Connect with us

Hi, what are you looking for?

Kinh nghiệm giành học bổng

[Apply experience] HÀNH TRÌNH TỚI MỸ – MÌNH ĐÃ TỚI MỸ BẰNG CÁCH NÀO? – UGRAD 2019-2020

Chào mọi người. Thông qua bài viết này, mình muốn chia sẻ với mọi người về chương trình của mình hiện tại ở Mỹ, hay hiểu một cách đơn giản, mình đã đặt chân lên đất Mỹ như thế nào, mình đã trải qua những gì để chỉ việc xách ba lô lên và đi tới đất Mỹ một cách ung dung, tự tại, tự tin, không phải lo lắng một xíu nào về tài chính mà sự thật là sau khi về mình còn có một vài con số đô la trong tài khoản Mỹ mang về Việt Nam.

Mình tới Mỹ là được đài thọ toàn phần thông qua một chương trình của Đại Sứ Quán Mỹ có tên là Global Undergraduate Exchange Program (tên gọi tắt là UGRAD). Hiểu một cách đơn giản, đây là một chương trình trao đổi học thuật, tức công việc chính và quan trọng nhất khi bạn tham gia chương trình đó là học tập, là ĐI HỌC, sẽ khác với các chương trình trao đổi văn hóa khi mục tiêu của họ là tăng hiểu biết văn hóa giữa các quốc qua, ví dụ mình đã từng tham gia chương trình Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2017 (SSEAYP 2017), là một chương trình trao đổi văn hóa, lúc này mình sẽ tham gia với tư cách là đại sứ văn hóa Việt Nam, vậy nên, hoạt động chính của mình khi đó là quảng bá văn hóa Việt và trải nghiệm văn hóa nước bạn trong khu vực để tăng hiểu biết đất nước khác. Quay trở lại chương trình của mình hiện tại ở Mỹ, chương trình sẽ đài thọ bạn đi học tại một trường đại học bất kì tại Mỹ trong vòng một học kì không lấy bằng để trải nghiệm môi trường học thuật tại Mỹ và để tăng hiểu biết về miền đất hứa này. Có một số từ chìa khóa cần hiểu ở đây:

1. Đài thọ ở đây là đài thọ toàn phần. Tại sao họ lại bỏ ra gần $30000 để cho bạn đi lại, ăn, ở, học miễn phí, lại còn cho bạn tiền trợ cấp hàng tháng, bởi vì họ muốn bạn, với phẩm chất là nhà lãnh đạo tương lai, sẽ được trải nghiệm nền giáo dục vào hàng bậc nhất thế giới này, đi ra khỏi đất nước bản xứ của mình, thôi sống trong vùng an toàn với những gì thân thuộc nhất với bạn để ra ngoài vẫy vùng khám phá thế giới và để quay trở lại đất nước quê hương bạn cống hiến, đóng góp cho xã hội vì bản chất cuối cùng thì, tất cả những gì bạn có bây giờ, bạn được hưởng bây giờ đều là nhờ vào xã hội, vào sự vận hành của nó. Có một từ mà chúng ta vẫn hay nghe, đó là “Pay it forward”, tức khi mình nhận được điều tốt đẹp từ một ai đó, một tổ chức nào đó thì để đền đáp, chúng ta không cần phải nhất thiết quay lại đền đáp người đó, tổ chức đó mà cách thiết thực nhất, có giá trị bền vững nhất đó là với giá trị của bạn có được sau các trải nghiệm đó, bạn tiếp tục lan tỏa điều tích cực và giúp đỡ những người khác trong xã hội để lại là một mắt xích tiếp theo trong chuỗi lan tỏa giá trị đó.

2. Học tại một trường đại học bất kì ở Mỹ. Đúng vậy, trải qua vài vòng thi, cụ thể như thế nào, mình sẽ chia sẻ phía dưới nhé, thì khi bạn chính thức trở thành 1 trong 6 thí sinh của cả đất nước Việt Nam thì bên Đại Sứ Quán (ĐSQ) sẽ thông báo cho bạn là trường bạn học là gì, tức họ sẽ chọn trường cho bạn, tại bất kì một bang nào trên đất Mỹ. Và tất nhiên, 6 bạn Việt Nam sẽ học 6 trường khác nhau và thường thì cũng là 6 bang khác nhau luôn. Vậy nên, bạn không được chọn trường nhé, và yên tâm đi, bạn sẽ fall in love với trường của bạn như cách mà mình yêu điên cuồng trường của mình bây giờ.

3. Học một kì không lấy bằng. Bạn sẽ học đúng một kì, lại là Đại Sứ Quán sẽ chọn cho bạn là bạn sẽ học vào kì mùa Thu (thường từ cuối tháng 8/ đầu tháng 9 tới cuối tháng 12) hay mùa Xuân (cuối tháng 1/ đầu tháng 2 tới cuối tháng 4/ đầu tháng 5). Riêng về thời gian học thì không hẳn số phận bạn được quyết định bởi ĐSQ mà trong lúc điền hồ sơ online đăng kí tham gia chương trình, bạn có được hỏi là thích học vào học kì nào, tuy nhiên đây chỉ là tham khảo, họ không đảm bảo bạn sẽ được học đúng kì học mà bạn mong muốn. Và bởi chỉ học một kì thôi nên bạn sẽ không có tấm bằng nào đem về cả, mà thay vào đó, bạn sẽ mang về 2 cái mang tính vật chất và giá trị không kém sau. Một, chứng chỉ tham gia chương trình, và xin nhấn mạnh là đây là chương trình rất xịn nha, nằm trong top 10 chương trình trao đổi học thuật có giá trị và danh tiếng nhất của Đại Sứ Quán Mỹ trên thế giới dành cho sinh viên quốc tế. Và chứng chỉ này bạn sẽ được nhận khi đến Mỹ, sau tầm 3 tháng học ở đây, bạn sẽ được đài thọ chuyến bay khứ hồi từ bang bạn học đến Washington DC để dự summit kéo dài 5 ngày, nơi bạn sẽ gặp hơn 100 đứa cũng nhận học bổng như bạn và nơi bạn chính thức được nhận chứng chỉ này. Mình vừa tuần trước đi DC dự summit xong. DC đẹp kinh hồn. Và yên tâm là trong lịch trình chính thức của summit, bạn có đủ thời gian để khám phá DC nha. Thứ hai, bảng điểm bạn học bên này (transcript). Trường học và thời gian học là Đại Sứ Quán Mỹ chọn cho bạn, nhưng bạn được chọn môn học mà bạn sẽ học ở Mỹ, tất nhiên họ có quy định là bạn phải đăng kí tổng cộng từ 12-15 tín, học ít nhất 2 môn liên quan chuyên ngành quê nhà và bắt buộc học 1 môn liên quan đến Mỹ, tuy nhiên, với những quy định rất hợp lý này (12-15 tín vì tối thiếu 12 tín giúp bạn duy trì status J1 của bạn tại Mỹ là một full-time student và tối đa 15 tín để bạn không hộc máu chỉ cắm đầu vào học mà quên khám khá nhiều điều thú vị tại Mỹ) thì bạn thoải con gà mái để trải nghiệm việc học bên này, cả chuyên ngành và môn chẳng-chuyên-ngành-tẹo-nào để mở não và một môn học về Mỹ để hiểu hơn về lịch sử, con người, văn hóa mảnh đất bạn đang dung thân này. Vậy nên, sang bên này, mình chọn học Biochemistry (lecture + lab), Advanced Organic Chemistry và American Indian Studies. Bảng điểm sẽ là một lợi thế cho sự nghiệp học tập của bạn nếu bạn có ý định học cao học ở nước ngoài trong tương lai. Chính vì vậy, mình luôn cố gắng học tập thật tốt ở đây để có bảng điểm đẹp nộp trong hồ sơ PhD tương lai chứng minh mình đã từng trải nghiệm môi trường học tập Tiếng Anh hàn lâm rất tốt, tức bạn mạnh cả kiến thức chuyên ngành lẫn ngôn ngữ học tập giao tiếp. Hơn nữa, bạn còn có cơ hội làm quen với các giáo sư bên này để giúp đỡ bạn trong tương lai nếu cần. Như mình, do sắp về Việt Nam rồi, nên rất hay được các thầy cô bảo ở lại nói chuyện, kiểu những cuộc hội thoại mùi mẫn chia tay, thầy Jason bảo mình, thầy đang cố gắng để sớm đưa em quay lại Mỹ học và làm nghiên cứu với thầy, em có thể học ở University of Minnesota ngay cạnh trường mình, nếu em cần thư giới thiệu chỉ cần ới thầy một tiếng nhé. Nghe xong cảm động, gần rơi nước mắt mà lại còn được thầy rủ đi ăn đồ ăn Việt ở nhà hàng Việt ở đây với người yêu/ vợ thầy. Đấy, ngoài 2 cái vật chất thì bạn sẽ hốt được một đống đồ giá trị tinh thần và tri thức về Việt Nam nhé.

4. Chương trình của Đại Sứ Quán Mỹ. Đúng ra thì đây là chương trình mà bạn sẽ làm việc với hai tổ chức, một là Đại Sứ Quán Mỹ, hai là tổ chức có tên gọi là World Learning (WL), là tổ chức có trụ sở tại Washington DC thuộc Bộ Giáo Dục và Văn Hóa Mỹ. Mình hay nói ĐSQ để cho các bạn dễ hiểu và hình dung chứ thật ra hầu hết mọi thứ đều là WL làm việc và quyết định, sau đó gửi thông tin đó về ĐSQ tại VN và ĐSQ tại VN sẽ làm việc với bạn.

Do đây là chương trình của ĐSQ nên nó công bằng cho tất cả mọi người. Không gì có thể công bằng hơn, không cần là con ông cháu cha, nhà mặt phố, bố làm quan, thậm chí càng nghèo, càng ít điều kiện, càng rơi vào trường hợp đặc biệt, càng được ưu tiên, đấy là điểm văn minh của Mỹ bởi quan điểm của họ là “Leave no one behind”. Đơn mở cho tất cả các đối tượng hiện là sinh viên đại học toàn thời gian tại Việt Nam (năm nhất đến năm ba đối với trường 4 năm học và cho cả năm tư đối với trường 5 năm học). Và bạn chỉ cần trải qua các vòng thi và chính thức trở thành 1 trong 6 bạn được hưởng học bổng này. Cụ thể có 3 vòng.

Vòng 1: Vòng đơn. Đơn mở online vào ngày 01/11 và đóng vào ngày 31/12 hàng năm. Vậy nên bạn có 2 tháng để chuẩn bị mọi thứ. Quan trọng nhất trong hồ sơ là 2 bài luận và 2 thư giới thiệu. 2 bài luận thì không có gì để nói, bởi nó chính là về bạn, chỉ bạn mới hiểu mình là ai, mình có gì và bài luận sinh ra là để thông qua nó, người đọc mường tượng được bạn là ai, phẩm chất, ước mơ như thế nào mà không cần gặp bạn. Vẽ những nét đậm rõ hay mờ nhạt cho người đọc hoàn toàn là thứ vũ khí nằm trong tay bạn. Mình không bao giờ có kĩ năng viết luận nên hỏi mình mẹo, tips, mình không bao giờ có. Mình lúc nào cũng chỉ viết những gì về mình, quan điểm sống của mình, ước mơ của mình và không bao giờ có format nào cả. Còn về thư giới thiệu, cái này lại không hẳn là thứ bạn kiểm soát được, tự làm được. 2 thư giới thiệu cần đến từ hai người khác nhau, một là từ giáo sư ở trường đại học liên quan đến chuyên ngành của bạn, người còn lại là người đã từng làm việc là tiếp xúc với bạn như supervisor, boss, mentor,… (không được là bạn và người thân trong gia đình nhé). Về thư giới thiệu thì đúng là khó hơn bài luận, giống kiểu bạn tự cưới thì lúc nào cũng được như để tìm người còn lại đồng ý cưới bạn mới khó. Haha. Mình lấy ví dụ có hơi hài hước nhưng kiểu như vậy. Đối với thư giới thiệu, theo mình hãy làm một list những người bạn biết và biết bạn, sau đó chọn ra vài người để hỏi nhờ giúp đỡ. Mình chỉ có một lời khuyên thôi, đó chính là hãy tìm người viết thư cho bạn không cần quá xịn sò, cái cần đó là họ tiếp xúc với bạn lâu, hiểu bạn để có đủ khả năng viết một lá thư chân thật giới thiệu bạn cho chương trình bởi đọc hàng nghìn hồ sơ hàng năm, ban tổ chức quá thừa kĩ năng để nhận ra một lá thư giả mạo bạn tự viết hoặc một lá thư đầy tính “superficial” kiểu bề mặt, không sâu sắc bởi người viết và bạn không có mối quan hệ thật sự. Một lá thư từ một người thầy bình thường rất hiểu bạn sẽ đánh bật một lá thư từ một nhân vật quan to hàm vị học vị lớn nhưng không tiếp xúc đủ với bạn. Trong trường hợp của mình, mình đều nhờ hai thầy, một thầy mình đang theo làm nghiên cứu và một thầy là thầy giáo dạy cấp 3 của mình. Cả 2 thầy đều là người mình rất tôn kính, rất quý mình và cũng đã làm việc với mình tính theo đơn vị là “năm”. Vậy nên, mình tin thầy đủ thời gian tiếp xúc để có những nhận xét nhất định về sự thể hiện của mình và mình vẫn nhớ đọc xong thư của hai thầy, cảm thấy mình không xứng đáng và phải cố gắng thật nhiều với sự tin tưởng, ủng hộ của hai thầy.

Vòng 2: Tầm Valentine sẽ biết kết quả bạn đỗ vòng 1 hay không. Đỗ vòng 1, bạn sẽ đến vòng 2, vòng Phỏng Vấn. Bạn sẽ đến ĐSQ để trực tiếp phỏng vấn hoặc phỏng vấn qua skype nếu ở xa Hà Nội hoặc HCM. Vòng này cả nước sẽ có tầm 15 bạn được chọn. Cá nhân mình khi đi phỏng vấn gì cũng luôn đọc lại thiệt kĩ hồ sơ mà mình đã nộp vòng trước để thấm nhuần tư tưởng con người mình trong hồ sơ để khi xuất hiện dưới nguyên hình là người chứ không là chữ, thống nhất hoàn chỉnh và match với hồ sơ. Mình có kinh nghiệm vậy bởi mình biết, đi phỏng vấn lúc nào họ cũng sẽ cầm hồ sơ bạn nộp và tiếp tục xoáy cũng như hỏi lại các điều bạn đã viết nên thật sự bạn cần đọc lại để xem bạn đã viết gì. Thật sự mình không nhớ hôm đó 3 vị bạn giám khảo ở ĐSQ Mỹ Hà Nội đã hỏi gì mình, mình chỉ nhớ trước hôm phỏng vấn mình đọc lại thiệt kĩ 2 bài luận, chuẩn bị bài giới thiệu bản thân ngắn gọn rồi đi ngủ. Ngày hôm sau đến ĐSQ có hồi hộp nhưng chủ yếu là tự tin đến phỏng vấn và thiệt sự là đi phỏng vấn như đi gặp bạn bè nói chuyện chia sẻ, mình nhớ mình phỏng vấn xong rất vui vì bản chất ban giám khảo chỉ hỏi về mình bởi họ muốn hiểu con người mình, chứ các bạn yên tâm nhé, không bị test Mỹ có bao nhiêu bang, mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Mỹ và VN hiện như thế nào, tóm lược hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP …

Vòng 3: Tầm Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 bạn sẽ biết kết quả vòng 2. Đỗ vòng 2 thì coi như gần nắm chắc xuất tới Mỹ. Vòng 3 thiệt ra là bài test TOEFL, bạn cần thi chứng chỉ này để chứng mình trình độ ngôn ngữ của bạn đảm bảo để học tập và giao tiếp hàn lâm tại Mỹ. Bạn sẽ được ĐSQ đài thọ thi chứng chỉ này, tầm gần 5 triệu. Điểm tối đa của bài thi này là 120 và bạn chỉ cần đạt 71/120 điểm là qua. Tất nhiên, điểm càng cao, càng tốt nhưng cứ trên điểm sàn này là bạn chính thức được gửi đôi cánh chuẩn bị bay sang Mỹ. Nếu điểm trên 71 nhưng chưa được cao lắm thì thay vì ở Mỹ một kì, bạn sẽ được ở Mỹ một năm, kì đầu tiên chỉ học Tiếng Anh và kì thứ hai học chính thức như mình bây giờ. Nhưng tất nhiên là mình không khuyến khích các bạn cố gắng thi điểm gần 71 để được ở 1 năm nhé vì (1) nhỡ may cố tình thi không tốt mà tụt xuống dưới 71 thì cơ hội một đi không trở lại, (2) chỉ cần có cái suy nghĩ ý trong đầu, nói một cách thẳng thừng thì kiểu khôn vặt đó không xứng đáng tham gia chương trình và mình nghĩ, với giá trị đó thì cũng chẳng đến được vòng này đâu nên mình tin các bạn đã đến vòng này sẽ không hành xử như vậy.

Từ sau bài test thành công này trở đi, bạn chỉ việc tiếp tục contact với ĐSQ và WL để hoàn thành nốt các giấy tờ thôi như giấy khám sức khỏe, tiêm vài mũi vaccine bắt buộc trước khi sang Mỹ, đi phỏng vấn làm visa, passport, … Phỏng vấn visa đi Mỹ vẫn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người nhưng do bạn đi chương trình của ĐSQ mà lại đến ĐSQ phỏng vấn nên rất nhanh và được giúp đỡ rất nhiều, họ auto cho bạn đỗ rất nhanh và chỉ về nhà đợi visa được ship đến tận cổng. Và lúc sang Mỹ cũng vậy, chú hải quan nhìn hồ sơ bạn là lại auto cho bạn đi vào đất Mỹ một cách không thể nhẹ nhàng và vui vẻ hơn.

Hành trình đi Mỹ của mình với UGRAD vậy là sắp kết thúc. Tuổi 22 sẽ không thể tuyệt vời hơn với trải nghiệm này.

Đơn cho vòng 1 năm nay đã chính thức mở và đóng trong vòng 1 tháng nữa. Nếu bạn yêu thích, hãy mạnh dạn đăng kí nhé. Và một tin mật, sinh viên Y Dược luôn được ưu tiên và yêu quý nha!
Sau đây là một số link web, page chính thức của chương trình để các bạn tham khảo:
https://www.facebook.com/ugradersinvietnam/
https://vnugrad.com/…

Nếu các bạn có bất kì câu hỏi nào, mình luôn sẵn sàng trả lời hết sức có thể nhé.

Tác giả: Thúy Quỳnh

Link gốc bài viết: https://www.facebook.com/thuy.quynh.543/posts/1479295842211181

2 Comments

2 Comments

  1. Minh Thảo

    28/12/2019 at 2:51 am

    Em cám ơn chị vì những chia sẻ của chị về hb UGRAD. Em có một số thắc mắc gửi đến chị, nếu mình cố gắng đạt được suất hb,nghĩa là mình sẽ ở Mĩ 1 hki trong năm, mấy chương trình mình học phần nhiều sẽ không khớp với ct ở VN, nghĩa là mình cũng sẽ trễ so với ct VN một học kì. Em biết đây là cơ hội rất tốt để học tập và giao lưu văn hóa, chuyện học ở VN mình có cách nào khắc phục để vừa ít tg vừa kịp thời ra trường không chị? Em cám ơn chị nhiều ❤

    • hoadinh

      12/01/2020 at 12:03 am

      UH đúng rồi mình phải chấp nhận đánh đổi đó Thảo ơi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987