Bài viết chỉ có tính tham khảo. Quan điểm của Ad vẫn là tìm hiểu kỹ, chuẩn bị tốt và đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ bạn nhé 🙂
1.“Nhà em không có điều kiện, học lực em chỉ thuộc dạng khá, em có tham gia hoạt động ngoại khóa nhưng không nhiều, nhưng em tin em sẽ đi du học được. Anh chỉ cách cho em được không ạ?”Đó là câu hỏi mà các bạn trẻ hay inbox hỏi tôi dạo gần đây. Tôi rất thường muốn viết những điều có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để các bạn cố gắng, nhưng trước khi làm điều đó, hãy để tôi đính chính lại một điều để các bạn rõ ngay và luôn: ngay cả con em nhà có điều kiện, học lực giỏi, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa đôi khi cũng rất khó được nhận vào các trường ĐH Mỹ, đặc biệt là các trường top đầu.Điều đó có nghĩa là, khi gia đình bạn không có điều kiện, học lực và hoạt động ngoại khóa chỉ tàm tạm, bạn tuyệt đối không thể du học chỉ bằng niềm tin và mơ ước.
2.“Nếu vậy”, có lẽ các bạn đang tự hỏi, “tại sao trên báo luôn có nhiều câu chuyện nghèo, tự ti, vượt khó, gia đình không điều kiện được mưa học bổng từ các ĐH Mỹ?” Hay nói một cách khác, chắc các bạn đang phân vân những cái tên như Tôn Hà Anh, Đỗ Liên Quang, hay Châu Thanh Vũ,… làm sao mà đến được vị trí hiện tại?Câu trả lời khá đơn giản: đằng sau cơn “mưa học bổng” và các bảng thành tích mà các bạn đọc được trên mặt báo là rất nhiều cố gắng trong suốt một thời gian dài mà có lẽ vài trăm chữ trên báo không thể nào nói hết được. Do đó, khi mặt báo đang tràn ngập các câu chuyện thành công về “thanh niên vượt khó học giỏi,” những câu chuyện ấy vô hình dung đang phản tác dụng, khiến các bạn tin rằng du học rất dễ, và chỉ cần tự tin là đủ.Đây là một suy nghĩ hết sức nguy hiểm.Nếu ai cũng có thể du học với học bổng toàn phần chỉ bằng niềm tin, thì nước Việt Nam này đã có hàng triệu du học sinh rồi! Sự thật là chỉ một vài người thực sự đạt được mục đích du học cho thấy rằng có hàng triệu người mơ ước, nhưng chỉ có một vài người biến ước mơ thành hiện thực.Riêng tôi, tôi biến giấc mơ du học của mình thành hiện thực bằng cách luôn tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn, có thể đạt được trước mắt thay vì mơ ước viễn vông xa vời; không quá tự tin vào bản thân, và luôn biết mình đang ở đâu.
3. Mơ ước du học đầu tiên của tôi là khi còn là học sinh tiểu học. Lúc đó, bố bảo tôi rằng “nhà mình không có điều kiện nên nếu con muốn du học, con phải tự lo kiếm học bổng.” Gần 10 năm sau đó, tôi gác lại ước mơ du học để tập trung vào các mục tiêu gần, thực tế với mình hơn.Tôi học cấp 2 ở tỉnh Ninh Thuận. Năm lớp 6, tôi tham gia hội chữ thập đỏ ở địa phương vì bạn bè tôi rủ, và vì họ dạy mật mã Morse và Semaphore – 2 thứ mã tôi rất say mê. Tôi tham gia thi cờ vua cấp trường và cấp thành phố dù chỉ là dân không chuyên, ở nhà đánh cờ không lại hàng xóm. Tôi thức đêm viết hàng chục trang dự thi nhiều cuộc thi lớn nhỏ như “An toàn giao thông,” “Học tập tấm gương Hồ Chí Minh,” “Viết thư UPU,” “English and Me,” etc.Hồi đó tôi tham gia nhiều cuộc thi như thế có vì chuẩn bị cho du học đâu. Đơn giản chỉ là những cuộc thi đó là những cái đích nhỏ, gần, và dễ đạt của tôi. Và đến khi tôi viết đơn xin học bổng du học thì những cuộc thi này đã không còn đủ ý nghĩa để tôi có thể tự tin viết vào đơn nữa, nhưng phải công nhận rằng nếu tôi đã không đi những bước nhỏ trước thì đã không bao giờ đi những bước xa hơn.Những cuộc thi nhỏ này đã rèn luyện cho tôi khả năng tập trung suy nghĩ dưới áp lực của thời gian, khả năng viết lách, kinh nghiệm thức trắng đêm để cố làm hoàn hảo một bài dự thi, tinh thần đầu tư 100% công sức để làm điều mình ưa thích, và hàng tá kĩ năng khác mà đã giúp ích tôi phần nào trong các cuộc thi sau này (thi vào chuyên tin Năng Khiếu, thi HSG quốc gia, viết luận xin học bổng, phỏng vấn học bổng UWC, vân vân). Có thể bạn không tin, nhưng đối với tôi, tôi luôn tin rằng mình đã lớn lên một ít từ việc tham gia những thứ nhỏ nhặt nhất trong đời.Do đó, nếu bạn đang kiếm đường đi du học vì bạn đang cảm thấy bế tắc, hay chán ghét giáo dục Việt Nam, hay vừa thi trượt đại học,… thì bạn hãy đầu hàng ý tưởng đó và làm chuyện khác thiết thực hơn. Đó là vì du học không phải là một giải pháp tạm thời để bạn vượt qua bế tắc, càng không phải thứ bạn có thể đạt được trong một hai ngày hay một hai năm. Ngược lại, du học là thành quả của sự không ngừng trau dồi bản thân, không ngừng học tập từ những cái nhỏ nhất qua một thời gian dài.
4. Nếu bạn đã bao giờ có suy nghĩ “dù khó, tôi tự tin tôi chắc chắn sẽ làm được,” tôi nghĩ bạn nên đi chậm và suy nghĩ lại về sự tự tin của mình.Có lẽ mỗi người có suy nghĩ khác nhau, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ làm được điều gì đó 100%. Khi bạn tự tin đến thế, tôi nghĩ nhiều khả năng bạn đang đánh giá quá cao khả năng của bản thân, hoặc đang đánh giá quá thấp những khó khăn mà bạn đang đối mặt, hoặc cả hai.Hãy nhớ rằng đối với bất cứ ai, tự tin là một điểm mạnh, còn tự tin thái quá lại là một điểm yếu.
5. Lần tới khi bạn đọc báo về một câu chuyện học sinh Việt Nam được nhiều học bổng, hãy đừng đọc xem học bổng trị giá bao nhiêu tiền, hay người học sinh ấy đạt được những thành tích nào. Hãy cố đọc xem họ đã từng trải qua những khó khăn gì, và họ đã làm gì để vượt qua những khó khăn ấy. Nếu một bài báo không viết về những điều này, bài báo ấy chỉ đang được viết bởi những phóng viên đời cũ muốn trang trí bài bằng những thông tin hào nhoáng mà thôi.Cuối cùng, cho những bạn đang định đi du học chỉ bằng niềm tin: các bạn hãy dừng lại đi. Hãy ngồi xuống và nghĩ thiết thực hơn: gia cảnh khó khăn và học lực không giỏi sẽ có nghĩa là xuất phát điểm của bạn thấp hơn bình thường. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải cố gắng rất nhiều lần để đạt được mục tiêu du học của mình. Hãy tự hỏi, (1) bạn cần bao nhiêu thời gian, và (2) bạn có đủ kiên nhẫn và ý chí để đi quãng đường dài đó không. Nhớ là, hãy đừng tự tin thái quá.
Tác giả: Chau Thanh Vu