Xung quanh tớ và các cậu, có rất nhiều người thành công khiến chúng mình luôn đặt ra câu hỏi rằng tại sao họ lại trở nên thành công như thế?
Là nhờ may mắn, nhờ thông minh bẩm sinh hay bởi gia đình có điều kiện?
Mỗi người đều sẽ có những ý kiến của riêng mình, nhưng trước hết tớ muốn nói rằng những yếu tố nói trên đều là những yếu tố khách quan, nghĩa là chúng ta hoàn toàn không có khả năng kiểm soát chúng. Nếu làm một phép lược bỏ những yếu tố đó đi, các cậu sẽ thấy rằng tất cả mọi người sinh ra đều là những người bình thường với xuất pháp điểm như nhau. Vậy tại sao có người thành công và có người thì không?
Tớ đã dành thời gian quan sát một vài người bạn giỏi giang, từng đạt được những thành công nhất định trong học tập, công việc xung quanh mình và nhận ra 7 thói quen tương đồng giữa các bạn ý mà tớ muốn chia sẻ với tất cả cậu dưới đây.
1. Sắp xếp thời gian hợp lý, có tổ chức
Ít khi thấy những người này rơi vào tình trạng nước đến chân mới nhảy, chạy deadline vào phút cuối vì đơn giản các bạn ý luôn chủ động sắp xếp công việc của mình theo một lịch trình cụ thể. Từ đó, các bạn ý có thể nắm rõ được bài tập nào cần nộp vào lúc nào, có những kì thi nào sẽ diễn ra và sắp xếp thời gian đủ để chuẩn bị cũng như hoàn thành một cách chất lượng nhất.
2. Ghi chép
Một thói quen tớ rất hay gặp ở hầu hết những bạn giỏi chính là ghi chép. Không chỉ trong học tập, công việc mà bất cứ thời điểm nào có thông tin hay, cần thiết thì đều thấy các bạn ý lôi vở viết, sổ tay hoặc điện thoại ra để lưu lại. Việc ghi chép giúp hệ thống kiến thức, hỗ trợ ghi nhớ tốt hơn và sẽ cực kỳ có ích khi phải chuẩn bị cho kì thi vì chúng mình không cần mất quá nhiều thời gian xào lại toàn bộ những gì đã học.
3. Tránh làm nhiều việc cùng một lúc.
Các cậu đã nghe câu, “Chất lượng hơn số lượng” rồi chứ? Để học tập hiệu quả thì điều quan trọng không phải là học càng nhiều càng tốt, mà là học có tập trung hay không. Những bạn giỏi vẫn có thể chơi bời rất là ác nhưng đến lúc cần phải học, các bạn ý trở nên hết sức nghiêm túc. Khi ngồi học, nên cố gắng tránh xa những thứ khiến mình xao nhãng (sách truyện, điện thoại) và phân bổ thời gian học sao cho hợp lý để không rơi vào tình trạng học hai, ba môn một lúc.
4. Chủ động đào sâu, tìm hiểu vấn đề
Theo tớ thấy, trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều người mắc bệnh thích hỏi, nghĩa là đụng đâu hỏi đấy mà không chịu đọc hay tìm hiểu cho kĩ càng (hay nói cách khác là LƯỜI). Trong thời đại thông tin mở cửa như bây giờ, chỉ cần lên Google gõ vài dòng thì bất cứ vấn đề nào cũng có thể dễ dàng tìm ra được câu trả lời; và những bạn giỏi, họ sẽ luôn tò mò và luôn chủ động đào sâu những vấn đề mình quan tâm. Tóm lại, nếu như thực muốn hiểu biết về bất cứ cái gì thì hãy chủ động tìm hiểu trước bằng tất cả các nguồn sẵn có, cố gắng hết sức để giải quyết trong khả năng của mình và sau đó cảm thấy cần thiết thì mới đi hỏi để tránh làm mất thời gian của người khác.
5. Học bên ngoài sách vở
Luôn có một khoản cách lớn giữa hai việc học và làm, chưa kể nền giáo dục Việt Nam nói chung vẫn còn đặt nặng kiến thức, thành tích rất nhiều mà thiếu đi tính thực tiễn. Những cá nhân giỏi, năng động sẽ luôn tìm cách trau dồi bản thân bằng việc học từ sách vở, báo chí, tìm kiếm những cơ hội thực tập, tham gia những hoạt động hay để có thêm kinh nghiệm cho chính mình.
6. Trao đổi ý kiến với người khác
Muốn học tập thực sự hiệu quả thì nên tích cực trao đổi, bàn luận với bạn bè và mọi người xung quanh. Quá trình trao đổi thông tin này giúp chúng mình hiểu, ghi nhớ và nhìn ra được nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn khác nhau của cùng một vấn đề.
(nhưng đừng đợi đến lúc ngồi vào phòng thi rồi mới bắt đầu trao đổi nhé)
7. Nỗ lực hết mình
Những bạn giỏi luôn nghiêm túc và cố gắng hết sức trong mọi việc và chính nhờ sự nỗ lực đó khiến các bạn ý trở nên giỏi giang, nổi bật giữa đám đông chứ không vì bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào cả. Phải nói rằng, ban đầu tớ cũng chỉ thấy các bạn ý như bao người bình thường khác, cho đến khi chứng kiến những thành công mà các bạn ý đạt được thì tớ đã phải thay đổi suy nghĩ của bản thân mình.
Khi bỏ đi những yếu tố khách quan, mọi thứ xảy ra trên đời đều trở nên thật công bằng. Tuy nhiên, cuộc sống thực tế luôn bao gồm những yếu tố này và chúng mình phải học cách chấp nhận rằng sẽ có rất nhiều người thông minh hơn, giàu có hơn, thậm chí may mắn hơn. Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, hãy tập trung vào những gì mình có khả năng kiểm soát, có khả năng thay đổi: cách chúng ta chọn để phản hồi, để đón nhận hoàn cảnh đó. Trường học có thể chán, thầy cô có thể dạy dở, bài tập có thể khô khan nhưng nếu không thể học tốt thì đó là lỗi của mình. Và quan trọng, tớ muốn các cậu hiểu rằng, học để hoàn thiện và phát triển bản thân, chứ không phải để có điểm số cao hay để trở nên tốt hơn người khác.
Nguồn: The Glow Inside Out