Hế lu các anh chị em bạn dì thân yêu, hôm nay chúng ta sẽ cùng đọc 1 bài chia sẻ cực kì có tâm về kinh nghiệm xin MEXT nhớ. Mấy bạn viết hay dã man, chị đăng trực tiếp luôn, khỏi phải edit.
Nguyễn Thu Nga – sinh viên năm 2 ngành Policy Science, Đại học Ritsumeikan.
- Sơ lược về profile:
- Cựu học sinh chuyên Nhật khóa 48 trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ.
- Tuyển thẳng Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Học bổng toàn phần chính phủ Nhật – MEXT bậc đại học – Đại học Ritsumeikan.
- Cơ duyên đến với MEXT:
Do theo học chuyên tiếng Nhật từ cấp 3 và đã từng có cơ hội đặt chân tới đất nước mặt trời mọc vào năm 2018, mình rất thích văn hóa và con người nơi đây và cảm thấy đây là một đất nước phù hợp với mình. Nhật cũng có nhiều loại học bổng hỗ trợ học sinh và việc xin học bổng ở Nhật cũng dễ dàng hơn các nước châu Âu nên mình đã quyết định đặt mục tiêu du học Nhật sau khi tốt nghiệp cấp 3. Khi tìm hiểu về các trường đại học ở Nhật để apply, mình được biết ngành CRPS (Community and Regional Policy Studies) thuộc khoa Policy Science của đại học Ritsumeikan được MEXT tài trợ 6 suất học bổng cho các ứng viên có quốc tịch Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ hoặc Thái Lan. Hơn nữa ngành Policy Science còn là một ngành khá mới và rất thú vị nên mình đã quyết định apply.
- Quá trình apply:
- Thi chứng chỉ: do mình học chuyên tiếng Nhật ở cấp 3 nên thời gian tiếp xúc với tiếng Anh không nhiều, vì vậy điểm thi chứng chỉ tiếng Anh của mình không quá nổi bật so với mặt bằng chung. Tuy nhiên theo mình thì các trường đại học Nhật không quá quan trọng thành tích xuất sắc do họ tìm kiếm những người phù hợp chứ không phải những người giỏi nhất, vì vậy nếu điểm chứng chỉ không quá cao thì cũng không cần quá lo lắng.
- LOR: trường yêu cầu 1 thư giới thiệu của giáo viên, thư này xin của thầy cô nào cũng được, nhưng nên xin của thầy cô mà bạn đã gắn bó trong khoảng thời gian đủ dài và hiểu được tính cách, trình độ cũng như điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Tất nhiên nhờ được các thầy cô càng có uy tín thì càng tốt. Mình đã xin thư của cô chủ nhiệm – người gần gũi và hiểu tính cách cũng như khả năng của mình nhất.
- Bài luận: 2 bài luận đầu tiên có chủ đề khá chung chung, hỏi về lý do tại sao bạn chọn ngành này tại trường Ritsumeikan và kể về một trải nghiệm của bạn mà có liên quan tới ngành này. Mình đã tìm hiểu kỹ về mục tiêu đào tạo, tầm nhìn của trường, spirit, slogan của trường, những điều trường đã làm được trong quá khứ và mục tiêu hướng đến của trường trong tương lai, v.v và liên hệ bản thân và trải nghiệm của bản thân mình (là làm tình nguyện viên cho một dự án giúp đỡ các em nhỏ bị ung thư ở viện Nhi Hà Nội) với những điều đó. Rất nhiều người đi trước có để lại lời khuyên rằng các trường đại học Nhật không chủ trương chọn người giỏi nhất, mà họ chọn người phù hợp nhất. Vì vậy, bạn phải thể hiện trong bài luận rằng bạn có những tố chất phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường, và bạn là người mà trường tìm kiếm. Bài luận cuối là một bài luận hơi chuyên môn, về một vấn đề xã hội đang đối mặt mà bạn có hứng thú. Đây có thể coi là một bài kiểm tra của trường về khả năng nghiên cứu, tìm kiếm và chọn lọc thông tin từ nhiều góc nhìn của thí sinh, là một kỹ năng cơ bản cực kỳ cần thiết khi vào học ngành này. Để viết được bài này thì bạn nên bỏ công sức và thời gian tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, nhiều khía cạnh để tạo nên một bài nghiên cứu hoàn chỉnh. Mình đã viết về sự chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực ở Việt Nam, đồng thời liên hệ với tình hình ở Thái Lan và Nhật Bản cũng như những điều nên học hỏi và những điều chưa thành công ở hai đất nước này.
- Phỏng vấn: Ngoài những câu chung chung như giới thiệu điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, lý do chọn trường, chọn ngành, giám khảo cũng sẽ hỏi một vài câu liên quan tới bài luận và hướng giải quyết mà bạn nghĩ tới cho vấn đề mà bạn nói trong bài. Do đó bạn nên đọc kĩ bài luận của mình trước khi phỏng vấn, nhất là bài 3. Bạn cũng nên thử test đường truyền, tín hiệu, webcam, sạc pin máy tính đầy đủ, có phương án dự phòng trong trường hợp mất điện, mất mạng hoặc máy tính hỏng trong 2 ngày cuối trước khi phỏng vấn để giảm thiểu tối đa rủi ro. Bên trường cũng sẽ yêu cầu mình giơ passport hoặc giấy tờ tùy thân cho họ check trước khi phỏng vấn nên hãy chuẩn bị trước cẩn thận chứ đừng để lúc phỏng vấn lại đi tìm thì rất mất thời gian và ảnh hưởng đến tâm lý.
- Quotation:
Mình mới trải qua cuộc sống du học sinh được 1 năm rưỡi, trong đó có hơn 1 nửa thời gian sống ở Việt Nam do dịch COVID-19 ☹ vậy nên kinh nghiệm của mình có lẽ chưa đủ nhiều để truyền cảm hứng hay động lực cho người khác. Tuy nhiên, khi apply, tuy mình có đặt mục tiêu sẽ giành được học bổng càng lớn càng tốt, nhưng mình biết khả năng của mình không hề nổi trội so với những ứng viên khác. Do vậy, mình nghĩ yếu tố giúp mình đạt được học bổng của chính phủ Nhật không phải là tài năng mà là sự cố gắng và chăm chỉ. Mình nghĩ câu quotation này sẽ có vẻ hơi chung chung đối với nhiều người, nhưng nếu bạn thực sự khao khát một điều gì đó, “Do your best or you will regret.”