Chuyện du học

[Apply quote] Chọn ngành, chọn nghề, đừng du học trên mây

Thời điểm thích hợp để chọn ngành học thường là ở cấp 3, khi bạn tìm hiểu về trường đại học. Biết mình muốn học ngành nào sẽ giúp lựa chọn những trường có chương trình phù hợp với mục tiêu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình muốn làm gì ngay ở lớp 11, 12. Có nhiều bạn vẫn vào ĐH bình thường với ngành “undecided”- chưa quyết định. Bạn có thể học các lớp đại cương rồi tìm hiểu xem mình muốn theo đuổi cái gì trong năm thứ hai trở lên.

“Năm nhất- Freshman year

Năm hai- Sophomore year

Năm ba- Junior year

Năm tư- Senior year”

Du học đừng mơ hồ

Lúc học cấp 2 ở Trần Đại Nghĩa, mình chủ yếu học lớp chuyên Anh. Nhưng khi có thi đội tuyển các môn khác, mình cũng thử, và lúc thì vào Hoá lúc thì Văn. Nói chung là có khả năng học đều, nhưng môn Anh Văn thì thấy thích thú nhất. Đến lúc đi du học, mình lo lắng hỏi ba “Ba à, con chuyên Anh mà khi sang Mỹ, tất cả mọi người đều nói tiếng Anh thì điểm mạnh của con có là gì đâu?” Ba cười bảo “Con học đều các môn, đến khi sang Mỹ con có thể chọn. Còn môn Anh giỏi thì qua đó con sẽ không mất nhiều thời gian để bắt kịp các bạn trong tất cả các môn thôi, không có gì phải lo”.

Hồi đó đi du học, đa số ai cũng học Finance và Business Administration. Mình cũng thích làm trong môi trường kinh doanh vì cảm thấy nó năng động, được phát triển nhiều kĩ năng mềm cộng với sự sáng tạo. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình sẽ kinh doanh cái gì, quản lí ai? Kinh doanh là kĩ năng có thể học trong trường lớp hoặc khi đi làm, nhưng mình không cảm thấy nó là một kiến thức rõ ràng mình muốn học trong vòng 4 năm đại học. Mình rất thích môn hoá và sinh, nên sau khi tìm hiểu mình chọn học dược, vì có thể vào làm trong môi trường công ty dược, một sự kết hợp tuyệt vời của kiến thức và kĩ năng mình muốn.

Major & minor

Ngành học chính ở ĐH ở Mỹ thường gọi là major, nó sẽ được viết lên tấm bằng tốt nghiệp của bạn. Ngành học phụ (yêu cầu ít tín chỉ hơn) gọi là minor, thường sẽ không được viết lên bằng nhưng viết vào học bạ. Người tốt nghiệp ĐH thường sẽ được trao bằng Bachelor’s degree, có thể là Bachelor of Arts (B.A) hay Bachelor of Science (B.S). Arts hay Science không có nghĩa là bạn học mỹ thuật hay khoa học, mà nó chỉ chương trình học của trường cấu trúc như thế nào. Bachelor of Arts thường học rộng hơn ngoài ngành chính, rèn các kĩ năng viết, giao tiếp, v.v Bachelor of Science thường học chuyên sâu nhiều môn trong ngành chính, chú trọng kĩ năng lí luận, giải quyết vấn đề, v.v. Hai bằng này khác nhau, nhưng không phải cái này tốt hơn cái kia.

Những major khác nhau đòi hỏi số tín chỉ bắt buộc khác nhau, một số ngành như kĩ sư, sinh học, hoá học đòi hỏi rất nhiều tín chỉ và cả mấy chục giờ thực tập phòng lab. Một số ngành khác như báo chí, ngôn ngữ đòi hỏi ít hơn, nên bạn sẽ có nhiều tín chỉ để học thêm những môn khác, hay lấy thêm minor hoặc một major nữa (gọi là double major). Là sinh viên dược trong chương trình 0-6, tín chỉ bắt buộc của mình đã ngốn hết thời gian nên mình chỉ lấy minor là Business Administration để học cho biết những kiến thức căn bản của quản trị kinh doanh như Accounting, Finance, Economics.

Nhiều người Mỹ học chơi chơi lấy tấm bằng đại học ngành Tâm lý học (Psychology) hay Communications, rồi ra đứng bán cà phê hay làm thu ngân mình thấy khá nhiều. Sau đó họ lại loay hoay mượn tiền đi học tiếp cao học để tìm việc làm đâu ra đó, trả nợ cả đời. Khi còn trẻ, còn khoẻ, còn tiền thì mình khuyên bạn nên chọn ngành khó khi học 4 năm ở ĐH để sau này dễ tìm việc làm, có nghề nghiệp ổn định. Hoặc bạn phải biết major này bằng ĐH ra làm được gì, có cần phải theo đuổi học tiếp cao học hay không. Kể cả những ngành khó như Sinh, Hoá, Lý ở Mỹ thường ít nhất cần có bằng Master mới tìm được việc làm ổn định, còn không thì tiếp tục theo đuổi tới tiến sĩ mới mong có chỗ đứng. Chứ tấm bằng ĐH bây giờ người ta có hằng hà sa số như tốt nghiệp phổ thông, nếu không nghiêm túc có chiến lược thì chỉ mất thời gian và công sức.

Đừng để hệ thống giáo dục đặt chúng ta vào một khuôn mẫu. Không bao giờ là muộn để theo đuổi ước mơ.

Còn nhớ Việt Nam, mình băn khoăn không biết nên chọn thi khối nào, một trẻ vị thành niên 15 tuổi mà bắt chọn ngành chọn nghề cho cả một đời là khá quá sức. Vì hệ thống giáo dục được đặt ra như vậy, đôi khi các bạn học sinh nghĩ mình kém môn toán, hay dở môn sinh và ngại theo đuổi các ngành này.

Theo mình thấy, những bạn ngại mình dở thực ra sức học trung bình hay khá, vẫn có khả năng theo đuổi trong môi trường du học. Các đánh giá ở VN quá khắt khe nên bạn cảm thấy không đủ khả năng, nhưng nhiều người 18-20 tuổi mới bắt đầu học hành giỏi, hiểu bài, ít ham chơi (gọi là “late bloomer” như hoa nở muộn). Vì thế bạn đừng so sánh với những bạn giỏi chót vót mà tự ti, nếu mình thấy đam mê, và có khả năng thì hãy thử sức.

Đại học ở Mỹ cũng khá thoải mái trong việc thay đổi ngành học, một số tín chỉ có thể chuyển qua, hoặc phải học lại nhưng thà là bây giờ còn hơn quá muộn.

Nhưng không thể biến ước mơ thành hiện thực với cái dạ dày trống rỗng
  • Khi nghĩ về tương lai, học ngành gì và làm nghề gì khiến bạn cảm thấy hứng thú nhất?
  • Bạn có đủ khả năng học ngành đã chọn và theo đuổi nghề hay không?
  • Nghề bạn chọn có thể kiếm ra tiền để đủ sống hay không?

Đó là ba câu hỏi mà ai cũng nên tự ngẫm khi muốn chọn nghề. Câu hỏi thứ ba này hơi trần trụi và thực tiễn. Nhưng ba mình từng nói một câu rất chí lí, “con có thể tự do ước mơ, nhưng không thể mơ và biến ước mơ thành hiện thực với cái dạ dày trống rỗng”. Ở đây không nói là giàu, chỉ cần đủ sống. Mình đã từng thích học nhân văn, thiết kế, hay giáo dục. Nhưng cuối cùng thiết thực nhất đối với mình là bỏ nhiều thời gian công sức ra học dược, một môn mình vừa yêu thích vừa thiết thực. Những môn kia vẫn có thể đi học thêm sau này khi đã có cần câu cơm.

Đó là bản thân mình thôi nhé, nếu bạn thực sự đam mê theo đuổi thì không có gì là không thể. Đôi khi nghề chọn mình. Rất nhiều người đi học rồi sau này làm nghề không liên quan hay khác ngành học khá xa. Một khi bạn đã tìm hiểu kĩ hết các sự lựa chọn, quyết tâm theo đuổi, thì dù thị trường sau này ra sao, ít ra bạn cũng không bỏ phí thời gian học hành, vẫn có những kĩ năng đủ để biến chuyển sự nghiệp.

Tác giả: Ngọc Bích, PharmD, RPh

Nguồn bài viết: thetinypharmacist.org

Link gốc bài viết: https://thetinypharmacist.org/2017/03/06/hanh-trinh-du-hoc-phan-4-chon-nganh-chon-nghe-dung-du-hoc-tren-may/?fbclid=IwAR1bwinhZBFoNtNmcmro8SweACWOPnWiwAPs7CInc8emIWHb0Dvj3WlF_wc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987