July 4, 2013 at 3:48am
Như đã hứa cách đây không lâu là mình sẽ viết một bài chia sẻ về cuộc sống du học sinh để các bạn ở nhà có một cái nhìn chân thực về đời du học, tránh những mơ mộng hay ảo tưởng để rồi sang đó bị “vỡ mộng” và phải đối mặt với vô vàn khó khăn mà các bạn không lường trước. Bài viết này sẽ tập trung nói về các khó khăn mà du học sinh Việt Nam thường gặp phải khi đi du học. Tuy là có rất khó khăn như vậy, nhưng không phải là không thể làm được, bởi lẽ có bao nhiêu thế hệ đi du học trước đây còn khó khăn, thiếu thốn hơn bây giờ nhiều mà họ vẫn vượt qua được, thì tại sao chúng tại lại không thể phải không nào? Mình mong tất cả các bạn, sau khi đọc bài này, không cảm thấy e ngại, chùn bước mà sẽ tiếp tục tinh thần muốn đi du học, bởi với mình để thành công khi du học, bạn cần có một sự nỗ lực lớn hơn nhiều lần nỗ lực thông thường. Và khi đó, mọi chông gai đều có thể vượt qua hết.
Vỡ mộng
Có lẽ chúng ta ở Việt Nam biết đến Mỹ qua phim ảnh là chủ yếu, ở đó nước Mỹ thật đẹp, thật hào nhoáng, hiện đại. Nào là San Francisco với cây cầu Golden Gate nổi tiếng thế giới. Nào là Washington DC với những tòa nhà quyền uy. Hay là Los Angeles với những minh tinh màn bạc. Vâng, cái đó đúng nhưng chỉ là một phần nhỏ của nước Mỹ. Phần còn lại của nước Mỹ, rất tiếc lại không hào nhoáng, lộng lẫy và choáng ngợp như thế. Rất nhiều trường đại học của Mỹ được đặt tại các khu vực khá hẻo lánh, xa trung tâm, nên xung quanh khá là vắng vẻ, buồn tẻ và chán ngắt. Tôi thì học ở tiểu bang Missouri, quả đúng như cách phát âm tên bang, nó khá giống từ “misery” tức là “tội nghiệp”. Sau này, khi có dịp đi qua nhiều bang nông thôn của Mỹ, tôi mới nhận thấy là bên cạnh những thành phố lớn sôi động, náo nhiệt thì nông thôn nước Mỹ rộng lớn còn khá buồn tẻ. Nếu bạn đang sống ở Hà Nội hay Sài Gòn mà bạn phải sang những thành phố nông thôn này, thì chắc chắn bạn sẽ “vỡ mộng” về một Hoa Kỳ lộng lẫy. Ở những thành phố nông thôn của Mỹ, phương tiện công cộng rất hạn chế, không tiện lợi như bus ở HN hay SG. Ăn uống, chợ búa thì xa xôi nên phải có xe hơi, chứ không phải chạy ra đầu ngõ là có ngay phở, bún, miến như ở nhà. Điều này bạn sẽ cảm nhận được sự bất tiện vào mùa đông.
Tuyết – giấc mơ tan tành
Mình đoán là với các bạn ở Việt Nam, chắc hẳn ai cũng có một ao ước là được nhìn, chạm và chơi với tuyết. Với các bạn gái lãng mạn hơi xíu thì chắc ước mình được sang Mỹ để ném tuyết như anh Bae Yong Jun của Bản tình ca mùa đông, hay tung tăng đi học khi tuyết rơi bay bay như trong phim Truyện tình Harvard. Lúc mới sang, ngày đầu tiên nhìn thấy tuyết, mình cũng vô cùng háo hức, chạy ngay ra ngoài để tuyết rơi vào tay. Sau này đó, thì giấc mơ tuyết tan biến và nhanh chóng trở thành sự căm ghét. Tuyết mới rơi xuống, trắng, bông, sạch. Nhưng sau đó, nó tan chảy ra và trộn vào bùn đất ở đường thì thôi rồi bẩn khủng khiếp. Mà khi có tuyết thì lạnh tê tái, ngày đầu do háo hức còn ra ngoài, đợt sau có tuyết thì thôi nằm trong nhà đắp chăn, đọc sách, nghe nhạc ngắm tuyết rơi ngoài cửa sổ là đủ rồi. Người yêu có rủ đi ném tuyết hay nặn người tuyết, mình cũng xin hoãn. Tuyết cũng khá nguy hiểm nữa, vì nó làm đường rất trơn và thậm chí mặt đường đóng băng nên lái xe rất dễ gây tai nạn. Chính bản thân mình đã có lần được em “tuyết” ép phải trổ tài drift trên mặt đường, may mà không va phải thằng nào chứ không thì mệt.
Du và học
Giờ thì đến chuyện học, nhiều bạn thuộc diện COCC, do bố mẹ thường đi study tour mà study thì ít mà tour thì nhiều, nên nhiễm cái gen, cậy có tiền nên đi du học để giải quyết khâu “oách” là chính nên coi nhẹ việc học hành, đi du học thì có vẻ không quan tâm lắm tới chuyện học mà quan tâm tới du nhiều. Nếu bạn đi du học mà xác định việc học là nhẹ nhàng, rất có thể bạn đã mơ tưởng. Các trường đại học chuẩn (ở đây ý mình là được kiểm định chất lượng, chứ không phải trường rởm bán bằng) có những đòi hỏi khá khắt khe với sinh viên. Trường càng rank cao, nổi tiếng thì đòi hỏi càng khắt khe hơn. Đây cũng là một điểm lưu ý của mình với các bạn khi chọn trường là nên chọn trường phù hợp với năng lực và khả năng của mình. Giống như lượng sức gánh được 50kg thì có thể cố thêm tí gánh bao 60kg, nhưng mà gánh bao 100kg thì coi chừng gãy lưng. Thực tế mình thấy là ở Việt Nam, nói đến du học Mỹ, các bạn chỉ quan tâm tới Harvard, Yale, Princeton hay Stanford, còn mấy trường ít tên tuổi thì lại không quan tâm lắm. Nhưng các bạn thấy là nếu đi học cao học, thì ranking của graduate school trong từng trường đại học đó mới quan trọng, và có rất nhiều đại học tên không nổi lắm, nhưng ngành học cụ thể lại có thể rank cao hơn cả Harvard. Do vậy, khi chọn trường, mình thấy quan trọng nhất là phải chọn trường “phù hợp” với khả năng học tập của bạn chứ không phải giải quyết khâu “oách”. Một sự thật, là sức ép ở các trường đại học nổi tiếng là rất lớn. Các trường hợp sinh viên tự tử do sức ép học tập là chuyện không còn xa lạ. MIT hàng năm vẫn có sinh viên tự tử. Như hồi lên New York University thăm cô bạn, cô bạn tôi dẫn đi thăm thư viện trường, một tòa nhà cao và rất hiện đại. Đang say sưa ngẩng cổ lên ngắm, cô bạn bảo mới rồi có 1 cậu học hành chán, mới nhảy từ trên xuống chết ngay tại chỗ, hic. Còn bản thân mình khi đi du học bên Mỹ thì cũng đã thực sự chứng kiến 2 trường hợp du học sinh Việt Nam phải về nước giữa chừng vì không theo được mà 2 bạn đó ở Việt Nam đều học giỏi và được học bổng sang Mỹ học cả. Lấy dẫn chứng cụ thể thế để các bạn thấy là mình không phải là kể chuyện không có dẫn chứng để hù dọa các bạn. Học đại học và cao học ở Mỹ rất vất vả, cái khổ nhất là phải đọc rất nhiều mà toàn là sách tiếng anh dầy cộp. Nếu không có kỹ năng đọc lướt, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành bài đọc mà giáo sư giao mỗi tuần vài trăm trang sách. Do tiếng anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta, nên khả năng đọc và tiếp thu của chúng ta chậm hơn tụi Mỹ nhiều, cho dù điểm tiếng anh của chúng ta cao chót vót, do vậy phải có kỹ năng đọc lướt để lấy ý chính, chứ ngồi chăm chú đọc, cả đời du học sinh sẽ chả bao giờ đọc hết được lượng sách yêu cầu. Thế nên, mình thấy mấy em du học sinh sang Mỹ, chả biết trường của mấy em ấy thế nào, hoặc các em ấy học kiểu “thần đồng” gì mà vẫn sản xuất “Vlog” sòn sòn như gà đẻ trứng để chém gió trên mạng ấy mà vẫn học “khá và giỏi” được thì cũng “sợ” phết đấy. Chả biết học xong về nước làm gì, hay lại tự phong mình cái chức “giáo sư” như cậu cử nhân Đại học nông nghiệp làm ở FPT rồi lên VTV3 “chém gió” thành thần, phán nhăng phán cuội, phản khoa học, phản giáo dục.
Sick
Lần đầu tiên tôi ra nước ngoài năm 2006, lúc đó tôi mới 22 tuổi và đang học năm 2 đại học, khi đó tôi bị ngộ độc thực phẩm do ăn hải sản và phải vào bệnh viện cấp cứu gấp. Lúc xe cứu thương đến đưa tôi đi, thứ duy nhất tôi mang theo là cuốn từ điển. Bởi lúc đó, trong lúc đau ốm như vậy, đầu óc tôi không còn tâm trí nào để nói tiếng Anh nữa. Lúc đó, tôi chỉ mong được ở Việt Nam được nói chuyện bằng tiếng Việt với bác sỹ và người thân để cảm thấy an tâm. Trong lúc đau, nhiều lúc tôi rất sợ cái cảm giác mình phải chết ở nơi đất khách. Có vẻ hơi dramatic, nhưng chính sự kiện đó khiến tôi sau này khi đi du học rất sợ bị ốm. Do vậy, khi đi du học, tôi mang 1 hộp rất nhiều thuốc mà nhiều loại không dễ mua ở Mỹ vì ở Mỹ nhiều loại thuốc phải có đơn của bác sỹ mới mua được. Đây cũng là lời khuyên của mình với các bạn sắp đi du học là nên mang theo mấy loại thuốc thiết yếu nhất để phòng thân. Hôm nào rảnh, tôi sẽ viết 1 bài chi tiết về những thứ bạn nên mang đi và không nên mang đi khi du học. Việc giữ cho mình một sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần là một điều tối quan trọng khi đi du học. Tôi nhấn mạnh ở đây là cả sức khỏe tinh thần nữa, bởi có thể thể chất của bạn khỏe mạnh, nhưng sức khỏe tinh thần của bạn không tốt, nó sẽ kéo sức khỏe thể chất xuống nhanh khủng khiếp. Nhiều bạn sẽ thắc mắc sức khỏe tinh thần ở đây là gì? Đó là giấc ngủ, trạng thái hạnh phúc, nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà, sự hưng phấn. Nhiều bạn du học sinh khi mới sang do lệch múi giờ nên hay bị mất ngủ, nhiều người nhanh chóng điều chỉnh cơ thể để thích nghi, nhiều bạn không thể ngủ được. Đây là vấn đề hệ trọng, bên nên đi khám bác sỹ. Bởi nếu mất ngủ dài ngày, thể chất của bạn xuống nhanh khủng khiếp và gây ra hàng loạt hệ quả khác. Rồi nhớ nhà, cô đơn, những cảm giác này thường hay xảy ra với du học sinh khi mới bỡ ngỡ nơi đất khách quê người. Những trạng thái cảm xúc tiêu cực này là bình thường nếu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng nếu nó kéo dài thì sức khỏe tinh thần của bạn đang có vấn đề cần lưu tâm. Bởi tối nào bạn cũng khóc, cũng buồn thì còn đâu tâm trí mà học. Rồi một điều nữa là cảm giác hưng phấn, cái này mà không kiểm soát tốt cũng gây ra nhiều hệ quả. Bạn cứ như trên mây, chưa học xong Master đã lo tìm trường PhD. Được nhận vào Harvard là cứ bay bay trên mây do các bạn ở Việt Nam tung hô lên mây xanh mà quên mất Harvard chuẩn bị “vặt lông” trụi con vịt béo tốt ở Việt Nam sang thành con vịt gầy tong teo sau vài năm nhập học…vv Do vậy, cố gắng đừng để dính vào bất cứ một cái “sick” gì như “car-sick”, “home sick” hay real sick (đau ốm vô viện) . Hôm nào rảnh sẽ viết về love sick để giải đáp thắc mắc của một số bạn có gửi message hỏi là có nên yêu hay không? Người yêu ở nhà thì xử lý ra sao? Vv…
Shock văn hóa
Hồi Việt Nam, xem phim hành động Mỹ thấy bắn nhau chí chóe thích ơi là thích, vì cái thằng diễn viên rõ đẹp trai, cơ bắp, bắn chết xừ nó rồi mà vài tháng sau vẫn ra phim mới, bắn nhau kinh hơn. Vậy mà khi sang Mỹ, thấy súng ống là sợ phát khiếp, vì tụi Mỹ này nó xài súng thiệt, đạn thiệt, bắn 1 cái là mình lên tin tức trên CNN hay NBC được một lần là hot và mãi không có lần 2 đâu các bạn ạ. Ngày đầu tiên sang Mỹ, khó ngủ, bật ti vi lên xem bị shock khi xem chương trình thực tế mô tả các buổi mà cảnh sát Mỹ rượt đuổi những kẻ trộm cắp xe hơi, hay cướp có vũ trang. Thấy cảnh đấu súng thật khủng khiếp, bắn chết ngay tại hiện trường chứ không bắn đẹp như phim mình thực sự được cảm nhận cái culture shock đầu tiên khi sang Mỹ. Rồi thực tế là khi đi du học, bạn sẽ thấy rất nhiều những cú shock văn hóa khác.
Rồi còn nhiều chuyện shock lắm, như chuyện cướp, trấn lột, rồi “hấp diêm” các bạn nữ sinh đi học về khuya mà trường mình thường hay xảy ra như cơm bữa. Rồi chuyện sex tự do của tụi Mỹ ủng hộ “rân chủ”. Rồi chuyện ở Mỹ, bố mẹ, ông bà mà già nó tống ra nhà dưỡng lão hoặc sống một mình xa con cái. Rồi chuyện người nghèo ở Mỹ học hành đàng hoàng đứng ăn xin ở ngã tư, hè phố, phải sống bằng tem phiếu trợ cấp của chính phủ. Nhiều chuyện sẽ làm bạn khá ngạc nhiên và shock đó.
Kỳ thị chủng tộc
Kỳ thị chủng tộc là vấn đề có tính lịch sử của nước Mỹ. Ngay ông tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ – Obama còn bị không ít kẻ đe dọa giết thì những người phó thường dân còn bị kỳ thị thế nào. Ở ngay trường mình, hồi đó là năm 2010 khi mình vẫn đang học, có 2 cậu sinh viên Mỹ trắng, mang rải những gói bông trắng trước cửa trung tâm văn hóa của người da đen trong trường để biểu thị sự kỳ thị những người da đen trước đây đều là nô lệ tại các đồn điền trồng bông. Sau đó, vụ này bị làm ầm ĩ lên do người da đen ở Mỹ khá đông và khá đoàn kết nên 2 cậu sinh viên bị cảnh sát bắt và trường buộc phải cho nghỉ học. Nói rõ thế để các bạn thấy ngay bây giờ sự kỳ thị chủng tộc là khá rõ và đậm ở Mỹ, không chỉ giữa người da trắng với người da đen, mà còn cả da trắng với da vàng như người châu Á chúng ta nữa.
Tôi không biết các bạn khác cảm nhận thế nào, chứ tôi thấy người da đen (trừ tụi đầu trộm, đuôi cướp) khá thân thiện và hòa đồng với dân da vàng Việt Nam, hơn là tụi da trắng. Tụi da trắng thường look down người châu Á. Một điều đáng buồn nữa là chính dân Việt cũng kỳ thị dân Việt. Cụ thể là một số người dân Việt người gốc miền nam dạt sang Mỹ sau biến cố năm 1975 vẫn còn ôm lòng thù hận nên họ rất ghét người việt gốc Bắc, họ thường gọi là dân Bắc Kỳ để thể hiện sự kỳ thị và căm thù. Khi tôi sang bang California chơi, tới khu Little Saigon lại nhớ lời cô bé học ở Mỹ dặn là anh cứ nói tiếng Anh đừng nói tiếng Việt để tránh bị họ ghét hoặc không ưa mình. Khi tôi đến khu Phước Lộc Thọ nổi tiếng, tôi chả dám hé răng nói nửa câu tiếng Việt. Đang chụp ảnh ở ngoài khu Phước Lộc Thọ, có 1 em việt kiều, rõ là xinh xắn, đáng yêu chạy ra hỏi chuyện rồi còn tạo dáng để mình chụp nữa, xong rồi em hỏi mình bằng tiếng Anh, mà mình thì đang ú ớ chưa nghĩ ra gì thì trả lời. Kể mà không có sự kỳ thị Nam – Bắc thì chắc là mình đã quen được em xinh tươi Việt kiều. Sau đó ra ngồi uống café ở quán Việt, kêu ly cà phê cũng phải nói bằng tiếng Anh, cảm thấy rất buồn khi ngồi uống cà phê như là ở sài gòn, ngắm những ông cụ cỡ 50-60 ngồi đánh cờ tướng giết thời gian mà thấy thương cho một thế hệ, giờ sống nơi đất khách, đợi ngày gần đất xa trời .
Tụi dân Mỹ thì thể hiện sự kỳ thị với dân da vàng thì rõ rồi. Nhiều khi đi đường, nó thấy mình nó nói mấy câu gì đó mà mình biết là nó chửi hoặc nói đểu mình, nhưng mà tốt nhất là giả vờ như không nghe thấy. Đừng nghĩ mình 120 điểm TOEFL mà quay lại văng các loại hình ra với nó để thể hiện trình độ tiếng Anh là mình ngon hay khả năng nghe nói tốt. Dẫu sao mình không có sức để mà văng “fuck” với tụi Mỹ được, nó khỏe lắm. Với cả, làm nó nổi điên lên mà rút súng ra thì không khéo lên trang nhất báo địa phương mục “cáo phó” cũng nên =)). Thôi thì quân tử “tránh voi chả xấu mặt nào” hehe.
Reverse Culture Shock – hay là Shock văn hóa ngược
Ôi zời, chưa hết shock vì những gì xảy ra bên Mỹ, thì vèo 1 cái đã học xong, phải về nước phải hứng chịu cái gọi là “shock văn hóa ngược”. Đó chính là cái biểu hiện khi bạn shock khi chứng kiến những gì khi trở lại Việt Nam. Điều đầu tiên là “thất nghiệp ngắn hạn” đó là khi về bạn không có việc làm ngay. Đó có thể là vì bạn tự nguyện “thất nghiệp” do không chọn được việc ưng ý, hoặc là “thất nghiệp khi đang có việc” là khi bạn chấp nhận làm tạm ở một chỗ khá tệ so với kỳ vọng của bạn với tấm bằng bạn có được. Ví dụ, có bằng Harvard mà làm nhà nước lương 2,5 triệu/ tháng có thể coi là “thấp nghiệp khi đang làm việc”. Nhiều bạn trước khi đi du học về cứ nghĩ là khi mình về, chắc mình ghê lắm đây, chắc phải có công ty trải thảm đỏ từ sảnh đến quốc tế sân bay Nội Bài đón, nhưng thực tế là không phải vậy. Nhiều bạn về, thời gian đầu khá vật vã tìm việc. Bởi việc bạn có một cái bằng sau 2 năm học ở Mỹ đồng nghĩa với việc bạn sẽ hụt mất 2 năm kinh nghiệm gần nhất tại Việt Nam. Mà bây giờ, ở Việt Nam người ta tuyển dụng bắt đầu coi trọng kinh nghiệm rồi. Sẽ có lúc bạn sẽ nghe thấy họ nói bóng gió rằng “sợ học Mỹ về, toàn kiểu Mỹ không, không phù hợp với văn hóa Việt Nam” cho mà xem. Hơn nữa, nếu thằng sếp học hành lẹt đẹt, chắc chả bao giờ muốn tuyển 1 thằng học Mẽo về để cãi mình và dạy mình phải làm gì. Khổ thể, làm sếp là phải sĩ , làm quân thì phải dốt và ngoan. Sau chuyện việc làm được giải quyết là đến chuyện “hôn nhân” khi mà chưa có ai thì việc phải nghe “ca cải lương” của các cụ nhà là một cú shock khá lớn với du học sinh về nước. Khổ nỗi, là cũng hăng hái, nhiệt tình đi tìm “một nữa” lắm, nhưng khổ cái học xong về nước già xừ nó rồi, lại thêm cái bằng Mỹ nữa, làm các “một nửa” đang còn available đếch dám tiếp cận vì trong bụng nghĩ “anh/em ấy có bằng Mẽo, chắc gì đã ưa 1 đứa đại học trong nước” như mình. Và đã giỏi lại còn thêm đẹp nữa, đúng là cái tội. Mà cái tuổi nó đuổi xuân đi, nên sau khi học xong về nước không có người yêu là một cú shock văn hóa ngược khá mạnh mà phải trải qua mới thấy sức ép từ nhiều phía nó lớn thế nào. Nào là bố mẹ thì không nói, còn thêm bạn bè đứa nào cũng up ảnh con cái xinh xắn lên facebook, nhiều khi lúc đó mình nghĩ các bạn đi du học sẽ thấy sự đánh đổi khá nhiều khi quyết định đi du học, nhưng sự hy sinh nào chả có mất mát, được cái này mất cái kia. Mình thì tin vào duyên, chả việc gì phải lo nghĩ nhiều, cứ ăn chơi cho đời phớ lớ, đến Chí Phèo còn có Thị Nở huống chi ta ở bển mới về, hehe. Rồi còn nhiều chuyện shock ngược lắm, như văn hóa đường phố, văn minh đi đường, rồi chuyện tình cảm, chuyện đối xử giữa người với người nơi công cộng, nơi làm việc. Shock lên shock xuống luôn, shock mãi thành quen, hết shock luôn ấy mà. Không có gì phải lo lắng quá.
Chuyện tiền bạc
Ngày trước, tôi có một cô bạn, cô này thì thích đi du học “crazy” luôn, kiểu như là sống chết cũng phải sang Mỹ du học. Tôi thì khuyên rằng khi nào đảm bảo tài chính (hoặc là có tiền, hoặc là có học bổng full) hẵng sang, nhưng không nghe. Sau này sang Mỹ, tôi có tình cờ đọc blog của cô ấy thì thấy cũng rất khổ, phải đi quét cứt gà ở trang trại của người Mỹ, phải đi nhặt táo, hái dâu để làm thêm có thêm thu nhập. Quả thực rất vất vả. Tôi thì may mắn được học bổng toàn phần Fulbright nên không phải làm thêm để kiếm sống, nhưng xung quanh tôi, những bạn được trường miễn học phí, sang đó phải làm Trợ lý giảng dạy (TA) hay trợ lý nghiên cứu (RA) cho giáo sư để được trả lương hàng tháng để dùng vào trang trải sinh hoạt phí như thuê nhà, ăn uống, đi lại thì khá vất vả. Mà cũng khá là mệt mỏi và mất thời gian đó, chứ không êm đẹp như bạn nghĩ đâu. Bạn cứ hình dung, bạn đi học cả ngày, rồi về phải chấm bài cho giáo sư, chuẩn bị đề thi, soạn giáo trình…vv thì còn sức đâu mà học mà chơi nếu không cố gắng gấp 2 lần người khác. Dẫu sao thì TA, RA vẫn còn là nhẹ nhàng và trí tuệ hơn rất nhiều những việc tay chân khác mà sinh viên Việt Nam làm khi đi du học rồi. Tụi Mỹ khi tôi sang đó, nó nói là có những loại việc nó xếp vào dạng 3D (dirty, cái gì nữa tự nhiên quên rồi, đại loại là kiểu bẩn thỉu, rẻ mạt, tay chân) mà tụi Mỹ trắng không làm thì dành cho tụi nhập cư làm, kiểu như lao động tay chân. Sinh viên việt Nam sang du học thì làm đủ thứ nghề để sống, chủ yếu là bưng bê, lau dọn, tay chân là nhiều vì mình không phải dân bản xứ, cho dù TOEFL 120 nó vẫn không đánh giá tiếng anh của mình bằng một thằng nói lắp người Mỹ. Do vậy, bạn nên đảm bảo làm sao để tài chính không phải là một sức ép quá lớn khi đi du học. Vấn đề tiền bạc sẽ làm bạn hết sức đau đầu và mệt mỏi ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý học hành của du học sinh. Nhiều bạn, do gia đình cũng khó khăn, sang đấy mới thấy chi phí tốn kém và đắt đỏ như thế nào, nhưng cũng không dám email về xin bố mẹ vì thương bố mẹ quá, sợ bố mẹ phải đi vay nợ cho mình đi học nên thành ra hoàn cảnh rất khó xử. Do vậy, lời khuyên của mình là hãy tìm cho mình một nguồn tài chính đảm bảo để không phải suy nghĩ quá nhiều về chuyện tiền bạc khi đi du học. Khi đó, đầu óc của bạn sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào suy nghĩ học hành hơn.
Kết luận:
Đi du học là một quyết định táo bạo và quan trọng và bạn nên cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định này, bởi có thể bạn sẽ phải mất nhiều thứ đáng giá khác. Ví dụ, bạn đang làm một vị trí rất tốt, cơ hội thăng tiến cao, lương cao mà bỏ đi du học thì sau khi đi du học về rất có thể bạn cho dù có bằng cao hơn nhưng khó có lại vị trí mà nhiều người mơ ước như trước nữa. Hoặc là đang yêu, đi du học đành chia tay, sau này về lại tiếc nuối vì người yêu đã lập gia đình và sống hạnh phúc, còn mình thì có tấm bằng từ quê hương Obama nhưng tối đến chả ma nào đến rủ đi hẹn hò. Hoặc là đang có chồng, có con, đùng đùng đi du học một mình, chồng ở nhà buồn quá sang tâm sự với con bé đồng nghiệp thế là chả hiểu tâm sự thế nào, bụng con bé kia càng ngày càng to. Và hàng tỉ các mất mát khác. Nhưng mà có sự hy sinh nào mà không có mất mát ít nhiều. Do vậy, lời khuyên của mình là các bạn nên cân nhắc kỹ khi đi du học để chọn được phương án có lợi nhất trong các phương án có thể. Mình khuyên các bạn nên đi du học khi còn trẻ, và khi chưa vướng bận tình yêu và gia đình. Như đã nói ở trên, bài viết này viết ra không phải để “hù dọa” các bạn mà để giúp các bạn có đầy đủ thông tin để đưa ra một cái “informed decision” tốt nhất cho mình. Dẫu có muôn vàn khó khăn, thử thách, thậm chí là “mất mát”, nhưng mình vẫn luôn động viên các bạn nào có ước mơ du học, hãy đi du học, bởi nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn khá nhiều, và giúp bạn không còn là “con ếch ngồi ở đáy giếng Việt Nam” nữa. Và điều quan trọng nhất vẫn là “chỉ cần có một ước mơ”, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó.
Chúc các bạn may mắn!
Tác giả: Trần Ngọc Thịnh