Một bài viết rất hay của bạn Moon in Loonie Land trong group
Scholarship Hunters của page. Mời cả nhà đọc nhá, have a good day
________________________
“We start our life journey with a duffel bag full of talents. What we make of it is up to us.”
Thẻ của em xong rồi, em có thể dùng thẻ này để ra vào tòa nhà của khoa và phòng lab, nó cũng sẽ là thẻ thư viện của em luôn nhé! – Felix đưa cho tôi chiếc thẻ UBC sau một hồi làm giấy tờ.
– Em cảm ơn anh ạ! Nhưng anh ơi, sao ở đây lại có từ “unclassified”?
– Vì em là visiting scholar ngắn hạn nên sẽ có từ đó trên thẻ. Có một số giới hạn cho thẻ của em, ví dụ như những cơ sở vật chất chỉ dành cho sinh viên của trường – Felix từ tốn giải thích.
– Ồ vậy ạ, vậy mà em cứ tưởng hệ thống có lỗi gì. Vậy là em có lý do để quay lại UBC làm sinh viên rồi – tôi bật ra câu nói nửa đùa nửa thật.
– Biết đâu anh sẽ gặp em vào mùa thu năm sau, ở đây, với một chiếc thẻ mới? Em không nghĩ rằng UBC là một lựa chọn rất tuyệt sao?
Câu hỏi bỏ ngỏ của Felix làm tôi tự dưng sững lại mất vài giây. Tôi cảm ơn Felix lần nữa, chào anh, rồi đi về phía văn phòng nghiên cứu, trong lòng chộn rộn những suy nghĩ và cảm xúc.
Đó là ngày đầu tiên tôi nhận phòng làm việc cho kỳ thực tập sinh ở UBC Forestry. Gió của ngày hè dưới 20 độ có cả mùi hoa oải hương bay khắp những con đường. Chiếc cardigan mỏng duy nhất mang từ Hà Nội qua giúp tôi không bị lạnh giữa mùa hè Canada. Tôi có cảm giác mình thật nhỏ bé giữa ngôi trường rộng như một thành phố thu nhỏ này. Trường có 7 thư viện chính, 3 bảo tàng lớn nổi tiếng ở Vancouver, hệ thống xe bus, bệnh viện, siêu thị, và trường học cho trẻ em. Bởi thế, một kẻ nổi tiếng mù đường như tôi, đã đi lạc không biết bao nhiêu lần trong tuần đầu tiên.
Năm đó, tôi chuẩn bị tốt nghiệp Đại Học ở Việt Nam, chỉ tới UBC ba tháng, rồi sẽ về hẳn – ở thời điểm đó, tôi không chắc mình có thể gặp lại ngôi trường này sau khi kết thúc kỳ thực tập hay không. Cuộc sống của một visiting scholar là một trải nghiệm quý giá, nhưng “lưng chừng” vì tôi cảm nhận rõ rằng, tôi chưa thực sự là một phần của ngôi trường này, hay thành phố này, tôi đơn giản chỉ có một chuyến ghé thăm.
Dự án nghiên cứu về cháy rừng tôi tham gia năm ấy là cùng với một sinh viên cao học và một nghiên cứu sinh tiến sĩ khác. Những ngày trong tuần, tôi làm việc 8 tiếng ở trường, buổi tối thì ngồi hoàn thành khóa luận Đại học, đó là mùa hè cuối cùng trong đời sinh viên Đại học của tôi. Cuối tuần, tôi tranh thủ đi khám phá đó đây cùng nhóm bạn thực tập sinh, Nath, Ruth, Diana, Aish, và Josh, mỗi người đến từ một đất nước khác nhau. Chúng tôi có hẳn một danh sách gọi là “bucket list” – những điều nhất định sẽ làm trong 3 tháng ở Vancouver.
Ruth bảo: mấy đứa tụi mình, chẳng biết có đứa nào quay lại Vancouver lần hai trong đời không, nên là cứ YOLO đi!!! Ruth là người “đạo diễn” tất cả những tiết mục ăn chơi cuối tuần, và mỗi lần cô nói vậy, cả lũ sẽ hay đồng thanh kết thúc bằng câu “oh yeah, Mitacs has got us covered!!!” rồi phá lên cười – đó là câu đùa quen thuộc của nhóm tôi, vì Mitacs là tổ chức trả lương cho chúng tôi hàng tháng. 90 ngày ấy giống như một giấc mơ mùa hè, chứa đựng những ký ức tươi đẹp nhất của năm cuối Đại học, và cũng là những ký ức đầu tiên tôi có với Canada.
Mỗi ngày, trên đường tới phòng lab, tôi đều đi ngang một lớp học của sinh viên UBC Forestry. Có một hôm, tôi cứ đứng đó, miên man nghĩ: “giá như một ngày, mình cũng được ngồi trong giảng đường của UBC Forestry, được làm sinh viên ở đây, được viết ý tưởng nghiên cứu của riêng mình và hiện thực hóa nó”. Và thế là tôi có một lý do để bắt đầu – tôi ước mơ được học.
Tôi gom hết sự dũng cảm của mình để ngỏ lời với giáo sư hướng dẫn thực tập ở UBC. Nhưng tôi không thành công ngay từ lần đầu tiên. Chính tôi biết rất rõ rằng hướng nghiên cứu của giáo sư không 100% khớp với hướng nghiên cứu mà tôi muốn theo đuổi. Khi ấy, bà nói với tôi rằng: “I don’t want to make you work on something that doesn’t make you happy. If you can find a co-supervisor, it will work out perfectly” – tôi cần tìm một giáo sư khác đồng ý làm co-supervisor cho mảng nghiên cứu về nhận thức cộng đồng. Lý do là vì tôi vẫn ấp ủ làm một nghiên cứu sử dụng cả phương pháp định tính lẫn định lượng, mà giáo sư hiện tại của tôi khi ấy chỉ chuyên về những phương pháp định lượng – cụ thể là các phương pháp và mô hình thống kê trong lâm nghiệp.
Khoảng thời gian đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lý do thực sự khiến tôi muốn quay trở lại, tại sao tôi muốn học tiếp lên thạc sỹ? tại sao lại là Canada? Bởi vì nếu không có một lý do đủ sâu sắc và là điều tôi thực sự muốn, có lẽ tôi sẽ không thể kiên trì với hành trình tôi quyết định dấn thân. Người ta bảo làm gì cũng cần có động lực, tôi thì lại nghĩ, làm bất cứ điều gì cũng cần phải có một lý do vững vàng. Bởi thế, mãi tới bây giờ, khi có ai hỏi tôi về chuyện đi du học, câu đầu tiên tôi sẽ hỏi ngược lại người đó là: “tại sao bạn muốn đi du học?”.
Tôi nhận ra rằng, lý do sẽ là thứ quyết định cách tôi tạo ra những trải nghiệm cho riêng mình: cách tôi đặt bản thân mình giữa thế giới, cách tôi vượt qua khó khăn, cách tôi nhìn nhận và học hỏi từ những chuyện xảy đến với mình, và cuối cùng, tất cả sẽ tạo nên tôi của những ngày tháng tiếp theo.
Mùa hè năm ấy, tôi quyết tâm ngồi soạn email, chuẩn bị CV và viết statement of interest để liên lạc với những giáo sư mà tôi nghĩ là thích hợp nhất. Thời đó, tôi còn rất lóng ngóng khi soạn một email liên lạc với giáo sư sao cho phù hợp và hiệu quả: bắt đầu ra sao? nội dung nên đề cập những điểm chính gì? đặt vấn đề như thế nào để một giáo sư bận trăm công ngàn việc sẽ mở email của một đứa sinh viên (từ trên trời rơi xuống) ra xem?
Không biết thì phải hỏi. Kate, Grace – hai người bạn cùng lab của tôi khi đó và giáo sư của tôi đã chỉ cho tôi rất nhiều điều, từ khâu chuẩn bị CV, viết statement of interest, tới việc soạn email, thời điểm gửi email tới các giáo sư để ngỏ lời. Có lẽ, chính bởi vì khi trước tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ vô tư và tận tình từ những người mới quen biết, nên bây giờ, cứ có dịp giúp đỡ ai trong khả năng của mình, tôi đều rất sẵn lòng.
Trong số rất nhiều email gửi đi, tôi nhận được bốn phản hồi. Một phản hồi chỉ đơn giản và ngắn gọn: “Thanks for your interests in my lab. I like the questions you raised, and I’d encourage you to apply to the RMES Master’s program at UBC.” – tôi hiểu đó là một lời từ chối lịch sự. Ba lời phản hồi còn lại là lời mời đến gặp mặt trực tiếp ở văn phòng làm việc của các giáo sư. Cuối cùng, tôi nhận được sự đồng ý từ một giáo sư – người sau đó trở thành co-supervisor của tôi trong 2 năm học thạc sỹ ở UBC Forestry.
Vào ngày tôi bảo vệ luận văn, trên tấm thiệp chúc mừng mà hai giáo sư viết cho tôi, có một câu như thế này:
“We start our life journey with a duffel bag full of talents. What we make of it is up to us.”
Khi đọc tới câu đó trên tấm thiệp, nước mắt tôi bất giác chảy dài trên hai gò má. Bởi lẽ, tôi không thể tin được rằng bản thân mình đã dũng cảm bắt đầu vào mùa hè năm ấy, để tự cho bản thân mình một cơ hội đi qua những năm tháng không ngờ của tuổi 20.
Chẳng phải sao? mỗi chúng ta, không ai giống ai cả, nhưng đều bước vào cuộc sống này với một hành trang đặc biệt – những khả năng và câu chuyện của riêng mình. Điều mà mỗi người có thể tự tạo nên từ hành trang đó, rốt cuộc, vẫn nằm ở chính bản thân mình mà thôi.
—
Hai tấm ảnh đầy kỷ niệm này tôi chụp từ năm 2016. Tấm ảnh đầu tiên có chiếc thẻ UBC đầu tiên của tôi, cuốn sách đầu tiên tôi được giáo sư tặng khi bắt đầu 90 ngày làm thực tập sinh ở UBC Forestry, và chiếc ổ cứng (cũng là giáo sư mua cho) để chứa dữ liệu nghiên cứu.
Tấm hình còn lại là vào một buổi hoàng hôn – tối muộn lúc 10h tối, tôi ngồi hoàn thành khóa luận Đại học, bên ngoài khung cửa, phía xa, là dải màu trời hoàng hôn mà tôi yêu thích nhất vào mùa Hè. Cho tới tận bây giờ, những buổi hoàng hôn vẫn luôn khơi gợi cho tôi nhiều cảm xúc, chính là bởi lẽ đó. Sự kết thúc luôn luôn đẹp, vì nó cho ta biết, ta sắp có một khởi đầu mới, một khởi đầu mới đáng để sống và cố gắng hết mình.
____________________________