá nhân và lôi kéo được cảm xúc của người đọc. Nhiều bạn hiểu lầm rằng thế có nghĩa là viết những từ mang tính chất cảm xúc cao vào. Để cho người ta đồng cảm với mình và dễ cho mình học bổng hơn. Mình đồng ý với việc dùng những từ cảm xúc cao tích cực (VD: enthusiastic). Nhưng lại đặc biệt phản đối những từ mang tính chất tiêu cực (VD: frustrated).

Lý do:

Những từ tiêu cực cũng thể hiện tiêu cực về bạn dù câu chuyện của bạn có thế nào đi nữa.

Ví dụ, bạn thể hiện sự đau khổ “frustrated” trước việc bố mẹ luôn ép bạn lấy chồng. Thì trường sẽ nghĩ “Ôi có một việc bé xíu mà đã thế thì sau này đương đầu với sóng gió lớn hơn thì sẽ ra sao”.

Một ví dụ khác, bạn mình có đứa bỏ chồng. Nếu chẳng may nó viết vào bài luận là sau khi bỏ chồng gục ngã, đau đớn thế nào. Thì người xét tuyển bên trường có thể cảm thông. Nhưng não của họ thì vẫn quả quyết rằng bản lĩnh người này hơi kém chỉ vì ngôn ngữ quá tiêu cực. Vậy làm sao sửa?

Chuyển đổi cảm xúc tiêu cực thành hành động tích cực:

Thay vì nói về chuyện bỏ chồng đau khổ. Thì nói về quyết tâm tìm lại bản thân sau khi bỏ chồng. Như thế trường sẽ thấy người này vượt qua đau thương một cách mạnh mẽ.

Dùng thái độ trung tính với những chuyện tiêu cực:

Chuyện phân biệt giới tính ở châu Á thì rất rõ ràng. Tuy nhiên khi các bạn nữ viết rằng các bạn khó chịu về những việc này. Thì lại cho thấy các bạn không chủ động giải quyết nó mà chỉ kêu ca thôi. Nếu các bạn có thể dùng ngôn ngữ trung tính kiểu như “thấy việc này khá kì quặc”. Rồi nói muốn tìm hiểu và trải nghiệm thêm ở trời Tây để mang làn gió mới về châu Á. Thì tự dưng bài luận sẽ trở nên tích cực và trường cũng nhìn bạn với một con mắt khác.

  • Lỗi 5: CÁCH VIẾT BÀI LUẬN THỂ HIỆN VIỆC BẠN BỊ HIỂU SAI VỀ CHÍNH NGÀNH MÌNH ĐANG ỨNG TUYỂN

Nếu bạn ứng tuyển thạc sĩ chuyên môn và bậc học tiến sĩ thì lỗi này là lỗi chết người nhất. Tất nhiên, khi bạn ứng tuyển tiến sĩ Mỹ không ai bắt bạn phải làu làu kiến thức của toàn ngành cả. Nhưng nếu bạn ứng tuyển ngành chuỗi cung ứng mà bài luận của bạn cứ lải nhải “operations efficiency – hiệu suất hoạt động” của bên ngành quản lý công nghiệp (industrial engineering, operations management). Hoặc phân tích hoạt động doanh nghiệp (business analytics). Thì bạn làm sao vào được? 

Hoặc gần đây nhất mình có xem một bài ứng tuyển cho ngành Văn hóa chính trị phương đông. Nhưng trong bài luận những câu chuyện cá nhân mà em kể lại thể hiện rằng em không quá hiểu về lý thuyết Nho giáo. Và còn nhỡ tay phê phán nhầm rằng Nho giáo không cân nhắc quyền lợi của người phụ nữ. Mặc dù ý này không được nói thẳng ra nhưng hàm ý là đủ chết rồi.

Cách sửa:

Đọc nhiều nghiên cứu về ngành mình học trước khi ứng tuyển để xem mình có hiểu đúng về ngành không. Kể cả với câu chuyện cá nhân trong bài luận, bạn cũng phải so sánh lại với một số triết lý cơ bản “philosophies” của ngành xem có bị lệch tí nào không. Nếu không thì mọi cố gắng đều thành công cốc.

 
Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987