Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống này chưa?
Bạn tham gia một cuộc phỏng vấn, mọi thứ diễn ra rất bình thường, bạn trả lời khá tốt hầu hết các câu hỏi. Trước khi kết thúc, người phỏng vấn hỏi: “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?” Đầu óc bạn lúc này rối bời, suy nghĩ đắn đo không biết rằng có nên hỏi gì không. Nhưng tất cả những gì bạn thể hiện là một cái nhìn đầy lo lắng, theo sau là câu trả lời ngắn gọn “Không ạ”. Và cuộc phỏng vấn kết thúc!
Điều này, không phải quá tệ, nhưng thật tiếc vì bạn vừa bỏ qua một cơ hội tuyệt vời để cho người phỏng vấn thấy rằng bạn đang lắng nghe khi họ nói chuyện, thể hiện sự quan tâm của bạn đến vị trí ứng tuyển và công ty và làm cho bản thân mình nổi bật hơn.
Nếu có câu hỏi tốt, thông qua đáp án mà nhà tuyển dụng đưa ra, bạn cũng sẽ có thêm thông tin để quyết định xem đó có phải là nơi bạn muốn làm việc hay không. Vì vậy, đi phỏng vấn, đừng chỉ ngồi nghe và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn mà bạn cần đưa ra câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng.
Một ứng viên khéo léo và thông minh sẽ hiểu rằng việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng là một cơ hội chứ không phải khó khăn. Cơ hội để tìm hiểu thêm về công việc, công ty, về môi trường và triển vọng nghề nghiệp của bạn nếu làm ở đó, đồng thời chứng minh với nhà tuyển dụng rằng bạn đã tìm hiểu về doanh nghiệp, bạn là người có mục tiêu, tham vọng và định hướng rõ ràng, biết mình muốn gì và có điều kiện gì để đạt được. Tuy nhiên, để đưa ra được các câu hỏi phù hợp, trước hết bạn sẽ phải có phương pháp.
A. MỘT SỐ LƯU Ý MÀ BẠN CẦN GHI NHỚ VÀ ÁP DỤNG
1. Đặt câu hỏi đúng thời điểm: Trong hầu hết các cuộc phỏng vấn thì nhà tuyển dụng vẫn thường nắm thế chủ động và đặt ra các câu hỏi cho ứng viên. Suốt quá trình, ứng viên sẽ chỉ hỏi lại nếu chưa rõ câu hỏi và đến khi buổi gặp gỡ, trao đổi sắp kết thúc thì nhà tuyển dụng sẽ trao cơ hội đặt câu hỏi lại cho bạn. Bạn nên biết khi nào là thời gian cho mình thắc mắc, đừng bất ngờ đặt câu hỏi giữa cuộc phỏng vấn, nhất là với những nội dung không thực sự liên quan.
2. Thái độ lịch sự và chân thành: Bên cạnh đó, khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, ứng viên cần hỏi với thái độ lịch sự, thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm đến vấn đề đó vì nó ảnh hưởng tới công việc và sự nghiệp của bạn, đặc biệt tránh nói năng thô lỗ hay tự phụ.
3. Câu hỏi rõ ràng, không vòng vo: Tốt nhất là bạn chuẩn bị sẵn một số câu hỏi từ trước phỏng vấn để lúc hỏi không ngập ngừng hay quên mất định hỏi gì. Bạn cần trình bày rõ ràng vào trọng tâm, không dẫn dắt lan man vì sẽ gây khó hiểu cho người nghe, tệ hơn là bị nhà tuyển dụng đánh giá tiêu cực về khả năng ngôn ngữ hay tư duy logic.
4. Đừng hỏi những điều mà “search phát ra ngay”: Đừng hỏi những câu hỏi mà các thông tin đã có sẵn trên Website chính thức của công ty hoặc được mô tả rõ ràng trên bản mô tả công việc. Điều này sẽ thể hiện bạn chưa có sự chuẩn bị kỹ và chưa tìm hiểu về vị trí công việc/ công ty đang ứng tuyển.
5. Hỏi để nhắn gửi thông điệp: Đừng đưa ra các câu hỏi chỉ đơn thuần để hỏi. Một câu hỏi trong buổi phỏng vấn không nên chỉ đơn giản là câu hỏi để khai thác thông tin hay giải đáp thắc mắc của bản thân. Câu hỏi tốt sẽ là câu hỏi mà qua đó bạn nhắn gửi được thông điệp đến nhà tuyển dụng. Thông điệp đó chính là bạn mong chờ và đã sẵn sàng cho vị trí công việc, và bạn là ứng viên xuất sắc cho vị trí công ty đang tìm kiếm.
6. Số lượng câu hỏi: Có thể bạn có rất nhiều thắc mắc hoặc điều muốn hỏi tuy nhiên không nên hỏi quá nhiều. Hãy nên cân nhắc và nên đưa ra số lượng câu hỏi phù hợp. Thông thường, các chuyên gia tuyển dụng khuyên rằng bạn nên chuẩn bị ít nhất 2 câu hỏi để thể hiện sự quan tâm đối với vị trí ứng tuyển.
7. Chỉ đề cập tới nội dung phỏng vấn và công việc, không hỏi vấn đề cá nhân: Dù bạn có ấn tượng với nhà tuyển dụng hay thấy tò mò về nhiều vấn đề thì khi đặt câu hỏi cho họ cũng chỉ nên tập trung vào công việc, không nên nói quá nhiều đến mong muốn cá nhân, thao thao bất tuyệt về bản thân hay hỏi những câu “tọc mạch” khiến đối phương mất thiện cảm ở bạn.
8. Cảm ơn sau khi nhận được đáp án: Tưởng chừng đây là một điều cơ bản nhưng có lẽ là do quá lo lắng nên nhiều ứng viên thậm chí còn không nhớ mỉm cười và cảm ơn nhà tuyển dụng. Cho dù đáp án họ đưa ra có khiến bạn hài lòng hay không thì cũng hãy lịch sự và chuyên nghiệp nhé.
B. MỘT SỐ CÂU HỎI CÁC BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO:
1. Anh chị có thể chia sẻ thêm giúp em về Dự án em sẽ tham gia: khách hàng là ai và các công cụ mà dự án đang sử dụng được không ạ?
2. Dự án/ Team hiện tại em sắp gia nhập có đang gặp khó khăn/ issue gì không? Nếu em gia nhập thì có thể hỗ trợ những gì để giải quyết vấn đề đó?
3. Em có định hướng trở thành Project Manager /Technical Leader /… trong 3 năm tới. Anh chị có thể chia sẻ thêm giúp em về lộ trình để trở thành vị trí này tại công ty được không ạ? Thông thường sẽ mất bao lâu và em sẽ cần chuẩn bị những gì?
4. Em thấy vị trí này có rất nhiều cơ hội cũng như thách thức. Theo anh chị. Với một sinh viên mới ra trường như em thì sẽ có những khó khăn gì khi gia nhập ABC và làm việc ở vị trí XYZ?
5. Anh chị có thể cho em xin một số lời khuyên về các kỹ năng em cần cải thiện để đáp ứng được yêu cầu công việc trong tương lai được không ạ?
6. Công ty mình hiện có các chương trình đào tạo nào cho nhân viên ạ? Anh chị có thể chia sẻ giúp em một số thông tin về các khóa đào tạo của công ty mà em có thể tham gia được không ạ?
7. Qua quá trình tìm hiểu và tham gia ứng tuyển vào vị trí XYZ, em thấy môi trường của công ty mình rất chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội phát triển. Không biết các anh chị đã làm ở ABC bao lâu và Anh chị thích nhất điều gì ở ABC ạ?
8. Anh/chị có thể chia sẻ thêm giúp em về cách đánh giá hiệu quả công việc và đo lường hiệu quả công việc nếu em gia nhập công ty ở vị trí XYZ được không ạ?
9. Em sẽ tham gia và làm việc với team có bao nhiêu thành viên và các thành viên hiện trong độ tuổi như thế nào ạ?
10. Công ty mình có thường xuyên tổ chức đá bóng / có nhóm chơi games/ CLB sở thích nào không ạ?
C. MỘT SỐ CÂU HỎI KHÔNG NÊN HỎI
1. Công ty mình hoạt động trong lĩnh vực gì ạ? Doanh thu/ lợi nhuận năm vừa rồi của công ty là bao nhiêu? Trụ sở công ty ở đâu?
=> Hỏi quá chung chung hoặc thể hiện chưa tìm hiểu về công ty, hỏi các thông tin không quá cần thiết.
2. Em có thể hiện tốt trong cuộc phỏng vấn này không? Vâng, bạn thấy thế nào? Tôi có được nhận làm việc không?
=> Người phỏng vấn có thể chưa đưa ra được câu trả lời ngay, tạo cho họ sự khó chịu.
3. Công ty có thường xuyên tăng lương không? Công ty có thường xuyên phát tiền thưởng không? Nếu nghỉ việc tôi có phải đền bù gì không?
=> Chắc hẳn bạn không muốn người quản lý của bạn nghĩ rằng bạn chỉ quan tâm đến tiền. Không nên hỏi những câu hỏi về lương, thưởng, đặc quyền và các khoản đền bù khác trong cuộc phỏng vấn của bạn. Nếu có thắc mắc về phần này, hãy trao đổi với HR.
4. Khi nào tôi có thể nhận được hồi âm từ bạn?
=> Thể hiện bạn là người sốt ruột, không kiên nhẫn. Thông thường nếu được nhận thì HR sẽ thông báo ngay tới bạn sau 3-7 ngày làm việc. Ngoài ra câu hỏi này cũng phù hợp để trao đổi với HR hơn là hỏi ngay với Interviewer trong buổi phỏng vấn.
D. NẮM LẤY CHÌA KHÓA
Người phỏng vấn hỏi:“ Bạn có bất kỳ câu hỏi nào cho tôi không?
Hãy điều gì đó để cho thấy rằng bạn đã chuẩn bị. Đảm bảo bạn hỏi ít nhất hai câu hỏi:
– Bạn quan tâm – Đặt câu hỏi cho người phỏng vấn để thể hiện sự quan tâm và nhiệt tình của bạn đối với vị trí, công ty.
– Bạn ấn tượng – Hãy hỏi các câu hỏi sâu sắc và có ý nghĩa, thay vì câu hỏi đơn giản mà câu trả lời chỉ là có hoặc không. Câu hỏi của bạn cho thấy mức độ ấn tượng của bạn trong vị trí đó.
– Bạn là người có tầm nhìn xa – Hỏi người phỏng vấn những câu hỏi về tương lai của công ty và về cơ hội, những khó khăn hiện tại, những vấn đề và những thách thức mà họ phải đối mặt.
Chúc các schofans phỏng vấn thành công!