Một trong những điểm mạnh của Minh Hương (cô gái 8.5 writing) không phải là từ vựng hay cấu trúc câu mà đó là khả năng lập luận thuyết phục và cách diễn đạt hợp lý có kết hợp tư duy phản biện trong bài viết. Sau đây là những chia sẻ của Hương:
1. Viết bút mực
Để thực hiện phần thi Writing, các bạn có thể chọn bút chì hoặc bút bi. Theo kinh nghiệm cá nhân, mình nghĩ dùng bút bi sẽ giúp các bạn đạt một vài lợi thế so với bút chì.
Đầu tiên, các bạn sẽ tiết kiệm thời gian. Dùng bút chì, khi bạn cảm thấy viết sai từ hay muốn trình bày câu văn hay hơn, các bạn có thể bôi đi để viết lại. Một vài bạn nghĩ đây là ưu điểm của bút chì, nhưng đó cũng là điểm khiến các bạn mất thời gian. Theo mình, các bạn cứ dùng bút bi và viết một mạch, nếu có vô ý ghi sai chữ nào thì nhanh chóng gạch bỏ và viết tiếp. Trong trường hợp bạn thấy câu văn mình vừa viết hơi lủng củng thì cũng đừng vội gạch hết đi, thay vào đó bạn hãy dùng câu văn ngay sau đó để giải thích cho câu trước (in other words, that is, it means). Đối với câu văn “chữa cháy” này, các bạn nên chầm chậm suy nghĩ để diễn đạt trôi chảy và văn phong mượt mà hơn. Theo mình đó là cách để dùng một câu hay hơn để gỡ gạc cho câu trước vậy.
Thứ hai, nét mực bút bi giúp chữ viết của các bạn trơn tru và rõ nét hơn. Khi vào phòng thi, mình để ý thấy bàn được trải khăn chứ không phải mặt bàn trơn nhẵn như bình thường trong lớp, do đó khi viết bút chì ngòi nhọn, các bạn sẽ cảm thấy hơi khó khăn khi đi nét bút trên mặt giấy. Hơn nữa, gôm được hội đồng thi cấp cho thí sinh là loại gôm cứng, khi bôi xóa nhiều sẽ làm giấy nhàu nát, chưa kể nét bút chì dù bị bôi đi thì vẫn hằn in lờ mờ trên mặt giấy. Những điều này sẽ làm bài thi cuối cùng của các bạn trông không được sạch sẽ lắm. Một điều nữa, giấy thi cho phần writing kẻ dòng khá đậm, nét chì trên các dòng sẽ không được rõ ràng bằng bút bi.
Dù vậy, lựa chọn viết bút bi cũng có nghĩa là một khi đã sai thì không linh động sửa được như bút chì, cho nên các bạn nên suy nghĩ kỹ càng trước khi đặt bút viết nhé.
2. Charts: viết đủ Introduction, Development và Conclusion
Về phần thi viết chart, các bạn nên nhìn đề thi, khoanh tròn những từ khóa và liếc nhanh qua chart. Trong introduction các bạn sẽ giới thiệu đầy đủ các thông tin như: chart nói về gì, từ năm nào đến năm nào, chia ra bao nhiêu mốc thời gian, biểu diễn bao nhiêu đối tượng và liệt kê những đối tượng đó ra.
Tùy loại chart mà development các bạn sẽ có nhiều hướng triển khai khác nhau, nhưng chung quy vẫn là tìm ra xu hướng biến đổi của số liệu, đối tượng nào có số liệu cao/thấp nhất.
Nhiều sample writing mình thấy không có conclusion, nhưng mình nghĩ các bạn cũng nên viết 1 – 2 dòng cho conclusion. Các bạn chỉ cần tổng kết lại đối tượng có dữ liệu cao/thấp nhất và xu hướng chung thôi, như vậy bài văn tả chart sẽ đầy đủ và chỉn chu hơn.
3. Essays: đọc kỹ đề và trả lời tất cả các câu hỏi
Về bài essay, khi đọc đề các bạn chú ý trả lời đủ những câu hỏi yêu cầu. Ví dụ như lúc mình thi, đề nói về xu hướng chạy theo trang phục phương Tây thay cho trang phục truyền thống, và đưa ra hai câu hỏi: “Why do you think this is happening?” và “Is it positive or negative?”. Hai câu hỏi này cần phải được trả lời trong bài của các bạn. Mình viết một paragraph để trình bày câu trả lời cho mỗi câu hỏi.
4. Essays: một đoạn văn mở rộng
Trong bài essay, mình thường viết thêm một đoạn văn ngắn cuối cùng trước khi kết thúc phần development để hoặc mở rộng ý, hoặc tự phản biện lại. Thường mình dùng cách này cho các đề bài Agree / Disagree, khi đề yêu cầu các bạn chọn một point of view nào đó và nêu ý kiến. Đoạn văn này không cần nói dài, chỉ cần các bạn nêu ra khía cạnh ngược lại của point of view mà các bạn đã đưa ra, nhưng đừng diễn đạt ý quá gay gắt. Điểm chính của đoạn văn này là để giám khảo thấy được bạn có cái nhìn đa chiều về một vấn đề chứ không quá tiêu cực hay phiến diện.
Giá sử trong trường hợp của mình, với đề bài về trang phục phương Tây lấn át tranh phục truyền thống, sau khi trình bày quan điểm về lý do tại sao xu hướng này đang thịnh hành và đó là một thay đổi positive (linh hoạt hơn, dễ hòa nhập khi đi ra môi trường quốc tế, etc.) mình có viết thêm một đoạn văn nói về việc sở thích ăn mặc của một cá nhân là quyền tự do của họ, nhưng đồng thời gia đình và xã hội cũng phải ý thức cao về việc giữ gìn truyền thống dân tộc.
Chúng ta mặc trang phục phổ thông như t-shirt, jeans vào ngày thường nhưng vào những dịp lễ Tết thì nên khoác lên người những trang phục truyền thống (VD: áo dài đi chơi Tết ở Việt Nam) để luôn gợi nhớ cho bản thân và nguồn gốc và sắc tộc của mình. Một cá nhân không thể vì chạy theo xu hướng thời trang thịnh hành mà chối từ, phê phán trang phục truyền thống, bởi vì trang phục cổ truyền là một nét đẹp văn hóa được lưu lại sau hàng ngàn năm lịch sử của một dân tộc.
5. Điều chỉnh thời lượng làm bài
Khi viết chart, mình không lập dàn bài vì sẽ không kịp thời gian. Mình chỉ nhìn qua chart rồi đánh dấu vào những số liệu cần được đề cập trong bài, sau đó bắt đầu viết ngay. Ngày đi thi mình bị lố thời gian phần viết chart qua phần essay khoảng 1 – 2 phút, nhưng nói chung là không nên hoảng. Nếu thấy thời gian gấp quá thì phần essay sau thu xếp thời gian nhanh hơn một chút là được.
Về essay, mình dành từ 3 – 5 phút để làm dàn bài, chỉ ghi ngắn gọn và dùng từ khóa. Mình vừa lập dàn bài vừa nhìn yêu cầu để tránh bị lạc đề. Sau đó mình viết Introduction trong khoảng 5 phút. Khi làm bài hội đồng thi sẽ hiện đồng hồ đếm ngược cho thí sinh, mình canh chừng khoảng còn 30 – 35 phút để bắt đầu viết development là được. Còn conclusion mình dành khoảng 3 – 5 phút để tóm tắt ý lại toàn bài.
Hôm thi, mình vừa viết xong thì chỉ còn khoảng 5 giây, nên cũng không kịp dò lại hết. Vì vậy sự chính xác trong chính tả, ngữ pháp khi đang viết là rất quan trọng, trong trường hợp sau khi viết xong không đủ thời gian để kiểm tra lại nữa.
6. Xin thêm giấy
Mình cũng lưu ý khi các bạn cần xin thêm giấy làm bài. Thường thì hội đồng thi không phát dư giấy làm bài, mà chỉ một tờ cho Task 1 và một tờ cho Task 2. Lúc viết các bạn nên chú ý nếu thấy trước một tờ là không đủ thì phải xin giám khảo cho thêm tờ thứ hai ngay.
Lúc xin giấy, giám thị không đưa ngay lập tức mà đứng canh chừng đến khi nào giấy làm bài của mình còn vài ba dòng mới đưa giấy thêm và kẹp hai tờ lại. Khâu chuẩn bị này cũng tốn thêm khoảng 1 phút làm bài, nên các bạn lưu ý thời gian. Các bạn nhớ là tờ thứ hai cũng phải điền đầy đủ thông tin như tờ đầu tiên. Khi được phát giấy thì các bạn cứ ghi ngay thông tin vào rồi mới tiếp tục làm bài.
7. Tập viết nhiều trước khi thi
Do mình ôn gấp chỉ khoảng 3 tuần trước khi thi nên mình phải tự mua sách về luyện chứ không đăng ký học ôn IELTS kịp, nên việc ôn viết và nói khá khó khăn vì không tự đánh giá trình độ được. Vì vậy nên mình đã cố gắng luyện viết thật nhiều. Nếu có thể các bạn nên nhờ ai đó xem và nhận xét bài viết để tự đánh giá được trình độ.
Về việc mua sách để tự học, mình nghĩ các bạn nên mua một cuốn sách mà các bạn thấy phù hợp với nhu cầu nhất và chỉ ôn trong một cuốn đó thôi, không nên ôn một lần quá nhiều đề cương sẽ dễ bị rối.
Một ngày mình phải tự làm nhiều bài viết, khoảng 3 – 5 bài. Khi viết xong, các bạn nhờ người khác xem hoặc tự đọc lại, so sánh với những sample writing của đề viết đó, rút ra những cách dùng từ hay và ghi chú lại. Trước khi viết một bài khác thì mình nhìn lại hết trong note đó để ghi nhớ và cố gắng áp dụng vào các bài viết sau đó.
Khoảng một tuần trước khi thi, mình vẫn tiếp tục luyện viết và lấy các đề thi ra làm thử, canh đồng hồ đúng một tiếng để tự đánh giá xem mình cần phải điều chỉnh thời gian hợp lý cho ngày thi chính thức.
Chúc các bạn thành công
Nguồn: Minh Hương