Mời cả nhà đọc bài chia sẻ kinh nghiệm rất bổ ích từ chị Jenny Hoàng trong group Scholarship Hunters nhé.
Hôm qua bạn Thảo Vi có viết một bài về cách để học xuất sắc tại Mỹ và mình đọc xong thì chỉ thấy: “Chăm gì mà chăm thế.” Nhưng đồng thời, mình cũng thấy là cách học của bạn nếu áp dụng cho một chương trình trao đổi như UGRAD thì OK còn nếu bạn học hoàn toàn chương trình Đại học, Thạc sĩ, hoặc Tiến sĩ tại Mỹ thì thực sự là không hiệu quả với cuộc sống Mỹ (còn việc học mình sẽ nói sau)
Nếu chỉ tập trung học mà học tốt thì đó là việc dễ nhất tại Mỹ
Ở Việt Nam, cái tư tưởng mà hầu hết ba mẹ bắt con cái thấm nhuần là phải điểm thật cao người ta mới tôn trọng mình và cũng nhờ tư tưởng này mà nhiều bạn Việt Nam thành tích rất tốt để xin học bổng các nước. Thế nhưng tại Mỹ:
3.2 và 4.0 không khác nhau mấy trong vấn đề xin việc. Với rất nhiều bạn sang đây học, đó mới là mục đích chính chứ không phải chỉ có điểm. Tất nhiên là nếu các bạn có mục tiêu học lên các bậc học sau thì điểm vẫn nên giữ trên 3.6 cho dễ học bổng. Thế nhưng với mặt bằng chung của việc tìm việc, thì thời gian dành cho tìm thực tập và việc làm phải ngang bằng nếu không nói là nhiều hơn việc học.
Thành tích của mỗi người tại Mỹ không được công khai như Việt Nam theo kiểu công bố danh sách. Điểm người nào như thế nào tự người đó biết, việc lên Dean List’s có thể được tuyên dương nhưng cũng không ai nói điểm của bạn ra sao. Vì vậy, thực sự mọi người ở đây không quá quan tâm đến điểm để mà tôn trọng hay ngưỡng mộ người khác.
Thiết kế môn học ở Mỹ cũng rất khác Việt Nam. Thành phần điểm được giáo viên quy định. Cùng 1 môn nhưng 2 thầy cô khác nhau dạy cũng có thể có sách và khung điểm hoàn toàn khác nhau. Việt Nam thì có thể thiết kế bài giảng khác nhau nhưng về mặt chương trình chung và khung chấm bài là tương tự. Vì vậy, Việt Nam tuy mấy năm cuối có chọn môn, nhưng mà chọn thế nào lượng bài tập và việc học vẫn ngang ngang nhau không thay đổi, Mỹ thì rất khác.
Cuối cùng, kể cả với sinh viên trao đổi thì nếu chỉ giảnh thời gian để học không thì bạn đã bỏ lỡ một phần quan trọng không kém đấy là sự hòa nhập thực sự với cuộc sống văn hóa Mỹ. Tham gia ngoại khóa không chỉ để tiệc tùng vui vẻ, mà còn để ngắm cảnh đời, để thấy rằng có những bạn làm 2 việc để kiếm tiền ăn học. Tuy các bạn ấy điểm không cao, nhưng cuối cùng vẫn sẽ có một tương lai xán lạn.
Ngoài ra thì mất công đến Mỹ rồi, chả biết bao giờ quay lại được, nên nếu cố được thì nên đi chơi ít nhất một chuyến ngắm một trong những cảnh đẹp thiên nhiên Mỹ (ví dụ: Grand Canyon, Yosemite, Yellowstone, v.v.) Chả biết bao giờ các bạn mới đi lại được đâu. Đừng chỉ chăm chăm vào chuyện học.
CÒN DƯỚI ĐÂY LÀ CÁCH ĐỂ HỌC XUẤT SẮC MÀ KHÔNG BỎ LỠ 1001 ĐIỀU KHÁC TRONG CUỘC SỐNG MỸ
1) Điểm A hay A+ tốn 10 giờ một tuần một môn, nhưng điểm A- chỉ tốn có 3 giờ còn B+ thì gần như chỉ cần lên lớp và làm bài đầy đủ:
Mình nói điều này vì chính mình làm giáo ra đề sẽ như vậy:
Những câu để lên A, A+ trong đề của mình thường chỉ có những bạn đọc kĩ nhất, đọc đi đọc lại nhiều và cực kì chăm chú nghe giảng thì mới làm được.
Nhưng A- thì chỉ cần nghe giảng kĩ cộng với có một chút chuẩn bị bài là xong.
B+ thì chỉ cần bạn nghe giảng, thậm chí có thể làm bài tập ngay trên lớp, không cần về nhà.
Thực ra, không phải môn nào bạn cũng cần A. Để giữ điểm trên 3.6., bạn chỉ cần 1A, 2A- và 1B+ nếu trường bạn theo hệ 4 môn. Vì vậy, bạn nên chọn trong số các môn mình đăng kí xem môn nào là môn mình muốn tập trung học 10h, 2 môn nào mình sẽ chỉ giành 3h và môn nào thì mình chỉ học vì mình thấy vui vui:
Thường những môn chuyên ngành, liên quan đến tìm việc là mình sẽ thích tập trung để nó lên cao điểm hơn.
Khi phân loại ra như thế các bạn sẽ ít cảm thấy áp lực phải giỏi toàn diện hơn và đôi khi chính vì ít áp lực nên tâm lý thi cử thoải mái, điểm còn cao hơn.
Một quan sát rất hay của mình là những môn mình muốn lấy điểm A, nhiều khi nó rớt xuống A-, còn những môn mình chỉ kêu thích B+, mình lại vọt luôn lên A+. Vậy nên, thư giãn và học để vui cũng là một cách để điểm rất cao.
2) Chọn môn học để cân bằng lượng học:
Như mình đã nói ở trên, mỗi thầy cô, mỗi môn đều thiết kế lớp rất khác nhau từ bài giảng đến khung điểm. Trước buổi đầu tiên của môn học, các thầy cô đều phải đăng khung chương trình (syllabus) lên để sinh viên xem:
Việc đầu tiên khi đọc khung chương trình là mình xem cơ cấu điểm:
Môn nào có quá 30% điểm từ bài tập nhóm thường là môn rất nặng nên một kì mình thường chỉ có 1 môn nặng nhóm như vậy.
Bạn nào cảm thấy mình chăm chỉ mà không quá xuất sắc thì nên chọn các môn có cơ cấu điểm bài tập về nhà cao và đều đặn (từng tuần, hoặc từng buổi) để gỡ điểm cuối kì cho chắc.
Còn bạn nào tự nhận thấy mình thích nghe giảng hơn bài tập và tiếp thu nhanh hơn thì nên chọn những môn mà thầy cô cho bài kiểm tra trên lớp nhiều (thường chỉ nghe giảng hoặc đọc bài trước buổi là làm được). Sau đó về nhà chơi thôi.
Còn bạn nào mà cảm thấy mình là thông minh thiên bẩm thì chọn các thầy cô mà có mỗi 3-5 bài kiểm tra lớn, và đẹp nhất là trong 3 đến 5 bài đó các thầy cô cho bỏ 1 bài điểm kém nhất. Như thế, mình có thể lười học cho một đoạn nào đấy mà điểm vẫn cao.
Cơ cấu điểm đáng sợ 1 – Bài kiểm tra “cộng dồn kiến thức” (cumulative).
Nếu bạn nhìn thấy chữ này trong khung chương trình ngay đầu kì, thì bạn nên nghĩ ngay là nó cực tốn công.
Cộng dồn kiến thức có nghĩa là cứ bài kiểm tra sau thì mình phải học lại những thứ có từ đầu môn học. Mà để nhớ tất cả các kiến thức từ đầu một môn từ đầu kì đến cuối kì là cực kì khó.
Với tư cách giảng dạy, mình thường không ra đề kiểu này với sinh viên cho đến những môn năm tư vì năm tư mới cần kiến thức tổng hợp đến vậy. Thế nhưng nhiều thấy cô thì không quan tâm lắm.
Một kì thường chỉ nên có tối đa 2 môn thi kiểu cộng dồn kiến thức này. Các bạn kì 2 năm 2 thì chỉ nên chọn 1 môn cộng dồn kiến thức. Các bạn bắt đầu sang năm 3, đã hoàn thành các môn điều kiện, thì nên chọn cân bằng giữa các môn cộng dồn (năm tư) và các môn không cộng dồn (năm 3)
Kể cả khung chương trình không ghi cộng dồn, bạn có thể gửi thư hỏi giáo sư xem có cộng dồn hay không để mình cân nhắc chọn môn.
Cơ cấu điểm đáng sợ 2 – Chấm điểm theo biểu đồ chuông (bell curve).
Biểu đồ chuông theo thống kê là phân phối chuẩn. Nếu thầy cô nào dùng biểu đồ chuông để để chấm bài có nghĩa là chỉ có khoảng 5 đến 10% bạn đứng đầu lớp về điểm là được A. 20% bạn tiếp đó được A- và 20-25% bạn tiếp theo được B+
Nếu chấm điểm theo phân phối chuẩn thì gần như bạn cạnh tranh cực kì khốc liệt mới được A. Nên nếu cơ cấu điểm của môn nào đó như thế này thì bạn nên tránh, trừ khi thấy bản thân mình cực kì xuất sắc, hoặc đó là môn bắt buộc.
Với cơ cấu điểm hình chuông này, thường mình chỉ phấn đấu B+ cho đỡ mệt.
Có những thầy cô tuy không viết hẳn vào khung chương trình là cơ cấu điểm hình chuông, nhưng họ lại chấm như vậy.
Vậy nên, bình thường muốn biết một thầy cô dạy khó hay dễ bạn đã nên lên mạng hoặc các nhóm riêng của trường điều tra rồi. Trong các nhóm này, bạn có thể hỏi thêm các bạn đã học là thầy cô này có chấm theo hình chuông không cho chắc.
Cơ cấu điểm đáng sợ 3 – Cộng dồn điểm vào bài cuối kì.
Với mình đây là cơ cấu đáng sợ nhất. Thầy cô cho 4 5 bài kiểm tra chính. Lỡ 1 bài thì điểm chia đều cho các bài còn lại nhưng chắc chắn bạn phải làm bài cuối cùng của kì. Ví dụ bạn làm cả 5 bài thì mỗi bài 20 điểm nhưng nếu bạn chỉ làm 1 bài cuối kì thì bài đó chính là điểm cả 1 môn.
Thường thì thầy cô nào áp dụng cơ cấu này sẽ không để bài kiểm tra cộng dồn kiến thức còn nều cộng dồn cả điểm cả kiến thức thì không nên chọn.
Cơ cấu điểm này hay vì bạn có thể lỡ 1 2 bài theo ý thức của mình mà không ảnh hưởng điểm quá. Nhưng nếu bạn nào mải chơi chỉ làm bài cuối kì thì thực sự nếu không phải giỏi xuất sắc thì điểm cao nhất là B+ cho cả môn, không có đường gỡ. Vậy nên, nếu bạn chọn cơ cấu điểm này thường là tính kỉ luật rất cao.
Mình hay khuyến khích chọn những cơ cấu kiểu này này cho kì 1 năm ba hoặc năm tư vì thời điểm này hay phải tìm việc, và đi phỏng vấn, nhỡ có phải lỡ một bài kiểm tra thì không sao, vẫn có thể tập trung cho tìm việc mà không ảnh hưởng điểm.
Ngoài cơ cấu điểm cho nhóm và cho từng thành phần, cái thứ 2 mình xem trong khung chương trình là lịch theo từng buổi có bài tập:
Các giảng viên ở bậc đại học Mỹ thường sẽ phải cung cấp lịch từng buổi sẽ giảng gì và bài tập về nhà, hoặc bài đọc như thế nào.
Có giảng viên sẽ tự viết đề. Có giảng viên sẽ ra đều theo sách giáo khoa. Mình thường thích những thầy cô ra đề theo sách giáo khoa hơn, vì mình có thể đọc trước, làm trước cả khi thầy cô giảng.
Với những thầy cô tự viết đề bài tập về nhà thì cứ đến buổi dạy họ mới đăng bài tập, không làm trước được nhiều, nên thường đầu kì rảnh mình không làm trước đọc trước được, đến giữa kì bận thì môn nào cũng có bài đọc, bài tập, làm hộc bơ luôn.
Vậy nên, bạn có thể gửi thư hỏi thầy cô xin bài tập trước để bạn làm, hoặc thầy cô không cho thì một kì chỉ nên có tối đa 2 môn như vậy thôi.
Chọn môn đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc bạn cân bằng lượng học, và đảm bảo điểm tốt. Vì vậy, các bạn nên cân nhắc thật kĩ trước khi chọn. Ngoài ra, sau buổi đầu tiên học, nếu bạn cảm thấy không phù hợp cũng có thể chọn bỏ môn và chọn sang môn khác mà không bị ảnh hưởng học phí cũng như thành tích. Đừng có bảo sao làm vậy ngay buổi đầu tiên là được.
3) Học và làm bài tập trước 5 tuần với những môn bạn thực sự cần điểm cao:
Bạn Thảo Vi có nói là bạn ấy viết lại những suy nghĩ của bạn ấy sau bài giảng (self-reflection) để ghi nhớ tốt hơn. Cách này là cách ghi nhớ với từng môn tốt nhưng như thế thì tốn quá nhiều thời gian vào mỗi môn học. Cái bạn cần cân bằng không phải là từng môn học, mà lượng học tất cả các môn từ đầu kì đến cuối kì:
Với những môn bạn xác định cần điểm cao:
Bạn nên chọn những môn mà thầy cô có lịch giao bài đọc và bài tập theo sách giáo khoa, cũng như thành phần điểm nhóm thấp hơn một chút.
Lúc đầu kì bạn ít bài, thì nên cố dồn chỉ học cho môn cần điểm cao này thôi. Trong 3 đến 5 tuần đầu, bạn có thể cố đọc và làm bài tập cho 8 đến 10 tuần đầu của môn này.
Thay vì chép bài trong lúc thầy giảng cho những môn này thì trước khi thầy giảng mình đã tự tổng hợp riêng cho 8 đến 10 tuần đầu. Ghi ra những ý mình sẽ tranh luận và hỏi trong lớp. Nghĩ luôn cả ý kiến trái chiều mà các bạn Mỹ có thể đưa ra.
Trong lúc thầy giảng, mình sẽ không ghi xuống theo gạch đầu dòng của thầy. Mình sẽ tập trung vào tranh luận với các bạn và chỉ ghi xuống những ý mà thầy cô hoặc các bạn nói khác với mình mà có lý. Cái này giúp mình có mạch suy nghĩ riêng, và ghi nhớ theo kiểu mà cá nhân thấy phù hợp nhất ngay từ đâu.
Sau 3 đến 5 tuần đầu thì cứ mỗi tuần mình đọc với làm bài tập của một tuần tiếp theo thôi. Cứ như vậy, môn khó này mình học và tự tổng hợp xong kiến thức 3 đến 5 tuần trước khi thực sự kiểm tra cuối kì. 3 đến 5 tuần cuối có thể học cho những môn mà mình không quá quan trọng điểm phải thật cao.
Với những môn không cần quá cao:
Mình hay chọn những môn có thành phần điểm cuối kì cao hơn. Thành phần điểm nhóm có cao hơn một chút cũng không sao lắm.
3 đến 5 tuần đầu mình vẫn xem đọc trước được gì nhưng không ghi xuống và làm bài tập. Cứ đến buổi nào mình làm bài buổi đấy thôi.
Thế nhưng mình sẽ gửi thư hỏi thầy trước xem chủ đề bài kiểm tra tới là gì trước khi các bạn hỏi. Như thế lúc nghe giảng trên lớp mình sẽ chú ý ghi xuống những cái liên quan nhất đến bài kiểm tra đó, thay vì phải ghi xuống toàn bộ.
Trước bài kiểm tra tầm 2 tuần mình thường lên hẳn phòng thầy hỏi lại xem cái đống mình ghi mình có hiểu đúng không. Chỉ cần 1 buổi tầm 1 giờ với thầy là mình làm bài kiểm tra tốt không tưởng vì cái gì sai hoặc thiếu thầy chỉ cho luôn, coi như mượn lực của người khác thay vì hùng hục cầy.
3 đến 5 tuần cuối, vì mình rảnh tay hơn với môn mình cần tập trung điểm cao, mình có thể ôn nhiều hơn rất nhiều với những môn này.
Nói chung, bạn nên phân loại mục tiêu với từng môn, và cách học với từng môn để môn học của bạn chạy theo bạn chứ đừng có chạy theo lịch được sắp sẵn trong khung chương trình.
4) Hãy dựa vào nhóm của mình, đừng gánh nhóm cũng đừng bắt họ phải điểm A.
Rất nhiều bạn trong này kêu “gánh việc nhóm” hay “gánh team” rất mệt. Mình nói thật với các bạn từ góc nhìn của người Mỹ cũng như góc nhìn của một giáo sư như mình hiện tại, mình không thấy các bạn chăm chỉ khi gánh nhóm, mà mình chỉ đánh giá là các bạn quá tự cao và không biết làm việc nhóm mà thôi:
Bài tập nhóm sinh ra là để các bạn biết kết hợp với các bạn khác. Thực tế mà nói, nhiều thầy cô cũng giống như mình chấm điểm nhóm dựa trên sự cố gắng kết hợp của sinh viên với nhau chứ không phải bài xuất sắc đến đâu. Vậy nên nếu các bạn gánh nhóm, điểm các bạn có thể cao nhưng thực tế là các bạn đã làm sai mục đích bài tập rồi.
Nhóm trong đại học Mỹ cũng rất giống các nhóm công việc sau này và nhóm trong cuộc sống. Giống ở chỗ mỗi người có một mục đích riêng. Có người họ vừa làm vừa học. Có người còn nuôi cả con. Vậy nên, ưu tiên của họ khác nhau rất nhiều so với một người coi “điểm cao” là mục đích tối quan trọng.
Khi có nhóm, nếu mục đích của bạn là điểm thì bạn nên nói luôn với các bạn khác từ đầu là: “Tớ cần điểm để giữ học bổng. Các bạn có thể giúp tớ được không?” Khi mình hỏi họ giúp thay vì làm như thể điểm cao là trách nhiệm của họ thì họ sẽ có phần thông cảm hơn với mình. Còn thì vẫn có những bạn thích ngồi mát được điểm thôi.
Ngoài ra, điểm cao nhất là khi bạn lắng nghe ý kiến của nhóm chứ không phải bạn cứ nghĩ điểm cao xong bắt các bạn khác làm theo. Khi các bạn quá lo lắng điểm cao, rất nhiều bạn chỉ nói là tớ thấy phải làm thế này, các bạn khác nói gì không để ý. Như thế, lâu dần bạn thành tiếng trong khóa là bạn đấy không biết lắng nghe, nhưng được cái làm thì điểm lúc nào cũng cao. Và cuối cùng, bạn chỉ hấp dẫn những đối tượng chỉ thích điểm mà không thích làm.
Chỉ khi bạn biết lắng nghe, bạn mới hấp dẫn những đối tượng có thể không thích điểm cao lắm nhưng muốn đóng góp. Nên có thể bài nhóm môn đầu tiên bạn điểm chưa cao cơ mà về sau bạn làm bài nhóm của môn đó và các môn kì sau đỡ vất vả dần đi.
Nếu kể cả khi bạn làm thế mà vẫn có khi dính những bạn không chịu làm thì sau khi tìm hiểu lý do bạn ấy không làm mà thấy hợp lí (ví dụ: con ốm) thì bạn hẵng quyết định xem có gánh hay không.
Thông thường kể cả lý do rất chính đáng, mình vẫn nhờ bạn ấy làm một phần nhỏ chỉ để bạn ấy có trách nhiệm, hoặc mình giao hẹn luôn là: “OK bài này tớ gánh, nhưng bài sau bạn phải làm phần lớn hơn hoặc không thì tớ sẽ có ý kiến với thầy cô về nhóm.” Bạn cứ giao hẹn trước như vậy thì người ý thức người ta sẽ tự có trách nhiệm hơn vào bài sau. Đừng có vì cả nể hay thương người mà ôm hết cả thiên hạ, không ai thông cảm với bạn đâu.
Nếu bạn kia là thành phần hoàn toàn không có ý thức bạn hoàn toàn có thể trao đổi với thầy cô để thầy cô nhắc nhở bạn kia. Cũng giống như đi làm mách sếp tí thôi. Nếu nhắc nhở không được thì thầy cô vẫn có thể cân nhắc để cân bằng điểm cho bạn, kể cả bạn có hoàn thành như thế nào.
Cuối cùng, mình hay chọn môn có điểm thành phần nhóm không quá cao không phải vì mình không thích làm nhóm. Mình hay chọn như thế để mình có thể thoải mái với các bạn làm cùng nhóm hơn, nếu điểm nhóm có chỉ B+ thì mình vẫn gỡ được bằng những điểm cá nhân khác. Như vậy, lâu dài mình không chỉ có điểm cao mà còn có bạn, và hòa nhập với văn hóa cuộc sống Mỹ tốt hơn.
Mình có bạn mình phải gánh đến hơn 50% công việc nhóm, thế nhưng về sau những người bạn đó rất hay rủ mình đến nhà ăn, thậm chí có bạn còn có chuyến đi chơi lôi mình đi mà không bắt mình trả tiền luôn. Nguyên là bạn ấy nuôi ba con rất vất vả mà chồng thì đi công tác thường xuyên quá, mà mình giúp bạn ấy nhiều trong việc học, thế nên bạn ấy rất cảm ơn. Đến lúc, chồng bạn ấy có thời gian, cả chồng bạn ấy và bạn ấy đều rất vui vẻ và đón nhận mình.
Cái này khác với việc bạn cứ gánh nhóm và thông cảm mà không nói gì với những bạn khác. Nếu bạn không bao giờ nói gì thì người ta sẽ coi đó là việc đương nhiên. Bạn phải trao đổi để người ta hiểu gánh một bài nhóm cũng rất vất vả và vì người ta không làm nên bạn càng vất vả hơn. Cơ mà bạn thông cảm, lắng nghe và vẫn chia sẻ trách nhiệm với người ta.
5) Mượn sức các bạn khác (dù bạn nghĩ là họ lực học không bằng) để học:
Có một thói quen mà mình thấy rất kì lạ của các bạn châu Á nói chung đấy là “học một mình” và có phần “sợ hỏi, giấu dốt”:
Những môn như luật hay văn hóa lịch sử chính trị đôi khi khó hơn vì nó văn vẻ tiếng Anh nhiều mà với dân mình, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.
Thế nhưng thay vì giảnh 10 giờ ra để cày thì bạn có thể túm một thằng Mỹ, làm gương mặt thật tội nghiệp, kêu cứu: “Giảng cho tớ được không?” Chỉ cần nó chịu nói chuyện với bạn 2 giờ là bạn còn hiểu hơn chán vạn đọc sách.
Mỹ kể cả không thích bạn, kể cả không quá giỏi, khi họ được bạn kêu cứu như thế, họ thậm chí cố để học hơn và giảng cho bạn. Lâu dần khi bạn đó có “tâm lý anh hùng” cứu được bạn, họ cũng thích bạn hơn.
Thực ra, khi bạn cố học hiểu để giảng cho người khác hoặc bạn nghe giảng từ một bạn cố học hiểu để giảng cho bạn, thì cả hai bạn đều tiến bộ. Bạn nên chọn những môn mình không phải cố quá nhiều để giảng cho người khác. Còn những thứ không phải là thế mạnh của mình thì nên túm một bạn khác. Như thế bạn, vừa đỡ vất vả, vừa có thêm người thích và quan tâm đến mình. Không việc gì phải giấu dốt. Sự không giấu dốt còn khiến các bạn Mỹ đánh giá bạn là người khiêm nhường và dễ hòa đồng nữa cơ.
6) Hãy thực sự tìm hứng thú trong học tập, chứ không phải điểm cao:
Nghe thì sáo rỗng, nhưng thực sự mình thấy nhiều bạn tìm hứng thú trong việc điểm cao thay vì trong việc mình tìm được kiến thức gì:
Khi hứng thú của bạn là điểm thì mỗi khi điểm bạn không như ý là bạn sẽ dồn hết thời gian cho một môn, học dồn học gấp xong không biết còn đọng lại được gì.
Nhưng khi hứng thú của bạn là kiến thức trong môn học, thì đôi khi bạn nhìn điểm bạn sẽ thấy, à mình sai ở đây. Mình sai là vì mình chưa nhìn nhận được đúng về vấn đề này. Như vậy những cái sai của bạn bạn nhớ càng lâu.
Những bạn hay viết thư cảm ơn mình khi mình dạy một lớp lại thường không phải những bạn được điểm A hay A+ mà toàn là B+. Các bạn luôn viết rằng: “Cô đã giúp em nhìn được em đang bị tập trung vào nhầm hướng khi theo ngành này. Em thực sự cảm ơn cô.” hoặc “Cô ạ em được điểm không cao, nhưng em mới áp dụng cái này cô nói vào dự án này, em thấy vui lắm ạ.” Điểm cao có thể cũng quan trọng, nhưng nó chưa bao giờ quan trọng bằng việc bạn có thể lưu giữ được kiến thức cả một đời thay vì chỉ cho môn học đó.
7) Thầy cô nhớ và giúp đỡ những bạn thực sự có gắn kết tinh thần với họ chứ không chỉ hỏi bài:
Liên tục gửi thư hoặc hỏi bài cũng khiến thầy cô ghi nhớ nhưng họ sẽ chỉ nhớ bạn này hay hỏi. Muốn gắn kết tinh thần với thầy cô thì bạn nên chia sẻ những câu chuyện của cá nhân bạn. Tốt nhất là bạn nói tại sao môn của thầy cô hoặc một bài giảng, một câu nói nào đó của họ có ý nghĩa với bạn. Mình có mấy câu chuyện thế này:
Có một bạn nộp bài kiểm tra nhưng vì mạng trục trặc không kịp giờ. Bạn ấy tá hỏa gửi thư cho mình từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng ngay sau hạn nộp bài. Bạn ấy có kể một chút là vừa làm việc, vừa chăm bà ốm (và sau này mình có kiểm chứng là thật). Mình tỉnh đi vệ sinh mình nhắn lại cho bạn ấy là đừng lo. Bạn ấy nhắn lại cảm ơn mình lập tức giữa đêm khuya nên mình tin là bạn ấy thực sự đã lo đến phát khóc nếu mình không nhận bài. Sau này, mình quan tâm bạn ấy hơn rất nhiều, và thậm chí còn ra thêm cơ hội kiếm điểm thêm cho cả lớp, chỉ vì bạn ấy cần. Sau này bạn ấy ra trường, bạn ấy vẫn nhắn tin cảm ơn mình là: “Nhờ cô chứ hôm đó cô không nhắn về sau còn hỏi thăm bà em, thì em chắc đã bỏ học.”
Một bạn khác thì làm bài kiểm tra trên mạng thì cố tình không đóng, chắc để cho bạn khác chép bài hoặc là làm lại điểm cao hơn (tất nhiên mình đã phòng trừ trường hợp này rồi). Sau đó bạn ấy nhắn mình là: “Mạng bị lỗi, em không nộp được bài.” Mình cười cười, mình cho bạn ấy làm bài kiểm tra khác hẳn với các bạn khác. Thay vì trắc nhiệm thì mình cho bài tập toán khó luôn, nhưng mình trông riêng và mình viết gợi ý đàng hoàng. Cuối cùng, khi làm xong và có điểm, bạn ấy gửi thư cho mình nói rằng: “Cô ơi, em cảm thấy mình thực sự hiểu bài này còn hơn là lúc làm bài kia. Làm thế này em mới hiểu ý nghĩa của việc học thật.” Về sau, mình cũng hay nhắn nhắc nhở bạn ấy học hành và bạn ấy cũng chủ động hơn. Và khi bạn ấy hỏi về một vị trí làm nghiên cứu của trường, chính mình đã giới thiệu bạn ấy cho giáo sư tốt nhất.
Còn khi mình vẫn là sinh viên. Hôm nào mình cũng qua văn phòng một thầy. Nếu thầy không có ở đó thì mình sẽ ăn kẹo và tán gẫu với lễ tân. Thầy có đó thì mình vác luôn bài vào hỏi, làm bài tập cùng thấy luôn. Thầy có hôm còn bảo: “Rõ ràng em biết cách giải bài sao còn hỏi thầy?” Mình lại nói: “Em không sợ không biết cách giải bài. Em muốn nghe thầy nói kinh nghiệm thầy áp những bài này vào đâu trong cuộc sống cơ.” Thầy cười cười. Về sau chính người thầy đó đã giúp mình tiến đến bậc Tiến sĩ và hiện tại mình cũng đang làm bài xuất bản với thầy.
Hầu hết thầy cô ở Mỹ không quá quan trọng học sinh giỏi hay học sinh không phạm một lỗi sai. Họ thậm chí đối với những bạn biết chia sẻ hoặc có lỗi biết quay đầu còn tạo điều kiện hơn so với những bạn “không học cũng giỏi.” Vì thế, thay vì làm siêu nhân hãy thực sự nghĩ đến những người thầy cô này có ảnh hưởng thế nào với bạn và nói cho họ biết nhé.
Cuối cùng thì mình có ngồi chơi chém hoa quả (fruit ninja) trong giờ học không?
Chuyện thật là mình ngồi bàn đầu chém hoa quả, thầy tức quá gọi lên hỏi: “Bài thầy chữa có đúng không?” Mình vì chuẩn bị bài trước tận 5 tuần ngẩng lên nói: “Sai rồi. Và chữa lại luôn.” Mình còn rất nhiều tội khác trong lớp học, như ngồi học thì chat chít với mẹ ở nhà và săn hàng giảm giá trên Amazon.
Nên chuyện dùng Laptop trong giờ hay không là tùy người, cũng tùy thầy cô nữa nhé:
Mình thì không để ý sinh viên dùng gì hoặc có đến lớp không (rất dễ tính) nhưng mà mình hay gọi đột xuất trong giờ xem là ghi bài hay nghịch. Nhưng bạn đó mà thông minh học trước thì mình cũng hay bỏ qua.
Mình cũng hay nhớ tên và gửi thư kiểu: “Nhà em có vấn đề gì à? Sao em không lên lớp?” hoặc “Hôm trước cô gọi em nhưng em không trả lời được, em có cần cô giúp gì không” Hỏi nhẹ nhàng chính ra sinh viên sợ phết nên tự chấn chỉnh cũng nhanh.
Thế nhưng mỗi thầy cô một khác nhé, nên việc dùng hay không cũng nên nghĩ xem mình muốn giữ quan hệ với thầy cô này kiểu gì? Tính cách họ như thế nào?
Còn thành tích mình ra sao?
Mình chẳng những Dean’s List nhiều năm mà đến lúc tốt nghiệp còn một lần được Hiệu trưởng Các trường Sau đại học (Dean of Graduation Schools) và Trưởng khoa (Department Head) rút ví trả tiền tiệc tốt nghiệp cho cơ.
Cuộc sống không chỉ có ĐIỂM CAO HAY THÀNH TÍCH. HÃY HỌC ĐỂ SỐNG CHỨ ĐỪNG SỐNG ĐỂ HỌC.
P.S.: Nếu có người bình luận: “Chị giỏi mới làm được thế.” Thì mình xin phép nói là những cái mình nêu trong bài mới là lượng học cho người hoàn toàn không phải mình.
Mình 3 đến 5 tuần đầu thường đọc hết cả chương trình của tất cả các môn và chơi dài đến cuối kì hoặc dùng thời gian đó xin việc hoặc làm nghiên cứu. Có lúc (mà rất nhiều), mình còn tăng cường số môn thành 7 đến 9 một kì khi có sự cho phép đặc biệt từ Hiệu trưởng.