Kinh nghiệm

[Apply quote] KINH NGHIỆM APPLY HỌC BỔNG HIỆP ĐỊNH HUNGARY – STIPENDIUM HUNGARICUM

Xin chào mọi người! Mình tên là Thanh Mai, học sinh lớp 12 chuyên Văn, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Hiện tại mình đã được trao học bổng Hiệp định đi Hungary – bao gồm học phí và trợ cấp sinh hoạt. Mình muốn được chia sẻ kinh nghiệm tự apply học bổng này như là lời cảm ơn với tất cả những anh chị đã giúp đỡ mình trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là chị Hoa Dinh. Mong rằng với những chia sẻ của mình, quá trình apply của các bạn sẽ dễ dàng hơn đôi chút!!! Bài này khá dài vì mình muốn nói chi tiết, các bạn thông cảm nhé.
Một chút về profile của mình:
– Học sinh lớp 12, chuyên Văn, trường THPT chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa.
– Điểm trung bình 9.1/10, điểm trung bình môn chuyên: 9.2/10
– Giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn năm 2019. Giải Ba năm 2020.
– IELTS: 7.5
– Các hoạt động ngoại khóa:
– 2017-2018: Thành viên Ban kĩ thuật CLB tiếng Anh.
– 10.2018: Đại biểu Thanh niên tiêu biểu về hoạt động thiện nguyện toàn quốc.
– 2018 – 2019: Thành viên Ban nội dung & Chủ tịch Nội san trường THPT.
– 12.2018 – 6.2019: Trưởng BKT Gõ Kiến project (dự án về biến đổi khí hậu).
– 7.2019: Trưởng ban Hậu Cần TEDxYouth Thanh Hóa.
– 8.2019 – nay: Co-founder dự án khuyến học “Đom đóm”.
Mình được nhận 2 offers từ trường University of Szeged và Budapest Business School, ngành Business Administration and Management.

Mở bài đã xong, bây giờ xin phép vào thân bài :))
1. “Có làm thì mới có ăn”- Chuẩn bị bản thân
“Chuẩn bị bản thân” là điều mà tất cả mọi người cần làm trước khi bắt tay vào apply cho bất kì học bổng nào. Quá trình này là quá trình dài nhất và tốn nhiều công sức nhất, và bản thân nó cũng tồn tại nhiều “quy tắc ngầm” mà những “người ngoại đạo” (mình hồi tháng 8 chứ ai) thường không hề biết đến. Sau đây là những quy tắc mà mình đã tự rút kinh nghiệm từ chính những thiếu hụt của bản thân :’( Bởi vì mình tìm hiểu quy trình nộp học bổng khá muộn nên không còn thời gian để phát triển hồ sơ, mong rằng những gì mình viết ở đây có thể giúp các bạn.
Quy tắc 1: Đừng để GPA trở thành mỏ neo ghìm chân bạn.
GPA (Điểm trung bình chung) chính là một thước đo cụ thể để đánh giá năng lực của bạn về mảng học thuật trong một khoảng thời gian dài. Rất nhiều học bổng yêu cầu học sinh phải đạt yêu cầu về GPA để được nhập học; bên cạnh đó, một điểm GPA đẹp cũng là 1 yếu tố rất có tính cạnh tranh.
GPA không phải là tất cả, nhưng theo mình nó là điều kiện cần – 1 nền tảng để thu hút sự chú ý của Hội đồng xét tuyển. Vậy thế nào là một GPA đẹp?
  • Cao (Tất nhiên rồi): Có những học bổng yêu cầu GPA phải là 9.0 trở lên (Ví dụ: Học bổng RMIT)
  • Không “lên xuống thất thường”: Hội đồng xét tuyển ưa thích những ứng viên có điểm số đi lên vì nó thể hiện sự tiến bộ. Đừng để giám khảo phải đặt một dấu chấm hỏi lớn khi môn toán của bạn từ 8.5 tụt xuống tận 6.3. Nhưng mà, nếu bạn có GPA lớp 10 là 7.5 và GPA lớp 12 là 9.2, bạn có thể tận dụng điều này để khai thác thành một chủ đề trong bài luận đấy!
Quy tắc 2: Hãy thi tất cả những chứng chỉ có thể cần sử dụng.
Những bài thi chuẩn hóa (standardized tests) sẽ được sử dụng như là một tiêu chí bắt buộc hoặc tăng sức nặng cho hồ sơ. Phổ biến nhất là: IELTS, TOEFL, SAT, ACT, GMAT (từ Master trở lên),… Book lịch sớm và thi đúng hạn để khi đến mùa apply, bạn đã có sẵn một bảng điểm đẹp và có đủ thời gian để tập trung vào làm hồ sơ nhé.
Như mình thì năm nay mình có chút tiếc nuối. Bởi lẽ lúc trước mình chỉ tâm niệm là đi Mỹ mới cần SAT, nên mình đã không tập trung ôn luyện. Mãi đến lúc bắt đầu tìm hiểu học bổng thì mình mới tá hỏa  Thường thì để có được điểm số đẹp ở các bài thi chuẩn hóa mọi người thường cần ôn trong vòng 1 năm, nên hãy sắp xếp thời gian để có thể đạt được kết quả tốt nhất!
Quy tắc 3: Hoạt động ngoại khóa đúng, đủ, chất.
Đừng như mình! Mình hoạt động ngoại khóa có vẻ nhiều, nhưng mình chủ yếu làm vì sở thích chứ chưa thật sự có chiến lược. Thế thì cần làm gì để có hoạt động ngoại khóa “sang, xịn, mịn” nhở?
1) Biết mình thích gì, giỏi ở đâu và muốn làm gì trong tương lai.
2) Lựa chọn các hoạt động gần với ngành mình chọn.
Thật ra khi mình up profile lên các hội nhóm cũng như nhờ các anh chị đi trước xem xét thì mình đã bị dội cho nhiều gáo nước lạnh lắm. Người thì bảo “Cái em có và cái em cần nó không liên quan gì tới nhau”, người thì nói “Hồ sơ của em không cạnh tranh nổi vì còn rất nhiều bạn giỏi hơn”. Đúng vậy. Để không mắc lỗi như mình, hãy dành thời gian tìm hiểu về tổ chức/hoạt động bạn muốn tham gia, lựa chọn các vị trí làm việc phù hợp với ngành nghề (Ví dụ: Nếu muốn học về Economics thì hãy cố gắng để làm Trưởng ban Tài chính). Đừng lan man! Tập trung, đánh nhanh, diệt gọn!
3) Làm những hoạt động có tính “give back” – “trả ơn” cộng đồng.
Những hoạt động ấy đa phần có thể tìm thấy ở các tổ chức phi chính phủ. Một lần nữa, hãy cố gắng làm những gì liên quan tới ngành.
4) Một mục tiêu, nhiều quy mô.
Nếu có thể, hãy làm ở những tổ chức có cùng một mục đích. Bắt đầu từ những project nhỏ ở trường, ở huyện, tỉnh, vươn lên quy mô toàn quốc và quốc tế. Quá trình này sẽ giúp cho hồ sơ của bạn có một sự phát triển ấn tượng.
Quy tắc 4: Bản giấy và Số hóa.
Hãy lưu trữ tất cả thông tin, giấy tờ về hành chính, thủ tục cần thiết ở cả hai dạng. Photo công chứng nhiều bản, scan màu và lưu trữ có hệ thống, điều này sẽ hữu ích lắm khi bạn phải xử lí nhiều bộ hồ sơ cùng một lúc đó.

2. Nhắm trúng mục tiêu – Tìm hiểu về học bổng
Từ phần này trở đi, mình sẽ tập trung vào học bổng hiệp định đi Hungary nhé! 
– Tên gọi: Stipendium Hungaricum – Học bổng chính phủ Hungary.
Ủa khoan, vậy cái “học bổng hiệp định” là gì vậy? Hê hê, đây chính là cái hay nà:
*Giá trị học bổng
– Hungary sẽ trợ cấp:
  • Học phí (tuition fee),
  • Tiền sinh hoạt hằng tháng (monthly stipend) (1),
  • Nơi ở (Accommodation contribution) (2)
  • Bảo hiểm y tế (Medical insurance);
– Việt Nam sẽ trợ cấp:
  • Vé máy bay một lượt đi và về
  • Phí đi đường (100 USD)
  • Lệ phí làm hộ chiếu, visa
  • Cấp bù sinh hoạt phí (1)
(1): Theo THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG, du học sinh đi học bằng nguồn vốn của nhà nước sẽ được hưởng tổng khoản tiền sinh hoạt hằng tháng là 400 USD/tháng (tương đương 9.280k VND), Hungary sẽ cấp một khoản và Việt Nam cấp bù khoản còn lại. Như năm nay thì phía Hungary trợ cấp 43,700 HUF (tương đương 146 USD), và Việt Nam sẽ cấp 400-146=254 USD. Khoản tiền này bao gồm: Tiền ăn, ở, chi phí đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập.
(2): Khi đi học tại Hungary, chúng mình sẽ được ở kí túc xá miễn phí HOẶC nhận 40,000 HUF/tháng (tương đương 2.950k VND) để thuê nhà bên ngoài. Nhưng bên Hungary cũng lưu ý luôn là thông thường số tiền này hổng đủ để thuê nhà đâu, nhất là đối với bạn nào học ở Budapest (giá thuê nhà ở đây khoảng 65,000~150,000 HUF).
  • Vì đây là học bổng đi theo diện hiệp định nên cần có 3 bộ hồ sơ riêng biệt cho phía Việt Nam và Hungary để được hưởng cả 2 chế độ (Hungary online, Việt Nam online và giấy) . Theo mình biết thì vẫn có anh chị nhận được học bổng từ phía Hungary mà không nhận trợ cấp từ phía Việt Nam đó.
– Ngày mở đơn (2020-2021): 2/12/2019
Ngày đóng đơn: 15/1/2020
– Các thông tin khác tìm hiểu ở đây nè, nhớ đọc kĩ nhé vì hầu như tất cả thông tin bạn cần đều có trong này hết:
QUAN TRỌNG: Hãy tìm hiểu về danh sách các trường có trong phụ lục tại trang Cục hợp tác quốc tế!!!!

3. Trận chiến đầu tiên – Vòng 1
Có một số kinh nghiệm mình rút ra được khi hoàn thành hồ sơ:
  1. Form online của Tempus Foundation rất dễ điền, hầu như các thông tin đều được hướng dẫn cụ thể và có check list. Đối với trường chuyên THPT thì ở phần Education, mục Scientific discipline, các bạn điền tên Chuyên theo cú pháp: Môn chuyên + Major nhé.
  2. Có một số các giấy tờ được nộp muộn hơn so với deadline chung, các bạn đọc trong phần Missing documents ở Call for application. Nếu muốn nộp muộn, các bạn cần đính kèm file ảnh của Declaration for Missing documents. Mình sẽ đính kèm file ảnh ở dưới đây để các bạn tham khảo.
  3. HÃY NỘP TẤT CẢ BẰNG KHEN, GIẤY CHỨNG NHẬN MẶC DÙ KHÔNG CÓ TRONG CHECK LIST!!! Mình đã lo sợ rất nhiều vì mình quên đính kèm file ảnh Giấy chứng nhận giải học sinh giỏi của mình, và khi mail cho trường để xin bổ sung hồ sơ thì trường không chấp nhận. ĐỪNG NHƯ MÌNH!
  4. Không có mẫu cho giấy khám sức khỏe. Bạn chỉ cần có giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện đi học nước ngoài hợp pháp của bệnh viện, dịch và công chứng là được.
  5. Hạn nộp hồ sơ giấy sẽ tính theo dấu bưu điện của ngày gửi.
  6. Mọi thông tin, giấy tờ cần có cho bộ hồ sơ giấy có trong phần Phụ lục 1, file Các phụ lục và biểu mẫu. Nhớ đăng kí cả ở web http://tuyensinh.vied.vn/ nhé.
  7. Danh sách ứng viên sẽ do Sending Partner gửi (tùy vào từng nước, đối với nước mình là Cục hợp tác quốc tế). Sẽ có trường hợp được ưu tiên Nominated và có những bạn sẽ bị nằm trong Reserved list. Điểm khác biệt là, reserved list vẫn có thể bị loại khỏi danh sách nhận học bổng kể cả khi nhận được Acceptance của trường.
4. Gót chân Asin – Khi nhấn nút Submit
– Trước deadline chung, khi ứng viên đã submit đơn thì vẫn có quyền được bổ sung và sửa đổi thông tin. Đảm bảo bản thân đã nhấn vào nút Submit sau khi bổ sung hồ sơ, nếu không, hồ sơ của bạn sẽ bị hủy.
5. Đợt tấn công thứ hai
– Hệ thống của Tempus Foundation sẽ sàng lọc để chọn ra các ứng viên đủ eligibility để gửi về các trường Đại học. Đến khoảng đầu tháng 4 thì các trường ở nguyện vọng 1 sẽ bắt đầu gửi Entrance test cho các bạn. Thường thì bậc Bachelor không cần phải phỏng vấn. Khoảng giữa tháng 4 – đầu tháng 5, nguyện vọng 2 sẽ bắt đầu gửi test. Đừng lo lắng nếu như các bạn phải chờ Test của nguyện vọng 2 hơi lâu hơn với mọi người vì điều đó là hoàn toàn bình thường nhé!
– Sẽ có 1 số trường hợp,khi bạn được nhận ở trường nguyện vọng 1, các trường ở nguyện vọng 2 từ chối bạn mặc dù bạn đã hoàn thành xuất sắc Test. Không cần lo lắng vì nếu được trao học bổng, bạn cũng chỉ được chọn nguyện vọng 1 thuii =))) Điều này KHÔNG ảnh hưởng đến quyết định của Tempus.

6. Đi bắt nữ thần Mặt Trời – Chiến thắng cuối cùng

Ye ye, đến bây giờ thì chỉ còn chờ kết quả thui. Thông thường sẽ có vào khoảng cuối tháng 6, năm nay muộn hơn vì lỗi kĩ thuật nên có vào đầu tháng 7. Kết quả sẽ được gửi không cùng lúc, ngay cả khi bạn bị từ chối thì vẫn có email thông báo. Bình tĩnh chờ đợi!!!
LƯU Ý: NGAY LẬP TỨC HOÀN THÀNH CÁC GIẤY TỜ CÒN THIẾU!
7. Đi đu đưa đi – Hoàn thành
Sau khi hoàn thành tất cả mọi thủ tục, trường sẽ gửi Letter of acceptance cho bạn. Ngay khi có thư nhập học, hãy bắt đầu quá trình làm visa ngay. Rồi bây giờ chờ Cục Hợp tác contact với mình và pack đồ là vừa kịp 

8. Ủa còn gì nữa ta? – Những gì cần lưu ý
– Khi gửi mail cho trường và Cục hợp tác, cần ghi đầy đủ các thông tin: Tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, chương trình dự tuyển (khi gửi cho Cục) nếu không sẽ bị từ chối. Mọi thông tin cần Cục hợp tác hỗ trợ gửi về: info@vied.vntuyensinh@vied.vn
– Hãy nhớ chấp nhận học bổng nhé…
– Nếu status của bạn trên web chưa được cập nhật từ Conditionally awarded thành Awarded sau khi bạn submit các Missing documents, hãy mail cho trường để yêu cầu hỗ trợ.
– Nếu cần postpone học bổng cho nhiều nhất 2 kì với lí do CỰC KÌ ĐẶC BIỆT, hãy làm các bước sau:
  1. Chấp nhận học bổng
  2. Gửi mail về trường Đại học giải thích case của mình, yêu cầu họ gửi bản scan của Giấy chấp nhận postpone (written approval), có đóng dấu.
  3. Gửi mail về Cục, yêu cầu được Cục gửi một approval thứ 2, đính kèm các giấy tờ liên quan để giải thích lí do vì sao không thể nhập học đúng hạn.
  4. Gửi mail cho Tempus, giải thích và đính kèm tất cả các giấy tờ trên. Chỉ khi bạn có một lí do BẤT KHẢ KHÁNG thì quỹ mới đồng ý cho nhập học muộn.
Trên đây là các kinh nghiệm mình có được khi hoàn thành hồ sơ đăng kí học bổng Hiệp định đi Hungary. Nếu có bất kì câu hỏi gì, đừng ngại inbox cho mình nhé. Chúc các bạn apply thành công!
Tác giả: Phạm Như Quỳnh
Link gốc bài viết: https://www.facebook.com/hoathanhdinh/posts/2840881086169264:7

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987