💁 Dạo này quá trời bạn phải đọc báo hằng ngày để luyện Reading, mở mang kiến thức hỏi chị đọc báo làm sao làm sao? Nay chị share cho cả nhà bài viết này xem “Khi nhà báo đọc báo thì như thế nào?” để các em tham khảo nhé.
📰 Suốt 10 năm viết báo, tôi đọc thông tin theo kiểu kỹ thuật: Nghĩa là 1 ngày đọc chừng 20 tờ, và đọc hết tin buổi sáng ở các báo quan trọng. Sau đó tới đọc mạng xã hội. Và quay lại đọc báo vào giờ tin trưa, chiều và tối.
Rời khỏi công việc viết báo, tôi nhận thấy nhiều bạn đọc hỏi tôi những câu thế này:
✏ Làm sao em biết tin nào thật hay giả? Chính xác hay không?
✏ Tin trên mạng xã hội đáng tin hơn hay trên báo đáng tin hơn?
✏ Tại sao tôi phải đọc báo, có ích gì đâu?
Và nhiều câu hỏi khác. Trong phạm vi bài này, như một phần của mục “Sống mỗi tuần”, tôi sẽ trả lời ba câu hỏi trên.
📰 Làm sao em biết tin nào thật hay giả? Chính xác hay không? và Tin trên mạng xã hội đáng tin hơn hay trên báo đáng tin hơn?
Ở các nước đang phát triển, tin giả xuất hiện như nấm. Nghĩa là, người đọc không ngờ nó xuất hiện, và nó biến đổi rất nhanh, nhưng các cơ quan có thẩm quyền và liên quan (vì còn ít kinh nghiệm) rất yếu ớt khi phản ứng lại nó.
Người làm ra nó, có vài động cơ như sau:
✏ Clickbait – mồi người đọc để kiếm tiền từ click quảng cáo/xem quảng cáo
✏ Tuyên truyền: Thuyết phục người đọc tin vào lý thuyết/lý tưởng của mình để tạo thành phe đủ sức mạnh cho vận động xã hội nào đó. Cái này gồm có: các phe phái chính trị, các nhóm bảo vệ lợi ích của động vật, người LGBT, nữ quyền, ăn chay, tôn giáo…, các phe phái vận động các vấn đề kinh tế (như dùng sách giáo khoa nào, người Trung Quốc vào du lịch đông quá…)
✏ Quảng cáo: Thuyết phục người dùng mua 1 sản phẩm nào đó bằng cách dùng thông tin khiến họ phản ứng (sợ cà phê hóa chất nên mua cà phê thật, sợ rau có hóa chất nên mua rau của nhãn hàng nào đó,…)
Tính lợi ích đặt lên hàng đầu, nên thông tin được “nấu lại” thường có động cơ. Và theo tôi, là gây hại nhiều hơn có lợi.
✏ Để thẩm định 1 bản tin là giả hay thật, đúng hay sai, cần thống nhất với nhau nguyên tắc sau: Không có thông tin nào là sự thật vĩnh viễn – mỗi phần thông tin mình đọc chỉ cung cấp vài ý có thể là thật, và phần còn lại sẽ có động cơ người sản xuất nội dung.
Còn kỹ thuật, tôi mời bạn đọc nguyên quyển cẩm nang độc giả thông minh tại đây. Nó được viết ra dựa trên tài liệu từ Đại học Stony Brook ở Hoa Kỳ, 1 trong những trường tiên phong nghiên cứu về phương pháp đọc báo trên thế giới. Đọc hết nó, bạn sẽ có ý tưởng về các bước thẩm định cái gì là giả là thật.
📰 Tại sao tôi phải đọc báo?
Việc sở hữu điện thoại thông minh và vô số công cụ cung cấp tin đã tạo ra ảo tưởng rằng nếu ta không hiểu chuyện ta sẽ bị bỏ lại, thiệt thòi, mất cơ hội, lạc hậu. Ý tưởng này khiến mọi người liên tục cảnh giác và đọc tin không ngớt. Cộng với khi có mạng xã hội, mọi người tin vào sự quan tâm của người thân, đồng nghiệp, bạn bè, sẽ càng cần phải tiêu hóa nhiều tin tức mà họ nghĩ là “liên quan” đến họ. Ví dụ, bạn sẽ phải nhảy vào đọc vụ động đất vì bạn của bạn vừa share nó. Bạn sẽ phải quan tâm tới vụ sản phụ chết vì sinh con thuận tự nhiên vì người yêu bạn gửi link cho bạn [FYI, đây là tin giả].
Hãy làm rõ với nhau chuyện này: Bạn có thể ngừng đọc báo mà vẫn không toi đời. Hãy yên tâm. Tôi đã thử và còn sống nhăn.
Tuy nhiên, tôi vẫn đọc báo, vì các lý do sau đây:
✏ Thông tin giúp tôi làm việc [vì tôi là nhà báo]. Có thể bạn chẳng cần nó.
Thông tin giúp tôi ra các quyết định cơ bản trong đời sống, như mua sắm gì, có cần tiết kiệm không, giá nhà cửa sản phẩm sẽ biến động sao, nền kinh tế sẽ ổn hay không ổn.
✏ Thông tin cảnh báo cho tôi nguy hiểm: Tháng này có bão không, nếu có thiên tai thì tránh thế nào, đi làm về có ngập không, dịch sởi đang bùng phát ở đâu.
✏ Thông tin giúp tâm hồn tôi đầy đủ: Các bài viết về tình cảm con người, tình yêu, trải nghiệm nghệ thuật, cảm xúc mà tôi tìm kiếm.
Vậy tôi đọc báo như thế nào?
Tôi đã ngừng đọc báo 1 thời gian dài. Sau đó cấu trúc lại phương pháp đọc như sau:
📰 TÔI ĐỌC NHỮNG GÌ QUAN TRỌNG VỚI BẢN THÂN
Tuyên ngôn này khiến tôi thực hiện một số phương pháp như sau:
✏ Loại bỏ tất cả các tờ báo có tin giống nhau, trùng lắp. Ví dụ, để đọc tin nhanh, tôi sẽ đọc Vnexpress (cho tiếng Việt), Reuters và BBC cho tiếng Anh.
Thực ra thế đã là quá nhiều. Cả ba trang này chạy tin tức rất nhanh [và khả năng trùng lắp vẫn cao] nhưng họ hứa hẹn bản tin đáng tin cậy, có kiểm chứng, có phần độc lập về mảng tin tức (dù vẫn hạn chế theo kiểu riêng của họ, như VNE sẽ không thể đăng “lề trái”, trong khi Reuters và BBC có thể, BBC và VNE có quan điểm riêng của họ, Reuters thì chỉ là tin thông tấn).
✏ Sử dụng Google News làm công cụ đọc lướt nhanh có tin tức thời. Không cần đọc hết tất cả bài mà Google cào về.
✏ Tôi quy định giờ đọc báo: Buổi sáng, tôi đọc từ 7 giờ – 8 giờ – và thông tin này sẽ quyết định tôi cần làm gì trong ngày hay suy nghĩ gì sâu hơn. Tối, từ 10h -11h, tôi suy nghĩ kỹ hơn về các bài đọc dài, sau đó đi ngủ. Coi như cả ngày không mất thì giờ đi dạo tin tứ tung.
✏ Sử dụng trình duyệt Incognito trong Google Chrome hoặc Private Window trên Safari để tránh bị lưu Cookies. Nếu bạn bị lưu cookies, từ đó về sau, kết quả tìm kiếm sẽ ưu tiên gửi đến bạn những nội dung y chang hoặc liên quan.
Từ khoảnh khắc đó, thứ bạn đọc chỉ còn là thứ bạn nghĩ. Bạn chả đọc được cái gì mới hết. Tương tự, tôi không đọc tin tức bằng Facebook [tôi chỉ nhận tin báo từ Facebook] vì thuật toán tương tự: Nó chỉ đề xuất những thứ mình muốn, nó lọc bỏ những thứ mình không muốn. Trong quy tắc đọc báo, thứ này cực kỳ có hại, vì bạn sẽ rơi vào một “hành tinh” khác của định kiến, khi liên tục feed chỉ vỗ tay hoan hô cái nhìn hạn hẹp của bạn.
✏ Tôi trả tiền để đọc: Đây là quyết định khó khăn, vì tôi đã quen xài miễn phí. Nó cũng có khăn với các bạn nào còn là sinh viên và ít tiền. Nhưng tôi thử thực hành một năm mua báo. Tôi mua New Yorker, New York Times, LA Times, Medium.
Có vài thứ tôi nhận được:
📎 Tôi buộc phải đọc, vì tiếc tiền. Và vì thế tôi đọc nhiều hơn.
Những tờ có độc giả trả tiền thường sản xuất nội dung cực kỳ hướng về độc giả và vì ta trả tiền, nội dung của họ cũng “đáng tiền”. Ví dụ, mục Smart Living trên New York Times sẽ có 1 bài gửi riêng cho người mua báo hàng tháng, là series khoảng gần chục bài cho một chuyên đề nào đó. Ví dụ như tôi từng đọc các lọat bài như: Sắp xếp lại ngôi nhà để bạn sống tốt hơn, làm sao để làm việc tốt hơn, một năm sống thân thiện với môi trường… Với tờ New Yorker, mỗi cuối tuần tôi đều nhận được thư đề xuất đọc lại bài cũ trong kho báo cũ của biên tập dành cho người mua báo. Nhờ đó, tôi đã tìm thấy những bài viết cực kỳ thú vị về các nhà văn thời Xô Viết, hay nước Mỹ ra sao khi phi hành gia Neil Armstrong đặt chân lên mặt Trăng.
📎 Tôi tiết kiệm thời gian hơn, vì không phải ngồi đọc hàng chục bài báo để bực mình là không có gì hữu ích hết. Và tôi có thể bỏ mua báo nếu thấy tờ đó chẳng cung cấp thông tin gì hay nữa. Vì phải mua, tôi rất ý thức về cái lợi mình nhận được. Thời gian dư ra từ việc chẳng cần đọc linh tinh, tôi có thể làm việc khác.
📎 Có thể bạn thấy tin tức không quan trọng, bạn có thể ngừng đọc báo. Hãy đọc thứ khác để giúp bạn ra quyết định tốt hơn. Bấu víu lấy tin tức trên Newsfeed, đọc mỗi khi có thông báo tin sẽ luôn khiến bạn mệt mỏi vì phải theo đuổi quá nhiều thứ. Tới một hồi, bạn sẽ tưởng cả thế giới sắp sụp đổ, hay chìm vào căng thẳng vì những câu chuyện thời sự luôn làm bạn giật mình cố gắng đuổi theo nó.
📰 Tin tức sẽ không ngừng lại. Đừng để nó khiến bạn khổ sở theo đuổi nó vì sợ bị bỏ lại. Hãy để nó làm mỗi ngày của bạn có ích, trọn vẹn và dễ chịu hơn.
Nếu có thể, bạn hãy chia sẻ cách đọc báo của riêng bạn ở cuối bài, để những bạn đọc khác có thêm tham khảo khác tôi, rồi mình cùng đọc báo thật vui.
Nguồn: Khải Đơn