Kinh nghiệm

Kinh nghiệm nộp hồ sơ MBA – Harvard Business School

Nguyễn Vũ Đức

Harvard Business SchoolMajor: General ManagementIELTS: 8.0GMAT: 740 (Q50, V41)

Điều gì là quan trọng nhất khi học MBA?

MBA đào tạo về quản lý, nó hướng vào những người có tố chất lãnh đạo tức phải có leadership skill và hồ sơ gồm nhiều thứ như GPA, GMAT, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm tham gia hoạt động ngoại khóa. Đối với người mới đi làm 1, 2 năm thì người ta chú trọng đến hoạt động ngoại khóa, còn với những người làm lâu năm như anh thì phải có vị trí nhất định nào đó trong công ty. Hồ sơ còn có essay để thể hiện tố chất bản thân và chứng minh năng lực, mô tả về con người mình cũng như leadership skill. Anh nghĩ khi nhìn nhận về hồ sơ MBA, đừng nghĩ cái gì là quan trọng nhất mà phải nhìn một cách tổng thể. Năm vừa rồi ông hiệu trưởng trường Harvard có nói: “Chúng tôi muốn chọn hồ sơ của thí sinh qua cái nhìn tổng thể toàn bộ hồ sơ chứ không phải qua 1 bài luận. Tôi không muốn đây trở thành cuộc thi viết luận”.

Đối với các trường top thì GPA, GMAT cao là yêu cầu tối thiểu mình cần có. Ví dụ vào trường Harvard, trong 9000 hồ sơ nộp thì có quá nửa những người điểm GMAT cao. Các anh chị còn lại muốn cạnh tranh được phải dựa vào kinh nghiệm và essay của họ.

Đối với người Việt Nam đã đi làm lâu năm và có vị trí nhất định trong công ty thì có thể gặp khó khăn trong vấn đề điểm GMAT và tiếng Anh. Vì vậy, khi định hướng du học, nên có kế hoạch ôn luyện để cân bằng rào cản này. Ngoài ra, có lưu ý là trường xét hồ sơ theo khu vực ví dụ khu vực Đông Nam Á, khi đó trường sẽ so sánh hồ sơ của mình với những người trong khuôn đó chứ không so với người ở khu vực khác như Âu Mỹ.

Tiêu chí chọn trường

Có rất nhiều tiêu chí khác nhau như ranking, chương trình học, tỷ lệ có việc làm, location, … Ngoài ra có thể tìm hiểu thêm chỉ tiêu tuyển sinh, profile trung bình của các sinh viên được nhận để đánh giá profile của mình. Với những người đi sau có kinh nghiệm ít hơn thì phải chọn những trường phù hợp, thấy được cái view của mình khác gì so với người khác.

Anh thấy cái fit của mình với trường cũng không phải do trường mà đó là việc tìm câu trả lời cho bản thân mình. Ví dụ trong quá trình nộp thì anh tìm hiểu kỹ về trường Standford và Harvard thì thấy Standford chú trọng đến những đối tượng muốn mở công ty riêng và ít tuyển sinh viên quốc tế còn Harvard chú trọng đến những CEO của công ty lớn và tuyển nhiều sinh viên quốc tế hơn. Vì MBA chỉ có thể học 1 lần trong đời nên chọn trường tốt và phù hợp nhất với mình để học.

Đợt anh apply cũng không có safety schools vì anh xác định nếu không được thì sẽ apply lại. Như vậy sẽ phải đánh đổi thêm 1 năm nữa. Đây cũng là vấn đề cần phải cân nhắc, vì apply ít mình sẽ có thời gian tập trung vào các trường mình thích, còn apply nhiều hơn thì có thể có safety zone nhưng độ tập trung phải phân bổ ra.

Động lực nào thúc đẩy anh sang Mỹ học MBA?

Mong muốn đi du học có trong anh từ lâu rồi. Hồi sinh viên, anh được sang Anh 2 tháng và rất thích văn hóa của họ. Trong đầu anh hình thành ý tưởng muốn sang đó để học Master. Khiý tưởng nhen nhóm, anh chuyển sang học tiếng Anh và định sẽ đi làm 2-3 năm rồi xin đi học ở Úc chứ hoàn toàn không nghĩ mình có thể học ở Mỹ. Nhưng sau đó anh bị công việc cuốn đi do công việc của anh phát triển cũng tốt và cưới vợ rồi có con nên mọi việc bị chìm xuống. Tuy nhiên, anh vẫn thích học tiếng anh, mỗi năm anh học khoảng 2-3 khóa và duy trì như vậy. Thời điểm đó cơ quan anh có chương trình học bổng 165 dành cho đào tạo lãnh đạo, học bổng này không phải là lớn nhưng giúp mình quay lại suy nghĩ đi học. Hơn nữa, đi học theo hình thức được cơ quan cử đi thì rất an tâm và 9 năm đi làm cống hiến không bị lãng phí. Vì vậy, anh bắt đầu tìm hiểu để apply.

Tháng 8 năm ngoái anh mới biết đến GMAT và thấy rất khó khăn, nhưng anh nghĩ cứ cố gắng hết mình và apply. Khi đó anh chuẩn bị hồ sơ cùng 2 anh khác cùng cơ quan, 1 anh là Phó giám đốc, 1 anh là Trưởng phòng. Hai anh này chức cao hơn anh nhiều nhưng lại quá bận nên không sắp xếp để cố hoàn thành hồ sơ đi Mỹ. Mặc dù hiện tại 2 anh này đang học Monash tại Úc là trường tốt nhưng vẫn luôn tiếc vì ít nhất đã không thử apply như anh. Anh thích câu nói rất hay như sau: “Trong một trận chung kết, người thắng sát nút có thể chỉ hơn một chút thôi nhưng người ta sẽ nhớ mãi mãi, còn người thua sát nút có thể chỉ thua sát sao 1 chút thôi nhưng sẽ không ai nhớ người đó cả”. Nhiều khi mình chỉ cố gắng một chút thôi thì kết quả sẽ khác, đó là sự đầu tư của mình để đạt được mục tiêu. Năm vừa rồi anh giành rất nhiều thời gian vào IELTS, GMAT,… và các thứ khác mình phải giảm bớt đi như công việc của mình sẽ không còn được xuất sắc, không được promotion nhanh nhưng mình phải xác định rõ mục tiêu của mình là gì để tập trung.

Cụ thể, trong môt năm vừa qua anh đầu tư rất nhiều thời gian vào GMAT, có thể là thức khuya, xin không đi công tác. Lúc đầu anh học ở Equest 3 tháng, đến tháng 12 anh thi được 550 và đến cuối tháng 1 anh thi được 740. Lúc này anh mới thật sự có tự tin để nộp đơn và được anh Tường ở USGuide khuyến khích tinh thần “You can do it” và cố gắng hết mình xin vào Harvard, Standford. Khi mình có sự nỗ lực và quyết tâm anh nghĩ rằng mọi thứ hoàn toàn là có thể và đặc biệt là với Mỹ. Có người bạn nói với anh rằng: “Anh, Úc, Mỹ khác nhau ở chỗ: Ở Anh và Úc, nếu anh có tiền, anh chỉ cần có IELTS là có thể đi học. Còn ở Mỹ, anh có tiền cũng chưa chắc đã được đi học. Nếu anh được nhận vào trường, thì trường Mỹ sẽ có nguồn cho anh đi học”. Trên đề án học bổng, anh được cho tối đa là 20,000USD và sinh hoạt phí hơn 1000USD/tháng. Với anh nếu được đi Mỹ sẽ phải chi ra rất nhiều tiền, đây cũng là rào cản lớn. Nhưng khi anh apply thành công và trình bày được hoàn cảnh tài chính của mình thì trường cho anh full tuition, anh không phải lo thêm về tài chính nữa.

Anh thấy anh phù hợp với chương trình MBA như thế nào?

Anh thấy trong một xã hội nếu ai cũng là nhà quản lý thì không ai sẽ là môn. Ví dụ, trong nền kinh tế rất cần master về finance. Hay trong doanh nghiệp lớn bao giờ cũng cần CFO về tài chính, CIO về công nghệ thông tin và CEO về quản trị quản lý. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần bộ 3 này. Trong xã hội rất cần những chuyên gia giỏi, tùy mỗi người đánh giá bản thân thích cái gì hơn mà trở thành chuyên gia hay nhà quản lý. Quản lý đôi khi phải giao tiếp rộng, phải uống nhiều. Người thẳng tính thích làm chuyên môn thì không thể làm lãnh đạo. Người thích nghiên cứu sâu cần phải đưa ra các định hướng vì định hướng rất quan trọng. Ngay cả apply MBA cũng vậy, mỗi trường là khác nhau, mỗi trường đều có văn hóa riêng, thế mạnh riêng, do đó cần tìm hiểu trường phù hợp với mình

Khi nộp cho mỗi trường phải viết bài essay và LOR riêng, giấy tờ cần chuẩn bị rất nhiều. Anh quản lý thời gian và công việc này như thế nào? Chia sẻ về việc chuẩn bị hồ sơ của anh.

Chiến dịch của anh bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái thế là cũng hơi muộn, anh nghĩ nên chuẩn bị trong tầm ít nhất 6 tháng và nếu chuẩn bị trước 2 năm thì sẽ rất tốt. Vì riêng GMAT anh mất 4 tháng và khi anh thi xong các thứ thì không kịp nộp vào round 1,2. Nộp Round 3 rất rủi ro vì lúc này nguồn kinh phí cho scholarship sẽ ít hơn và gần như là không còn, các trường lớn như Harvard và Standford là 2 trường khác biệt và họ cũng có nhiều fund hơn các trường khác. Việc chuẩn bị nhiều thời gian rất cần thiết vì mình cần nghiên cứu kỹ về trường, gặp gỡ alumni, sinh viên của trường để hỏi han hoặc tham gia các events liên quan để tìm hiểu thông tin rồi networking. Thêm vào đó, quá trình viết essay và nhờ người viết thư giới thiệu cũng rất mất thời gian.

Với khối lượng công việc như thế, mình phải lên kế hoạch cẩn thận. Anh apply vào 3 trường top và không chọn safety schools vì anh xác định năm nay không được thì sang năm apply lại. Anh giảm số trường đi như vậy để có thể đầu tư kỹ hơn vào 3 trường mình chọn. Khi đặt mục tiêu xong, anh viết essay và nhờ người viết LOR. Anh có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng lại không có nhiều hoạt động ngoại khóa, đây là một điểm trừ nhưng anh may là anh có kinh nghiệm làm việc lâu năm cân bằng lại. Nếu các bạn có định hướng du học sớm thì nên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa từ sớm. Anh thấy cuốn sách “How to get into the top MBA programs”là quyển sách rất hay đặc biệt dành cho những bạn nào có nhu cầu học MBA. Kế hoạch du học phụ thuộc vào từng case của từng người nhưng nếu như bạn có kế hoạch du học càng sớm thì sẽ hiệu quả hơn.

Chia sẻ về vấn đề tài chính và GMAT

Các trường ở Mỹ có học bổng dạng merit-based, nếu các bạn có điểm GPA, GMAT cao thì 90% bạn có thể đạt được học bổng du học Mỹ. Ngoài ra đối với các trường lớn và nhiều fund như Stanford, Harvard thì các bạn không phải lo lắng về học phí vì trường có thể hỗ trợ rất linh hoạt. Đối với MBA, chương trình học của nó rất inclusive, ngoài thời gian học trên lớp bạn còn phải tham gia hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, case study, và cả networking nữa nên thời gian sẽ kín lịch gần như toàn bộ. Vì vậy khó có thể đi làm trong khi đi học, nhưng nếu như bạn không có ràng buộc gì và có mong muốn ở lại Mỹ làm việc thì bạn có thể vay để đi học và trả sau khi đi làm.

Việc xin học bổng đừng nhìn vào khung đánh giá của Mỹ mà sợ, mình phải cân nhắc tùy từng hoàn cảnh, nếu mình tự tin mình giỏi thì kiểu gì mình cũng xin được. Nếu như bạn bỏ đi rủi ro ban đầu để chọn trường lớn thì cơ hội việc làm đầu ra của bạn sẽ rất tốt còn ngược lại về lâu về dài sẽ rất khó cho bạn. Bạn chỉ có cơ hội 1 lần với MBA thôi nên cần cân nhắc kỹ. Một khi anh đã đi theo MBA thì anh đã lên được quản lý rồi, và anh đã lên vị trí quản lý rồi thì anh không thể nghèo được.

Theo anh nên đi làm 2, 3 năm rùi lúc đó mình có vốn tự có tầm 20,000-30,000USD/1năm thì lúc đấy mình yên tâm và tập trung sao cho điểm GMAT cao để được xét hỗ trợ cao. Như người Việt Nam mình thì theo GMAT làm toán rất tốt rồi nếu chịu khó đầu tư thời gian và quyết tâm thì không phải lo. Như anh không phải dân tiếng anh, anh học ở Nga, tiếng anh là tự học, ngữ pháp anh cũng không phải dốt và chính vì anh học GMAT thì tiếng anh của anh mới lên như vậy. Nó không phải là khó, quan trọng là bạn quyết tâm đến đâu. Nếu bạn thực sự có quyết tâm và ham muốn theo đuổi cái đó bạn có thể thức đến 1,2h đêm để cày. Nếu bạn ngồi đến 11h mà thấy buồn ngủ thì bạn chưa thực sự quyết tâm. Ngoài ra, kiến thức và từ vựng khá là quan trọng để mình có thể hiểu về bài, thực ra anh đọc rất nhiều nhưng anh chỉ đọc những thứ mình thích thôi vì mình thực sự có đam mê thì mình mới đọc được. Anh đọc nhiều bản tin về thể thao đặc biệt về bóng đá, anh đọc cả bộ Harry Potter rồi đọc CNN về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đọc các bản tin mình yêu thích nó sẽ ngấm dần, ngấm dần theo thời gian, cách học của anh là như thế chứ anh không nhồi nhét, và mình cứ đọc nhiều theo thời gian kiến thức sẽ tăng lên.

GMAT thì anh học từ tháng 9 đến tháng 11 và đến đầu tháng 12 anh quyết định thi. Khi mà anh thi thử ở nhà thì anh được 600-780 trong 3 lần. Khi tập trung trả lời những câu đầu tiên càng đúng thì điểm càng cao do đó anh tập trung nhiều thời gian làm những câu đầu, nhưng khi làm như vậy thì anh không có thời gian để làm những câu cuối và đây là sai lầm. Khi mình sai 2-3 câu liên tục thì điểm giảm rất mạnh, khi thi anh làm 4-5 câu cuối là đoán hết và anh bị chết là ở chỗ đấy. Đúng sức của anh phải được 660-680, lúc đó anh nghĩ nếu được như thế thì không bao giờ anh phải thi lại nhưng điểm 550 là không thể chấp nhận được. Trong thời gian chuẩn bị thi lại, toán anh phải ôn thêm, anh cũng xem lại chiến lược làm verbal. Phần anh đầu tư thời gian nhiều nhất là phần reading, khi mình đọc nếu như mình không hiểu key bullet thì mình sẽ mất liên tục 3,4 câu như vậy rất nguy hiểm do điểm sẽ giảm rất mạnh. Theo anh, nên dành nhiều thời gian cho 5 câu hỏi đầu nhưng cũng cần cân đối thời gian và không nên cố quá. Mình có thể làm câu này đúng câu kia sai thì điểm vẫn giữ nguyên như thế không bị hạ xuống đáng kể.

Anh nghĩ là với việc luyện thi GMAT nên học song song ở trung tâm để ôn lại và tổng hợp toàn bộ kiến thức và học nhóm với nhau để cùng thảo luận, sức mạnh của tập thể rất hay, tất cả cùng chia sẻ với nhau thì sẽ lên rất nhanh. Nếu bạn nào không có thời gian học nhóm thì nên lên GMATclub. Điểm GMAT thường trên 700 là có thể nộp vào các trường top và 780 điểm thì được full tuition, còn trên 700 có thể được 50% tùy theo khả năng của mỗi người.

Theo anh thì chọn ranking như thế nào cho phù hợp. Có nên nộp nhiều trường không?

Thực ra nộp càng nhiều trường thì độ an toàn cao hơn nhưng đổi lại mình mất thời gian và để làm được hồ sơ của 1 trường anh nghĩ là phải mất vài tuần là tối thiểu. Nhưng anh nghĩ rằng anh nộp 3 trường là hơi ít, nếu anh có thời gian thì nên nộp khoảng 6 trường và nên chia thành nhóm top đầu, top trung tầm top 10 và top an toàn để đảm bảo không bị rớt. Nhiều trường hợp các bạn không nộp trường lớn, bỏ hẳn đi và về sau các bạn rất tiếc khi mà đi học rồi mới nghĩ ước gì hồi đấy mình liều nộp trường đấy vì cũng có mất gì đâu.

Nếu học về kỹ thuật muốn chuyển ngành học sang MBA liệu có khó không?

Thực ra nếu anh học về kỹ thuật mà anh muốn học MBA của trường tốt thì anh cũng phải có chiến lược quản lý rồi, phải có leadership rồi thì người ta mới nhận anh. Có những bạn có nền tảng về kỹ thuật khi học MBA sẽ có lợi thế rất lớn vì chương trình học không khó, thường nó sẽ có lớp học trước cho những ai chưa biết gì về accounting. Khi người ta có chuyên môn về lĩnh vực của họ thì họ sẽ tham gia đóng góp cho lớp và tạo ra view khác cho lớp học rất tốt. Sau này người ta đi làm vẫn trong lĩnh vực đấy nhưng họ sẽ lên vị trí cao hơn như là người tổ chức, nhà lãnh đạo như Bill Gate. Họ không những giỏi về chuyên môn và ý tưởng mà họ còn rất giỏi về việc triển khai ý tưởng, thực hiện ý tưởng và thu hút được nhân tài. Nếu anh cảm thấy anh có tố chất quản lý, anh thích quản lý thì anh chọn MBA còn nếu như muốn phát triển chuyên môn nên học Master chuyên ngành. Cái này có nhiều nơi còn đánh giá cao hơn cả MBA bởi nó thuộc về chuyên sâu và không phải ai cũng làm được.

Chia sẻ về bài luận MBA

Với MBA thì essay rất quan trọng. Trong toàn bộ hồ sơ thì essay là cái mình có thể tác động được, còn như resume và LOR là cái record lại thôi. Viết essay mình phải biết rõ điểm mạnh của mình ở đâu bám vào đó kể ra câu chuyện của mình, điểm yếu của mình cũng cần tô vẽ làm sao nó thành thế mạnh. Nói chung muốn viết gì đó thì mình phải hiểu rõ bản thân mình. Bất kỳ bài essay nào cũng cần kể tình huống và câu chuyện cụ thể, trong đó nêu cách giải quyết và kết quả đạt được, cuối cùng là bản thân em rút ra kinh nghiệm như thế nào và em đã thay đổi như thế nào.

Các trường rất quan tâm đến định hướng của em, em hiểu rõ em muốn đi đâu và khi em đi con đường đó em sẽ rất quyết tâm còn khi bản thân em chưa biết làm gì cả thì trường nó cũng sợ. Trường cũng rất quan tâm đến khả năng em xin được việc hay không. Trong bài essay, tùy từng trường có câu hỏi riêng như của Harvard thì nó hỏi rất rõ ràng rằng: “Bạn hãy kể về chuyện mà bạn nghĩ là bạn đã làm tốt và một câu chuyện mà bạn ước là nó sẽ tốt hơn”. Rõ ràng đó là 2 câu chuyện về lỗi của bạn và thành công của bạn. Còn với Standford thì lại là “đối với bạn cái gì là quan trọng nhất”, đề rất mở và có thể viết về em đã lớn lên như thế nào, cái gì đã làm thay đổi con người em, cái gì đã tạo nên con người em của ngày hôm nay,… Nói chung essay phụ thuộc vào từng trường. Có một số trường hỏi thẳng short term goal và long term goal thì bài luận của mình trả lời thẳng vào câu hỏi hay có những trường sẽ có các loại câu hỏi mà câu trả lời lại cần sự kết nối với nhau. Chính điều này làm cho việc nộp nhiều trường MBA là khó và tốn thời gian.

Anh thấy quá trình làm hồ sơ cũng thay đổi anh rất nhiêu, anh phải tư duy nhiều hơn và nhận thức rõ về bản thân, khi mình xoay sở làm hồ sơ thì mình tiếp xúc với rất nhiều người từ những bạn học cùng GMAT đến những bạn cùng apply. Mình cảm thấy cuộc sống của mình sôi động lên rất nhiều và mở rộng tầm nhìn hơn. Nhiều người nói quá trình làm hồ sơ cho MBA là khó nhưng nếu như mình cảm thấy thích thú thì đó sẽ là một quá trình rất hấp dẫn cũng như khi làm công việc thú vị thì mình sẽ cuốn theo nó và khi đạt được kết quả thì sẽ rất hạnh phúc.

Anh lưu ý thêm trong bài luận không nên bịa câu chuyện vì MBA có yêu cầu riêng và mình cần phải đi sâu vào câu chuyện của chính mình thì mới có sự khác biệt. Rất nhiều người nghĩ rằng mình không có câu chuyện đặc biệt nhưng khi ngồi suy nghĩ sâu và đầu tư thời gian, gạch đầu dòng các điểm mạnh và điểm yếu, các vấp ngã rồi gắn với các câu chuyện mình muốn truyền tải thì sau đó mình sẽ lọc ra những câu chuyện ấn tượng, những câu chuyện đời thường mà thay đổi bản thân mình. Anh nghĩ rằng cái gì thực sự là của mình thì nó mới súc tích, hay và logic. Cách thức viết của anh là ban đầu viết bằng tiếng việt sau đó dịch ra tiếng anh. Thời gian viết bài luận khá lâu, anh sửa đi sửa lại cả chục lần mới ra được bố cục. Sau 1, 2 tuần anh xem lại thì lại muốn sửa và anh cũng nhờ bạn bè, người thân xem hộ để đảm bảo bài luận đúng với mình. Anh nghĩ nên gửi bài cho những người thân với mình vì họ nhiệt tình dù có học MBA hay không, ngoài ra lưu ý ai đọc mà chê mình thì mới tốt còn người nào đọc mà khen ngay thì có thể họ chỉ đọc xã giao thôi. Trường đánh gía bài essay là chủ yếu về ý tưởng chứ không quá nặng về tiếng anh nên việc nhờ người bản ngữ sửa bài cũng không thực sự cần thiết, nhưng cần chú ý không để sai về ngữ pháp và chính tả.

Đa số các trường giới hạn từ cho bài essay, có trường 400 từ, có trường 700 từ thì mình nên viết sát trong khoảng giới hạn đó.

Việc viết về điểm yếu của mình thì bất kỳ ai cũng có một lần vấp ngã, khi anh trải qua sự nghiệp 9 năm thì anh thấy rằng đối với những người thành công sớm thì kinh nghiệm của họ còn non vì khi họ chưa vấp ngã thì có rất nhiều điều họ không thể hiểu được. Trải qua vấp ngã bạn sẽ trưởng thành lên rất nhiều. Với MBA, trường hiểu rất rõ về điều đó. Bạn không nên viết theo kiểu đánh bóng bản thân. Bạn nên viết trên nền tảng nào đó ví dụ như tao quá giỏi, tao được các sếp lớn tin tưởng và tao quên mất bạn bè, đồng nghiệp xung quanh, tao mải mê công việc và sau đó không có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp thì tao đã fail rất nhiều, và sau đó tao nhận ra sự quan trọng của bạn bè đồng nghiệp. Ở đây mình đã viết dựa trên nền tảng được các sếp lớn tin tưởng đó là vừa là điểm yếu vừa là điểm mạnh, sau khi suy nghĩ rất nhiều mình hiểu ra vai trò quan trọng của đồng nghiệp, những suy nghĩ như vậy rất thật. Nên có vấp ngã nhưng vấp ngã mà đơn giản quá thì cũng không thuyết phục và trường cũng hiểu là mình chưa có kinh nghiệm từng trải, do đó mình nên chọn những vấp ngã làm thay đổi bản thân.

Nếu giờ có một câu hỏi là định hướng của bạn là làm cho Việt Nam hay làm tại Mỹ thì nên viết trong essay như thế nào?

Anh thấy việc này tùy thuộc vào từng người, như trường hợp của anh đã làm 9 năm và vị trí khá cao, anh lại được hỗ trợ thì chẳng có lý do gì anh lại không quay về Việt Nam làm. Còn có những bạn thích làm việc ở Mỹ và có năng lực thì trường sẽ thuyết phục ở lại, như vậy người đó sẽ có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Có những người điểm tiếng anh cũng không cao, điểm finance thấp và trường không thuyết phục ở lại thì cũng nên cân nhắc việc ở lại hay không. Như vậy cũng tùy thuộc vào độ thuyết phục của trường mình apply. Có những bạn trẻ làm ở các công ty lớn ở Việt Nam như HSBC cũng ở vị trí khá tốt rồi thì khi bạn ý nói sẽ ở lại Mỹ để làm việc thì sẽ được ưu tiên vì các trường thường kết nối với nhà tuyển dụng.

Khi viết luận theo anh cũng nên tham khảo những bài luận khác. Như anh hồi hè năm ngoái chưa biết gì về hồ sơ thì cũng không biết viết như thế nào. Anh cũng được dạy về cách viết luận của Mỹ là khác văn phong của Việt Nam đặc biệt cách tiếp cận rất thẳng, mở đầu nói luôn ý chính rồi sau đó mới phân tích. Và mình cũng nên tham khảo các bài luận hay để xem cách họ viết như thế nào,cách họ phát triển ý như thế nào. Nên xác định ý tưởng của mình trước rồi mới xem bài mẫu để ý tưởng của mình không bị phân tán khi mình tham khảo các bài mẫu khác.

Khi chuẩn bị LOR cho MBA thì nên viết thế nào?

LOR thì quan trọng ở việc chọn người, khi chọn người viết LOR thì nên chọn người trực tiếp làm việc với mình, hiểu rõ mình, sẵn sàng đầu tư thời gian cho mình để viết hiệu quả nhất. Còn những ông làm to mà viết qua qua thì không giải quyết được vấn đề gì. LOR mỗi trường hỏi riêng về các kỹ năng, và khi nhờ người viết thư giới thiệu mình phải thuyết phục sao cho hợp lý. Anh có nói là “em nộp vào Harvard và Standford và thư giới thiệu của anh đóng vai trò then chốt trong hồ sơ xin học, nó chiếm 50% trong bộ hồ sơ rồi” sẽ khiến thư của mình được đầu tư hơn. Chứ ngay từ đầu mọi người không chú trọng vào nó đâu, chính vì vậy mình cần nhờ những người thân với mình thì họ mới sẵn sàng ngồi nghe và trao đổi với mình để tìm ra ý cho thư giới thiệu.

Thư giới thiệu còn khó hơn essay vì essay do mình tự viết, thư giới thiệu thì do người khác viết. Mình cần chọn đúng người rồi thường xuyên gặp trao đổi và nói dần nói dần cho người ta hiểu. Bạn nào có người thân đi học ở bên Mỹ về mà nhờ được là tốt nhất và người ta quý mình nữa thì họ sẽ đầu tư thời gian để viết vì mỗi trường có câu hỏi khác nhau. Đối với LOR thì lúc nào cũng cần đưa ra dẫn chứng và đưa ra thương hiệu để mỗi người viết thư giới thiệu có lý luận riêng không thể trùng nhau. Trong quy định thì mình không được tự viết thư giới thiệu nhưng mình cũng có thể tự viết trên cơ sở trao đổi giữa 2 bên. Như anh là trợ lý tổng giám đốc nên sếp anh viết cho anh, tầm nhìn và cách viết của anh ý khác nên không thể nào mình viết thay được. Trường đọc sẽ biết ngay nhưng về ý tưởng thì mình có thể lên dàn ý cho sếp xem. Trong quá trình làm LOR, lưu ý cần trao đổi thường xuyên và bám sát quá trình viết.

Về networking thì anh thấy yếu tố nào là quan trọng?

Theo anh nên hiểu rõ về trường, tìm hiểu về những người theo học ở đấy. Khi mà anh nộp các trường top thì anh tìm hiểu và đọc rất nhiều vể alumni của Harvard và Standford, tuy người ta không giúp cho mình về việc viết essay, nhưng trao đổi với người ta giúp cho mình thay đổi quan điểm về trường, về con người ở đấy. Qua bạn bè giới thiệu thì anh thường trao đổi với các bạn Việt Nam ở bên trường đó và họ thường rất nhiệt tình share cho mình, còn alumni thì họ cũng hơi ngại về việc chia sẻ kinh nghiệm. Do đó nên gặp alumni trực tiếp thì sẽ hiệu quả hơn.

Chia sẻ về resume

Anh nghĩ resume độ dài 1 trang là đủ. Anh kinh nghiệm 9 năm nhưng cũng chỉ viết trong 1 trang. Resume của anh gồm 3 phần:

– Phần 1 về quá trình học, để ở đầu;

– Phần 2 là về kinh nghiệm làm việc, anh đưa ra nhiều số liệu và các giải thưởng, thành tích, mình có thể lượng hóa các thành tích để hiệu quả hơn;

– Phần 3 là phần ngoại khóa.

Trong bộ hồ sơ apply MBA thì thường có những giấy tờ gì?

Bộ hồ sơ bao gồm: Essay, LOR, Bảng điểm đại học scan (khi nào mình được nhận vào học thì trường yêu cầu gửi bản gốc) và các giấy chứng nhận trên bản online như GMAT, IELTS và cuối cùng là phỏng vấn. Trường bạn thích nhất không nên nộp đầu tiên mà nên nộp sau 1,2 trường để có kinh nghiệm. Khi phỏng vấn MBA thì mình nên đọc kỹ lại CV, đọc kỹ từng kinh nghiệm, câu chuyện của mình để khi người ta hỏi sâu vào thì mình trả lời được ngay và logic.

Khi phỏng vấn thì nên chú ý điều gì?

Anh nghĩ là giao tiếp con người khá là quan trọng để quảng cáo bản thân vì khi đó mình có nhiệt huyết hơn và không nên quá nặng nề về lý thuyết hoặc nội dung, nếu không thì câu chuyện cũng mất đi sự tự nhiên. Khi mình viết essay, resume thì mình cũng có 1 plan rồi và khi phỏng vấn thì mình cũng theo plan đó thôi, mình đừng quá lo về nội dung đó. Thời gian phỏng vấn cũng khá ít khung giờ và với anh thì vào tầm 12h đêm, vì thế anh phải điều chỉnh lại khung giờ sinh hoạt của mình để có thể tỉnh táo và minh mẫn khi phỏng vấn. Tuy nhiên anh vẫn thích phỏng vấn trực tiếp hơn, gặp trực tiếp sẽ hay và thoải mái hơn. Còn khi không hiểu gì thì mình có thể hỏi người phỏng vấn và ở phần cuối có câu hỏi như là bạn có muốn biết thêm về trường thì mình có thể hỏi còn nếu không hỏi thì cũng không sao.

Kinh nghiệm phỏng vấn visa?

Khi phỏng vấn visa mình chứng minh mình giỏi và sẽ không ở lại là đủ.

Nguồn: Nhóm lửa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987