Connect with us

Hi, what are you looking for?

Kinh nghiệm

Hãy chuyển dịch và khám phá

Tác giả: Jean Phan
“Anh Quang Anh (Jean) tốt nghiệp trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, DHQG Hà Nội ngành Lịch sử, thủ khoa, vào năm 2011. Trước đó anh có đoạt một học bổng full để đi exchange năm thứ 2 chuyên ngành Đông Nam Á học tại ĐH Humboldt ở Berlin, Đức trong 1 năm, từ 2007 đến 2008. Cuối năm 2011, 4 tháng sau khi anh tốt nghiệp ĐH, anh nhận học bổng Westminster International Scholarship để theo học Master ngành Nghiên cứu Văn hóa và Phê bình. Anh về nước năm 2013, đi dạy cho 1 số trường ĐH như Kiến trúc, Hòa Bình. Đầu năm 2014, anh nhận học bổng NUS Research Scholarship để theo học TS chuyên ngành Truyền thông và Phương tiện truyền thông ở ĐHQG Singapore.”
Du học là một câu chuyện dài với nhiều điểm bắt đầu, xuyên suốt theo đó là một ước mơ rằng điểm kết thúc sẽ là một chân trời khác mới mẻ hơn, mang đến nhiều trải nghiệm hơn, và cố nhiên là một cơ hội học tập giá trị hơn. Việc chuẩn bị cho du học khởi sự bằng công đoạn hình thành ý tưởng ở trong tâm trí rằng MÌNH cần phải dịch chuyển đến một môi trường mới, trước nhất là vì mục tiêu học thuật, sau là để thỏa mãn mong muốn được có những khoảng thời gian quý báu khám phá những cái lạ, cái khác, cái không cùng dạng thức với những gì mình đã biết, đã quen thuộc. Tiếp đó sẽ phải một sự chuẩn bị chu đáo ở nhiều khía cạnh, từ tâm thế- như đã nói, chấp nhận hòa mình vào một nền văn hóa mới, chấp nhận thay đổi phương thức thu nạp và thể hiện kiến thức, chấp nhận duy trì các mối quan hệ không trong khoảng cách gần; tới ngoại ngữ- công cụ giao tiếp chính; cho đến tài chính – công cụ để trang trải học phí, các nhu cầu thiết yếu, các khoản chi tiêu phục vụ sở thích cá nhân; và kết lại ở việc đưa ra lựa chọn: đâu sẽ là điểm đến mà bạn hướng tới, đâu sẽ là ngôi trường dung chứa những năm tháng tuổi trẻ của bạn. Với các bạn mong muốn được đi du học với sự hỗ trợ từ các học bổng, công đoạn chuẩn bị là công đoạn bản lề, quyết định rằng bạn có thể nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức hay không; và sự giúp đỡ đó có thể được tới mức độ nào.
Bản thân mình là một người đi theo hướng nghiên cứu Khoa học xã hội và ham thích du lịch, được đi khắp Việt Nam và nhiều nước châu Á cùng gia đình từ lúc 13 tuổi nên ngay sau khi vào năm nhất Đại học, mình đã mong muốn được có ít nhất 1 năm trải nghiệm cuộc sống của một du học sinh thông qua chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.
Các chương trình trao đổi sinh viên vốn là một hình thức không phải mới mẻ trên thế giới khi các trường Đại học quốc tế đều có mong muốn rằng sinh viên của mình trong quá trình học tập có ít nhất một khoảng thời gian đủ để trải nghiệm một môi trường học tập và nghiên cứu khác với môi trường trong nước nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao khả năng ứng dụng ngoại ngữ cũng như có những tiếp xúc văn hóa – những yêu cầu mới mà các nhà tuyển dụng hay các môi trường làm việc mang tính hàn lâm cũng đều đang đòi hỏi nơi các ứng viên. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Với tần suất các chương trình trao đổi ngày càng được nâng lên, phổ biến ở khắp các trường Đại học lớn trong nước thông qua các kênh thông tin như Bộ Giáo dục Đào tạo, các Đại sứ quán hay các phòng, ban phụ trách Quan hệ quốc tế tại các trường, hình thức du học ngắn hạn này rất đáng để các bạn sinh viên chú ý, nhất là sinh viên năm thứ hai và thứ ba, vốn đã có kinh nghiệm học tập nhất định tại môi trường Đại học. Các chương trình trao đồi thường kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm, không đi kèm điều kiện được trao bằng khi kết thúc khóa học và thể hiện một cách đa dạng dưới nhiều hình thức như đào tạo nâng cao về ngoại ngữ, tham gia các buổi nghe giảng và thảo luận của các môn học cùng chuyên ngành tại Việt Nam với tư cách guest student, thực hành chuyên môn tại các cớ sở hoặc trong các phòng thí nghiệm… Các chương trình nêu trên thường đều có những khoản học bổng nhất định cho sinh viên theo học nhằm trang trải các chi phí đi lại, ăn, ở và các khoản phí chi tiêu các nhân; một số chương trình (thường mang tính thực hành) lại áp dụng phương thức trả lương (ở mức dành cho người học việc – apprentice) và với khoản tiền này, sinh viên cũng có thể tự lo được cho cuộc sống ở một mức chi tiêu vừa phải. Những chương trình như vậy giúp sinh viên Việt Nam, trong một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không thể nói là ngắn, có được các kinh nghiệm thực tế về một môi trường văn hóa mới cũng như một không gian sinh ngữ hoàn hảo, khi mà ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ giao tiếp thường ngày. Hệ thống thư viện và tư liệu dành cho sinh viên cũng thể hiện tốt chức năng của mình trong việc hỗ trợ thông tin đa chiều, đa ngành mà ở trong nước không dễ tiếp cận khi nguồn tài chính đặt ra để mua được các tư liệu trên khá eo hẹp. Bên cạnh đó, đối với các bạn sinh viên học các ngành kỹ thuật và kinh tế, hệ thống trang thiết bị của các cơ sở đào tạo sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận thực tế và ứng dụng lý thuyết đã học cũng như các bạn được hòa mình thực sự vào một môi trường học thuật cao, nơi mà lý thuyết và thực hành luôn đi đôi với nhau nhằm hoàn thiện ở mức cao nhất có thể các kỹ năng ứng dụng vào tác nghiệp sau này. Đối với các bạn học các ngành xã hội, các chương trình trao đổi cũng mở ra cơ hội cho các bạn được lắng nghe và bày tỏ các quan điểm mới cũng như học được các phương pháp diễn đạt ý kiến cá nhân từ các bài tiểu luận hay thuyết trình các bạn phải thực hiện cũng như trải nghiệm sự tương tác giữa các thành viên khi hoạt động nhóm, điều này sẽ khắc phục được điểm yếu dè dặt của sinh viên Việt Nam khi phải bày tỏ cái tôi của mình.
Vậy các chương trình trao đổi có điều gì khác biệt cũng như lợi ích gì khác so với du học dài kỳ? Lợi ích của các chương trình trao đổi sinh viên lại nằm ở chính khuôn khổ thời gian bị hạn định. Lý giải điều này, mình có thể nói rằng, bởi chương trình ngắn như vậy nên người tham gia các chương trình trao đổi sinh viên thường cố gắng tận dụng tối đa thời gian để trải nghiệm những cái hay, cái mới mà chương trình mang lại, thay vì dàn trải như du học dài kỳ kéo dài 4, 5 năm có thể khiến bạn quên bẵng nhiều việc đáng nhẽ bạn có thể thực hiện ở một môi trường tốt như vậy. Tuy chỉ trong 1 năm hoặc ít hơn nhưng khoảng thời gian đó sẽ giúp cho bạn thẩm thấu văn hóa bản địa cũng như học tập được hiệu quả. Đó là lý do mình đăng ký chương trình học bổng Trao đổi với ĐH Humboldt tại Berlin, Cộng hòa Liên Bang Đức, được giới thiệu thông qua chương trình liên kết giữa trường ĐH mình đang học và ĐH Humboldt. Mình phải trải qua 1 vòng nộp hồ sơ, 1 vòng phỏng vấn và nhận tin báo trúng học bổng sau 20 ngày với chi phí ăn, ở, đi lại và học phí được chu cấp trọn gói. Đó cũng là sự khởi đầu cho các chuyến đi sau này, nói một cách hình tượng thì khi bạn đã ngấm hơi men của việc được khám phá, bạn sẽ tiếp tục nâng ly lên, tìm một chai rượu ngon bằng hoặc hơn để tiếp tục được phiêu và thăng hoa.
Quá trình chuẩn bị cho học bổng này (cũng là tiền đề cho các học bổng sau) được chuẩn bị trong khoảng 8 tháng, bắt đầu bằng việc có một kết quả học tập tốt ở ĐH trong học kỳ đầu, GPA duy trì trên 3.6/4.0. Việc chuẩn bị ngoại ngữ được làm trước đó 1 năm khi mình đã đi học tiếng Đức ở Viện Goethe, phần nhiều là do muốn học một ngoại ngữ mới, mặt khác cũng có nghĩ sẽ dùng sau này do có người nhà định cư tại Đức. Bên cạnh đó, mình học tiếng Pháp từ bé, học lớp chuyên Pháp trong một thời gian hơn 9 năm và tiếp tục học ở ĐH nên cũng đã có sẵn một chút nền tảng cho việc sinh sống và học tập ở châu Âu. Ngôn ngữ phổ thông hơn là tiếng Anh thì thực ra mình học một cách khá giang hồ. Năm đầu ở phổ thông, mình khá lơ là tiếng Anh nên điểm số thường khá bết bát, có lúc từng ăn 1.25 điểm ở bài kiểm tra 45 phút do ham chơi. Tuy vậy, nhờ vào sở thích xem anime (nhiều bạn chắc biết anime phần lớn là được làm phụ đề tiếng Anh vì không phải ai cũng hiểu tiếng Nhật) cần có vốn tiếng Anh tương đối để hiểu nội dung nên mình đã tự dạy tiếng Anh cho bản thân bằng một cách khá tự phát: xem phim truyền hình Mỹ và cầm từ điển. Việc này hữu dụng ở chỗ là không tốn tiền đi học trung tâm hay gia sư, thêm vào đó lại được xem phim. Mình xem nhiều phim ở nhiều thể loại để tự xây dựng vốn từ rộng nhất có thể và lặp đi lặp lại điều đó ngay cả khi đã sang Đức (vì mình học ở Đức bằng tiếng Đức, không phải tiếng Anh). NHờ vào giai đoạn chuẩn bị ngoại ngữ này nên khi sang Đức mình không quá bỡ ngỡ với lượng kiến thức khác phong cách ở trong nước, cũng nhờ đó mình tham khảo được lượng tài liệu đa dạng hơn khi cần viết luận hay làm bài thi cũng như bài thuyết trình. Thời gian này mình cũng tranh thủ học thêm tiếng Đức và lấy chứng chỉ B2.2 ngay tại Berlin.
Sau khi về nước, mình quyết định sẽ tìm cách đi học Cao học ở nước ngoài vì muốn tiếp nối những tháng ngày rất đáng sống ở Châu Âu. Bước tiếp theo này được thực hiện ngay bằng cách duy trì GPA ở top 3% người đứng đầu khóa. Điều này rất quan trọng trong hồ sơ vì nó sẽ tăng tính cạnh tranh. Thêm vào đó mình tham dự nhiều chương trình nghiên cứu Khoa học sinh viên và đi thực tế để làm đẹp them hồ sơ. Kết quả là mình tốt nghiệp với tấm bằng Thủ khoa, có thời gian đi trao đổi tại Đức như đã nói và có nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên và một vài học bổng nhỏ từ các quỹ. Trước khi tốt nghiệp ĐH 7 tháng, mình cho rằng cần chuẩn hóa vốn ngoại ngữ bằng một chứng chỉ quốc tế vì đó là yêu cầu cơ bản cho một hồ sơ du học, chưa nói đến học bổng. May mắn thay, lúc đó mình có một người bạn rủ đi thi IELTS vì đang được khuyến mại. Mình đi học nhanh một khóa luyện thi trong 1 tháng và đi thi luôn, được 7.5. Cố nhiên điểm càng cao càng tốt nhưng các bạn đừng để bị lệch các kỹ năng mà điểm nên có sự đồng đều, và nếu có hơi lệch thì nên lệch về kỹ năng Viết và Nói.
Việc tiếp theo là phải tìm nguồn học bổng. Mình tạm chia các loại học bổng ra thành 4 dạng căn cứ vào tổ chức hỗ trợ: Chính phủ, Quỹ – Doanh nghiệp – Đoàn thể, Trường, và Cá nhân. Tùy vào mức độ học bổng các bạn muốn nhận (bán phần, toàn phần) và nội dung của từng học bổng mà các bạn đưa ra lựa chọn. Mức độ cạnh tranh ở các học bổng không có một mẫu chung nào vì phụ thuộc vào hạng mức hỗ trợ và số lượng hồ sơ biến đổi theo năm. Học bổng Chính phủ thường ưu tiên người đã đi làm, có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên và thường hoạt động trong khối Nhà nước trong khi các học bổng khác cho phép người sắp tốt nghiệp, mới tốt nghiệp hoặc làm ở khối tư nhân cũng có thể được đăng ký. Vì vậy, các bạn cần đọc kỹ và lập cho mình một danh sách học bổng thích hợp để nhắm tới, phân loại và sắp xếp mức độ ưu tiên, đâu là mục tiêu chính, đâu là mục tiêu dự phòng. Mục Du học của diễn đàn Trái Tim Việt Nam Online từ lâu đã là nơi để các bạn sinh viên muốn đi, sắp đi và mới sang nước ngoài du học tham gia để trao đổi, vì vậy đây sẽ là nơi mà các bạn muốn ngó qua. Tiếp đó là trang vied.vn, website chính của thức của Cục Đào tạo với nước ngoài của Bộ Giáo dục. Nơi đây thường đăng tải thông tin các học bổng ở dạng hiệp định giữa các Chính phủ. Hai websites nước ngoài có nhiều thông tin giá trị là http://www.scholarshipportal.com/http://www.scholars4dev.com/ (Nhất là website thứ hai có danh sách 25 học bổng toàn phần danh giá trên thế giới (phần nhiều cho bậc học Master): http://www.scholars4dev.com/8319/fully-funded-scholarships-international-students/)
Nếu chọn nguồn học bổng từ Chính phủ, Quỹ hay Cá nhân, công đoạn chọn trường là rất quan trọng. Bạn phải dựa vào việc đánh giá năng lực của bản thân, mức độ chấp nhận áp lực, định hướng nghề nghiệp tương lai và mong muốn hưởng thụ cuộc sống để tìm ra ngôi trường bạn muốn ghi vào hồ sơ sau này. Việc chọn trường giống như tự tạo lập thương hiệu cho chính bạn, cũng là tự tao nên chính Bạn. Không phải ngẫu nhiên mà sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng lại được hưởng mức lương cao và được nhận sự nể trọng trong xã hội. Tuy nhiên, cũng không nên quá coi trọng chuyện danh tiếng của trường vì như đã nói, việc cân đối các nhu cầu nêu trên sẽ đưa cho bạn quyết định cuối cùng.
Từ các nguồn nêu trên, cùng với việc chọn trường, mình đã tìm được học bổng Thạc sĩ cho bản thân: Westminster International Scholarship của ĐH Westminster, Anh. Quyết định này được cân nhắc sau khi nhận được nhiều thư mời học của các trường khác như ĐH Monash, ĐH Sydney, ĐH Frankfurt. Học bổng này cung cấp vé máy bay 2 chiều, chỗ ở trong ký túc, học phí, tiền ăn, sinh hoạt phí và tiền sách vở của mình trong suốt quá trình học. Việc hỗ trợ lớn như vậy khiến mình quyết định chọn đây là bến đỗ cho chương trình Cao học. Mình chọn ngành Nghiên cứu Văn hóa, vừa vì đam mê cá nhân, vừa vì mảng này Westminster được xếp hạng thứ 2 ở Anh theo điều tra năm 2008, mảng Truyền thông mình hướng tới được bảng xếp hạn QS xếp trong top 10 của Anh, top 20 thế giới năm đó. Quá trình nộp bắt đầu với việc trước khi tốt nghiệp ĐH 2 tháng, mình xin các giấy tờ như yêu cầu trong hồ sơ, dịch công chứng và nộp xin Thư mời học (offer). Trong khi đợi offer, mình tham khảo các cách viết Statement of Purpose (SOP) và tự viết nhiều lần cho đến khi thực sự thoải mái. Anh không giống Mỹ nên cách viết free style không quá được xem trọng, thay vào đó cách viết xúc tích, rõ ràng, nêu tham vọng có thể đạt được và giới thiệu bản thân một cách khiêm tốn nhưng nêu bật được giá trị bản thân được chú trọng. Việc kể lể các vấn đề tài chính (ôn nghèo kể khổ) không còn là một lợi thế như trước đây nên các bạn không nên sa vào. Việc xin Thư giới thiệu (LOR) từ các Thầy hoặc Người quản lý tại nơi làm việc cũng cần chú trọng. Trong nhiều trường hợp mình phải viết hộ và nhờ họ duyệt và ký; điều đó đòi hỏi mình cũng phải đọc nhiễu mẫu LOR và tự xây dựng phong cách viết cho bản thân. Nộp kèm những thứ này với hồ sơ, chờ đợi, gặm móng tay căng thẳng và mình nhận học bổng này sau 2 tháng tính từ ngày nộp hồ sơ.
Trở về từ London với một suy nghĩ mới về học thuật, về nghề nghiệp và con đường tương lại, mình quyết định tìm học bổng học tiếp lên Tiến sĩ. Cùng vẫn với các bước nêu trên, mình chọn ĐHQG Singapore (NUS) làm điểm đến khi ngành Truyền thông của trường đứng trong top 10 thế giới và có một nguồn học bổng rất dồi dào. Việc khó nhất của công đoạn chuẩn bị hồ sơ cho học bổng Tiến sĩ là tìm Giáo sư hướng dẫn và viết đề cương nghiên cứu. Mình mất 6 tháng cho câu chuyện này, bao gồm rải bom thư các GS khắp thế giới và đọc nhiều tài liệu để lên khuôn đề cương. Mình nhận được Thư mời từ ĐH Victoria ở New Zealand, ĐH Darmstadt ở Đức, ĐH Melbourne và NUS. Sau khi đặt lên bàn cân về thứ hạng, các khoản hỗ trợ, địa điểm và sự thuận tiện về mặt giao thông, NUS được chọn.
Sau hơn 4 năm ở nước ngoài tại 3 quốc gia, mình luôn nhận thấy việc dám nói lên cái Tôi và chính kiến của bản thân là rất quan trọng. Dũng cảm xưng Tôi và đón nhận những luồng gió kiến thức mới, không bảo thủ và luôn sẵn lòng nhận phản hồi sẽ khiến bạn tiến xa hơn bao giờ hết. Và nhớ rằng, du học bắt đầu bằng chữ Du. Chữ Du viết là 遊 với phần gốc không kèm bộ thủ mang nghĩa là lá cờ hoặc tua cờ, sau thêm bộ Thủy 氵 hay bộ Tẩu 辶 mang hàm ý chuyển động như nước chảy, như chân đi. Vậy hãy chuyển dịch và khám phá, hãy đặt chân lên hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như mình đã làm; và bạn sẽ thấy việc Học đáng giá hơn bao giờ hết khi bạn học theo từng bước chân trải nghiệm.
Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987