“If you think you can or you think you can’t you are right”.
Mình đã biết đến YSEALI Academic Fellowship từ lâu, nhưng trong một khoảng thời gian dài, mình chưa bao giờ nghĩ là mình có thể apply và được lựa chọn (vì đơn giản là mấy chương trình ít xịn hơn mình còn trượt lòi mắt nữa là. Tỉ lệ cạnh tranh YSEALI thì cao, và Alumni của YSEALI toàn những người có thành tích khủng, thì làm gì đến lượt mình). Và đúng là không đến lượt mình được chọn thật, vì mình đâu có apply. Cho đến khi mình gom hết động lực, mình bắt đầu nghĩ là mình cũng có thể, mình vượt lười vượt khó, cố gắng vì một ngày được tới Mỹ, thì đúng là mình được thật.
Bạn có thể biết đến YSEALI Academic Fellow, có thể không. Nhưng nếu bạn luôn mong muốn được đi xa, đặc biệt là đến Mỹ, học hỏi, trao đổi văn hoá (xịn xò và không mất tiền), sẵn sàng cố gắng vì điều đó thì mình dành tặng bài viết này cho bạn. Hi vọng những dòng kinh nghiệm hơi dài của bản thân mình sẽ giúp bạn có thêm động lực và tự tin trong quá trình ứng tuyển, vì mình tin rằng “if you think you can or you think you can’t you are right”.
Trước khi đi vào bài note dài như tờ sớ này, mình muốn đặc biệt cảm ơn anh Kiên Đoàn (YSEALI Alumni và Chevening Scholar), anh Đức Anh (Fullbright Scholar) đã nhiệt tình hướng dẫn, mock interview và không thương tiếc “chê bai” những điều xàm xí mình nói/viết. Mình cũng vô cùng cảm ơn cả anh chị alumni khác cũng đã trả lời nhiệt tình các câu hỏi lặt vặt của mình. Tất cả điều đó đã giúp mình nhiều lắm trong con đường đến với YSEALI
Phần 1: YSEALI Academic Fellowship túm lại là cái gì?
1.1. Tổng quan về YSEALI Academic Fellowship
Trước khi lao đầu vào một cái gì đấy thì chắc cũng nên biết rõ nó là gì ha?
Thông tin chi tiết về chương trình các bạn có thể tìm hiểu tại đây: https://vn.usembassy.gov/education-culture/yseali/
Link Apply cho mùa xuân 2020 đây: https://vn.usembassy.gov/wp-content/uploads/sites/40/Announcement-for-Spring-2020-YSEALI-Academic-Fellowship.pdf
Túm lại ngắn gọn vài dòng thì YSEALI Academic Fellowship là chương trình trao đổi 5 tuần tại Mỹ, tài trợ 100% bởi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, cho các bạn trẻ Đông Nam Á từ 18-25 tuổi, trong 3 lĩnh vực: Civic Engagement, Environment, Social Entepreneurship. YSEALI được sáng lập bởi tổng thống Obama. Bạn sẽ có 5 tuần, 4 tuần học, giao lưu văn hoá, ngoại khoá tại 1 trường đại học ở Mỹ, 1 tuần còn lại đi tới những bang xịn nhất của Mỹ như Boston, New York, Washington DC để tham quan và học hỏi.
1.2. Về theme Civic Engagement
Civic Engagement là chủ đề rộng hơn cả so với 2 chủ đề còn lại của chương trình. Bạn nào quan tâm đến giáo dục, tình nguyện, y tế, xã hội, phụ nữ, thanh niên, truyền thông, an ninh… tất cả các vấn đề giúp phát triển cộng đồng đều có thể apply. Các bạn tham gia cùng mình đợt này có background rất đa dạng, từ giáo dục, đến y tế, chính trị, anh ninh, phòng chống thiên tai, phát triển cộng đồng thanh niên, dân tộc thiểu số, …
Trong theme này, bọn mình được học về chính trị, xã hội Mỹ, các cách giải quyết xung đột, thiết lập, quản lý dự án, truyền thông, gọi vốn, nếu bạn nào làm ở non-profot, NGOs, hoặc thường xuyên làm các dự án cộng đồng, thì sẽ thực sự phù hợp
Vì đây là theme mà mình đang tham dự và apply thành công, nên kinh nghiệm của mình sẽ hợp cho bạn nào hứng thú cùng chủ đề, các bạn có hứng thú cái khác nên đọc có chọn lọc nha.
1.3. Vì sao YSEALI xứng đáng trở thành chương trình trao đổi xịn xò nhất
Hi giật tít vậy thôi chứ mình cũng có được đi trao đổi nhiều đâu mà phát biểu liều. Nhưng thực sự đây là trải nghiệm và mình nghĩ mình sẽ không thể sướng được hơn thế lần thứ 2 trong cuộc đời này, vì:
- Trải nghiệm: Tường lịch hoạt động sẽ từ sáng đến tối luôn, Bọn mình được trải nghiệm cả việc học hành, lẫn hoạt động xã hội, giao lưu văn hoá, chính trị, tất tần tật trong 5 tuần. Khoảng 1/3 thời gian bọn mình ngồi ở lớp học, còn lại thì bọn mình đi ra ngoài, gặp các cộng đồng, tổ chức khác nhau, khi thì là trung tâm cho người vô gia cư, cộng đồng người da đỏ, da màu, trường đại học (Havard, Geogre Washington) khi thì tham gia giao lưu văn hoá (đến ở homestay, đi xem kịch, đi ra đồng hái bí ngô, rau quả) gặp gỡ chính quyền, hay tham thú phong cảnh. Mình đã hiểu thêm nhiều về văn hoá, lịch sử phức tạp của đất nước Mỹ, của người da màu và người da đỏ, và cộng đồng, xã hội ở đây phát triển ra sao. Nói chung là vì chương trình của bộ ngoại giao nên có gì hay ho tốt đẹp sẽ được đem ra trưng cho xem hết, để chúng mềnh về còn nói tốt cho Mỹ chứ sao
- Bạn bè: Bọn mình có 21 người đến ừ 10 nước khác nhau, 10 nền văn hoá với đủ các tôn giáo. Mỗi lần nghe chuyện của các bạn là cứ wow wow mãi thui à, vì mỗi bạn là 1 mảnh ghép đặc biệt khác nhau và vô cùng truyền cảm hứng. Mình biết thêm nhiều về đạo Hồi, văn hoá các nước, và những xung đột chính trị ở nước các bạn. Buổi tối bọn mình còn hay tụ tập nấu ăn và gossip, thực sự khi về mình sẽ nhớ lắm những giọng nói đủ ngữ điệu và những con người đủ các tính cách này huhu
Tài chính: Mình không mất 1 đồng nào, tất cả đều được tài trợ, và bọn mình còn được cho tiền tiêu vặt. Tiền có đủ tiêu không á, đủ để mua sắm linh tinh và mua cả đồ vác về nhà ạ. Đi đâu cũng có người đưa đón bằng ô tô, đi học thì được phát ipad (không chỉ cho mượn đâu ạ mà là cho mang về nhà luôn ạ) ở thì ở Residence Inn by Marriot 4 sao sướng như tiên. Sướng quá đến nỗi giờ mình không biết lúc về phải đối mặt với cuộc sống lo từng bữa ăn ở nhà như nào nữa huhu
Phần 2: Vậy làm sao để trúng tuyển
2.1. Bạn cần có gì
- Leadership: Trong tên của chương trình đã có chềnh ềnh chữ này rồi, nên cái này cần thiết khỏi bàn. Mình thấy rất rõ điều này ở các bạn cùng tham gia. Bạn nào cũng có dự án, tổ chức, thậm chí cả trường học, công ty riêng. Riêng mình thì thể hiện leadership trong việc tự propose và lead Storytelling Club của riêng mình khi mình làm thực tập sinh ở Đại sứ quán Mỹ, và phụ trách mảng PR với vị trí Vice President of PR ở Toastmasters Hanoi, và cả công việc của mình hiện nay nữa. Nếu bạn làm co-founder, founder, President, leader của tổ chức nào to to xịn xò thì tốt quá rồi, nhưng nếu bạn không có title gì to nghe nguy hiểm, thì miễn là bạn thể hiện được kinh nghiệm làm việc, ảnh hưởng, truyển động lực, dẫn dắt đội nhóm thì mình nghĩ vẫn được tính là leadership.
- Social Impacts: Cái này với các theme khác chắc chắn cũng quan trọng, nhưng với Civic Engagement là siêu quan trọng. Bạn làm gì thì làm, nhưng việc đó cần có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, giải quyết 1 vấn đề nào đó, vì theme này đặc biệt tập trung vào việc cho bạn trải nghiệm, kiến thức để mang về phát triển dự án, tổ chức hướng đến cộng đồng, xã hội. Ơ cơ mà đừng nghĩ là đi làm tình nguyện hùng hục, làm phi lợi nhuận, phi chính phủ, cho người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi mới được tính nhé. Miễn là bạn hành động hướng đến 1 nhóm người, và kết quả là bạn có ảnh hưởng tích cực đến người ta là được. Với mình, khi nói về leadership, mình cũng kết hợp nói luôn tại sao mình lại làm những hoạt động đó, vấn đề gì đã thôi thúc mình bắt đầu, và sau đó, mình đã ảnh hưởng được đến bao nhiêu người, ảnh hưởng như thế nào.
- You and yourself: Mấy cái trên có thể đứa nào app cũng có (vì đâu phải mỗi bạn đọc kinh nghiệm apply, đứa nào app chả đọc), nhưng bạn, câu chuyện của bạn, cá tính của bạn thì khả năng là nhiều đứa không có. Lúc viết, mình luôn đắn đó làm sao để thể hiện được câu chuyện cuả bạn, cá tính của mình, đam mê của mình, và con người của mình. Hồi đó sếp mình có đề xuất cho 1 định hướng viết bài rất hay, về việc mình đã tham gia dự án dùng mạng xã hội để giúp những nông dân hay chủ shop nhỏ lẻ bán hàng như nào (cái này mình có làm thật nha). Mình viết theo, nhưng rồi gần đến ngày nộp, mình thấy nó chưa đủ sâu, chưa phải là chính bản thân mình, dù nghe rất fancy và xịn xò. Thế là mình đập đi viết lại, cóp nhặt những trải nghiệm của mình suốt thời sinh viên, để nói về niềm yêu thích với communication skills bắt đầu ra sao, mình đã làm gì để giúp mình và những người xung quanh rèn luyện nó (Mình tham gia trợ giảng nhiều lớp public speaking, và có 2 club về communication skills). Rồi với đam mê đó, mình bắt đầu công việc truyền thông trên social media hiện nay như nào. Điều này khiến mình phù hợp với chương trình như nào, mình có thể làm được gì. Các bạn tham gia chương trình, bạn nào cũng có những câu chuyện, cá tính rất riêng. Bạn thì yêu trẻ con, thích chơi với trẻ con nên đi dạy tiếng anh cho các em nhỏ, bạn thì bị hội con trai ở trường nói xấu, hạ thấp dù cố gắng không ngừng, nên quyết đấu tranh vì nữ quyền,… Với cá nhân mình, quá trình viết luận như là tự hoạ chân dung vậy, tự định vị và hình dung ra hình ảnh của bản thân,rồi vẽ lại cho đúng, đẹp hơn được thì càng tốt.
2.2. Vậy làm gì để thể hiện được những điều trên
- Show, don’t tell: Tức là ừng kể lể là bạn làm cái này bạn làm cái kia không thôi á. Cần chứng mình bằng số liệu, bằng việc lượng hoá kết quả của mọi thứ. Ví dụ như bạn tổ chức sự kiện này kia thì sự kiện đó nhiêu người tham gia, nhiêu người tham gia xong rồi thì kết quả như nào. Lúc mình kể về việc mình đã xây dựngcái Storytelling club ở Đại sứ quán Mỹ, mình nói luôn là mới đầu chỉ có 10-15 người tham dự, rồi sau đó, mình đã build club lên 30-40 người tham dự như nào, lúc ban đầu nọi người thấy sao, tham gia club xong thì khác biệt điều gì. Nói chung là nên kể có chọn lọc, và đã nói gì thì mô tả thật kĩ bằng số liệu, để người đọc người ta còn thấy hiểu và wowwwww
- Consistency: Consistency ở đây là cần thể hiện sự thống nhất, xuyên suốt về con ngừoi bạn, cá tính của bạn, đam mê của bạn, trong từng trải nghiệm, trong cả bài luận, và trong cả lúc phỏng vấn nữa. Mình chọn ra 1 keyword cho bản thân, và viết, xong tập mock interview, để làm sao mà tất cả các nội dung đều chỉ xoay quanh keyword đó. Consistency còn là cách bạn thể hiện sự chắc chắn, kiên định, tự tin, quyết liệt vào những gì mình mong muốn và viết ra. Lúc viết bạn có thể dùng những từ mạnh, như I determine, I strive for,… và lúc phỏng vấn phải toát ra sự tự tin, chắn chắn vào những gì mình nói, mình muốn làm, mắt sáng ngời mặt tươi cười vào đó nhé
Phần 3: Vài thứ bí kíp khác mình tích góp để trúng tuyển
- Self-love: yêu bản thân, nghe hơi sến sẩm nhể? Nhưng mà mình thấy, mình có những trải nghiệm hay để viết, và sự tự tin để thể hiện, chính là nhờ việc mình luôn yêu bản thân, cố gắng lân la học hỏi, tham gia hoạt động này nọ, để mình luôn được phát triển, để bản thân mình không những xinh hơn mà còn tốt hơn mỗi ngày. Đến lúc apply cho chương trình, mình mới nhận ra việc mình cố gắng phát triển bản thân đã tích luỹ cho mình những điều giá trị ra sao. Vì vậy, nếu bạn còn nghi ngờ là bạn kém bỏ xừ, bạn chả có gì đáng yêu, thì thôi thôi nhé trượt ngay rồi đấy.
- Mentor: Cái này ôi thôi rồi quan trọng. Mình viết xong draft 1 thấy ôi hay bỏ xừ nhưng thực ra là bỏ đi (theo như lời mentor nọ). Mình tự thấy bản thân may mắn khi được Fullbright Scholar và YSEALI Alumni cum Chevening Scholar hướng dẫn rất nhiều trong quá trình apply. Bạn nên tìm cho mình 1 mentor, hoặc nhiều hơn càng tốt, hiểu bạn, và hiểu cả trường trình, để nhận góp ý đau thương nhưng mang tính xây dựng, vì đôi khi mình không biết cái gì mình không biết ý à. YSEALI alumni ai cũng nice hết nhé, bạn có thể lân la hỏi chuyện, các anh chị không ngại trả lời đâu (Nhưng mà bạn nên xây dựng quan hệ tốt đẹp lâu dài bền vững nha, chứ người thân với người lạ level của mentorship cũng phải khác nhau chớ)
Viết đến đây là quá dài rồi, mình mong rằng ai đủ kiên nhẫn đọc hết đến đây cũng đủ kiên nhẫn áp dụng và ứng tuyển cho YSEALI mùa xuân 2020 và các mùa thu xuân về sau nữa. Những dòng trên là trải nghiệm mang tính cá nhân của mình, cóp nhặt trong quá trình ứng tuyển và lân la xin lời khuyên răn của mentor, là câu trả lời cho câu hỏi: “Làm sao mình đỗ YSEALI”, chưa chắc đúng với câu hỏi“Làm sao để bạn cũng đỗ YSEALI?” nha. Con đường bạn đi có thể khác của mình, nhưng mình tin rằng, nếu bạn mong muốn điều gì đó đủ nhiều, điều đó sẽ thành sự thật.
Chúc bạn may mắn, mình đi tận hưởng ngày cuối cùng của mình tại Mỹ đây.
Tác giả: Lê Linh Ngọc
Link gốc bài viết: https://m.facebook.com/notes/l%C3%AA-linh-ng%E1%BB%8Dc/yseali-l%C3%A0m-g%C3%AC-%C4%91%E1%BB%83-%E1%BB%A9ng-tuy%E1%BB%83n-cho-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-t%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9/1314417175387590/