Kinh nghiệm giành học bổng

[Apply experience] KINH NGHIỆM SĂN HỌC BỔNG TRỢ GIẢNG FULBRIGHT – ĐẠI HỌC BANG MICHIGAN, MỸ

Bạn đã từng nghe đến học bổng Fulbright danh giá của chính phủ Hoa Kỳ? Bạn muốn được theo chân sinh viên Việt Nam hiện đang du học Mỹ để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống học tập và làm việc trong môi trường giáo dục đại học xứ sở cờ hoa? Bạn mong tiếp thêm động lực để tiếp tục dự án của riêng mình qua cảm hứng mà những dự án lý thú khác mang lại? Bài phỏng vấn này của USIS Education sẽ mang lại cho bạn tất cả những điều đó.

Chào Quy, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân mình?

Mình là Nguyễn Thị Quy, hiện tại đang dạy tiếng Việt ở Đại học Bang Michigan (Michigan State University – MSU) trong trong chương trình Trợ Giảng Ngoại Ngữ Fulbright – học bổng toàn phần do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ. Để nói một cách ngắn gọn và ý nghĩa nhất, chương trình kéo dài trong một năm học và bạn vừa có vai trò của một giáo viên, một sinh viên và một đại sứ văn hóa.

Hiện tại mình đang tiếp tục một dự án cùng với các em sinh viên tại Việt Nam, có tên gọi “Learn Vietnamese with ỐI GIỜI ƠI” (Học tiếng Việt với ỐI GIỜI ƠI”).  Cái tên dí dỏm đó phần nào đã hé lộ được sự thú vị của các hoạt động trao đổi văn hóa, ngôn ngữ giữa các bạn Việt Nam và bạn bè quốc tế. Dự án kết nối người Việt Nam và du khách nước ngoài trao đổi văn hóa qua câu lạc bộ nói tiếng Việt, các sự kiện giao lưu kết nối hàng tháng và các phương pháp tiếp cận mới trong việc dạy tiếng Việt.

Điều gì truyền cảm hứng cho bạn để ứng tuyển chương trình này?

Như mình đã chia sẻ, đây có lẽ là chương trình duy nhất mình biết đến mà người đạt được học bổng mang trong mình nhiều “sứ mệnh” đến thế. Đầu tiên là một giáo viên – giảng dạy/trợ giảng trực tiếp trong lớp học tiếng Việt cho các bạn sinh viên Mỹ. Thứ hai là một sinh viên – tham gia trực tiếp các lớp học bổ trợ về phương pháp giảng dạy và văn hóa Mỹ. Thứ ba là một đại sứ văn hóa – thường xuyên đi đến các trường học, trung tâm ở Mỹ để chia sẻ về văn hóa Việt Nam hay tổ chức những hoạt động về tiếng Việt cho chính sinh viên của trường tham gia. Mình cảm thấy chương trình thực sự rất phù hợp, ý nghĩa để sẻ chia và học hỏi.

Vì đã đi nhiều, trải nghiệm ở nhiều quốc gia, cũng đã từng đến Mỹ, mình cảm thấy muốn sẻ chia văn hóa ngôn ngữ nước mình nhiều hơn nữa. Mình rất yêu tiếng Việt và càng dạy lại càng thấy yêu hơn và mình mong có thể truyền phần nào tình yêu ấy đến bạn bè quốc tế.

Ban đã chuẩn bị những gì (hoạt động, học tập, tinh thần) để ứng tuyển thành công?

Mình nghĩ là bất kỳ học bổng nào cũng cần có thời gian và sự chuẩn bị. Nhưng nó không hẳn là ngồi và vẽ ra để đạt được học bổng này thì cần phải nhanh chóng tham gia hoạt động gì, thể hiện mình là người như thế nào hay thi cấp tốc để có bằng tiếng Anh gì đó. Học bổng này yêu cầu ở ứng viên sự tích cực hoạt bát, năng lực sư phạm, khả năng tiếng Anh và tinh thần học hỏi, giao lưu. Mình nghĩ những công việc và dự án mình đã và đang làm đều phần nào giúp mình rèn luyện những kỹ năng trên. Trong nhiều năm qua, mình cũng tham gia nhiều chương trình quốc tế liên quan tới văn hóa hay cộng đồng như JENESYS, AISEP, YSEALI cùng một số chương trình giao lưu ở Đông Nam Á. Mình cũng mở thêm một số lớp học thiện nguyện và dự án trao đổi văn hóa ở Việt Nam… Tất cả đã giúp mình tự tin hơn rất nhiều để ứng tuyển.

Bạn có thể chia sẻ thêm về những hoạt động dành cho sinh viên quốc tế theo học chương trình này?

Có rất nhiều hoạt động cho học giả tham gia chương trình. Về mặt học thuật, có rất nhiều hội thảo hàng tuần về các kỹ năng, phương pháp giảng dạy mới, các buổi sẻ chia ý tưởng giảng dạy của chính các học giả cho nhau.

Về khía cạnh văn hóa, rất nhiều chương trình hay do một số trung tâm trong trường tổ chức như I-SPEAK, CELTA, đã đưa các học giả đến nhiều những ngôi trường, trung tâm của bang để sẻ chia về văn hóa và ngôn ngữ nước mình. Mình đã gặp các học sinh tiểu học, hội phụ nữ hay hội hưu trí để nói về Việt Nam và những thay đổi của đất nước mình. Ngoài ra còn có các hoạt động Homestay hay kết nối bạn bè Mỹ nữa – qua đó mình cũng hiểu thêm về văn hóa và con người nước Mỹ.

Về các hoạt động xã hội – ngoại khóa, có rất nhiều câu lạc bộ, sự kiện để tham gia hàng tuần. Trường MSU có hơn 900 Câu Lạc Bộ và Tổ Chức – một con số mà mình rất sốc khi lần đầu nghe thấy. Bất kể một sở thích, đam mê nào cũng đều có thể tìm thấy trong các CLB ấy. Mình tham gia nhảy, vẽ và CLB nói tiếng Pháp.

Một ngày điển hình của bạn ở Mỹ diễn ra như thế nào?

Một ngày của mình bắt đầu từ 7h sáng, lên kế hoạch cho một ngày với 3 hoạt động song hành: Đến lớp đi học, thiết kế và giảng dạy cho sinh viên (có hôm thì trực tuyến, có hôm thì trực tiếp qua các khung giờ nói tiếng Việt), sau đó là tham gia các hoạt động sẻ chia văn hóa. Vui một cái là học bổng có bao gồm cả ăn uống thoải mái trong các căng tin của trường nên các học giả khác và mình luôn dành thời gian đó gặp gỡ, ăn uống và sẻ chia cùng nhau. Buổi tối thường là thời gian cho hoạt động của các câu lạc bộ hoặc là chị sẽ đọc sách và vẽ. Có hôm mình sẽ đi găp gỡ gia đình homestay, có hôm thì đi gặp gỡ bạn bè Mỹ. Nói chung ngày nào mình cũng hòa vào vô vàn hoạt động. Mặc dù đôi lúc có cảm thấy mệt nhưng được làm những gì mình thích và đam mê là điều ý nghĩa nhất với mình.

Chương trình đã ảnh hưởng và thay đổi tới bạn như thế nào?

Đây không phải là lần đầu tiên mình đến Mỹ nhưng chương trình lần này đã mang tới những trải nghiệm hoàn toàn mới với mình, giúp mình trưởng thành hơn ở khía cạnh là một giáo viên. Trước hết là những phương pháp giảng dạy và những trải nghiệm trong quá trình du học Mỹ đã hình thành thêm nhiều kỹ năng sư phạm cho mình. Việc áp dụng những cách tiếp cận mới giúp mình tự tin hơn khi về nước, và mình rất mong muốn được chia sẻ nhiều hơn tới mọi người.

Thứ hai là mình đã lạc quan và yêu bản thân hơn rất nhiều. Ở đây mình đã dành nhiều thời gian cho bản thân hơn, khám phá những đam mê, sở thích của bản thân và biết tận hưởng niềm vui mỗi ngày. Không hẳn vì môi trường không áp lực hay thời gian rảnh nhưng học cách để sắp xếp thời gian, biết ưu tiên công việc gì và chăm sóc bản thân sẽ quyết định tới cảm xúc của bản thân nhiều. Mình rất vui vì quãng thời gian qua mình đã nhận ra điều đó ở trên đất Mỹ.

Bạn có kỉ niệm đáng nhớ, truyền cảm hứng nào ở trường muốn chia sẻ với các bạn trẻ?

Có lẽ câu chuyện đưa hình ảnh nhỏ bé của Việt Nam ra thế giới luôn là điều mang lại nhiều cảm xúc cho chị ở nơi nước bạn. Mình được mời đến thuyết trình tai nhiều trường học, trung tâm, tổ chức của Mỹ và có lẽ khi nghe tên một cô gái Việt Nam đến chia sẻ, điều đầu tiên không ít người trong số họ nghĩ đến là hai từ “Chiến tranh”.

Ở Michigan nơi mình ở có nhiều người còn chưa đi ra khỏi bang của họ, nhiều người chỉ biết tới “Phở” khi nhắc tới Việt Nam, nhưng cũng có nhiều người 2 tiếng Việt Nam nhắc họ nghĩ tới chiến tranh. Mình đã cố gắng rất nhiều để phát triển từ những chủ đề họ đã biết và đưa dần tới họ một Việt Nam của sự thân thiện, của vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và sự đoàn kết trong suốt chiều dài lịch sử. Mình đã dùng chính chữ “WAR” (chiến tranh) để phân tích một Việt Nam nồng ấm “WARM”, năng động “ACTIVE” và can trường, mạnh mẽ “RESILIENT”. Hôm ấy có mấy khán giả Mỹ nghẹn ngào xúc động!

Một kỷ niệm vui khác đó là ở bên này, các sinh viên Mỹ bảo mình rất giống Chi Pu (vì mình cho học sinh nghe tiếng Việt qua một số bộ phim có Chi Pu). Họ còn chụp video, rồi chụp phút lại cho mình xem. Kỷ niệm có thể nghe thì buồn cười đó lại làm mình thấy thật xúc động vì các bạn ấy hầu hết chưa gặp người Việt ở đây mấy, thấy ai cũng giống ai, nhưng vẫn rất chăm chỉ học hỏi tiếng Việt. Mình lại có thêm nhiều động lực dạy và truyền cảm hứng để các bạn thăm Việt Nam sớm và thấy là Việt Nam không chỉ có mỗi cô Quy hay Chi Pu 🙂

Một vài tips bạn muốn gửi tới những người ứng tuyển khóa sau?

Có lẽ đầu tiên vẫn là mạnh dạn, nhiều bạn không dám thử thách mà cứ nghĩ mình phải thật hoàn hảo/không được mắc lỗi rồi mới dám ứng tuyển. Nhưng nếu không dám một lần ứng tuyển thì sao tìm ra được những hạn chế mà bản thân cần cải thiện?

Thứ hai nữa riêng đối với chương trình này là trau dồi thêm năng lực tiếng Anh, năng lực giảng dạy và đọc học hỏi thêm về văn hóa lịch sử Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác nhau vì đây là những điều quan trọng cho học bổng này để tự tin xây dựng vai trò của một giáo viên, một sinh viên và một đại sứ văn hóa.

Thứ ba nữa có lẽ là cái quan trọng nhất cho mọi học bổng là nên đọc và tìm hiểu kỹ học bổng có phù hợp với bạn về sứ mệnh và mục tiêu của bạn không. Nhiều bạn chỉ nghĩ sẽ được đi Mỹ, được trải nghiệm… nhưng quan trọng là bạn có cống hiến đúng với những gì học bổng đề ra và kết thúc chuyến đi, và xác định được điều bạn mong muốn nhất. Đó là lí do tại sao nhiều bạn cứ ứng tuyển một loạt học bổng mà thất vọng vì không đạt được.

Đã đến lúc thay vì những cái nhìn hào nhoáng bề ngoài, các bạn nên nghiêm túc nhìn lại tại sao bạn lại thực sự muốn chọn học bổng này. Đó là những viên gạch đầu tiên cho một chặng đường thành công. Chúc các bạn thành công!

Nguồn bài viết: USIS Education

Link gốc bài viết: https://usis-education.com/cuoc-song-du-hoc/kinh-nghiem-san-hoc-bong-tro-giang-fulbright-dai-hoc-bang-michigan-my?fbclid=IwAR0UkFYHQokfZzxH1PQf5FzN6ToZzG17SOZW5_ba8YL6LmZOl6flznxxSM4

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987