Connect with us

Hi, what are you looking for?

Chuyện du học

Trường chuyên, du học, bằng tiến sĩ và nỗi đau câm lặng của cô bé 15 tuổi

Nếu bạn nào đã đọc “Bức xúc không làm ta vô can” hay “Thiện, ác và smartphone”, chắc tác giả Đặng Hoàng Giang không phải là một cái tên xa lạ nữa nhỉ? Sách của vị tiến sỹ này viết về những vấn đề rất đời thường, rất thực tế, nhưng lại len lỏi đến từng ngóc ngách của nguồn gốc vấn đề, để lại những dư âm khiến người ta phải suy ngẫm một lúc lâu, để rồi nhận ra rằng nó sâu sa hơn mình nghĩ.

Hôm nay chị muốn cả nhà cùng đọc và suy ngẫm một câu chuyện cũng của tác giả này, viết về một cô bé ngày ngày bị áp lực trường chuyên, du học đè nặng trong lòng. Nếu là cô bé ấy, các em sẽ đối mặt như thế nào?

Sáng nay tôi và ông bà ngoại lại cãi nhau. Tôi không nhớ lý do nữa, chỉ nhớ cuối cùng bà nói: “Mày là cháu tao, tao còn đẻ ra tiến sĩ, bây giờ mày không nghe tao thì mày nghe ai?”
Cả cậu tôi và dì tôi đều là tiến sĩ và đang định cư ở nước ngoài, lương tháng cả trăm triệu.
Bi kịch của đời tôi bắt đầu khi vừa rồi tôi thi trượt chuyên Ams. Từ năm ngoái, cậu và ông bà lúc nào cũng nói là phải vào trường chuyên. Vào chuyên thì mới đi du học được, du học được thì sau này sống mới sướng được. Còn không thì sau này “cạp đất mà ăn” và “đi hót rác ấy.”

Hôm biết tin tôi thiếu nửa điểm, ông bà bảo: “Ừ, mày thì cũng chỉ giống mẹ mày thôi.” Ngày xưa cậu tôi học chuyên Ams, dì tôi học chuyên Ngoại ngữ. “Chỉ có mẹ mày học trường làng nhàng nên bây giờ không đâu ra đâu.” Mẹ tôi làm ở một ngân hàng Đài Loan, lương tháng hơn hai mươi triệu, nhưng với ông bà thế là thất bại rồi.
Tôi cười nhẹ, trượt rồi thì biết làm sao bây giờ. Cái cười không qua được mắt bà, bà bảo là tôi láo, bất cần.

Lại nói về chuyện tiến sĩ, hồi tôi học lớp Tám, mười một giờ đêm thì chung cư có báo động hoả hoạn. Tôi rất thính ngủ, nên bật dậy ngay. Chúng tôi chạy ra cầu thang, bà trước, rồi tôi, rồi ông. Đã leo được hai tầng thì bỗng bà quay lại bảo ông: “Ơ, còn cái bằng tiến sĩ của thằng Thắng!”. Tôi kêu lên, “Ông bà ơi, nó chỉ là tờ giấy thôi mà…”. Nhưng hai người lật đật lộn lại, lấy cái bằng tiến sĩ của cậu đang được treo trang trọng trên tường phòng khách xuống, rồi ôm nó lật đật quay ra, thở dốc. Hồi đó là hai năm trước, nghĩa là lúc đó bà sáu mươi sáu, còn ông bảy mươi. Lúc đó tôi cũng phải quay lại theo vì sợ nhỡ có chuyện gì.
Sau này thì dì tôi cũng đem về một cái bằng tiến sĩ, nó cũng được lồng vào khung vàng và treo trên tường.
Mẹ cũng thỉnh thoảng thử nói chuyện với ông bà để họ đỡ khó tính hơn: “Bố mẹ cũng có chỗ này không hợp lý…” Ông bà sẽ ngắt lời: “Tao đã nuôi dạy hai đứa con tao thành tiến sĩ, mày không phải dạy khôn tao.” Rồi họ quay ra tụng kinh.

Ông bà hay bắt tôi tới chùa nghe kinh, ở nhà thì mở cái đài đọc kinh suốt ngày. Bà dặn: “Mày tu tâm, tích đức nhiều vào thì sau này mới sống sung túc được”. Tôi không cãi lại nhưng nghĩ thầm, thế thì giống như một dạng mua bán à?
Mỗi khi tôi gọi cho bố và khóc ghê quá thì bố lại bảo, “Con phải cố gắng thôi…” Chắc bố cũng không biết nói gì khác. Bố mẹ tôi bỏ nhau khi tôi còn nhỏ, mỗi người ở một nơi.
Hồi lớp Một, tôi gọi bố là “thằng khốn” và bị bà nội tát một cái. Lúc đó tôi mới biết đó là từ xấu. Tôi học chữ đó từ ông bà ngoại. Họ chửi bố ghê lắm. “Ối giời ơi, mày về với bố mày đi, cả cái dòng họ nội nhà mày đúng là khốn nạn vô văn hóa.” Tôi không biết rõ bố tôi đã làm gì, hình như nó liên quan tới việc bố mẹ tôi giành quyền nuôi tôi lúc ly dị. Bố đã làm rất nhiều cách khác nhau nhưng cuối cùng thì mẹ và ông bà ngoại thắng.

Đam mê của tôi là vẽ. Tôi có thể vẽ ngày vẽ đêm, vẽ lúc ra chơi, vẽ vào buổi chiều khi tan học. Thậm chí tôi đã bán được tranh. Tôi đưa tranh lên mấy nhóm trên Facebook, người nào muốn mua sẽ nhắn tin. Mấy trăm nghìn cho tới hơn triệu một cái. Ông bà tỏ vẻ coi thường ra mặt. “Sao mày không học thật giỏi đi, sau này mày kiếm mấy trăm triệu một tháng, giờ mày kiếm mấy đồng lẻ này để làm gì”.
Không hiểu sao ông bà ghét mấy cay ghét đắng mấy họa sĩ vẽ chân dung ở Bờ Hồ. “Cái loại ấy chỉ làm trò hề, ra đứng đường cho chết rét,” mùa đông năm ngoái bà nói vậy. Rồi bà doạ: “Mai mốt tao mua cho mày cái ghế, mày ra đấy mà vẽ.”
Tranh của tôi được tham gia triển lãm hai lần, cùng với tranh của nhiều người khác. Mẹ tới coi một lần, mẹ thấy được treo ở Trung tâm văn hoá Pháp thì nó oách. Nhưng ông bà thì không đến. “Ôi dồi, toàn mấy đứa họa sĩ nghèo đến ngắm tranh của nhau.”

Nên là tôi không dám vẽ nhiều trước mặt ông bà, chỉ vẽ vào tối muộn, khi ông tụng kinh, bà thì đã đi ngủ. Tôi giấu tranh ở dưới gầm bàn, chèn một đống sách lên, hoặc cất trong tủ quần áo. Từ sau vụ ông bà vào phòng tôi, vứt màu và các toan tranh của tôi đi thì tôi phải làm vậy. May mà tôi còn một ít tiền của bố cho để mua lại mầu. Thỉnh thoảng bà lại vào phòng tôi lục lọi. Bà còn vứt cả cuốn Đường thi quốc âm của tôi nữa, để tôi “tập trung vào việc học.”
Từ hôm trượt Ams thì tôi không còn tâm trạng nào để cầm bút vẽ lên nữa. Ngày nào cũng buồn bực, đen tối. Ngày nào ông bà cũng nói: “Mày không thấy nhục à? Mày vẽ nữa đi! Cái Linh ấy, học kỳ nào nó cũng đứng nhất lớp…”, Linh là con cậu tôi, nó học ở bên Úc.

Rồi ông bà đi xem bói, thầy bói bảo tôi sẽ lấy chồng sớm, thế là ông bà càng sợ. “Chết, cái con này trượt trường chuyên, không khéo sau này nó lấy chồng sớm thật”. Cái hôm anh họ bên nội chở tôi về nhà, ông bà nhìn thấy bèn bảo: “À, mày có cái thằng nào thì mày dắt luôn nó về đây đi, tao gả mày cho nó luôn. Cưới chui năm mươi mâm cỗ…”
Tôi phải gọi cho mẹ anh ấy để nhờ xác nhận đấy là anh họ thì ông bà mới xuôi xuôi. Nhưng bà vẫn lo sau này tôi sẽ kết hôn sớm: “Đừng để đến lúc mà cái bụng mày nó phưỡn ra.” Bà chả bao giờ để ý tôi nói cái gì nhưng rất nhớ lời ông thầy bói. Ông bà vứt mầu và toan của tôi đi cũng là vì một ông thầy bói khác nói là tôi theo nghiệp nghệ sĩ nên sau này nghèo.

Ông bà đang tính gửi tôi sang sống với cậu ở bên Úc. Bà bảo: “Cái gì bên đó cũng rẻ lắm, tôm hùm bên đấy rất rẻ, một tuần mày có thể ăn mấy con tôm hùm…” Xong rồi ông nói: “Còn cái vấn đề cá hồi á, cậu mày đi câu cá hồi, câu nhanh lắm, chỉ ăn những miếng ngon thôi còn những chỗ không ngon thì vứt đi, tuần sau lại đi câu tiếp.”
Ông bà không thể chấp nhận được là họ đã nuôi tôi từ bé, giống như đã nuôi dì và cậu từ bé, mà thành quả lại không như mình mong muốn. Bỗng nhiên con bé lại nghe ai đó và quay ra thích vẽ và không chịu cố gắng đi du học để được ăn mấy con tôm hùm một tuần. Năm ngoái ông bà sang Úc thăm cậu và dì, rồi ông bị gout vì ăn tôm hùm nhiều quá. Một tháng ông ăn chay một ngày, vào ngày cúng, còn thì ông rất thích bít tết và tôm hùm, nên là ông bị gout.
Tôi mà sang với cậu thì chắc chắn là hết đời, không thể vẽ vời gì được nữa. Cậu tôi còn ham thành tích hơn cả ông bà nữa. Cái đợt mợ tôi có mang đứa thứ hai thì cậu đang phấn đấu lên chức giáo sư, cậu sợ cái thai ảnh hưởng tới công việc nên cậu muốn bỏ cái thai đấy. Ông bà theo đạo Phật, không đồng ý, nên nó được giữ lại.

Tôi mới mười lăm tuổi, nhiều khi tôi tức giận với những đứa trẻ may mắn hơn mình. Một đứa bạn tôi thích vẽ manga, nó được bố mẹ mua hẳn cho một cái bảng vẽ điện tử, được cho tiền đi học vẽ. Tại sao tôi không được như nó? Cuộc sống của tôi như là trong địa ngục. Tôi ở ngoài đường suốt, về nhà thì cố thủ trong phòng, không chịu xuống ăn cùng ông bà.
Tôi cáu kỉnh và gắt gỏng với người xung quanh. Sáng nay, ông bà cẩn thận đóng kín các cửa lại rồi mới quay ra mắng tôi. Họ muốn giữ một hình ảnh gia đình hoà thuận, hạnh phúc trước mặt hàng xóm. Bên ngoài thì luôn miệng: “Ông nhà tôi thế mà hay…”, trong nhà thì hai người chì chiết nhau toàn chuyện lông gà vỏ tỏi, người này ăn chuối xong không vứt vỏ, người kia vung tay đóng công đức xây nhà thờ họ.

Họ luôn hai mặt như vậy. Đi thăm một người dì trẻ mới sinh con nhưng chưa cưới thì thay nhau bế và khen đứa bé, lúc về thì bảo nhau cái loại con hoang đấy thì làm được gì, không biết thằng kia đã bỏ vợ chưa, thế này thì chỉ đi làm phò. Về quê ăn giỗ thì động viên khen ngợi cậu anh họ của tôi, vừa leo lên ô tô về Hà Nội thì nói ngay là nó lông nha lông nhông, tí tuổi đầu chỉ biết chạy loạn, yêu với chả đương, được cái con bạn gái cũng ngu dốt như nó.
Tôi xin lỗi, sắp sang năm mới rồi mà bạn vẫn phải nghe những lời lải nhải của tôi. Đến giờ thì tôi đã gần như chấp nhận mình không thể theo đuổi nghệ thuật. Tôi sẽ phải làm theo những gì mà người thân độc hại bắt tôi làm. Sáng nay, trên phòng mình, tôi đập đầu vào tường muốn mình chết đi. Nhưng tôi không chết. Tôi gọi cho bố. Bố lại bảo:
“Con phải chịu đựng chứ, chuyện rất bình thường mà…”
Vậy như thế nào mới là bất thường?
Tôi không còn gì để nói nữa. Tôi chẳng có ai trên đời cả.
Không có mục tiêu, không có tương lai.
Tôi không muốn sống như thế này nữa bạn ạ, nhưng tôi có thể làm gì?

Link gốc bài viết:
http://m.soha.vn/truong-chuyen-du-hoc-bang-tien-si-va-noi-d…

Chuẩn bị tốt nhất cho học bổng: Lớp tìm và apply học bổng; Gói sửa hồ sơ; Gói Mentor học bổng
Chi tiết liên hệ hannahed.co@gmail.com
Instagram bạn nào có Insta thì follow nhau ha: https://www.instagram.com/hannahed.co
Nhóm học tiếng Anh: https://www.facebook.com/groups/HannahEdEnglishClubHEC
Nhóm săn học bổng: https://www.facebook.com/groups/scholarshiphunter/
Youtube có rất nhiều Video bổ ích : https://www.youtube.com/c/HannahEdEducationInformationInspi…
Founder: https://www.facebook.com/hoathanhdinh
Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987