Kinh nghiệm

GIÀNH HỌC BỔNG TRAO ĐỔI NGẮN HẠN TẠI NHẬT BẢN

Chào các bạn, mình tên là Phạm Thị Hương Giang, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm 4 của trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội, khoa ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, chuyên ngành tiếng Nhật phiên dịch. Hiện tại mình là sinh viên trao đổi giữa trường Đại học Quốc gia và trường Đại học nữ sinh Fukuoka, ở đây mình tham gia khóa học ngắn hạn 1 năm chuyên sâu về tiếng Nhật và văn hóa, lịch sử, kinh tế Nhật Bản. Đó là khóa học Japanese (WJC) với các lớp môn học được tổ chức bằng tiếng Anh, nhưng đồng thời nhà trường cũng cho rất nhiều lựa chọn về lớp tiếng Nhật từ level thấp tới level cao. Đồng thời mỗi kì học, mình phải viết một bài nghiên cứu dài khoảng 20 trang bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật về lĩnh vực mà bạn hứng thú tìm hiểu về xã hội Nhật Bản,do giáo sư của trường hướng dẫn.Sinh viên tham gia khóa đến từ những trường Đại học có liên kết với Đại học nữ sinh Fukuoka trên toàn thế giới.

1. Chương trình trao đổi ngắn hạn – cơ hội giao lưu, học hỏi kiến thức và văn hóa:

Chương trình trao đổi ngắn hạn là sinh viên của trường Đại học ở Việt Nam tham gia chương trình học tập giao lưu 1 năm tại trường Đại học nước ngoài có liên kết với trường ở Việt Nam. Với các trường thuộc ngành khoa học tự nhiên, có thể vì rào cản ngôn ngữ nên chương trình trao đổi sinh viên còn khá hạn chế, nhưng với các trường Đại học thuộc các ngành xã hội như Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, có rất nhiều học bổng trao đổi đang chờ đón các bạn sinh viên biết nỗ lực phấn đấu, có mong muốn được học tập tại nước ngoài. Mục tiêu ngắn hạn của mình khi bắt đầu học Đại học là nhận được học bổng đi học nước ngoài khi còn là sinh viên. Và Nhật là lựa chọn duy nhất của mình bởi 2 lí do: chuyên ngành học ở trường của mình là ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, đồng thời tình yêu của mình dành hết cho đất nước Nhật Bản xinh đẹp, văn minh, thân thiện.

Ở Việt Nam, mình đã ý thức được nhiều thuận lợi khi trở thành sinh viên trao đổi, ví dụ như bạn có thể nâng cao khả năng ngoại ngữ, có hiểu biết về cuộc sống, xã hội của đất nước mà bạn tới học tập, có nhiều bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng đến khi sang Nhật, mình mới thấm thía cơ hội này quý giá biết nhường nào trong cuộc đời mình. Mình chọn Đại học nữ sinh Fukuoka vì khóa học vừa bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, bạn có thể chọn môn học theo nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực sao cho phù hợp với năng lực và mục tiêu của bản thân, đồng thời 1 năm theo học tại đây, mình có cơ hội được viết 2 bài nghiên cứu,vừa làm mình hiểu sâu thêm về đất nước Nhật Bản, vừa giúp mình có nền tảng để chuẩn bị cho bài luận văn tốt nghiệp Đại học và chọn đề tài nghiên cứu nếu muốn tiếp tục học thạc sĩ. Trường cũng rất quan tâm học sinh, thiết kế nhiều chương trình đi học hỏi thực tế tại các khu di tích lịch sử, nhà máy hiện đại như nơi sản xuất oto Nissan, nhà máy làm Mentaiko, làng nấu rượu truyền thống, và tham quan tại các khu danh lam thắng cảnh tại Kyushu.

Ở đây mình cảm thấy được mở rộng tầm mắt bởi xã hội hiện đại, văn minh, với bề dày văn hóa lịch sử truyền thống; vừa say mê học tập, nghiên cứu trong trường, mình vừa tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, homestay….Người Nhật khá kĩ tính, kín đáo trong các mối quan hệ xã hội nên dù các ứng xử rất lịch sự, thân thiện, bạn vẫn không hiểu hết được về họ. Khi tới nhà người Nhật ở, trở thành bạn của họ, mình được tiếp  xúc với tầng sâu văn hóa hơn, điều mình học hỏi được nhiều nhất chính là trong những ngôi nhà bình thường, những thói quen, lề lối trong chính cuộc sống thường nhật của họ.

2. Quá trình dự tuyển:

Từ lúc là sinh viên năm nhất, mình đã tìm hiểu các chương trình học bổng trong khoa, trong trường, và thấy khóa học này rất phù hợp với mình. Mình liên hệ vơi sinh khóa trên đang theo học tại đây, hỏi han thầy cô, vào trang web của trường bên Nhật tìm hiểu thông tin, thậm chí lúc chờ học bổng sốt ruột quá mình đã gọi điện thẳng cho phòng sinh viên quốc tế của trường bên này để trao đổi. Thông tin rất rộng mở cho những ai muốn tìm hiểu nhé.

Điều kiện để nhận được học bổng là bạn phải là sinh viên của trường Việt Nam có liên kết với trường bên Nhật, với điểm thành tích xuất sắc theo ngành học ở ĐH VN, và học bổng của mình thì cần thêm chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS vì có các tiết học bằng tiếng Anh.

Quy trình nộp hồ sơ: khi trường Nhật gửi thông báo có học bổng về trường, khoa sẽ chọn ra những ứng cử viên xuât sắc, đủ điều kiện theo bên Nhật yêu cầu. Sau khi đã được chọn, bạn sẽ nhận được hướng dẫn làm hồ sơ của bên phía Nhật. Họ sẽ liên lạc qua mail và bạn phải nộp bản scan hộ chiếu (hộ chiếu xin mất tầm 2 tuần nên nếu các bạn có ý định apply thì hãy làm từ trước vì bạn chỉ có 3-5 ngày để hoàn thành bộ hồ sơ gửi đi Nhật), giấy khám sức khỏe, recommendation letter của khoa, bản application với những thông tin, nguyện vọng của bản thân, bản proposal cho bài nghiên cứu của bạn: bạn chọn đề tài nghiên cứu là gì, theo hướng nào….và nhiều loại giấy chứng nhận, thủ tục bên phía Viêt Nam. Thời gian làm hồ sơ khá ngắn và chỉ có mình ban phải tự lo đủ các loại giấy tờ nên hãy bình tĩnh, tỉnh táo để hoàn thành đúng hạn bộ hồ sơ.

Nếu bạn không nhận được học bổng, bạn có thể apply Jasso với 8 man 1 tháng nhưng cạnh tranh khá gay gắt nên mình khuyên các bạn hãy phấn đấu thật tốt trong chuyên ngành của mình để có cơ hội nhận học bổng cao hơn.

3. Thủ tục sau khi được nhận:

Sau khi được nhận học bổng, mình phải chờ công văn cử đi du học nước ngoài ở phòng đào tạo trường đại học, sau đó mang bản photocopy về khoa để xin đơn bảo lưu kết quả học tập, rồi lại mang lên trường nộp, xin dấu. Mình lưu ý là giấy tờ này rất quan trọng, khi sang Nhật rồi bạn sẽ không thể sửa được, nên  không được để bất cứ sai sót gì.

Ở Nhật cũng giống Việt Nam học theo hình thức đăng kí tín chỉ, học bao nhiêu tín chỉ, chọn môn nào cho phù hợp chuyên ngành và định hướng tương lai là tùy bạn. Vì vậy, trước khi sang, bạn có thể liên lạc với các anh chị Việt Nam đã từng học ở trường đó, hoặc trực tiếp yêu cầu bên trường Nhật gửi syllabus môn học cho bạn. Khi bạn có thắc mắc, mình tin rằng bao giờ phía Nhật cũng cố gắng giải đáp tốt nhất.

Mình học tiếng Nhật phiên dịch, nên ngoài những môn kiến thức nền, bọn mình có môn phiên dịch, biên dịch Nhật – Việt mà không thể được học ở Nhật nên dù biết là trường cho phép chuyển hầu hết các môn, mình vẫn phải học thêm 1 năm để hoàn thành nốt bộ môn biên, phiên dịch. Sau khi từ Nhật về, mình có 1 năm để chỉ học mấy môn dịch nên mình dự định đi làm thêm để lấy kinh nghiệm trước khi ra trường. Đó cũng là hướng đi tốt theo suy nghĩ của mình.

4. Cuộc sống của du học sinh theo học chương trình trao đổi ngắn hạn – cơ hội và thách thức:

Thứ nhất, cần xác định rõ mục tiêu lâu dài. Nếu bạn chỉ muốn trải nghiệm 1 năm ở Nhật, ngoài việc học ở trường, hãy đi du lịch nhiều, kết thật nhiều bạn, tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, lễ hội. Vì đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều sẽ mở ra nhiều mối quan hệ, nhiều cánh cửa hơn cho bạn. Nếu bạn chỉ ngồi thư viện, thì ở Việt Nam, bạn hoàn toàn có thể tự học được. Ở đây dù học vất vả nhưng ai cũng sắp xếp thời gian cho các hoạt động xã hội: hoạt động tình nguyện, tham gia quảng bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài…

Nếu bạn muốn sau khi tốt nghiệp, quay lại Nhật Bản học master, bạn nên chọn các môn liên quan, chọn đề tài nghiên cứu liên quan tới ngành học master và đề đạt với giáo sư hướng dẫn nguyện vọng của bạn. Bạn nên chọn ngành học, chọn lĩnh vực nghiên cứu, trường đại học bạn muôn tới học master ngay từ khi còn là sinh viên trao đổi.

Thứ hai, cần có ý thức xâm nhập vào xã hội của họ. Người Nhật khá kín tiếng, họ khen rất nhiều, hiếm khi chê, họ coi người nước ngoài là khách nên bao giờ cũng niềm nở thân thiện hết mức. Chỉ khi rất thân bạn mới hiểu được họ và mới được nghe những lời thật lòng. Khi đi du học, hiểu sâu hơn những giá trị quan của nước bạn là điều quý giá nhất.

Học bổng của mình là do thành phố Fukuoka cấp, 8 man 1 tháng. Có nhiều người bạn của mình xin học bổng từ Jasso cũng 8 man 1 tháng. Dù không nhiều bằng những học bổng khác, nhưng chương trình học của mình có nhiều hoạt động mà thành phố chi tiền hết, nên mình được đi du lịch khá nhiều.

Mình ở kí túc không mất tiền, điện nước 1 man, đi lại 1 man, ăn uống tầm 3 man, vậy thì số tiền 8 man là đủ sống, mỗi tháng tích thêm vài man để nghi hè, nghỉ đông, nghỉ xuân tranh thủ đi du lịch.

Ở Nhật tuy làm việc căng thẳng, nhưng đi trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa thì tuyệt vời. Các lễ hội, event được tổ chức quanh năm,bạn bè quốc tế và bạn bè Nhật nhiều không đếm xuể, hội sinh viền Việt Nam có liên hệ với Lãnh sự quán nên có rất nhiều hoạt động cho anh chị em. Câu lạc bộ từ thể thao (tennis, bóng bàn, cầu lông, bóng đá, kiếm đạo, bơi lội, lướt sóng, lặn….) tới văn hóa xã hội (trà đạo, tổ chức sự kiện…) và âm nhạc…đa dạng phong phú, bạn có thể xin thông tin từ trường đại học, bạn bè, hoặc tới thẳng trung tâm hỗ trợ sinh viên nước ngoài của thành phố. Ở đây các kênh thông tin đều mở, nên sử dụng chúng hiệu quả thế nào là tùy vào sự năng động của các bạn.

5. Chương trình trao đổi ngắn hạn – Nắm bắt cơ hội

Mình học hết mình, chơi hết mình, nên mình thấy “được” rất nhiều khi sang đây. Kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội, những kỉ niệm, những người bạn đáng quý trọng, ý thức về một Việt Nam còn quá nhỏ bé trong mắt bạn bè quốc tế, khao khát vươn lên…là những thứ mình cho thêm được vào hành trang trên con đường dài của mình.

Điểm “chưa được” thì mình có thể nói: 1 năm ngắn quá! (cười) Những điều minh muốn làm quá nhiều, bận rộn tới mức quên cả nhớ nhà, cho nên mình luôn đặt muc tiêu, sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, để qua một năm nhìn lại thấy không phải tiếc nuối bất cứ điều gì.

Theo Gakutomo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987