Tác giả: Lê Hoàng Nam
Cuộc sống đại học đầy súc vật khiến bây giờ mình mới có thời gian ngồi viết cái này. Có thể hơi muộn đối với 1518, nhưng với những khóa sau thì mình tin rằng những gì mình viết dưới đây sẽ rất có ích cho các em trước và trong quá trình apply. Trước khi đọc cái này, hãy đảm bảo bạn biết trong quá trình apply có những phần nào yếu tố nào, vì mình sẽ không liệt kê các bước với các loại bài thi các loại giấy tờ ra rồi giải trình quá trình app ở đây đâu ạ.
Mình cũng muốn nói luôn là nếu ai đó muốn hỏi mình cái gì về quá trình app thì hoàn toàn có thể ib, nhưng ít nhất hãy tìm hiểu trước xem trong quá trình này có những cái gì. Chứ ib rồi hỏi mình được “học bổng bao nhiêu %” là mình ghét đó.
Đầu tiên, mình muốn nói về mục đích của một bộ hồ sơ apply. Mục đích của nó là để phản ánh học sinh trên nhiều mặt (học tập, HĐNK, xã hội, cá nhân, sáng tạo,…) để qua đó xác định xem học sinh có phù hợp với trường hay không (Laura Clark, cựu nhân viên tuyển sinh tại Princeton, giám đốc tư vấn tuyển sinh tại Ethical Fieldston Culture School).
Trước khi mình đi vào nói về các phần trong quá trình app và bộ hồ sơ, mình muốn nhấn mạnh rằng đây là một quá trình đánh giá đa chiều. Nói cách khác, không một yếu tố nào có khả năng một mình quyết định bạn được nhận hay không. Nên là điểm SAT có kém thì cũng đừng có đến mức tuyệt vọng.
A. Thi chứng chỉ:
- IETLS/TOEFL:
Vai trò của IELTS và TOEFL được nói rất rõ trên gần như tất cả các websites trường mình lên: Proof of English Proficiency. Nói cách khác, nó chỉ có vai trò đảm bảo là sang đó bạn giao tiếp được với người ta và chấm hết. Điểm IELTS/TOEFL cao không thể gia tăng khả năng được nhận. Nó chỉ mang tính chất là điều kiện cần thôi. Ví dụ, nếu trên website trường nói là học sinh của họ thường được 100 TOEFL chẳng hạn, thì khi họ nhìn điểm TOEFL họ sẽ chỉ nhìn xem có mấy chữ số, và kết thúc ở đó. 101 và 111 chả khác gì nhau cả.
IELTS và TOEFL là English Proficiency Tests, tức là nó đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn. Mình rất không thích khái niệm “đi học TOEFL” hay “đi học IELTS” vì tất cả những thứ được đánh giá đều là kĩ năng. Học nghe là học cái mẹ gì? Vểnh tai lên mà nghe chứ có gì mà phải học. Thế nên, cách duy nhất và lí do duy nhất bạn có thể tiến bộ là do làm nhiều. Liên tục sử dụng tiếng Anh ở trong các ngữ cảnh khác nhau để làm quen với nó. Khi bạn đã thật sự thoải mái với cái ngôn ngữ rồi thì nói về thứ bạn thích trong vòng 45s chỉ như một cuộc nói chuyện thường ngày. Hơn nữa, khái niệm “đi học TOEFL” hay “đi học IELTS” còn khiến bạn học với tâm lý beat the test. Do đó, khả năng tiếng anh thật sự của bạn sẽ khó tiến bộ hơn vì bạn đã giới hạn sự tiến bộ của mình vào trong bài thi. Nói đơn giản là, nếu như bài đọc IELTS bạn đọc được mà bài đọc bình thường thì không, thì điều đó chả có ý nghĩa gì cả. Nói tóm lại, IELTS và TOEFL là cái tự học.
Vậy tự học như thế nào? Cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết đều được xây dựng trên nền tảng ngữ pháp, nên điều quan trọng nhất là hãy đảm bảo ngữ pháp tiếng Anh của bạn chắc chắn. Nếu ngữ pháp chắc thì khi nghe bạn có thể nghe được cấu trúc câu và thì động từ được sử dụng, và như thế việc nghe hiểu sẽ dễ dàng hơn là đôi khi bắt được từ này từ kia mà không nghe được cấu trúc chung; khi đọc bạn có thể phân tích một câu rất phức tạp nhiều mệnh đề ra rõ ràng chủ vị chính ở đâu, mệnh đề nào bổ nghĩa cho cái gì, khiến việc đọc mượt hơn rất nhiều; khi viết thì rõ ràng là cần ngữ pháp rồi không phải giải thích; và khi nói thì bạn linh hoạt hơn rất nhiều trong cách sử dụng ngôn ngữ, và mình nghĩ rằng khi bạn có thể nói mà đúng ngữ pháp, bạn đã thật sự nắm rất chắc ngữ pháp rồi đó vì điều này yêu cầu xử lí ngữ pháp một cách tức thời và liên tục trong giao tiếp. Nói tóm lại, học ngữ pháp trước khi định đến TOEFL/IELTS hay bất kì loại chứng chỉ nào khác.
Có lẽ phần writing sẽ là cái mà mọi người lo nhất nếu như mọi người tự học như mình nói, và nỗi lo này hoàn toàn chính đáng. Với TOEFL, mình xin nói thẳng luôn writing TOEFL bạn chẳng cần cái gì ngoài việc đúng ngữ pháp cả. Template TOEFL rất đơn giản, đừng sai ngữ pháp và đừng dùng lặp từ/cấu trúc và 30/30 hoàn toàn trong tầm tay. IETLS writing thì khó hơn vì nó hàn lâm hơn và yêu cầu khả năng phân tích và phản biện ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, mọi thứ cũng sẽ rất dễ dàng khi bạn chắc ngữ pháp, và cá nhân mình thấy việc đi học viết IETLS cũng không cần thiết cho lắm vì ở nhiều nơi bạn sẽ dành tầm nửa khóa làm những tờ bài tập dạy bạn cách dùng however với therefore và những thứ tương tự. Template của IELTS hoàn toàn có thể tìm được trên mạng. Đọc vài bài mẫu và ghép chúng lại với nhau tự tạo template riêng của mình. Viết nhiều và nhờ ai đó đọc và sửa. Nếu bạn đã chắc ngữ pháp thì hoàn toàn có thể inbox mình, viết vài bài theo yêu cầu mình đưa ra, và mình có thể dạy bạn cách viết task 2 IELTS khá ổn chỉ trong một buổi tối (về lý thuyết là thế, nhưng thực ra sẽ là vài ngày vì mình cũng phải làm bài tập của mình huhu). Task 1 thì mechanical và analytical hơn, như kiểu đọc biểu đồ địa lý ý. Tập nhiều là ổn.
2. SAT (mình không thi ACT nên mình sẽ không đề cập đến nó):
Ở đây mình sẽ bàn đến reading là chính, vì mình không thi SAT mới nên mình không biết essay SAT mới như thế nào. Mình sẽ không bàn đến phần Toán vì là những Bsians chính hiệu tất cả chúng ta chỉ cần làm nhiều cho quen đề, chứ kiến thức thì không có gì quá tầm cả.
Vì một số lí do nhất định, hồi trước mình đã ngồi phân tích và giải thích key tầm gần 100 bài đọc SAT mới, nên mình nghĩ mình có thể bàn về nó. Điều đầu tiên là again, đây là đọc. Chúi mắt vào mà đọc chứ chả ai dạy được cả. Nên là làm nhiều vào nếu thấy mình kém.
Còn về cách làm bài đọc thì theo kinh nghiệm của mình thì thời gian đọc hiểu là chính trả lời câu hỏi là phụ. Hiểu rồi thì trả lời câu hỏi nhanh như bay. Lúc đọc thì xác định ý chính cả bài và ý chính từng đoạn là gì. Nhiều người không thích bị cái giọng đọc trong đầu nhưng mình nghĩ cái đó tốt vì khi làm thế có thể nhận ra tone và thái độ của tác giả luôn. Vừa đọc vừa phân tích trong đầu kiểu tác dụng của ví dụ này là gì thái độ câu này là gì. Lưu ý là mọi chi tiết đều dùng để làm rõ ý tác giả trong đoạn hoặc cả bài. Để ý những cái transitions. Một điều rất quan trọng mà mình để ý là reading SAT thì bất kể câu hỏi về ý chính hay về một chi tiết cụ thể thì đáp án cũng luôn hướng về main idea/main argument của cả bài hoặc đoạn. Nên là nghĩ rộng ra and look at the overall context.
Về cách học thì đương nhiên là làm hết đề thật trước. Tuy nhiên, vì đây là đọc, sát đề thật hay không cũng không quan trọng lắm trong quá trình luyện. Kiểu, lúc luyện bạn quen làm đề khó thì lúc làm đề thật dễ hơn thì mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều. Cá nhân mình thấy reading SAT cũ khó hơn hẳn SAT mới, nên sau khi làm hết đề thật SAT mới có thể tìm đề SAT cũ làm để luyện. Và again, điều quan trọng nhất là: LÀM NHIỀU VÀO.
Mình định nói về SAT II nhưng mình thi mỗi Toán với Văn. Toán thì như đã nói chúng ta là Bsians chúng ta chỉ cần làm nhiều còn kiến thức hoàn toàn trong tầm. Văn thì về cơ bản chỉ là reading ở mức độ khó hơn rất nhiều và yêu cầu làm nhiều làm đi làm lại để tiến bộ.
B. “Học app”:
Học app là học cái mẹ gì? Quá trình app có gì cần học? GPA thì ở trên lớp, thi chứng chỉ đã nói ở trên, thông tin cá nhân về gia đình bản thân HĐNK trên CommonApp tự biết tự điền, thông tin tài chính chỉ quanh quẩn ISFAA, CSS, (2 cái y hệt nhau điền xong một cái chỉ việc ngồi chép sang cái còn lại), COF (1 phiên bản rút gọn của 2 cái kia). Nhờ bố mẹ đi lấy bank statements, employer’s statements hay bất kì giấy tờ gì chứng minh thu nhập và tài sản của gia đình và cứ thế điền vào ISFAA/CSS với scan rồi nộp cho trường. Ngồi một buổi tối với bố mẹ là xong hết. Vậy có gì cần giúp?
Essays.
Essays có 2 vai trò. 1 là để đánh giá khả năng viết của bạn. 2 là để tìm hiểu bạn trên những phương diện khác mà đống điểm chác hay cái list HĐNK không thể truyền tải. Thế nên, quyền hạn của 1 counselor đối với essays của học sinh là như sau (Do mình tổng hợp từ các email với các application counselors và admission officers ở Mỹ):
- Grammar check.
- Proofreading.
- Cutting (đây là mức độ edit trực tiếp lớn nhất mà một counselor được phép làm)
- Ngồi nói chuyện tìm hiểu và cãi nhau với học sinh để tìm hiểu và cùng nhau đưa ra những hướng tiếp cận và xử lí bài luận.
Vậy, một counselor tốt là một người không đi qua giới hạn trên, và làm được điều thứ 4 một cách kiên nhẫn, cầu tiến và năng suất. Cái này yêu cầu individual attention cực cao, thế nên mình không ủng hộ các trung tâm mà 1 counselor gánh quá nhiều học sinh (trên 10 là có vấn đề rồi).
Học app không hề rẻ, và trước khi nói gì tiếp thì mình nói thẳng luôn là mình chỉ ủng hộ duy nhất một trung tâm, và mình không khuyến khích việc học app. Đương nhiên mình sẽ không công khai nói đó là trung tâm nào ở đây. Nếu ai muốn biết có thể ib mình trực tiếp để hỏi. Các trung tâm còn lại thì hoặc là vì mình biết quá ít để có thể đưa ra nhận định, hoặc là mình thật sự phản đối.
Bản chất của trung tâm là một doanh nghiệp. Họ làm tiền từ việc giáo dục, và cân bằng giữa 2 cái này không phải dễ. Và rất nhiều khi, trung tâm đặt lợi nhuận lên trên lợi ích học sinh qua những hành động như ép học sinh app trường rank cao để PR, ép tăng mức contri, yêu cầu tài khoản và mật khẩu CommonApp để đôi khi vào nghịch, bẻ essays đi một tẹo hoặc nhiều tẹo,… Không chỉ vậy, rất nhiều trung tâm không dành thời gian tìm hiểu học sinh, thế nên những bài luận viết ra rất nông cạn. Mình nói thẳng luôn là trung tâm viết chưa chắc hay hơn học sinh. Mình đã đọc một essay có vẻ như là final draft của một người qua 1 trung tâm nhất định, và nó hoàn toàn nông cạn chẳng có một tí chất nào. Với tư cách người đọc, mình không thấy ấn tượng chút nào với người viết ra bài luận đó, và mình thấy bực với việc trung tâm có thể để cho người này submit bài này cho các trường. Mình sẽ nói sâu hơn về essays ở phần sau.
Vậy nên tìm kiếm thông tin và giúp đỡ ở đâu? Ôi mình thề mình đéo thể nào hiểu được tại sao ai cũng đến trung tâm với hội thảo các trung tâm để tìm hiểu, trong khi có con mẹ nó một cái TRUNG TÂM TƯ VẤN GIÁO DỤC CỦA ĐẠI SỨ QUÁN MỸ được đặt trong Đại sứ quán Mỹ ở Ngọc Khánh, Giảng Võ. Cái nguồn khách quan và updated nhất thì không đến lại cứ đến cái chỗ con mẹ nào? Tên nó là EducationUSA: https://vn.usembassy.gov/education-… . Và trước khi ai đó thắc mắc gì thì mình hoàn toàn không được lợi gì từ việc PR cho EducationUSA, bởi vì đây là tổ chức phi lợi nhuận. Cũng chính vì là tổ chức phi lợi nhuận, mà họ giúp bạn app MIỄN PHÍ. Vâng miễn phí đó ạ! Họ tuân thủ đúng mọi quy tắc đạo đức hành nghề đặt ra bởi Bộ Ngoại giao Mỹ, và là nguồn thông tin khách quan, đầy đủ, updated nhất về các trường đại học Mỹ. Không chỉ vậy, cái thư viện của họ cũng cực kì nhiều tài liệu để bạn có thể ôn thi hay tìm hiểu các thứ.
C. Chọn trường:
Cho mình tầm 30p và mình có thể mổ xẻ và thuyết phục bạn tại sao US News’ College Rankings là một thứ chủ quan, thiên vị nhà giàu và nhiều khi rất vô lí với những tác động rất tiêu cực lên cách các trường đại học hoạt động. Tuy nhiên ở đây mình sẽ không làm điều đó, ai muốn nghe có thể ib mình.
Yếu tố phù hợp là rất quan trọng trong quá trình chọn trường. Mấy cái bạn có thể nghĩ là không quan trọng có khi lại có ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ như bạn có thể nghĩ khí hậu không quan trọng lắm vì bạn có thể thích nghi, nhưng đến lúc bạn hắt hơi vì lạnh tụt l quanh năm suốt tháng thì bạn đéo có học hành gì nữa đâu mình thề luôn. Nên để chọn trường, đầu tiên hãy xác định những tiêu chí của bản thân, ví dụ như:
- NU hay LAC?
- Thành thị to to hay khỉ ho cò gáy?
- Nóng hay lạnh?
- Coed hay single-sex?
- Đông người Việt hay ít người Việt?
- Một số môn học hay ngành bạn muốn trường có?
- Double major không?
- Có cơ hội hay cơ sở vật chất cụ thể nào bạn muốn trường có (co-op, internship, study abroad,…)?
- Gần ai đó không?
…… Và rất nhiều thứ khác tùy theo nhu cầu cá nhân của mỗi người.
Điều quan trọng nhất là xác định cho bản thân một tư tưởng giáo dục. Bạn muốn nền giáo dục của mình tập trung vào cái gì? Vào việc học để đi làm kiếm tiền hay học vì học? Hãy xác định một tư tưởng giáo dục cho riêng mình, và đọc nghĩ kĩ về cái mission statement với vision trên website các trường. Điều này rất quan trọng vì cuộc sống đại học khá là vất, thế nên bạn cần phải yêu thích việc học của mình để có thể kéo bản thân qua những sự vất đó. Cho đến giờ mình thấy rất intellectually engaged với những gì mình đã và đang được học và đọc, dù mình ở đây mới được có một tuần.
Điều đó dẫn đến ý tiếp theo của mình: Mổ xẻ lật tung cày nát cái website trường ra, xem nó có thỏa mãn những cái nhu cầu của bạn hay không. Nói cách khác, lục tung cái website để xem bạn có phù hợp với chỗ đó hay không.
Again, “the fit” là một điều rất quan trọng, vì bạn sẽ rất khổ sở ở một nơi không phù hợp với mình. Không chỉ vậy, các trường khi chọn học sinh họ chọn những người họ thấy phù hợp nhất, những người mà có tiềm năng phát triển nhiều nhất ở trường của họ, thế nên việc bạn phù hợp với một trường và thể hiện được điều đó trong hồ sơ rất có lợi cho bạn trong quá trình app.
D. Phản đối US News Rankings hay PR cho Bennington College?
Ở đây mình sẽ không mổ xẻ US News như mình đã hứa ở trên, mà mình muốn nói về trường của mình, Bennington College, được xếp hạng 87 bởi US News trên bảng xếp hạng LACs. Từ khi đến đây, học ở đây 1 tuần, mình đã thấy được rất nhiều về giá trị của nơi này mà trước đây mình chưa hề biết đến.
Đầu tiên là những thứ mà có thể tìm hiểu được trên website. Hệ thống giáo dục của Bennington dựa trên 2 cột trụ chính: The Plan và Field Work Term.
- The Plan: Ở Bennington không có major. Trường mình có một đống areas of study, nhưng không có major. Học sinh không declare major của mình, mà nó là một quá trình. Khi ra trường sẽ nhận bằng Bachelor of Arts. The Plan Process là bạn sẽ tự chọn ra những gì mình muốn học, tự xây dựng quá trình học của mình trong suốt 4 năm để phù hợp nhất đối với những mong muốn và dự định của bản thân. Không có core curriculum, không có môn gi bắt buộc cả. Chẳng ai bắt bạn phải học hay làm gì cả, chỉ là bạn có dám học hay làm hay không thôi. Đây là điều rất quan trọng với mình khi đưa ra quyết định chọn Bennington: Tự do và tự chủ. Mức độ tự do của Bennington vượt lên trên mọi trường mình đã tìm hiểu, những nơi mà khoe về tự do trên websites nhưng vẫn giới hạn nó với những thứ như core curriculum hay một số khóa nhất định phải học để đạt major requirements. Sự tự do ở Bennington thể hiện dưới rất nhiều dạng, như việc reading room ở thư viện mở 24/7, hay việc học sinh có thể mượn chìa khóa vào các nơi như computer lab để có thể ngồi làm projects thâu đêm suốt sáng,… Mình cũng muốn nói là với mình tự do là điều rất quan trọng, thế nên mình thấy Bennington hợp với mình. Nếu bạn không muốn sự tự do mà, arguably, có thể hơi quá đà như vậy, thì Bennington có lẽ không dành cho bạn. Cách xây dựng The Plan đương nhiên không đơn giản như việc chỉ học mọi thứ bạn muốn. Xuyên suốt 4 năm bạn sẽ phải xây dựng và cải thiện Plan của mình liên tục, và phải thuyết trình và cãi nhau với 1 committee gồm 3 faculty advisors để bảo vệ/điều chỉnh Plan của mình. Như vậy, bạn có thể xây dựng được một kế hoạch thật sự fulfilling mà không thiếu phần challenging chút nào cả, và quan trọng hơn là bạn đảm bảo được là Plan của mình không như l và khi ra trường mình sẽ thật sự đã học được gì đó.
- Field Work Term (FWT): Tự do vãi l thế kia thì nhỡ đâu tốt nghiệp lại toàn học những cái ở đẩu ở đâu không dùng được trong thế giới đi làm thì sao? FWT là một điều duy nhất Bennington có. FWT không phải kì học, mà là kì làm. Học sinh bắt buộc apply đi làm ở bất kì đâu trên thế giới trong vòng 7 tuần trong năm học từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2. Bất kì đâu, miễn là được nhận. Điều này cho phép học sinh có kinh nghiệm đi làm, học những kĩ năng trong thế giới đi làm, và đưa những kiến thức mình đã học vào thực tiễn. Nó còn giúp học sinh khám phá những lĩnh vực mới một cách thật và trực tiếp nhất. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội cực tốt để xây dựng mạng lưới quan hệ mà sẽ rất có lợi khi bạn tốt nghiệp và phải đi kiếm việc.
Sự kết hợp của The Plan và FWT cho học sinh một mức độ tự do cực lớn, nhưng cũng cho học sinh cơ hội để tự đánh giá những quyết định bản thân đưa ra với cái sự tự do đó. Họ trao cho bạn tự do và trao cho bạn khả năng để điều chỉnh mức độ tự do mình muốn thay vì bị cuốn đi. Họ không giới hạn tự do của bạn, mà để cho bạn tự làm điều đó nếu bạn thấy cần thiết. Đây là một sự kết hợp mà mình thấy rất tinh tế, vì việc trao quyền chủ động vào tay học sinh như vậy thật sự khiến học sinh phải có trách nhiệm với những quyết định của mình: Bạn có tự do quyết định, và bạn có trách nhiệm phải chịu những hậu quả do quyết định mình đưa ra. Đương nhiên, hậu quả ấy sẽ chỉ kéo dài 7 tuần, và trải nghiệm đó sẽ khiến bạn nghĩ lại về những quyết định của bản thân và điều chỉnh một cách hợp lí và cân bằng nhất. Những bài học ấy sẽ rất quan trọng sau khi tốt nghiệp, khi mà bạn thật sự tự chủ tự quyết và những quyết định của bạn có thể theo bạn cả đời.
Sự kết hợp này cũng là một sự đảm bảo rằng học sinh vừa học những gì mình muốn và vừa sẵn sàng cho thế giới sau tốt nghiệp (vì đôi khi những gì mình thích không phải là các ngành đang hot trong thị trường việc làm). Nó vừa tự do vừa đảm bảo, và điều tinh tế nhất đó là cả 2 mặt đó đều do bạn quyết định, chứ không ai khác.
Bây giờ đến những điều mà mình nhận thấy sau 1 tuần học. Từ khi thành lập, Bennington đã luôn là một trường rất progressive và rất đa dạng. Đọc commencement statement trên website là thấy. Phải tầm một nửa trường là LGBTQ+. Những nước mình chưa hề nghe tên đều có người ở đây. Tuy nhiên, trái với khái niệm diversity ở nhiều nơi, Bennington tiếp cận khái niệm này một cách rất khác.
Diversity agenda là cái mà các chiến binh công lý xã hội dựa vào để đưa mọi thứ lên một tầm cao mới. Khi mình mới gặp roommate, roommate (một người da đen) hỏi: “How’s your English?” Ở nhiều nơi, câu hỏi này sẽ được coi là microaggression, một khái niệm rất gây tranh cãi. Tuy nhiên, mình biết roommate không có ý xúc phạm mình hay phân biệt, mà đơn giản là nó không biết. Nó sống ở Mỹ còn mình ở Việt Nam. Làm sao nó biết được ở Việt Nam học sinh phải học tiếng Anh từ lớp 3? Diversity agenda là cái thứ mà các social justice warriors dựa vào để phê phán sự cultural ignorance như vậy và condemn nó as hatred, một điều mà thật sự rất vô lí và cực đoan.
Bài đọc đầu tiên của mình là một bài đọc cho First-year Forum với faculty advisor để hướng dẫn học sinh qua hệ thống giáo dục ở Bennington. Bài đọc đó về total institutions, những nơi mà có một tập thể gần như là cố định sinh hoạt cùng nhau cả ngày trong một thời gian dài. Những nơi như nhà tù, bệnh viện tâm thần, trại tập trung,… Lúc đầu, mình không hiểu mục đích cho lắm, nhưng rồi mình bật ra: “She probably wants us to compare a college campus, particularly Bennington, with a total institution.” Và đấy đúng là điều cô ý làm. Cô ý còn yêu cầu bọn mình phân loại các “wardens” trong “asylum” này và mối quan hệ của họ với “inmates”. Điều mình muốn nói là, cô ý đang khuyến khích bọn mình nhìn nơi này đa chiều hơn, như kiểu cô ý muốn nói “You chose this place, so I assume you must like it. But here, this place has its bad sides, and it may not be all that you think.”
Assignment thứ 2 của cô ý là muốn mình ngồi trong nhà ăn và ghi chú xem mọi người xung quanh làm gì, nói về cái gì, ngồi ở đâu với ai như thế nào. Điều này nói rất nhiều bởi nó cho thấy xã hội và cộng đồng ở đây được xây dựng và hoạt động như thế nào. Người như thế nào thì ngồi một mình? Khi ngồi một mình thì họ ngồi ở đâu? Người như thế nào thì ngồi theo nhóm? Và ở đâu? Lúc nào vắng lúc nào đông? Tóm lại, cô ý một lần nữa muốn bọn mình tìm hiểu thêm về cộng đồng này, về có thể thấy được những kiểu người nhất định, và có thể có một số kiểu có nhiều bạn bè hơn những kiểu khác.
Một lớp khác của mình cũng có một bài đọc mà trong đó tác giả ủng hộ việc miêu tả chân thực không giấu giếm không nói giảm nói tránh bạo lực để thật sự hiểu được nó, chứ không nên cấm kị điều đó. Vì có như thế thì mới giải quyết được bạo lực.
Cái điều mình muốn nói ở đây là trong 1 tuần qua, mình đã được khuyến khích đi tìm sự thật thông qua các bài đọc và bài tập. Mình hơi không muốn dùng từ “sự thật” vì sự thật và thực tại thay đổi liên tục và phụ thuộc vào góc nhìn, nhưng mình không tìm ra từ nào khác. Điều này liên quan mật thiết đến cái diversity agenda mình nói ở trên: They don’t play social justice here. Như việc mình với roommate: Mình khác nó và nó khác mình. Đó là sự thật. Không hiểu nhau là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bennington hiểu rằng những sự thật đó cần được phơi bày và cần được hiểu trước khi công lý xã hội có thể trở nên hiệu quả. Thế nên ở đây, trong một bài báo mình đã đọc về Bennington, sự tự do được nâng lên một tầm mới: “Students can say whatever they want.” Và chính sự authentic freedom of expression đó khiến mọi người chọn từ ngữ cẩn thận hơn rất nhiều, vì nó khiến họ hiểu rằng có những sự khác biệt giữa mọi người với nhau, và tất cả đều hiểu rằng họ cần hiểu những những sự khác biệt đó trước bất cứ điều gì khác.
Sự tự do ở Bennington, dù có vẻ hơi quá đà, nhưng chính sự quá đà ấy lại giải quyết những vấn đề mà bản thân nó có thể gây ra. Chính vì những lí do này mà mình tin rằng Bennington thật sự là một hidden gem mà khó có thể thấy được trên bảng xếp hạng của US News, và mình chân thành khuyên và khuyến khích mọi người khi chọn trường hãy thật sự nghiên cứu và tìm hiểu trường, bởi lẽ một con số trên US News không thể nào phản ánh được tất cả các mặt của một ngôi trường.
E. Hoạt động ngoại khóa:
Hoạt động ngoại khóa có một số vai trò như sau. 1 là nó cho trường biết bạn thích gì, đam mê gì, quan tâm gì. 2 là nó cho trường biết bạn cống hiến bản thân đến đâu cho sở thích, đam mê, mối quan tâm đó. Thế nên, một danh sách hoạt động ngoại khóa có chất lượng là một danh sách thể hiện được những sở thích, đam mê, mối quan tâm và sự cống hiến của bạn dành cho chúng. Mình biết trên CommonApp có 10 dòng điền HĐNK, và điều này khiến học sinh cảm thấy áp lực phải điền hết, nhưng áp lực đó là một tưởng tượng.
Khi chọn học sinh, trường không muốn một học sinh toàn diện, mà họ muốn một khóa toàn diện, thế nên họ muốn mỗi học sinh có mặt mạnh khác nhau. Có người hát hay có người đá bóng giỏi, có người hoạt động xã hội có người bú mình trong phòng thí nghiệm,… Thế nên, một danh sách HĐNK mà bạn làm mọi thứ đi khắp nơi không phải là một danh sách tốt.
Thứ 1, HĐNK là tất cả những gì bạn làm ngoài phòng học. Viết blog, chơi guitar, đạp xe 10km chăm sóc cho người bà bị ốm hàng ngày,… Tất cả những cái đó là hoạt động ngoại khóa, chứ không chỉ những hoạt động hay sự kiện hay cuộc thi được tổ chức bởi một đơn vị nào đó. À đó, nhân tiện nói luôn là: Bỏ ngay cái tư tưởng tham gia HĐNK vì cert đi nhé. Mình không hô hào về sự nông cạn của việc này đâu, mà mình sẽ nói thẳng cho bạn về mặt thực tế là gửi cert cho trường là trường ghét cho đó nó đéo nhận đâu.
Thứ 2, chất lượng hơn số lượng. 3 năm gắn bó và cống hiến cho một tổ chức về môi trường tốt hơn là đi khắp một đống tổ chức về môi trường nhưng mỗi cái không quá được 1 năm.
Thứ 3, HĐNK ngoại khóa ấn tượng nhất khi bạn viết được hay về nó, và bạn chỉ có thể viết hay nếu như bạn thật sự yêu thích và thật sự đắm mình vào cái trải nghiệm đó để thật sự hiểu những bài học mình đã rút ra. Mình sẽ nói sâu hơn về việc viết ở phần sau. Ở đây, cái mình muốn nói là: Lãnh đạo hay không, có đi rừng núi hẻo lánh hay không quan trọng bằng việc có hiểu và trân trọng cái mình đang làm hay không.
F. Lãnh đạo:
Đây là một khái niệm rất được trọng vọng trong mắt nhiều học sinh khi apply. Mình thừa nhận, xã hội và giáo dục Mỹ rất coi trọng việc lãnh đạo, nhưng trong quá trình quyết định nhận hay loại thì khái niệm này hơi khác với cách hiểu thông thường của nhiều học sinh Việt Nam. Định nghĩa chính xác có 2 phần:
- Lãnh đạo không phải là thành lập một tổ chức, làm (phó) tịch của một câu lạc bộ hay sáng lập một dự án.
- Lãnh đạo là tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng xung quanh.
Điều quan trọng cần hiểu rằng, khi các trường nói rằng họ muốn tìm lãnh đạo, họ muốn tìm người khi tốt nghiệp có tố chất làm lãnh đạo, chứ không phải một người có một danh sách các chức danh. Vậy thì, để sau khi tốt nghiệp trở thành lãnh đạo cần có cái gì? 2 thứ: kĩ năng lãnh đạo – cái mà trường sẽ dạy bạn trong 4 năm, và một ước muốn thay đổi cộng đồng – cái mà trường muốn thấy trong hồ sơ.
Nói rộng ra, trường muốn thấy một đam mê từ phía bạn. Bạn có thể là một người chơi piano xuất sắc và về sau có thể bạn sẽ soạn ra những bản nhạc mang tính quyết định thời đại, nhưng ở tuổi 16 17 khi bạn vẫn đang hoàn thiện kĩ năng chơi piano của mình, việc bạn lãnh đạo một cái gì đó thật sự hơi không cần thiết.
G. Essays:
Mình sẽ copy lại cái vai trò của essays xuống đây. Essays có 2 vai trò. 1 là để đánh giá khả năng viết của bạn. 2 là để tìm hiểu bạn trên những phương diện khác mà đống điểm chác hay cái list HĐNK không thể truyền tải.
Một essay hay là một essay có chất. Một essay có chất là khi bạn thật sự hiểu mình đang viết cái gì, và vì bạn đang viết về bản thân, nó yêu cầu bạn hiểu bản thân và những trải nghiệm của bản thân. Thế nên mình mới nói một counselor thật sự kiên nhẫn và cố gắng tìm hiểu bạn là rất quan trọng, để từ đó bạn có thể đặt ra những câu hỏi từ từng bản draft bạn viết ra, qua đó cải thiện chiều sâu và cái chất của bài essay.
Sáng tạo? Đừng có cố phải viết ra cái gì mới lạ để wow người ta. Người ta đọc essays từ khắp nơi trên thế giới trong rất nhiều năm rồi, chả có gì người ta chưa đọc đâu, nên bạn không có cửa làm người ta bất ngờ đâu. Cố quá thành quá cố đó. Cái mình muốn nói về việc sáng tạo là ý tưởng nào cũng có thể viết được, miễn là bạn đủ hiểu nó, và tìm ra đúng cách để thể hiện nó. Hồi mình viết PS, mỗi lần viết mình thử đi thử lại những format những structure những phong cách viết khác nhau để xem cái nào phù hợp và hiệu quả nhất. Mình bị chị app dập liên tục trong khoảng 2 tháng, mỗi lần bị dập là mình xóa đi viết cái mới. Cho đến khi 2 tuần trước deadline 1/11 mình tìm ra được format hiệu quả (dù tận 1000 từ) và cũng là lần đầu chị ý nói đọc bài thấy thích. 1 tuần sau đó mình có PS chính thức hoàn chỉnh.
Một câu hỏi mình hay được nhận là có nên điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp với hình mẫu trường muốn không. Câu trả lời là không. Và mình sẽ không hô hào rằng bạn muốn được nhận vì chính con người mình hay blablabla,… mà mình sẽ trả lời một cách thực tế hơn. Mỗi trường đều có cái gọi là institutional need. Tức là họ muốn một khóa và một môi trường đa dạng, nên mỗi lúc họ muốn một kiểu học sinh. Hôm nay họ muốn thằng bú mình trong phòng nghiên cứu, ngày mai muốn con nhà thơ, ngày kia muốn thằng lập trình, ngày kìa muốn con hoạt động xã hội,… Cái institutional need này thay đổi liên tục và bạn không thể nào biết được lúc nào trường muốn học sinh kiểu gì. Thế nên cơ hội tốt nhất của bạn là phản ánh chân thực bản thân mình và mong rằng trường đang tìm kiếm một người như mình.
Không có công thức nào để viết essay hay đâu nha. Nếu bạn thật sự hiểu mình đang viết cái gì thì tự khắc nó sẽ hay thôi.
H. Những nguồn giúp đỡ:
EducationUSA là nguồn miễn phí và chính xác nhất bạn có thể kiếm được ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hãy hỏi những người khóa trên đi trước, vì họ là một trong những người duy nhất không có động cơ cá nhân để trục lợi từ việc giúp đỡ bạn.
Và sau khi viết ra cái note dài vcl này, để thật sự take it all the way, thì mình muốn đưa bản thân ra giúp đỡ khóa sau. Trừ essay SAT mới với ACT ra nhé, còn lại essay IELTS, TOEFL, hay PS và supps, mình luôn sẵn sàng đọc và nhận xét (dù có thể không phải ngay lập tức). Nếu muốn và sẵn sàng chia sẻ bạn có thể ib mình và mình sẽ đọc và rep ngay khi có thể.
Không chỉ vậy, nếu cho đến bây giờ 1518 có ai không có ai giúp xuyên suốt cả quá trình thì có thể tìm đến mình. Cả các khóa sau 1518 nữa mình sẵn sàng giúp đỡ các khóa sau trong quá trình apply này. Đương nhiên là mình nghĩ các bạn nên đến EducationUSA trước, nhưng mình cũng lo là như vậy sẽ đặt gánh nặng lên vai những chuyên viên ở đó, nên nếu ai muốn mình giúp thì luôn có thể inbox và mình sẽ giúp hết sức có thể.
I. Vài lời cuối:
Quá trình apply đi Mỹ ở Việt Nam hiện giờ như một chiến trường và một cuộc đua, nhưng nó không cần thiết phải như vậy. Mọi người tập trung quá nhiều vào việc so đo mình với người khác trong khi quá trình này là về bản thân bạn, là về tìm được nơi phù hợp với bản thân bạn. Những quan niệm sai lầm về HĐNK, lãnh đạo, essays hay sự thần thánh hóa US News College Rankings khiến cho mọi người tự hại mình theo rất nhiều cách khác nhau. Và trên hết, nhiều người không có được nguồn giúp đỡ tử tế. Cho đến giờ mình đã dành tới 4h đồng hồ để viết ra cái note này với mục tiêu giải quyết phần nào những vấn đề đó. Nếu đọc được xin hãy share để cái note này có thể đến được với các khóa sau nữa mà mình không hề quen biết, nhưng có thể sẽ rất cần được đọc những gì mình viết ở đây.
Chúc 1518 một mùa app may mắn. Và từ 1619, mình mong là với cái note này, các em sẽ sẵn sàng hơn và vững tâm hơn cho những gì phía trước.