Tác giả: Trần Phương Minh
Mình thi lần đầu hôm 15/05 (thi trên máy tính) và nhận kết quả 7.0. Thực ra mình thấy 7.0 cũng không có gì ghê gớm lắm đáng để khoe vì mình thấy nhiều bạn bận rộn hơn và không đi học trung tâm như mình vẫn được điểm cao với thời gian ôn ngắn hơn, mà điểm của mình cũng không được đều lắm nữa. Mình ôn trong vòng 6 tháng từ khoảng đầu tháng 12 năm ngoái, từ dưới 5 chấm (khoảng 4, 4.5, đầu vào học ôn của mình lúc đó không đủ để học lớp ôn ielts, còn trước đó 1 năm có một đợt thi thử miễn phí bạn làm ở trung tâm đó còn tế nhị nói “anh chỉ tầm 3,4 gì đó thôi ạ”; xấu hổ khiếp lên được, mình về luôn và không dám xem mỗi kỹ năng là bao nhiêu). Mình tăng khoảng hơn 2 điểm khi bắt đầu ôn nghiêm túc nên mình muốn chia sẻ kinh nghiệm một chút cho có thể một số bạn cùng hoàn cảnh tương tự cần. Mình trước khi ôn trung tâm và học nghiêm túc IELTS thì mình học tiếng Anh kiểu tài tử, và chủ yếu đọc sách chuyên ngành tra nghĩa của từ để hiểu. Mình học IELTS với mục đích dùng kết quả để có thể du học nghiên cứu sinh nên chắc phù hợp với bạn nào muốn du học sau đại học và có toàn thời gian để ôn thi.
Trong quá trình ôn mình nghiệm ra những điều thế này:
1) Phương pháp, kỹ thuật, cách thức hay “mẹo” học nào phù hợp với mình thì tức là phù hợp với mình, bất kể người khác có nói gì. Các bạn có thể tham khảo nhiều người, nhưng người các bạn tham khảo cuối cùng vẫn là chính mình, nếu thấy hợp thì dùng, nếu không hợp mạnh dạn bác bỏ. Mình chia sẻ những kinh nghiệm mà mình thấy khiến mình tiến bộ, nếu bạn thấy hợp có thể áp dụng, nếu không hãy bác bỏ như chính mình bác bỏ các …tiền bối.
2) Ngày nào cũng học nhưng không phải giờ nào, phút nào cũng học; kinh nghiệm mình thấy đều đặn quan trọng hơn “trâu bò”. Nhiều khi tiến bộ rất khó để cảm nhận nếu bạn sốt ruột, học thêm nghĩa một từ cũng là tiến bộ, biết phát âm một từ cho đúng hơn cũng là tiến bộ.
3) Tập trung vào một nguồn thì quan trọng hơn tản mác. Nguồn ở đây là trung tâm, thầy cô, giáo trình, tài liệu ôn và nhóm học tập. Trí nhớ của chúng ta tụ lại một chỗ dễ hơn là tản mác nhiều chỗ, đấy là lý do theo một trung tâm, theo một giáo trình hay sách thì nói chung tốt hơn là nay đây mai đó, hay là mua hết sách này sách khác tải hết sách này sách khác. Những ấn tượng của việc tương tác với thầy cô bạn bè tại trung tâm, và học xuyên suốt một giáo trình, một nguồn sẽ khiến trí nhớ lưu thông tin tốt hơn.
4) Một đẩy, một kéo. Thường thì trong 4 kỹ năng mỗi người sẽ có kỹ năng mạnh nhất và kỹ năng yếu nhất. Kỹ năng mạnh nhất trau dồi để kéo, và kỹ năng thấp nhất trau dồi để đẩy điểm lên. Mình tập trung vào 2 cái này, ví dụ nếu yếu listening như mình, thì dành một khoảng thời gian nhất định chỉ dùng để luyện đẩy listening (mình dùng 2 tuần cuối chỉ để luyên listening). Còn kỹ năng nào tốt thì luyện khi nào thấy chán học để tăng tự tin và cảm hứng, đồng thời cũng để “kéo“.
5) Về thi thử và thi thật. Bạn nên tham gia thi thử 4 kỹ năng (mock exam) để trải nghiệm phòng thi thử và biết năng lực của mình. Trong quá trình luyện thi mình thi thử 3 lần, mỗi lần tăng 0.5 band tổng quát: 5.5, 6, 6.5. Đến khoảng 6.5 thì mình ngừng thi thử. Mình nghĩ thi 3 lần và mức 6.5 là đủ. Các bạn nêu thi giãn cách ra, chẳng hạn 2, 3 tuần hay 1 tháng thi thử 1 lần, thậm chí có thể 2 tháng 1 lần nếu lịch ôn thi là 6 tháng. Thi thử dày quá sẽ khiến bạn khó thấy tiến bộ và chưa kịp ngấm thêm. Về thi thật nên đăng ký trước để có tinh thần và động lực học. Tốt nhất đăng ký trước 6 tháng, hoặc ít nhất 3 tháng. Bạn được phép đẩy hạn đăng ký 1 lần nên bạn có thể đăng ký 3 tháng trước rồi gia hạn thêm cũng được.
6) Luyên tập các phần thi của đề (section, passage, task) ở nhà là quan trọng. Khi làm đề các bạn có thể làm toàn bộ đề khi khỏe, hoặc làm từng phần đề khi thấy mệt. Luyện đề và thực hành các phần của đề là một điều quan trọng để quen với kỳ thi, cái này chắc nói hơi thừa, nhưng vẫn nên nhắc đến. Các bạn bấm đúng thời gian để làm. Nếu làm theo từng phần, chẳng hạn 1 passage của Reading, thì bấm giờ 20 phút. Việc này sẽ giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn khi làm bài, đặc biệt là reading.
7) Học kỹ quan trọng hơn học nhiều. Ví dụ một kỹ năng mình yếu là Listening, mình không vội làm cho thật nhiều đề càng nhanh càng tốt mà mình chữa thật kỹ sau khi làm. Để xử lý xong 1 đề Listening 4 sections, mình thường mất 2-3 ngày để check lỗi sai, học từ, cụm từ, ngữ pháp mới và tập nghe các từ chưa nghe được trong đó. Tránh việc cứ thích học bài mới mà quên ôn bài cũ, trong 1 section hay 1 passage có thể có rất nhiều thứ mới với bạn nếu bạn để ý và không chỉ đếm số câu đúng. Mỗi ngày mình đều bắt đầu học bằng việc xem lại (lướt qua cũng được) hôm trước mình học gì, kèm theo việc xem lại lịch ngày này tháng trước mình học gì (chống trôi). Chẳng hạn hôm nay là 24/5 thì mình sẽ xem lại các ngày 24 tháng trước học những gì.
8 ) Kiên trì với trung tâm hay cơ sở đào tạo mình đã chọn. Nếu các bạn đi học trung tâm nào đó, các bạn hãy cân nhắc chất lượng qua việc tham khảo các nguồn và một khi đã đăng ký thì hãy khai thác hết nó, mình đã bỏ tiền ra học thì không nên lãng phí. Mình là người duy nhất trong lớp ôn không bỏ bất cứ một buổi học nào, dù không phải có lúc mình không thấy chán học. Dù bạn học bất cứ trung tâm nào, sẽ có lúc bạn thấy chán. Cố gắng làm nhiều nhất có thể các bài tập được thầy cô giao, làm thêm hoặc làm trước trong giáo trình nếu có thể được. Nếu trung tâm có các câu lạc bộ hay cố vấn học tập nên dự và tận dụng. Nhận phản hồi từ thầy cô và bạn bè hơn mình ở các kỹ năng Speaking và Writing.
9) Về tâm lý thì các bạn nên có bạn bè để trao đổi và cùng tập luyện, so sánh đối chiếu… thì sẽ đỡ buồn hơn là học một mình, cả bạn online lẫn bạn offline. Khi làm đề, các bạn nên chọn đề khó hơn đề thi thật để làm, để khi thi thật các bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Khi chữa đề và kiểm tra kết quả, nên nghĩ rằng mình càng sai nhiều tức là mình càng đang khắc phục nhiều yếu điểm và nên vui vì điều đó hơn là ngã lòng nghĩ rằng “ôi tại sao mình chỉ làm được đúng x câu listening hay y câu reading”.
Về các kỹ năng cụ thể nếu các bạn muốn nghe thêm mình sẽ comment bên dưới. Mình xin phép không nói là học trung tâm nào, thầy cô nào, vì mình không muốn vô tình quảng cáo cho trung tâm nào, và mình thấy điều đó thực sự không quá quan trọng bằng việc mình biết khai thác những nơi mà mình theo học.
10) Cuối cùng, sức khỏe và niềm vui là những thứ quan trọng hơn. Có một vài ngày mình ham quá học quá tải, nhưng nó khiến mình thấy kiệt sức và không hiệu quả nên mình không dám cày kiểu trâu bò nữa. Mình nhấn mạnh lại học đều đặn và biết giải lao giữ sức, biết ôn lại những gì đã học quan trọng hơn nhồi nhét thật nhiều và thật nhanh. Biết nghỉ ngơi giải lao khác với bỏ cuộc, giải lao nghỉ ngơi thư giãn hợp lý giúp bạn đi xa hơn và lâu bền hơn. Cơ thể con người thông minh một cách tự nhiên, khi bạn học vào sẽ thấy nhẹ nhàng, thư thái và nếu học không vào thì ngược lại. Nên hãy lắng nghe cơ thể và tâm trí mình, đừng hành hạ nó tội nghiệp.
Cầu thủ huyền thoại Johan Cruff từng nói “Tôi là cựu cầu thủ, cựu giám đốc kỹ thuật, cựu huấn luyện viên, cựu giám đốc, cựu chủ tịch danh dự. Một danh sách đẹp mà một lần nữa cho thấy rõ rằng tất cả mọi thứ rồi cũng đến hồi kết thúc.” Mình mong và chúc các bạn khoẻ, vui, hạnh phúc trong cả quá trình ôn chứ không chỉ quan tâm tới mỗi kết quả mà quên chăm sóc bản thân .
Tommy
10/12/2019 at 12:24 pm
ok