Giáo dục, đầu tiên là dạy làm người. Người có học là người biết cư xử, văn minh, nhân ái, trọng kỷ luật và trật tự xã hội. Đây là cốt lõi của giáo dục. Vô học hay có học, thể hiện qua cái này.
Tiếp theo mới là kiến thức. Giáo dục cung cấp cho học sinh hiểu biết về thế giới bên ngoài và bên trong mỗi con người. Giáo dục Việt Nam hiện đang làm tốt cái này (nhưng tập trung nhiều quá do hình thức thi cử khoa bảng nên vẫn tập trung học kiến thức, game show “đường lên đỉnh Olympia” hay thi tú tài ĐH đều CHỈ kiểm tra kiến thức, như vậy sẽ dẫn đến người ta trọng kiến thức, và học lệch, dạy lệch).
Tiếp theo là thể chất, không có thể chất thì kiến thức trên vô nghĩa. Dặt dẹo đau ốm hay gầy còm, thấp bé….thì giỏi cỡ nào đi nữa, hội nhập quốc tế khó mà sâu được. Các gameshow học sinh trên tivi thường có thi kiến thức kèm thể lực, và các tài năng khác. Phải chạy bộ 100m nhanh mới tới bục cầm đề toán và giải, ai giỏi thì phải nhanh và khoẻ mới được.
Tiếp theo là khai phóng năng lực, dựa trên khả năng của mỗi người mà có cách phát triển phù hợp. Một người bất kỳ đều thiên tài ở một lĩnh vực hẹp nào đó. Nếu không giỏi chữ nghĩa ăn nói thì sẽ giỏi âm nhạc, thể thao, nấu ăn, cơ khí, buôn bán,….vấn đề là tìm cho ra để cho học sinh tự do phát triển thành nghề nghiệp sau này.
Lý Quang Diệu đột phá dữ dội khi đưa tiếng Anh thành môn ngôn ngữ thứ 2 (second language) thay vì môn ngoại ngữ (foreign language) dạy ở trường, sau đó chuyển luôn tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ nhất (mỗi sắc tộc có tiếng mẹ đẻ, là môn học thêm ở trường) áp dụng cho cả nước. Chỉ trích quyết định này của ông thì vô vô vàn vàn, nhưng ông Lý vẫn kiên định.
Và từ một hòn đảo nghèo, Singapore trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục của cả châu Á và thế giới chỉ trong 1 lứa học sinh tốt nghiệp. Hộ chiếu Singapore trong top các hộ chiếu được miễn visa nhiều nhất (nước nào cũng mời người nước giàu đến chơi vì tiêu tiền, chứ không có chuyện trốn ở lại xin việc, di dân là gánh nặng cho người ta, nước nào càng có nhiều doanh nghiệp và nhiều việc làm thì hộ chiếu nước đó càng quyền lực). Rất nhiều nước châu Âu (ví dụ Hà Lan) chỉ dạy bằng tiếng Hà Lan tới cấp 3, từ bậc ĐH trở lên là dạy bằng tiếng Anh các ngành kinh tế, công nghệ, khoa học…Các nước Thái Lan, Mã lai, Indo….đều học tập Singapore để có bước phát triển vũ bão trong giáo dục gần đây. Ở cấp 2-3, học tiếng Anh bằng màn hình video tại trường có thời gian rất nhiều (mà không cần giáo viên). Họ tuyển sinh ĐH dựa vào điểm IELTS, hầu như toàn bộ các trường ĐH đã dạy song ngữ các môn và trường ĐH lớn đã 100% dạy bằng tiếng Anh (có môn giáo viên trực tiếp đứng lớp, có môn học online, giáo viên nước ngoài dạy qua máy tính, cả lớp nhìn vào màn hình tự học), khiến sinh viên ra trường rất có lợi thế cạnh tranh. ĐH ở tỉnh xa xôi vẫn thuê được giáo viên Harvard dạy qua máy tính cho sinh viên mình học. Các ĐH ở VN vẫn còn dùng tiếng Việt để dạy các ngành kinh tế, công nghệ, khoa học….là rất đáng tiếc, vì phải dịch giáo trình từ nguyên bản nước ngoài ra, lỡ dịch sai thì dạy sai, hiểu sai. Các môn này chúng ta không có phát minh ra, nên dạy luôn bằng ngôn ngữ gốc mới đúng được.
Việt Nam, nếu muốn phát triển đột phá, phải nhanh chóng tiếp cận cách giáo dục của Singapore trong việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 cho toàn dân. Có thất bại cũng chẳng sao, cũng đã có 1 tỷ lệ người dân nào đó thành công và đổi đời.
Singapore, diện tích chỉ bằng một huyện nhỏ ở ta, dân số chỉ có 4-5 triệu, mà GDP, tức tổng tài sản hơn 300 tỷ đô la Mỹ, gấp rưỡi cả 92 triệu dân chúng ta cộng lại. Có tiếng Anh, dù không giàu thì cũng không thể nghèo. Ai muốn thoát nghèo thì tự họ chăm chỉ học tiếng Anh. Có giáo viên càng tốt, không có thì vẫn học được. Trên mạng có đầy đủ. Chỉ là muốn hay không muốn.
Một học sinh cấp 2 của Singapore thường có bài tập về nhà là phân tích các bài diễn văn, ví dụ: Ý kiến của bạn về bài nói của Mr Obama “You make your own future” như dưới đây.
Bài diễn văn này rất hay, các bạn cùng nhau đọc nhé. Mong các giáo viên ngoại ngữ từ cấp 2 ở VN trở lên, in bài này ra đưa cho học sinh tập đọc và tập dịch. Rất tốt cho tư duy của trẻ, vốn quý nhất của dân tộc mình. Đầu tư cho tiếng Anh là gặt hái rất lớn về sau. Một cá nhân, một gia đình, một trường học, một đất nước bỏ tiền và thời gian ra để học tiếng Anh là đầu tư, không phải chi phí.
Nguồn: Tony Buổi sáng