Các bạn đã từng đi du học/đang nung nấu ý định đi du học đều biết vai trò của GPA khi xin học bổng to lớn thế nào đúng hông? Không chỉ tới cấp 3, và khi đi du học rồi các bạn vẫn phải cố gắng giữ một mức GPA cao nhất có để để sau này nộp học bổng học cao lên hoặc kiếm việc nữa í. Dưới đây là kinh nghiệm của một bạn nữ tên Hà My, du học sinh Mỹ chuyên ngành Psychology (tâm lý học), được GPA 4.0 xuyên suốt 4 năm đại học đó. Xem sao nha!
1. Tư duy, thái độ đối với việc học
Một trong những bí quyết của mình đó là sự đam mê và yêu thích đối với ngành học. Môi trường đại học Mỹ cho phép sinh viên thử các lớp học khác nhau ở những ngành khác nhau trong năm học đầu tiên để giúp sinh viên tìm ra đam mê của mình. Học bằng đam mê là động lực mạnh mẽ nhất giúp mình hiểu bản chất môn học cũng như duy trì năng lượng một cách lâu dài khi học tập.
Phương pháp của mình trong việc tìm kiếm ngành học yêu thích đó là đặt bản thân vào nhiều môi trường cụ thể và lần lượt trải qua các bước bao gồm: cảm nhận, tìm hiểu, và hành động.
Bước đầu tiên, bạn cần nhận biết xem mình có hứng thú với các vấn đề trong ngành học này hay không. Ví dụ, mình học cấp 3 chuyên lý nhưng lại học đại học ngành tâm lý học. Niềm yêu thích với tâm lý học bắt nguồn từ những ngày ôn thi TOEFL để đi du học, mình được tiếp cận với nhiều bài nghe, bài đọc về mảng này và mình cảm thấy rất thú vị. Vì thế mình đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về tâm lý học bằng cách đọc và học nhiều hơn.
Tiếp đó, mình tham gia vào các nhóm khác nhau trên mạng xã hội và các hoạt động ngoại khóa liên quan tới lĩnh vực mình thích để trao đổi và chia sẻ thông tin. Khi mình tương tác với càng nhiều người để thảo luận về đề tài tâm lý học, mình thấy bản thân trở nên chủ động, hứng khởi. Đây cũng là một dấu hiệu giúp mình càng có thêm niềm tin về đam mê.
Bước cuối cùng là hành động. Bạn cần làm thử (ví dụ như tham gia vào các dự án, đề tài nghiên cứu hay viết blog về vấn đề bạn quan tâm) để biết chắc rằng mình có thể phát huy và yêu thích ngành học này thực sự hay không? Bởi nhiều khi thích thôi chưa đủ, có hành động bạn mới nhận ra rõ ràng đây có phải là ngành học phù hợp với khả năng và đam mê của mình.
Khi học chuyên ngành tâm lý, mình được biết tới cách vận hành về động lực của con người bao gồm 2 các yếu tố đến từ bên ngoài (extrinsic motivations) và đến từ bản thân (intrinsic motivations). Điều này càng giúp mình khẳng định rõ hơn về cách tìm kiếm đam mê và vì sao theo đuổi mục tiêu bên trong cá nhân (intrinsic motivations) mới tạo nên sự thay đổi tích cực. Mỗi con người luôn có thể phát huy bản năng ham muốn học hỏi một cách lâu dài nếu biết cách đi theo đam mê của chính mình. Nếu để bản thân hành động dựa trên những yếu tố tác động từ bên ngoài quá nhiều, ví dụ như học vì quyết định của người khác, học vì điểm cao, học vì ngành học “hot”, thì dần dần bạn sẽ mất đi nhận thức về động lực đến từ trong bản thân mình. Việc phát huy và giữ vững các động lực tự phát của một cá nhân là một trong những kĩ năng quan trọng giúp bạn không chỉ tạo nên thành công mà còn sống và hành động một cách hạnh phúc, trọn vẹn và ý nghĩa.
Nguồn: hotcourses
❤ Tag và chia sẻ bài viết nếu thấy có ích em nhé ❤
#HannahEd #duhoc #hocbong #sanhocbong #scholarshipforVietnameses