Kinh nghiệm

Tất tần tật về học bổng UWC Toàn phần cấp 3

Rất nhiều em từng hỏi mình: “UWC là gì hở chị, lần đầu tiên em nghe thấy tên luôn? Nó là trường cấp III hay Đại học, ngành học là gì, nó có gì đặc biệt,…?”. Những câu tương tự như thế.

Vậy nên, post này sẽ để nói về UWC, và nó hơi dài một chút. Tuy nhiên, rất nhiều trong đó là quan điểm cá nhân của mình, nên đừng lấy chúng làm chuẩn mực. Hãy chỉ đọc như một tư liệu tham khảo thôi.


I. ĐỊNH NGHĨA – GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỪNG TRƯỜNG:

United World Colleges (UWC, hay Trường Liên kết Thế giới), là một hệ thống gồm 15 trường trên khắp thế giới. Có hai cách chính để được chọn, một là nộp qua National Committee – NC, nghĩa là Hội đồng tuyển sinh của từng nước. Người được chọn gọi là scholars. Có khoảng 140 quốc gia có NC, một vài nước lớn như Canada thì sẽ có NC của từng bang. Theo cách này thì chỉ học hai năm cuối trung học. Hai là nộp trực tiếp cho trường, gọi là day-student, nhưng mình phải là công dân của nước đó thì mới được. Thế nên nói cho biết vậy thôi, chứ ở Việt Nam thì chỉ có một cách là qua NC thôi nhé.

Một chú ý nho nhỏ là không có trường nào là trụ sở chính, hay đại loại thế hết. Tất cả đều như nhau. Cùng có một ngôn ngữ chung là tiếng Anh, sự đa dạng văn hóa mà hiếm nơi nào có được, cơ sở vật chất tuyệt vời và một mục tiêu chung là đào tạo học sinh trở thành những con người với tâm hồn rộng mở, cái nhìn sâu sắc và đóng góp tích cực vào tương lai phát triển bền vững của thế giới.

Tuy nhiên, mỗi trường khác nhau sẽ có vài đặc điểm riêng biệt, ngoại trừ khác biệt về địa lý. Đây là một phần cơ sở để lựa chọn thứ tự ưu tiên khi đăng ký. Năm ngoái mình phải làm khá nhiều research để hiểu được đại khái điều này, nhưng thật ra nó vẫn chứa rất nhiều quan điểm cá nhân, chưa chắc đã đúng hoàn toàn, và cũng hơi dài một tẹo. Chỉ nên đọc để tham khảo thôi.

  1. UWC Atlantic (AC), Wales:
    Ai cũng nói đây như một Hogwarts thu nhỏ vậy, bởi trước kia trường là một tòa lâu đài cổ được xây từ thế kỷ XII, nằm ngay gần bờ biển. Thật ra thì học phí ở đây rất cao, thường được gọi là “trường con nhà giàu” ấy, dẫu không phải là không bao giờ cho học bổng toàn phần, nhưng thường là bắt tự túc hết. Thế nên nghe đồn là hãy lọt vào vòng cuối, đủ giỏi để chứng minh bản thân và đủ giàu để chứng minh khả năng tài chính, thế là được đi AC. AC mạnh về chính trị (có rất nhiều chính trị gia được đào tạo ở đây), và đóng tàu.
  2. Pearson College UWC (PC), Canada:
    Nhìn chung thì đây là một trong những trường hào phóng nhất, nếu mình không nhầm thì từ năm 2002 tới nay trường luôn dành học bổng toàn phần cho Việt Nam. Trường hợp của mình thì trường còn cho thêm cả tiền vé máy bay, tiêu vặt, bảo hiểm y tế, nghỉ đông,… nói chung là mình chỉ cần đóng deposit $350/năm, bằng một kỳ tiền học ở đây. PC mạnh về biển (nằm ở một thung lũng sát biển, trên đảo Victoria), có rất nhiều hoạt động ngoại khóa kiểu scuba diving, kayak, sailing các loại, là trường duy nhất trên toàn thế giới có môn Marine Science, được đi ra hải đăng khá thường xuyên rồi xem hải cẩu sao biển các kiểu. Sát gần trường cũng có đài thiên văn, và PC mạnh cả về Môi trường nữa (nằm sâu trong rừng). Mà thật ra thì PC có ít môn để lựa chọn hơn so với đại đa số các trường khác, nên hơi bó chân bó tay tí.
  3. UWC South East Asia (UWCSEA), Singapore:
    Trường rộng nhất, và có số lượng học sinh đông đảo nhất (đâu đó 5300, trong khi PC có 160). Một phần nhiều người chọn SEA làm nguyện vọng 1 bởi gần nhà, bay đi bay lại dễ dàng, thủ tục visa Singapore đơn giản (đơn giản hơn Canada gấp 1000 lần!). SEA cũng thường cho full-scholarship với học sinh Việt Nam, cover thêm hầu hết các chi phí khác, thậm chí cung cấp Macbook miễn phí. Tuy nhiên học có vẻ nặng hơn một tẹo, kiểu GPA trường này cao hơn so với hầu hết các trường khác, chắc tại ảnh hưởng châu Á sâu đậm.
  4. Waterford Kamhlaba UWC (UWCSA), Swaziland:
    Một trong những đất nước nhỏ nhất châu Phi, nằm sát Nam Phi nên đại khái là mọi người đi Nam Phi như đi chợ. Một điểm đặc biệt của đất nước này là vẫn duy trì chế độ quân chủ tuyệt đối từ khi giải phóng khỏi Anh năm 1968, được cai trị bởi Vua, và đi kèm với đó là các lễ hội đặc trưng của một nhà nước quân chủ. Bởi Swaziland là một đất nước Less Developed, nên UWCSA cũng tập trung các hoạt động ngoại khóa vào việc phát triển và cải thiện y tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ giáo dục cho những cộng đồng nghèo khổ nhất, và đặc biệt chăm sóc cho những bệnh nhân HIV/AIDS – bệnh dịch đang tàn phá những quốc gia châu Phi. Mình nghĩ những trải nghiệm ở nơi đây là vô cùng quý giá.
  5. UWC-USA:
    Cơ sở vật chất của trường cực kỳ ấn tượng, có hẳn một khu chuyên để đón tiếp Tổng thống và Gia đình Hoàng gia. UWCUSA chú trọng và nhấn mạnh vào việc phục vụ cộng đồng và nghiên cứu thiên nhiên hoang dã, bởi nó nằm tại vùng Tây Nam vốn nổi tiếng bởi cao bồi các kiểu. Và đương nhiên, với bản chất Mỹ, trường cũng mạnh về cả việc xây dựng cho học sinh các kỹ năng giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ giao tiếp liên văn hóa, hòa giải viên đồng đẳng, phân tích chiến lược phát triển, vân vân.
  6. UWC Adriatic (UWCAD), Ý:
    UWCAD luôn trao học bổng toàn phần, tuy thế, rất hiếm khi cho Việt Nam. Trường trong mùa đông cực kỳ đẹp, gần núi Alps và biển Adriatic, nên rất hay có trượt tuyết chèo thuyền. Với cả mình rất thích Ý, dẫu nó nhỏ bé messy thì đây vẫn là nơi khởi nguồn của nghệ thuật thời Phục hưng, Florence là cái nôi của kiến trúc Gothic và Baroque, và Ý là quê hương của Leonardo de Vinci, Raphael, và đặc biệt là Michelangelo. Bởi thế UWCAD đặc biệt mạnh về nghệ thuật, nơi duy nhất có môn “World Arts and Cultures”, và liên kết với một trường Âm nhạc để có nhạc cụ biểu diễn chuyên nghiệp, rồi rất hay được đi thăm bảo tàng triển lãm các loại nữa.
  7. Li Po Chun UWC (UWCLPC), Hongkong:
    Mình cực kỳ ấn tượng về Hongkong, đặc biệt là những người trẻ, sau đợt Umbrella Revolution, về một đất nước dân chủ, nơi người dân có quyền lên tiếng và biết cách lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình. UWCLPC có một môn riêng về văn hóa Trung Quốc, chắc cũng sẽ áp dụng cho cả trường ở Changshu nữa. Điểm của trường này thì cao kinh dị, năm 2007 cả thế giới có 35 học sinh được GPA của IB full 4.5, thì trường này chiếm 5, nếu tìm hiểu về chương trình học ở Hongkong thì đủ hiểu là tụi này còn học trâu hơn cả Việt Nam mình, kiểu học thêm bên ngoài từ Toán Lý Hóa Sinh Văn Anh Đạo đức ấy.
  8. Red Cross Nordic UWC (UWCRCN), Nauy:
    Không phải tự nhiên mà nó được gọi là Red Cross, trường có mối liên kết cực kỳ chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ Quốc gia và địa phương về các chương trình học First Aid và cứu hộ, chú trọng vào công tác nhân đạo và môi trường. Một điểm hay nữa mà không phải UWC nào cũng có (tuy rất nhiều trường khác lại có), đó là UWCRCN có một Hội Học sinh, kiểu thế, được bầu cử rồi các loại. Với cả theo mình thì đây là trường đẹp nhất, đẹp hơn cả UWCAD nữa, romantic kinh khủng, thử tưởng tượng có first love ở đây mà xem…
  9. UWC Mahindra (MUWCI), Ấn Độ:
    Thật ra Ấn Độ không phải một quốc gia quá an toàn cho phụ nữ, điều này ai cũng biết, nhưng một điều hay là hầu hết scholars của Việt Nam sang MUWCI đều là nữ, và mình biết đó là một trải nghiệm rất đáng nhớ, kiểu một sự dũng cảm luôn ấy. Trường nằm trên đồi, rất rộng, MUWCI đánh giá cao sự phát triển và đóng góp vào công đồng lân cận, ý là dưới chân đồi. Nền văn minh sông Ấn và sông Hằng từ xa xưa đã tạo nên văn hóa Ấn Độ phong phú như bây giờ, và học tại MUWCI thì sẽ được tìm hiểu tất cả những điều đó, kể cả học ngôn ngữ Hindi.
  10. UWC Costa Rica (UWCCR):
    Nếu như UWCSA là đặc trưng của châu Phi, thì UWCCR là đại diện duy nhất cho Mỹ Latin, với hơn 50% số học sinh đến từ các quốc gia thuộc khu vực này, và cũng bởi thế mà ngôn ngữ trong các hoạt động ngoại khóa là song ngữ Anh – Tây Ban Nha (đương nhiên là chỉ cần biết tiếng Anh thôi vẫn có thể học nhé). Mình rất thích “Lão già mê đọc truyện tình” (của tác giả cuốn “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”), và rất muốn đến Mỹ Latin một lần.
  11. UWC in Mostar (UWCiM), Bosnia and Herzegovina:
    Nằm khá gần UWCAD, Mostar là một thành phố khá cổ. UWCiM được thành lập với mục tiêu chính là nhằm hòa giải mâu thuẫn, xây dựng lại một xã hội hậu xung đột sau chiến tranh Bosnia và Herzegovina năm 1992-95, khiến cho hệ thống giáo dục của quốc gia này bị chia rẽ thành hai chương trình riêng biệt cho người Croat và người Bosnia. Một điểm khác nữa là ký túc xá được đặt tại ba khu dân cư khác nhau của thành phố, một phần cũng là để học sinh được hòa nhập hơn với người bản địa.
  12. UWC Maastricht (UWCM), Hà Lan:
    Bởi giáo dục tại Hà Lan là miễn phí, nên đương nhiên sẽ không cần đóng học phí, nếu có học bổng của UWCM thì có lẽ là cho tiền ăn ở. Maastricht gần Bỉ và Đức nên 25% học sinh trường đến từ ba nước này, cũng là một trung tâm văn hóa nghệ thuật của Hà Lan nữa.
  13. Robert Bosch UWC (UWCRBC), Đức:
    Các đối tác của UWCRBC tương đối hào phóng, nên tất cả mọi học sinh đều sẽ được một học bổng cover tất cả theo nhu cầu, tóm lại cũng như PC và UWCSEA. Đức là quốc gia của công nghệ và khoa học kỹ thuật tiên tiến, nên trường đặc biệt nhấn mạnh vào các vấn đề về môi trường, nhất là làm thế nào để công nghệ có thể đóng góp cho sự phát triển sinh thái bền vững và hòa bình. Freiburg được mệnh danh là một trong những thành phố Xanh nhất thế giới, có hẳn một làng Solarsiedlun chuyên tạo ra năng lượng mặt trời cho người dân trong vùng sử dụng.
  14. UWC Dilijan, Armenia:
    Trường nằm gọn trong Công viên Quốc gia Dilijan, bởi vậy có rất nhiều hoạt động liên quan tới môi trường và sinh thái. Còn Armenia kiểu một quốc gia cực kỳ cổ luôn mà ít người biết, là cái nôi của Christianity bởi được coi là nơi Noah đã dừng chân đầu tiên, một trong những nơi khởi nguồn của nền văn minh, xưa kia kinh tế và nghệ thuật của nó phát triển đến nỗi kích thích cả Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, về vật chất lẫn tinh thần. Nó còn được coi là một quốc gia liên lục địa bởi vì từng là ngã tư đường giữa châu Âu và Tây Nam Á (giờ thì nó nằm ở Tây Á).
  15. UWC Changshu China (UWCCC), Trung Quốc:
    Changshu – hay Thường Thục – là một huyện thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Giang Tô nằm cạnh Thượng Hải và Chiết Giang (mình thích Chiết Giang lắm vì nó đẹp). Còn Tô Châu là cái nôi của nền “văn hóa Ngô”, một trong những đô thị cổ nhất lưu vực sông Dương Tử, nổi tiếng bởi tơ lụa, thêu nghệ thuật, trà hoa nhài, thạch kiều, đền miếu và những khu vườn được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là thủ phủ chính yếu của thương mại và công nghiệp Đông Nam Trung Quốc suốt chiều dài lịch sử. Thành phố này cũng thuộc vùng Giang Nam xưa là quê hương của trai xinh gái đẹp. Nói vui một chút đến văn hóa Ngô, thì ấn tượng của nó với mình là những bài ca câu thơ với ngôn từ kiều diễm, là nguồn gốc của những bức “xuân cung đồ” ;))

II. CHƯƠNG TRÌNH HỌC:

Bọn mình học chương trình Tú tài Quốc tế (IB – International Baccalaureate), nó có thể gọi là một dạng Dự bị Đại học. Nói chi tiết hơn về IB, thì mình cần học 6 môn thuộc 6 nhóm: Language A, Language B, Maths, Social Sciences, Natural Science, và Art, nhưng có thể không học môn nào thuộc Art cả mà học thêm một môn khác thuộc năm nhóm còn lại. Sẽ có ba tới bốn môn học ở mức độ Higher Level (HL) và còn lại học Standard Level (SL). Các môn trong từng nhóm sẽ khác nhau tùy theo các trường (dựa vào giáo viên và điểm mạnh của trường, kiểu đó).

Theo ý kiến cá nhân của mình, thì Maths và Natural Sciences tương đối đơn giản, thường thì học sinh Việt Nam sang đó, chỉ cần kiến thức chắc là có thể học HL ngon lành, giỏi là đằng khác. Chẳng phải tự nhiên mà có cụm từ “Asian monsters” đâu. Social Sciences sẽ khó hơn chút đỉnh, nếu học HL hầu như đều tương đương với chương trình năm nhất năm hai Đại học. Một phần nó tương đối khó bởi vì chương trình học tại Việt Nam mình chưa từng tiếp xúc với những nguồn thông tin kiến thức ấy bao giờ, như học History thì năm nhất sẽ học về lịch sử khu vực Trung Đông chẳng hạn. Hoặc ví như Philosophy yêu cầu trao đổi và tranh luận rất nhiều, nghe đâu khá mệt. Nhìn chung thì mọi người thích Economics, chắc vì có thể ứng dụng nhiều, và trường nào cũng dạy, nhưng mình khá không thích nên chọn Philosophy cho nó deep.

Một điều cần chú ý nữa là UWC không quá chú trọng học thuật. Ví như ở Việt Nam, nếu mình không hợp với thầy cô trên lớp chẳng hạn thì có thể đi học thêm, còn ở đây đương nhiên là sẽ không có chuyện đó. Sẽ có một số thầy cô khá trẻ, vừa mới ra trường và chưa có kinh nghiệm. Sẽ có một số thầy cô yêu cầu mình tự học rất nhiều, gần như giáo viên chỉ chấm điểm thôi. Những trường hợp đấy thì cũng hơi mệt mỏi, nhưng phải chấp nhận, vì mình không được chọn giáo viên.

Nhưng cũng đừng lo lắng quá, UWC không đề cao việc học trên lớp như Việt Nam thôi, nhưng môi trường để học, và phần lớn giáo viên đều cực kỳ tuyệt vời. Có phòng máy tính để lên mạng, làm research 24/7, thư viện cũng khá to, và một vài môn học cực kỳ đặc trưng. Thật ra mình cũng là một dạng mọt sách, nên nếu không được học hành nghiêm túc thì mình cũng chẳng thích đâu.

Thường thì học sinh sẽ chọn môn từ trước khi nhập học, và được đổi môn học trong vòng một tháng từ lúc bắt đầu học.


III. ĐIỀU MÌNH THÍCH VỀ UWC:

Ấn tượng đầu tiên, và luôn là điều mình thích nhất về UWC, đó là sự đa văn hóa. Thử tưởng tượng mình sống và học giữa những con người đến từ mọi nơi trên thế giới, ai cũng có những câu chuyện của riêng mình để kể, một nền văn hóa độc đáo, một thứ của riêng mình và luôn mong muốn được cho tất cả mọi người cùng biết. Còn gì tuyệt hơn thế?

Mình sẽ kể với các bạn ấy văn hóa giao thông ở Việt Nam (khi mà không có mấy bạn Trung Quốc ở đó, vì nếu có thì chẳng có gì là đặc biệt nữa cả), rồi văn hóa im lặng chốn quan trường và già mồm nơi phố thị, và một thứ mà mình tin rằng chúng ta nên tự hào, đó là văn hóa ẩm thực đường phố. Và rồi học được rằng ở một nơi nào đó trên thế giới, có những thứ chẳng may lại cực kỳ giống đất nước mình.

Sự đa dạng văn hóa sẽ dẫn tới rất nhiều suy nghĩ đa chiều, rất thích. Ví như vấn đề virginity chẳng hạn, mình vẫn luôn giữ vững quan điểm là chỉ nên have sex khi chúng ta ở trong một mối quan hệ thực sự nghiêm túc, và đã quyết định tương lai với nhau, nhưng có mấy bạn chỉ nghĩ sex đơn thuần là niềm vui, sự giải tỏa cô đơn, đại khái thế. Cũng khá thú vị :)) Và rồi thi thoảng hỏi nhau xem quan điểm chính trị của mọi người là gì (không hiểu sao rất nhiều phe cánh tả), mình thì chỉ nói đơn giản là mình không đồng tình với chủ nghĩa xã hội, thế là mọi người cùng đồng ý với nhau rằng “Utopia” nghe thì hay thật đấy, nhưng không đáng tin tí nào vì quá phi thực.

Những lúc đấy, thật sự thấy rằng, dẫu mình chưa gặp những con người này đâu, nhưng mình đã thân thiết với họ lắm rồi vậy.

Và đó cũng là điều thứ hai mình rất thích, bởi mỗi UWC là một cộng đồng rất nhỏ, nên dường như mọi người đều biết nhau hết, thuộc tên thuộc nước của nhau, và thường thì biết cả tính cách sơ bộ về nhau nữa. Ví như mình, dù chưa nhập học đâu và mọi người cũng chưa gặp nhau lần nào, khóa mình có khoảng 80 bạn thì đã biết Facebook của chừng 70 người, thì mình có thể tự tin là đã thuộc tên được 60 và nhớ mặt được 50 bạn rồi. Thi thoảng chat chit với nhau trong group, than phiền về thời tiết và thủ tục visa, chia sẻ nhạc, bàn luận về chính trị và việc ăn thịt chó, cùng countdown… thậm chí còn có kiểu trò đùa nội bộ (A TENT!) rồi đặt biệt danh cho nhau (đại khái tên mình thì giống biệt danh hơn nên chẳng đứa nào chịu đặt cho), rất vui. Có mấy đứa bựa dã man, rồi thi thoảng cũng chia sẻ vấn đề tâm sinh lý :))

Tiếp nữa là sự bình đẳng. Chẳng hạn như mình không còn nhìn về một cá nhân bằng quan niệm chung về quê hương của họ nữa, mà mình sẽ đánh giá họ bằng chính bản thân họ, vậy thôi. Sẽ có những giây phút mà mình tự nhiên cảm thấy rằng, chẳng có bất kỳ rào cản nào giữa mình và họ cả, từ rào cản ngôn ngữ, khác biệt về màu da, bất đồng quan điểm chính trị, sự tách biệt về môi trường văn hóa xã hội, không thống nhất về bối cảnh gia đình,… Và sự bình đẳng còn được thể hiện qua chính sách cấp học bổng. Chẳng hạn như sau khi chọn được những người xuất sắc và phù hợp nhất rồi – trong quá trình này thì không cân nhắc đến điều kiện kinh tế gia đình, thì đến khi chọn ra người được học bổng toàn phần, bán phần và tự túc, sẽ dựa trên khả năng chi trả của gia đình đó. Mình thấy việc này rất công bằng, bởi vì tiềm năng của mình cũng được nhìn nhận, và chúng mình được cho cơ hội để phát triển tiềm năng đó tương đương nhau.

Điều cuối cùng, thường thì ở UWC có lưu truyền một câu thế này: “You may not believe in God, but you believe in Shelby Davis”. Học bổng của ông ấy đã cứu vớt hàng ngàn đứa trẻ có mức contribute đâu đó $1k như mình để apply Đại học Mỹ về sau.

Còn về chi tiết, join us and feel it :”)

Nguồn: Lê Thu Uyên

3 Comments

  1. Ha My

    16/10/2021 at 9:23 pm

    Thank you so much for such an informative post ♥️

  2. Trucsli

    28/06/2022 at 9:27 pm

    Thật sự cảm ơn bạn rất nhiều🤝

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987