Connect with us

Hi, what are you looking for?

Kinh nghiệm

Kinh nghiệm xin học bổng MBA Mỹ (Phần cuối – Giải thích chi tiết hồ sơ xin học bổng – Phần 2)

4. CV (Résumé)
Mỹ hay sử dụng chữ Résumé hơn là CV, 2 cái này thực chất có một số điểm khác biệt nhưng để đơn giản các bạn cứ coi là một, chính là cái CV mà các bạn hay nộp để đi xin việc. Mục đích yêu cầu nộp CV là để bộ phận tuyển sinh có cái nhìn tổng quan tóm tắt về bạn liên quan đến kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, hoạt động ngoại khoá, mục tiêu nghề nghiệp, sở thích, v.v… Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa MBA và thạc sỹ hàn lâm, kinh nghiệm làm việc rất quan trọng. Một số trường sẽ giới hạn bạn chỉ được nộp CV 1 trang, nên bạn lưu ý trình bày CV phải thật sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, tránh rườm rà. Nếu bạn nào CV đang từ 3 trang trở lên thì nên lập tức xem lại. Trong vòng đọc lướt hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng trung bình chỉ đọc CV của bạn trong 6 giây, hãy tận dụng 6 giây đó để gây ấn tượng tốt nhất và đừng quên cho ảnh vào CV nhé.
MBA đánh giá rất mạnh vào việc truyền tải thông tin và tính chuyên nghiệp nên bạn hãy hạn chế việc vẽ thêm hoa bướm màu mè vào CV. Trừ khi trường mà bạn nộp đánh giá cao tính sáng tạo thì bạn có thể thoải mái trình bày theo ý của mình.
*Vấn đề nhảy việc nhiều, có nên ghi trong CV không?
Nhà tuyển dụng sẽ lo ngại về việc bạn hay nhảy việc, nhưng các trường bên Mỹ thì ngược lại. Các trường chú trọng nhiều hơn đến việc bạn làm cho công ty nào và làm gì. Công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia (Fortune 500) sẽ được đánh giá cao hơn; quá trình làm việc của bạn cần phải thống nhất với nhau và thống nhất với chuyên ngành bạn định học. Ngay cả những khoá Early Advantage và Career Change MBA là khoá dành cho sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người muốn thay đổi nghề nghiệp đang làm sang lĩnh vực khác, việc bạn kiên trì theo đuổi một mảng công việc nhất định và thể hiện sự thăng tiến trong quá trình làm việc sẽ khiến thầy cô nhận thấy sự kiên định và nghiêm túc trong quyết định của bạn. Các trường rất chú trọng vào vấn đề các công ty mà bạn làm việc có phải công ty lớn hay không, vì bản thân quy trình tuyển dụng vào các công ty lớn thường khá ngặt nghèo. Bạn nhảy việc nhiều và nhảy vào toàn công ty lớn thì chứng tỏ bạn giỏi, cầu tiến và năng động (đây là điểm cộng), nhưng nếu nhảy quá nhiều, một vài tháng nhảy vài công ty thì chứng tỏ bạn không nghiêm túc.

5. Thư giới thiệu
Trước đây mình từng thử nộp học bổng của trường bên Hà Lan và Phần Lan thì mình nhận thấy các trường châu u thường khá thoải mái về thư giới thiệu, nghĩa là không quy định nội dung hay độ dài thư mà chỉ cần viết ra đúng như một bức thư là được. Tuy nhiên, thư giới thiệu cho hồ sơ MBA của Mỹ có những điểm khác như sau:
– Bạn sẽ được yêu cầu gửi thông tin của khoảng 2 người là sếp trực tiếp hoặc thầy cô từng dạy bạn. MBA yêu cầu BẮT BUỘC 1 hoặc cả 2 người phải là sếp trực tiếp, trong khi MSc và MA thường yêu cầu bắt buộc 1 trong 2 người phải là thầy cô.
– Trong khi điền đơn xin nhập học, bước cuối cùng là điền thông tin của người viết thư giới thiệu. Bạn phải điền địa chỉ email của người đó (nên điền mail công ty vì nếu mail cá nhân như gmail hoặc msn thì trường sẽ phải thêm 1 bước xác thực nữa), sau đó hệ thống sẽ tự động gửi email về hòm thư của họ, trong đó sẽ có đường link để họ bấm vào và trả lời rất nhiều câu hỏi cụ thể mà trường đặt ra, có cả trắc nghiệm và tự luận, vì vậy việc một số bạn sinh viên khi nộp hồ sơ hay “viết sẵn” thư giới thiệu để người đó điền vào sẽ chỉ có tác dụng tham khảo vì bạn không thể biết là trường hỏi cái gì.
– Bạn sẽ được lựa chọn xem hoặc không xem thư giới thiệu, mình thì không xem thư nào vì 100% tin tưởng vào các sếp cũ. 
Như vậy, nếu bạn nộp 10 trường thì mỗi sếp sẽ phải làm 10 thư giới thiệu không cái nào giống cái nào và ở đây là trả lời câu hỏi trực tiếp của trường, rất nhiều câu hỏi cả tự luận và trắc nghiệm chứ không phải rập khuôn. Vì vậy trước khi xin học hãy trao đổi rõ ràng với các sếp về việc này, và hãy ghi nhớ rằng để viết thư giới thiệu cho bạn, các sếp đã mất khá nhiều thời gian, tư duy và công sức, đừng quên những đóng góp của họ.

6. Bài luận
Đây là phần được nhắc đến nhiều nhất trong các ví dụ về học bổng mà các bạn vẫn thường đọc trên sách báo. Tuy nhiên, bài luận nộp học của MBA rất khác so với dạng bài luận vào đại học, việc viết bài luận về không khí nồm ẩm của Hà Nội, bố mẹ chia tay, chiếc bàn gãy 1 chân, v.v… để thi vào MBA là không có.
– Về nội dung: thường các bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi dạng: Vì sao học MBA, vì sao chọn trường này, vì sau thời điểm này đi học MBA, bạn có điểm mạnh/điểm yếu gì, bạn sẽ đóng góp gì cho trường, bạn có đặc điểm gì nổi bật, kế hoạch dài/ngắn hạn của bạn là gì, bạn sẽ làm gì cụ thể để đánh giá và thực hiện những kế hoạch đó, v.v…
Mỗi trường sẽ hỏi 1-8 câu, độ dài do trường quy định. MBA đánh mạnh vào sự hiệu quả trong khả năng truyền đạt nên thường giới hạn độ dài của bài luận, qua mỗi năm độ dài này càng bị cắt đi. Bạn hãy trả lời cụ thể, trực diện, ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm, thể hiện được tư duy và tố chất lãnh đạo, và lưu ý không được viết sai chính tả.
– Về hình thức: hầu hết (~100%) các trường sẽ yêu cầu viết bài luận và tải lên dưới dạng PDF. Ngoài ra một số trường sẽ yêu cầu bạn nộp bài luận dạng video, nghĩa là bạn nộp video của bạn trả lời một vài câu hỏi cho trước hoặc trong đơn xin học online sẽ có phần thu video trực tiếp, không dừng lại, không cắt ghép. Bạn cần trả lời nghiêm túc, rành mạch rõ ràng, tác phong chuyên nghiệp và ăn mặc gọn gàng.

7. Phỏng vấn
Sau khi bạn nộp hết đầy đủ hồ sơ và thư giới thiệu, nếu qua vòng đầu tiên trường sẽ mời bạn phỏng vấn. Có trường trên trang web ghi rõ là có phỏng vấn nhưng chỉ 3 ngày sau khi nộp hồ sơ là mình được miễn phỏng vấn và nhận học bổng toàn phần luôn. Như vậy trong trường hợp vì một lý do nào đó mà bộ phận tuyển sinh cảm thấy không cần thiết thì bạn không phải phỏng vấn. Tuy nhiên việc này ít khi xảy ra và đây là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình xin học.
Vì lý do chênh lệch múi giờ nên thời gian phỏng vấn rơi vào giờ hành chính ở Mỹ, như vậy thời gian phỏng vấn theo giờ Việt Nam là khoảng từ 8h tối đến 5h sáng (quá tiện cho các bạn vừa đi làm vừa xin học), bạn được quyền lựa chọn thời gian phù hợp với mình trong khoảng này. Có những điểm cần lưu ý như sau:
– Phỏng vấn video trực tuyến qua Skype hoặc qua một phần mềm nào đó, vì vậy cần lưu ý địa điểm ngồi phỏng vấn phải yên tĩnh, ánh sáng tốt và chất lượng internet ổn định. Trong trường hợp vì lý do nào đó không thể phỏng vấn video (như đợt mình phỏng vấn với 1 trường trúng đợt bão bên Mỹ nên chất lượng đường truyền bên đó kém) thì trường sẽ gọi điện vào di động.
Skype là công cụ quan trọng khi làm việc với các trường của Mỹ.
– Nội dung phỏng vấn thường bao gồm những nội dung liên quan đến hồ sơ (nhất là CV) của bạn. Sẽ có thêm một số câu hỏi để đảm bảo tính xác thực của những thông tin mà bạn điền trong hồ sơ. Có trường còn hỏi câu hỏi tư duy và trả lời bằng cách gõ trực tiếp vào cửa sổ chat trong một khoảng thời gian cụ thể, đây là mục mà mình ngán nhất vì vừa phải nghĩ câu trả lời cho một câu hỏi khó, vừa phải chạy đua với thời gian, lại vừa có người đang ngồi nhìn trực diện vào mình.
– Trang phục khi phỏng vấn thường hên xui tuỳ thuộc vào bên trường, có trường cực kỳ thoải mái, thầy phỏng vấn mặc áo hoodie hoặc cô mặc áo phông, cũng có trường thầy cô lớn tuổi mặc vest, nên để an toàn thì bạn hãy mặc vest hoặc mặc đồ công sở lịch sự, điều chỉnh ánh sáng xung quanh để lên hình trông sáng sủa một chút.
– Cuối buổi phỏng vấn bạn sẽ được hỏi lại thầy cô, lưu ý hạn chế tối đa hỏi những câu mà trên web trường có thể tìm được câu trả lời.
Phỏng vấn xong, thông thường bạn sẽ được biết kết quả trúng tuyển và học bổng, nhanh hay chậm tuỳ trường, hoặc cũng có thể phải phỏng vấn tiếp vòng 2 hoặc trường sẽ yêu cầu bạn bổ sung thêm cái gì đó.
Bạn hãy nhớ dù phong cách của trường có như thế nào thì một bộ vest là thứ không thể thiếu trong chương trình MBA.

8. Các mục khác
Một số trường có thể yêu cầu thêm các mục như chứng minh tài chính, nghĩa là bạn phải nộp sao kê số dư tài khoản ngân hàng để đảm bảo bạn có thể chi trả cho tất cả học phí, chi phí ăn ở và các chi phí khác tối thiểu cho năm học đầu tiên. Như mình đã nói, học phí MBA rất đắt nên nhiều khi số tiền bạn phải chứng minh lên tới $70,000 (~1.6 tỷ VNĐ) là chuyện rất bình thường. Vì vậy bạn hãy kiểm tra xem trường có yêu cầu không, nếu yêu cầu thì nộp sau khi trừ đi học bổng được không. Nếu là mình, chắc chắn mình không thể nộp vào những trường yêu cầu như vậy vì đơn giản là mình không có đủ tiền.

Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987