1. “University” và “College” khác nhau như thế nào?
Hồi phổ thông mình được cô giáo dạy University là Đại học, còn College là cao đẳng. Đây là một sự nhầm lẫn. Thậm chí đến thời điểm hiện nay nhiều tờ báo mạng vẫn dịch Collge là Cao đẳng. University và College đều là Đại học, bên trong gồm các trường (school) con như Trường Kinh doanh, Trường Luật, Trường Nghệ thuật, v.v… Tuy nhiên College thường không đào tạo bậc tiến sỹ. Có nhiều College rất danh giá như Dartmouth (khối Ivy League huyền thoại), Boston hay William and Mary (thuộc khối Public Ivies, tương tự Ivy League nhưng dành cho trường công).
Thực tế là với Mỹ, khái niệm College còn gần gũi hơn University. Trong ngôn ngữ nói họ sử dụng cụm từ “go to college” – “đi học đại học” và “during my time in college” – “trong thời gian học đại học” là chủ yếu, ít dùng University. Trên trang web USNews, họ dùng khái niệm Colleges để chỉ chung bậc Đại học và dùng Grad Schools để nói về bậc sau đại học. Vì vậy, bạn không cần lo ngại nếu gặp trường có chữ “college”.
Chỉ có một trường hợp duy nhất “College” đúng nghĩa là cao đẳng, đó là “Community college” – Cao đẳng cộng đồng.
2. Nên bắt đầu chuẩn bị vào thời điểm nào?
Trong bộ hồ sơ MBA có 2 chứng chỉ quan trọng là GMAT/GRE và IELTS/TOEFL. GMAT có thời hạn 5 năm, IELTS có thời hạn 2 năm. Đây là 2 mục tốn thời gian nhất nên phải đặc biệt lưu ý. Thời gian ôn bao lâu phụ thuộc vào trình độ và mục đích của bạn. GMAT rất khó nên theo mình để đạt học bổng bạn cần bỏ ra ít nhất 6 tháng ôn tập trung. Sau khi thi 03 tuần mới có kết quả chính thức và mất thêm vài ngày để gửi điểm về các trường.
Một số trường có kỳ học mùa Xuân nhưng thường rất ít và số học bổng phân bổ cho kỳ này ít hơn nhiều so với kỳ mùa Thu nhập học tháng 8 hàng năm.
3. Nộp hồ sơ MBA tốn bao nhiêu tiền?
Mình tự nộp nên không mất phí dành cho các dịch vụ du học. Tuy nhiên dù nộp với hình thức nào bạn cũng mất những khoản tiền sau:
– Lệ phí thi IELTS: 4,750,000 VNĐ
– Lệ phí thi GMAT: 250 USD
– Lệ phí xác nhận bảng điểm và chuyển đổi theo thang điểm quốc tế (nếu trường có yêu cầu) thông qua tổ chức thứ ba độc lập: 205 USD
Tổng thiệt hại cố định khoảng 16,000,000 VNĐ.
Các chi phí khác:
– Gửi kết quả thi: trường không nhận bảng điểm từ thí sinh mà bắt buộc trung tâm khảo thí gửi điểm trực tiếp về trường, cả GMAT, GRE, IELTS, TOEFL. Hầu hết các trường yêu cầu nộp cùng hồ sơ, một số trường yêu cầu bổ sung sau khi bạn trúng tuyển.
+ Gửi điểm IELTS: 100,000 VNĐ/lần phí xuất bảng điểm và 1,050,000 VNĐ/lần gửi chuyển phát nhanh. Nếu trường chấp nhận điểm IELTS điện tử, bạn chỉ mất tiền xuất bảng điểm 100,000 VNĐ. Bạn cũng có thể chọn gửi bằng bưu điện bình thường, thời gian gửi mất khoảng 8 tuần và không theo dõi được tình trạng bưu thư, cũng chỉ mất tiền xuất bảng điểm (theo mình không nên gửi cách này vì không đảm bảo).
Tại thời điểm đăng ký thi IELTS, bạn sẽ được đăng ký 05 trường để trung tâm gửi bảng điểm, miễn 100,000 VNĐ phí xuất bảng điểm.
+ Gửi điểm GMAT: 30 USD/lần.
Tại thời điểm đăng ký thi GMAT, bạn sẽ được đăng ký 05 trường để trung tâm gửi điểm hoàn toàn miễn phí.
+ Gửi bảng điểm chuyển đổi theo thang điểm quốc tế: 30-40 USD/lần.
+ Gửi sao y bảng điểm và bằng đại học có xác nhận của trường mà bạn học ĐH (nếu trường có yêu cầu) qua chuyển phát nhanh: 50 USD/lần.
– Phí nộp hồ sơ (application fee): mỗi trường có một mức phí khác nhau. Các trường top 10 có phí rất cao, từ 150 đến 275 USD, còn thông thường rơi vào khoảng 75 đến 150 USD một lần nên nộp 5 trường là bạn đã mất gần 1000 USD rồi. Khoản này khá lớn nên nếu được các bạn hãy email xin trường miễn, có trường cho, có trường không cho, có trường cho với một số điều kiện nhất định.
Như vậy tuỳ mức độ và khả năng chi tiêu của bạn mà chi phí nộp hồ sơ xin học rơi vào khoảng 30 đến 60 triệu đồng. Trong trường hợp phải thi lại IELTS hoặc GMAT thì chi phí còn đội lên cao hơn nữa, nên bạn hãy ôn luyện thật kỹ rồi mới thi nhé.
4. Những yếu tố cần cân nhắc khi chọn trường:
– Chọn trường theo ngành học: Trường có đào tạo ngành mà bạn muốn học hay không, nội dung chương trình học có phù hợp không, xếp hạng chuyên ngành đào tạo của trường
– Chọn trường theo vị trí: Mỗi bang của Mỹ có đặc thù kinh tế, địa lý, nhân chủng học khác nhau. Ví dụ New York rất lạnh, Texas nóng, California khí hậu ôn hoà và chi phí đắt đỏ, California và Texas nhiều người Việt Nam nhất, Utah là bang “trắng” nhất (có tỉ lệ người da trắng nhiều nhất) và phần lớn dân cư theo đạo Mormon, v.v…
– Chọn trường theo mức độ học bổng: Vấn đề này khá rõ ràng không cần giải thích thêm.
Trong khi các thí sinh cạnh tranh nhau để được học bổng của trường, bạn hãy nhớ rằng các trường cũng cạnh tranh nhau để giành được những sinh viên ưu tú nhất. Chính vì vậy các trường top đầu thường công bố thống kê kết quả đầu ra MBA để minh chứng chất lượng đào tạo của mình như mức lương trung bình, tỷ lệ sinh viên xin được việc khi vừa tốt nghiệp hoặc trong vòng 3 tháng kể từ khi tốt nghiệp, v.v… Đây cũng là thông tin bạn nên tham khảo khi chọn trường.
Ngoài ra tuỳ nhu cầu cá nhân mà còn nhiều tiêu chuẩn lựa chọn khác.
Phần 4 sẽ giải thích chi tiết hồ sơ xin học bổng.
Tác giả: Nguyễn Thị Diệu Xuân
Link: https://thembaworld.wordpress.com