Chuyện du học

[Apply quote] Coronavirus: Từ góc nhìn du học sinh

Bài viết dưới đây là những cảm nghĩ của bạn Tam Nhu Nguyen, một du học sinh Pháp chia sẻ về tình cảnh du học sinh nói riêng và mọi người nói chung trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang lây lan nhanh ở nhiều nước trên thế giới. Mời cả nhà cùng đọc bài viết (được post vào ngày 21/3 trên Fb cá nhân của bạn) và suy nghĩ thêm về vấn đề này nhé.

—————————————————-

TL;DR: có trách nhiệm với hành động của mình; ngưng chỉ trích; đóng góp cho cộng đồng; bình tĩnh và tin tưởng; đồng lòng; bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Cảnh báo Wall of Text: Bài viết này rất dài, rất rất dài, bởi vì mình thực sự có quá nhiều để nói. Nếu mọi người không định đọc, xin mọi người ít nhất cũng hãy xem tấm hình mình đăng cùng. Mình cảm ơn.

Ai quen mình thì biết là mình không có thói quen đăng stt bày tỏ quan điểm. Một quan điểm cho dù đúng đắn tới mức nào cũng có thể gây tranh cãi. Trên mạng ảo mình cũng không ít lần nhìn thấy những cuộc tranh luận dùng lí lẽ biến thành những cuộc công kích cá nhân. Thế nhưng có những chuyện mình không thể im lặng được. Thế nên hôm nay khi viết bài này, khi chọn đăng public bài này, tức là bản thân mình đã chấp nhận bị công kích và phản bác. Nếu như mọi người muốn phản bác mình, xin mọi người mạnh dạn cmt ở bài này, với lập luận và quan điểm rõ ràng, chứ xin đừng nói kháy, cãi cùn, công kích cá nhân. Đối với những cmt như thế này, mình sẽ trả lời rằng bạn đang công kích mình, và mình xin được xoá những cmt như vậy. Mình chấp nhận những ý kiến trái ngược, chứ không chấp nhận để người khác xúc phạm về phạm trù cá nhân hay người thân và bạn bè mình.

Mình cũng xin nói luôn, mình đang ở nước ngoài. Toàn bộ ý kiến này là chủ quan, từ những gì mình được thấy, được nghe, được đọc trên mạng và từ bạn bè mình. Mình viết sự thật, nhưng là sự thật từ góc nhìn của mình. Cho nên, một lần nữa, nếu có một điều gì đó mà mình nói sai, nghĩ sai, xin hãy cmt để làm sáng tỏ sự thật. Mình thật sự hi vọng rằng phần cmt có thể là phần tranh luận để mọi người tìm ra sự thật. Xin đừng tranh luận để tìm người đúng kẻ sai.

DU HỌC SINH: VỀ HAY Ở?

Mình viết bài này khá muộn. Bởi vì ngay lúc này thì Việt Nam đã đóng cửa biên giới với hầu hết các nước ở Châu Âu rồi. Người chọn trở về thì đã về rồi. Người chọn ở lại cũng đã chuẩn bị tinh thần. Gần như đến bây giờ mọi chuyện đã ngã ngũ xong xuôi.

Thế nhưng một tuần trước mọi thứ không được như vậy. Một tuần trước là khoảng thời gian mọi thứ gần như bị đảo lộn. Số ca ở Châu Âu tăng theo cấp số nhân. Macron ban hành các quy định nghiêm ngặt. Mẹ mình gọi cho mẹ bạn mình, bạn mình gọi cho mình. Khóc lóc. Năn nỉ. Cãi vã. Tất cả các cuộc gọi đến đều chỉ để hỏi cùng một chuyện: Bây giờ đi đâu?

Bây giờ du học sinh phải đi đâu?

VIỆT NAM VÀ 16 CA BỆNH

(Phần này mình viết từ hồi Việt Nam chỉ có 16 ca. Như mình đã trình bày ở trên, mình không có thói quen đăng stt để thể hiện quan điểm. Nhưng trong stt này thì nó nên được đưa vào)

Nhiều người bảo Việt Nam giấu dịch. Nhiều người nước ngoài không tin rằng Việt Nam có thể kiểm soát căn bệnh này. Có khi chuyện Việt Nam thuộc một trong những nước kiểm soát tốt Covid-19 còn làm người Việt bất ngờ hơn cả thế giới nữa.

Ban đầu bản thân mình cũng hoài nghi. Thế nhưng khi nghe câu này của UBND TP HCM thì mình nghĩ mình hiểu câu trả lời. Câu đó như thế này: “Một ca nhiễm cần phải có hơn 12 bác sĩ và hộ lí. Nếu thành phố có 1000 ca thì hệ thống y tế sẽ sụp đổ. Giới hạn của chúng ta là 1000 ca”.

Có phải câu này nghe giống Việt Nam hơn rồi không, nghe đáng tin hơn rồi không? Đây có phải mới là Việt Nam trong suy nghĩ của mọi người không? Một Việt Nam nhỏ bé và thiếu thốn, một Việt Nam không hoàn hảo.

Mình đã luôn nói rằng, Việt Nam thắng bước đầu tiên không phải vì Việt Nam mạnh nhất. Hệ thống y tế của Việt Nam không phải mạnh nhất. Chính quyền Việt Nam không phải tốt nhất. Kinh tế Việt Nam không phải phát triển nhất. Giáo dục Việt Nam không phải tối ưu nhất.

Việt Nam không nhất thế giới, đó là chuyện gần như không thể tranh cãi.

Việt Nam thắng, bởi vì đất nước này biết mình có thể thua.

Bởi vì hiểu rằng mình có thể thua, nên mỗi một nước đi đều như đang bước trên băng mỏng. Mỗi một nước đi đều là thận trọng sợ hãi. Khi số bệnh nhân còn chưa tới 20, trường học đã đóng cửa. Khi bệnh nhân còn chưa tới 100, phố xá đã không còn ai. “Khi thế giới còn chưa chuẩn bị, Việt Nam đã sẵn sàng”. Mình thích câu này, bởi vì nó đúng. Bởi vì biết mình không thể đánh trả, nên bắt buộc phải phòng ngự.

Việt Nam thắng, bởi vì biết mình có thể thua.

Chiến thắng này là chiến thắng cộng đồng. Nó là chiến thắng từ quyết định chính quyền và nỗ lực hợp tác của người dân. Nó là một chiến thắng chung.

CHÂU Á TẠI CHÂU ÂU

Mình chỉ xin viết về vấn đề ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, bởi vì đó là những vấn đề sát với những gì mình mắt thấy tai nghe nhất.

Xin hãy hiểu cho du học sinh, rằng là ở thời điểm này, làm người châu Á ở châu Âu là một thiệt thòi.

Trong group của du học sinh Việt lên bài mỗi ngày, đều là bị kì thị, bị xa lánh. Nhiều người may mắn thì chỉ bị tránh xa trên các phương tiện công cộng, người xui xẻo thì bị mắng, bị nhổ nước bọt, bị đánh, bị gọi là Corona ngay trước mặt. Việc WHO khuyến cáo không đeo khẩu trang trừ khi có bệnh, vô hình trung khiến cho những người đeo khẩu trang vì sức khoẻ bản thân bị phân biệt nặng nề.

Không chỉ là thiệt thòi vì bị phân biệt, mà còn thiệt thòi vì thái độ thờ ơ của mọi người.

Mình chứng kiến cảnh bạn bè mình tức giận với thái độ thờ ơ của người dân ở bên này. Rất nhiều người trẻ ở đây coi thường vấn đề này, thậm chí đem ra đùa cợt. Bạn mình chụp hình đeo khẩu trang, các bạn cùng lớp vào bảo: để ngày mai mình cũng đeo, cho hợp mốt. (Nguyên văn: Pour être à la mode). Một đoàn học sinh của trường mình đi thực tập tại Ý về, ngay ngày mai đã đi học mà không hề có khẩu trang hay nước rửa tay bên người. Khi Pháp ra lệnh giới nghiêm, tất cả những gì mình nghe bạn mình bảo, đó là sợ chán, sợ bị nhốt, chứ không hề có một câu về sợ bị bệnh. Đó là những gì mình chứng kiến tận mắt. Còn rất nhiều chuyện khác mà mình chỉ được nghe, được đọc từ mạng. Từ sinh viên trường thường cho đến trường top. Từ chuyện Macron chỉ tuyên bố tình trạng 2.5 chứ không hề lên đến mức 3. Sự thờ ơ đến từ cả một hệ thống, chứ không chỉ là một cá nhân.

Rất nhiều người phản ánh đường dây nóng bị quá tải, bệnh viện không tiếp nhận người bệnh nhẹ, phải tự cách ly và uống thuốc tại nhà và theo dõi qua điện thoại. Khi số ca bệnh tăng lên, thậm chí không còn đủ nhân viên y tế để theo dõi nữa.

Đương nhiên rằng không phải ai cũng gặp những trường hợp này. Đương nhiên cũng sẽ có những bạn may mắn hơn, không gặp phải những vấn đề mình vừa nêu. Thế nhưng xin hãy hiểu rằng đó là bức tranh toàn cảnh ở nơi mình sống. Một bức tranh không phải không có mảng sáng, nhưng toàn cảnh lại mang đến cảm giác bất an.

Bạn mình nói một câu mà mình vĩnh viễn không quên được: “Thôi về đi, ít nhất thì ở Việt Nam mình cũng là một bệnh nhân có số. Còn ở bên này có chết trong nhà cũng vẫn là vô danh”.

Căn bệnh này nguy hiểm chứ. Cho dù đã khỏi bệnh, cũng để lại di chứng cho phổi. Người trẻ sức đề kháng tốt có thể không nói, nhưng có những người trẻ sức đề kháng không tốt lắm, thì chính căn bệnh này sẽ để lại bệnh lí nền. Nhỡ đâu sau này lại có thêm một loại virus khác, vậy những người này phải làm sao? Ngày nay tỉ lệ người trẻ mắc bệnh tim mạch, bệnh dạ dày, tiêu hoá ngày càng cao. Thế thì họ phải làm sao? Du học sinh đã như vậy, thì người lớn tuổi phải làm sao?

Trích một bình luận mình nhìn thấy bạn mình share: “Căn bệnh đó không nguy hiểm cho chúng ta, bởi vì chúng ta còn trẻ và còn khoẻ. Thế nhưng đó là một nỗ lực toàn cầu để bảo vệ những mắt xích yếu hơn”

Cả một thế hệ của Ý đã biến mất trong hai tuần. Cả một thế hệ đã sống sót trong Thế Chiến thứ hai, đã nhìn thấy bom đạn và đổ máu, đã đi qua thăng trầm của thế kỉ, lại phải ra đi mà không có người thân, thậm chí không có chỗ chôn. Một thế hệ được kêu gọi để ra trận, lại phải hi sinh cho một thế hệ được kêu gọi để ở nhà.

Đọc những điều này, không thấy đáng sợ sao?

Có những người cảm thấy bình thường. Thì cũng có những người cảm thấy sợ hãi. Chuyện này cũng giống như có những người vào nhà ma bao nhiêu lần cũng không sợ, thì cũng có những người thậm chí không dám xem phim kinh dị. Tâm lí con người không ai giống ai.

Vậy nên, nếu mọi người nhìn thấy một du học sinh đang sợ hãi, đang lo lắng, đang bất an, xin hãy thông cảm cho họ. Đừng so sánh họ với những người bình tĩnh.

TẠI SAO MÌNH Ở LẠI

Mình ở lại vì nhiều lí do. Ở trên mình đã giải thích vì sao rất nhiều du học sinh chọn về nước. Còn đây là lí do mình ở lại.

Thứ nhất là, mình ở tỉnh. Nếu chọn bay về, mình bắt buộc phải quá cảnh 1 lần là ít nhất. Quá cảnh càng nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Thứ hai, đó là công việc không cho phép. Ngành mình học yêu cầu các mô hình ngay cả khi học online, nếu phải trải qua 2 tuần trong cách ly, mình không tài nào đuổi kịp bài. Thứ ba, mình không sống tại tâm dịch. Vùng của mình số liệu gần nhất mình nhớ là tầm 250 ca, thành phố của mình tầm khoảng 50 ca, chưa quá nghiêm trọng, thế nên mình cũng yên tâm. Thứ tư, mình đã xác định ngay từ đầu rằng hè mình sẽ về, thế nên việc về hiện tại có thể làm xáo trộn kế hoạch của mình, bởi vì mình còn rất nhiều kế hoạch phải hoàn thành trong hè, bao gồm cả đi thực tập. Thứ năm, mình thuộc dạng cả ngày ở nhà, ít tiếp xúc người lạ, chưa đi làm.

Năm lí do, cộng thêm việc tâm lí của mình và ba mẹ mình đều khá vững, nên mình ở lại.

Nhưng khi bạn bè mình hỏi có nên về hay không, thì mình luôn trả lời rằng có điều kiện thì nên về.

Bởi vì điều kiện sống không giống nhau. Bạn mình sống ngay vùng dịch, lại đi làm, nhắn tin bảo mình có khi nó mắc bệnh rồi lại không biết. Đa số bạn bè mình học các ngành có thể học qua mạng, lại chưa phải đi thực tập, nên đợt này về hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quá trình học.

Mình cho rằng ở lại hay về đều là lựa chọn của mỗi cá nhân dựa trên tâm lí, hoàn cảnh, điều kiện sống. Đối với cá nhân mình, chỉ cần lựa chọn của họ không ảnh hưởng đến cộng đồng, không công kích cá nhân, thì mỗi một lựa chọn đều xứng đáng được tôn trọng.

Huống hồ gì, chính quyền Việt Nam cũng tạo điều kiện để cho người Việt được về nhà, phải không?

“Cuộc chiến này không ai bị bỏ lại”. Mình nghe câu này mà chảy nước mắt. Bởi vì mình đã từng đọc đi đọc lại rất nhiều những thông tin về Ý, về Anh, về Mĩ, về cách mà họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ một thế hệ, mình mới thấm thía được một câu đơn giản như vậy lại có bao nhiêu khó khăn để thực hiện.

CHO NGƯỜI VỀ

Đối với các bạn đã về, xin các bạn hãy trung thực và hợp tác. Đó là cách tốt nhất để giúp đỡ cho Tổ quốc của bạn. Khai báo đầy đủ rõ ràng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hợp tác và chấp hành quy định. Bạn bè mình có người may mắn thì được ở nơi sạch sẽ thoáng mát, có người không may lắm thì ở nơi không tốt bằng, không sạch bằng. Nhưng đối với một số lượng lớn người nhập cảnh trong giai đoạn này, thì đây đã là điều tốt nhất nhà nước có thể làm. Xin hãy hiểu rằng bạn ở đây không phải để hưởng điều tốt nhất, mà là bạn ở đây để bảo vệ những người ở bên ngoài. Cũng giống như hàng loạt các cảnh sát, tài xế, bộ đội, tiếp viên, nhân viên y tế cũng đang làm việc để bạn ở yên trong này. Mỗi một người đều phải chấp nhận hi sinh một chút, bởi vì người khác và vì chính bản thân mình.

Mình bắt đầu nhận ra tình trạng coi thường dịch bệnh bên trong khu cách ly. Bởi vì các ca bệnh mới nhất đều là đến từ bên trong khu cách ly, nên sớm hay muộn cũng xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bên trong khu cách ly. Mình muốn nhắc lại, rằng cách ly mọi người là nhằm để giữ người dân an toàn ở bên ngoài. Bản thân bên trong khu cách ly không an toàn. Không có nơi nào an toàn 100%. Khu cách ly nhằm mục đích khoanh vùng và phát hiện bệnh nhanh nhất có thể, chứ không thể giữ bạn hoàn toàn tránh xa khỏi virus. Thế nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay, hạn chế nơi đông đúc và tập thể dục rèn luyện sức khoẻ.

Đây là một đề nghị của cá nhân mình. Các bạn du học sinh có thể đề nghị tự trả tiền cách ly. Mình không muốn nhắc đến điều này, nhưng một cách không thể chối cãi, Việt Nam đang chọn cách đánh đổi nền kinh tế vì mạng người. Các nước khác đóng cửa quốc gia khá trễ, cũng bởi vì lí do kinh tế, chứ không phải vì họ không ý thức được vấn đề dịch bệnh. Việt Nam, ngược lại, đang hi sinh kinh tế vì y tế.

Người ta có thể hồi sinh một nền kinh tế. Có thể mất năm năm, mười năm, hai chục năm, nhưng người ta có thể hồi sinh một nền kinh tế.

Nhưng không ai hồi sinh được một mạng người.

Với ý kiến của cá nhân mình, các bạn du học sinh có thể đề nghị tự trả tiền cách ly. Đó cũng là một cách giúp đỡ cho Nhà nước vì đã để bạn trở về. Mình giả sử mỗi một bữa ăn của các bạn là 30k, tiền điện, tiền nước, tiền nhà mỗi ngày 10k. Vậy tổng cộng 14 ngày cách li, nhà nước trả cho các bạn 1tr4. 1tr4 lớn thì không lớn, nhỏ thì không nhỏ. Đối với mỗi một du học sinh, những người có thể mua vé máy bay trong thời điểm này, 1tr4 không quá nhỏ, nhưng cũng không lớn. Đối với Nhà nước, những người đón cả ngàn du học sinh về, những người chăm lo cho gần 20k người trong những khu cách ly, trả tiền cho các cảnh sát, bộ đội, sĩ quan, tài xế, nhân viên y tế, 1tr4 mỗi người có lớn không?

Không nhất thiết mọi người phải trả đúng số tiền mỗi ngày. Mọi người có thể chọn trả tiền xét nghiệm, trả tiền cách ly. Cũng có thể sau khi hết cách ly mọi người quyên góp một số tiền nhất định cho quỹ Nhà nước. 1 triệu cũng được mà 100 ngàn cũng không sao. Thế là đã giúp đỡ cho Nhà nước chăm sóc một ai đó khác, một ai đó thiếu thốn hơn các bạn. Chỉ cần 1/50 những người đang được cách ly chọn cách quyên góp ngược lại, thì đó đã là giúp đỡ rất nhiều rồi.

(Như vậy khi có ai đó chỉ trích bạn về làm gánh nặng, bạn có thể đáp trả lại người ta một cách thoải mái rồi)

Đây chỉ là ý kiến cá nhân. Nếu bạn không muốn quyên góp, hoặc không có khả năng quyên góp cũng chẳng sao cả. Chỉ cần chấp hành tốt nội quy, thì chẳng một ai có quyền đánh giá bạn.

Đóng góp lớn hay đóng góp nhỏ không phải vấn đề. Vấn đề là đóng góp.

NGƯỜI Ở LẠI THÌ LÀM GÌ

Vấn đề này thì nhiều người đã viết, mình cũng không muốn nói lại. Chủ yếu vẫn là những thứ mình đã viết ở trên dành cho những bạn trong khu cách ly. Giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên, hạn chế đông người, tích trữ đồ ăn (một cách vừa phải), rèn luyện sức khoẻ.

Có vài việc cần nhắc kỹ là thường xuyên liên lạc với người thân để tránh buồn chán, giữ gìn tinh thần ổn định bằng cách tập yoga hoặc thiền. Cần phải nhớ kĩ các dấu hiệu bệnh và số điện thoại liên lạc khẩn cấp của chỗ mọi người ở. Thủ sẵn paracetamol và nhiệt kế trong trường hợp cần thiết.

Và cho dù bạn ở đâu, ở tâm vùng dịch hay ở ngoại tỉnh, mình cũng hi vọng mọi người bình an.

CHÚNG TA ĐANG LÀM GÌ VẬY

Tranh cãi.

Du học sinh về hay không về. Nhà nước làm tốt hay làm tệ. Người này đóng góp nhiều hay không nhiều.

Tranh cãi.

Rất nhiều tranh cãi.

Không một tiến bộ nào mà không bắt nguồn từ tranh cãi. Thế nhưng tiến bộ hay thụt lùi chỉ cách nhau có một sợi chỉ mong manh. Đó là chân chúng ta tiến về trước hay về sau. Tranh cãi để dẫn đến hành động đúng đắn hay tranh cãi để tranh cãi. Tranh cãi để tìm được sự thật hay tranh cãi để tranh cãi.

Tranh cãi để hành động, hay tranh cãi để tranh cãi.

Ý kiến cá nhân của bản thân mình đó là mình hạn chế tranh cãi, bởi vì bản thân mình không đóng góp nhiều, không hành động nhiều. Nên mình không tranh cãi. Nhưng đây chỉ là ý kiến cá nhân. Nếu mọi người có ý kiến, và muốn bảo vệ ý kiến của mình, thì hãy tranh luận như mọi người muốn.

Xin mọi người hiểu rằng, có một giới hạn cho việc tranh luận, đó là không công kích cá nhân và không làm tổn hại cộng đồng.

Và xin mọi người, sau khi tranh luận, hãy hành động.

Tranh cãi để tranh cãi, hay tranh cãi để hành động.

Ngôn từ mạnh ở chỗ nó tuy vô hình, nhưng lại dẫn đến hành động hữu hình.

LỜI CUỐI

Mình đã cố thể hiện quan điểm rõ ràng của mình trong bài viết này. Trong một giai đoạn như thế này, không có lựa chọn nào là hoàn hảo. Không có lựa chọn nào để không ai thiệt thòi.

Chỉ có lựa chọn để mỗi người tổn hại ít nhất về sức khoẻ và tính mạng mà thôi.

Mỗi một lựa chọn đều xuất phát từ cá nhân, và luôn luôn có ảnh hưởng đến cộng đồng.

Đối với mình, điều tốt nhất trong giai đoạn này là lựa chọn bảo vệ sức khoẻ bản thân, sao cho ảnh hưởng ít nhất có thể đến cộng đồng.

Mỗi người đều có cách hành động của riêng mình, con đường của riêng mình. Nhưng nếu mọi người đều có một mục đích chung, thì sớm hay muộn chúng ta cũng đến đích.

Mọi con đường đều dẫn về đỉnh núi, bởi vì chúng ta đều đang nhắm về nó mà đi, cho dù từ bất cứ đâu và bất cứ con đường nào.

Điều mình muốn truyền tải thật ra rất đơn giản, đó là hãy lựa chọn sức khoẻ, nhưng cũng hãy có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Và nếu có thể, hãy khoan dung cho lựa chọn của người khác.

Mỗi một người đều có thể giúp đỡ, góp gió thành bão, thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ thành công.

Bây giờ là lúc biến sự biết ơn thành hành động.

Lời cuối cùng mình muốn nói, đó là dù cho lựa chọn của mọi người là gì, dù cho mọi người đang ở đâu, mình hi vọng mọi người đang bình an và vui vẻ với lựa chọn của mình.

Chỉnh sửa ngày 24/03: Mình muốn xin lỗi tất cả mọi người bởi vì có một thông tin trong bài đã bị viết sai. Thời gian đầu đã có những người giả dạng cảnh sát để phạt các sinh viên Trung Quốc đeo khẩu trang, chứ cảnh sát không phạt ạ. Mình đọc thông tin không kỹ nên đã có nhầm lẫn không đáng có. Một lần nữa xin lỗi mọi người.

Chỉnh sửa lần 2 ngày 25/03: có một vấn đề trong bài mình đã đưa ra những lại không giải quyết được vấn đề. Mình tự nhận ra rằng vấn đề này cần một cái nhìn sâu sắc, tinh tế, khái quát và đầy đủ hơn khả năng của mình, thế nên mình đã xoá đi câu hỏi đó. Có lẽ một ai đó, một người có tầm nhìn hơn mình, sẽ giải quyết được câu hỏi đó.

Và mình cũng muốn cảm ơn và xin mọi người hãy tiếp tục cmt những điều mà mọi người cho là chưa đúng, chưa hay trong bài của mình. Mình sẽ còn tiếp tục chỉnh sửa nữa, nếu mình cảm thấy ý kiến của mọi người hay và chính xác hơn mình. Bản thân mình cảm thấy mình cần phải liên tục học hỏi và sửa chữa, thì mới tiến bộ được.

Chỉnh sửa lần 3 ngày 26/03: Mình xin được phép sửa lại phần trích dẫn của UBND TPHCM, đó là mỗi một người bệnh cần 12 bác sĩ và hộ lí, không phải 20. Một lần nữa, đây là lỗi trích dẫn thông tin của mình. Mình xin nhận lỗi, và hoàn toàn không có lời biện luận nào cho lỗi này. Chỉnh sửa thứ hai, đó là sửa lại phần tiêu đề từ “người Việt”, thành “chúng ta”, bởi vì người Việt còn bao gồm tất cả những người đã âm thầm đóng góp, những người đã và đang làm việc hết mình mỗi ngày để giữ cộng đồng an toàn.

(Ảnh lấy từ instagram của Kiitoboutique)

Tác giả: Tam Nhu Nguyen

Link gốc bài viết: https://www.facebook.com/twintface/posts/1219864201552226

2 Comments

  1. Nguyễn Hoàng Nguyên Khôi

    02/04/2020 at 10:11 am

    Hay quá chị ơi! Đối với cá nhân em, đây là một bài viết thực sự có ích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987