Tác giả: Khánh Lâm
Đối với mình, Lis là kỹ năng dễ đạt điểm cao nhất trong cả 4 kỹ năng, tức là nếu như bạn muốn đạt Overall 6.5+ trong thời gian ngắn thì hãy cố gắng tập trung vào Lis và Read để kéo điểm 2 band kia. Hehe hơi dài dòng chút, vào đề chính nhé.
Mình chia 4 tháng học Lis này thành 3 giai đoạn: Làm quen + nghe chép chính tả (3 tuần), Học chiến thuật (3 tuần), cày đề thi (còn lại).
Giai đoạn 1: Làm quen: Như các bạn biết, mình ngữ pháp còn ok chứ nghe nói khá mù, thế nên 1 tháng đầu tiên luyện IELTS mình gần như tập trung học từ vựng với Reading và làm quen với Listening. Cái bệnh cực nghiêm trọng của mình là bệnh mất tập trung, lúc nghe dễ bị nản và lơ đãng. Để bắt đầu thì mình lên ytb tập nghe các bài đơn giản như chữ cái, số, tên đường, tên người,…đặc biệt các danh từ riêng thường gặp trong IELTS Listening. Nhiều bạn dành thời gian làm quen này để xem phim, xem clip TED,… để luyện tai. Tuy nhiên điều này thực sự không hợp với mình (vì bệnh nản và mất tập trung đó), mình cứ phải nghe và làm bài, có mục đích cho việc nghe thì mới tập trung được. Tất nhiên mình không phản đối những bài xem phim, xem vlog,… đạt 8.0 Listening, cái gì tồn tại được cũng có lý do của nó, chỉ là nó không hợp mình thôi. Các bạn cũng vậy, hãy tìm ra chiến lược phù hợp nhất với mình, đừng one size fits all.
Còn nếu cảm thấy youtobe quá loạn lạc thì một quyển sách mình highly recommend cho những ai mới bắt đầu luyện Listening từ 1.0 là Basic Tactics for Listening. Những bài nghe trong này khá là dễ để làm quen với accent, tốc độ,…Bạn sẽ nghe từ số, các từ đơn,… Các chủ đề cũng basic như tên gọi: Name, Spelling, Family,…
Giai đoạn tiếp theo, nghe chép chính tả như bao người. Trời ơi cái giai đoạn này dễ nản cực, nhưng nếu không chép chính tả thì chắc chắn mình sẽ không luyện được thói quen nghe tỉ mỉ, thậm chí cả từng âm cuối, từng cái luyến (đây cũng là giai đoạn mình bắt đầu học Speaking nên một công đôi việc). Thay vì chọn các đề thi, mình chọn 1 cái video TED mà mình cực thích, nói cũng khá chậm để chép chính tả. Bài khá dài, mình chép gần 1 tuần mới xong, sau đấy tra từ mới, học cách phát âm, nghe đi nghe lại nhiều đến nỗi gần thuộc luôn bài nói của người ta. Trong 2 tuần mình chép được 2 bài nhưng bài nào cũng nghe rất kỹ, chứ mình không quan trọng số lượng bài chép. Trước khi chép, mình thường nghĩ mình chép để làm gì, nếu như chép đến bài thứ 3,4 mà không tiến bộ lên so với bài 1,2 thì mình đã dùng sai biện pháp. Sau hai tuần này, mình có làm thử 1 bài thi trong quyển Actual Test, kết quả rơi vào tầm câu 18-23 câu.
Giai đoạn 2: Học chiến thuật
Rất nhiều bạn vì đã làm quen với nghe Tiếng Anh một thời gian dài, thế nên các bạn không quá quan trọng cho bước này. Mình dành thời gian tìm hiểu kỹ từng dạng của IELTS Listening, yêu cầu từng dạng, cách làm và các bí kíp để xử lý các dạng dễ dàng hơn. Hiểu rõ đề muốn hỏi gì, biết thêm chút mẹo thì sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thời điểm này mình luyện quyển Listening Strategies for IELTS, quyển mà có bìa màu xanh dương í. Cả quyển chia làm 6 dạng, mỗi dạng 20 bài (mình không chắc chắn về con số lắm). Mỗi dạng mình dành 3-4 ngày để luyện, không quan trọng phải làm tất cả các đề mà với mỗi để hiểu rõ mình sai cái gì, ở đâu, vì sao sai. Chất lượng phải đặt lên đầu, không chạy theo số lượng nhé.
Lưu ý là trong thời gian này mình luyện song song với các kỹ năng khác, đặc biệt Reading giúp tăng từ vựng cực nhanh. Nếu ai đó bảo không chịu khó học từ vựng mà vẫn đạt điểm cao Listening thì cho mình xin bí kíp với. Dù Lis hay Read, hãy học từ vựng!
Giai đoạn 3: Luyện đề
Mình không làm vào sách mà làm trực tiếp trên http://ieltsonlinetests.com/, đến khi chữa bài mới note vào sách, như thế mình có thể làm đi làm lại mà không lo nhìn vào đáp án. Trang này đã update đủ bộ Cam và bộ Actual Test. Mình chủ yếu luyện thi trên 2 bộ này. Nếu học Read mình làm hết bộ Cam thì khi luyện nghe chỉ tập trung vào một số quyển thôi.
Trong quá trình luyện đề, phần nào là ưu thế của mình nhất định phải làm cực kỳ cẩn thận không để bị mất điểm. Section 1,2 khá dễ, nhất định phải nghe kỹ vì có nhiều thông tin lướt qua rất nhanh, mất tập trung 1 chút thôi là bay điểm ngay. Phải thật sự hiểu câu hỏi trước khi nghe đồng thời dự đoán xem đáp án sẽ là điền kiểu dạng gì, với Multiple Choice không những phải hiểu các đáp án mà còn phải ghi nhớ thứ tự. Càng hiểu đề, khả năng tư duy lúc nghe càng rành mạch. Hãy chủ động khi nghe, đừng quá bị động.
Có khá nhiều người inbox hỏi mình đang luyện gần xong bộ Cam nhưng vẫn chưa tự tin, thậm chí cả với những bài dễ, nhưng vấn đề các bạn luyện và sau đó rút ra được gì? Nếu chỉ nghe, làm và check đáp án thì khác gì quay về thời kì nghe quen tai đâu. Thay vào đó, việc nghe kỹ, biết tại sao mình sai,học từ vựng và rút kinh nghiệm, nghe đi nghe lại thì mới tiến bộ được
Nhiều người có thói quen nghe theo key words, tuy nhiên mình thấy nó khá là risky khi mà nhiều từ như can’t, isn’t người ta thường đọc lướt. Nếu để miss mất thì cũng coi như hiểu sai ý cả câu.
Tips để luyện nghe mà không bị miss:
Thỉnh thoảng mình lại dành 3-5 ngày để làm các bài trong Cam sau khi chỉnh tốc độ nghe lên 1,25 hoặc 1 số bài là 1,5. Lúc đầu nghe choáng lắm, nhưng cố gắng tập trung (vẫn là bệnh cũ) thì sau 1 tuần thấy tai xịn hẳn, nghe lại bài tiêu chuẩn thấy rõ lắm. Kết hợp với việc tốc ký khoa học thì có thể tránh việc miss thông tin.
Đặc biệt, trong quá trình luyện thi hãy chú ý đến các loại bẫy và tìm cách phá giải nó để tạo thành thói quen. Khi nghe các bài có nhiều con số liên tục, hãy để ý đến những cụm như up to, maximum,…Một loại bẫy khác khá phổ biến là thay đổi loại từ, đặc biệt hay gặp trong phần điền lai lịch, thông tin,…
Nhờ luyện IELTS Listening mà sau đó mình thi Toeic khá dễ dàng, không mất nhiều thời gian ôn.
Tóm lại điểm cao trong phần Listenining = Nghe nhiều và nghe có khoa học