1/2014: Nhập học khoá Thạc sĩ tại trường Murdoch, Úc 1/2014
2006-2010: Học bổng giành cho sinh viên xuất sắc Đại học khoa học Huế
2012: Học bổng tiếng Anh của Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN)
2014: Học bổng toàn phần của chính phủ Hà Lan (NUFFIC) và học bổng chính phủ Úc (AAS)
Lên kế hoạch “tác chiến” từ năm 1 Đại học
Nói về kế hoạch săn học bổng của mình, Tú Anh chia sẻ:“đó là một hành trình nỗ lực đáng nhớ và đáng được trả giá”. Ngay từ khi bước vào năm thứ nhất Đại học, Tú Anh đã bắt đầu chú tâm đến việc phát triển kinh nghiệm chuyên môn bằng công việc làm thêm, dưỡng bồi ngoại ngữ và cả tham gia các hoạt động thiện nguyện.
May mắn được làm cộng tác viên cho một dự án phi chính phủ của Cộng Hoà Séc, Tú Anh càng thêm quyết tâm giành tấm vé du học nước ngoài để mở mang kiến thức. Ban đầu, cô bạn đã nghiên cứu tìm tòi các điều kiện học bổng (bao gồm bảng điểm đẹp, tiếng Anh thành thạo, kinh nghiệm làm việc và hoạt động xã hội phong phú) rồi từ đó vạch ra hành trình du học cho mình.
Trong 4 năm đại học, Tú Anh đã cố gắng lấy được bằng giỏi để tăng khả năng cạnh tranh, song song đó là việc học tiếng Anh và tham gia các hoạt động xã hội. Xuất phát điểm không phải là dân chuyên Anh nên cô bạn đã phải nỗ lực khắc phục nhược điểm này bằng cách trò chuyện với người nước ngoài. Việc được học bổng một khoá học Tiếng Anh tại ACET và RMIT từ chương trình hỗ trợ của Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) và chính phủ Úc cũng đã giúp Tú Anh học hỏi rất nhiều trong môi trường ngoại ngữ quốc tế.
Vượt qua khâu viết bài luận và phỏng vấn
Sau hơn một lần ứng tuyển học bổng, cô bạn hiểu rằng bài luận là nơi ta thể hiện bản thân nên việc để bài luận của mình chịu sự can thiệp của người khác không hẳn là một cách hay. Tú Anh chia sẻ với Hotcourses: “bài luận nên do chính bạn viết ra bằng những gì bạn suy nghĩ, bằng cái tâm của bạn. Tại sao bạn xứng đáng được nhận học bổng? Bạn cống hiến được gì cho đất nước? Năng lực của bạn như thế nào? Bạn là người biết rõ nhất”. Tất nhiên là bạn có thể tham khảo bài luận của người đi trước nhưng rất nên tham khảo có chọn lọc – tham khảo lối viết luận logic của người ta, chứ không nên bê nguyên cả ý tưởng, văn phong của họ: “Một bài luận gây ấn tượng được với người đọc vì nó độc nhất, dù mộc mạc, chân chất vẫn là do của bạn viết ra, không trộn lẫn với người khác. Và đặc biệt là bạn sẽ thành công khi “viết luận bằng cả tâm huyết, bằng cả niềm đam mê” của mình”.
Về khâu phỏng vấn, bài học đắt giá nhất của cô bạn đó là “không nên thể hiện tâm thế của một con ếch ngồi đáy giếng tự vỗ ngực ta là người giỏi nhất”. Sau lần phỏng vấn xin học bổng năm đầu tiên không thành công, cô bạn tự thấy rằng mình đã quá tự tin và ngạo mạn. Rút kinh nghiệm, ở lần thứ hai, Tú Anh đến trả lời phỏng vấn với tâm thế rất bình tĩnh, thanh thản, không đặt nặng vấn đề được mất mà chỉ khát khao thể hiện cho họ những gì mình có thể cống hiến. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong không khí thoải mái nhờ “mình đã cho họ nhìn thấy được sự tôn trọng và tính tự tôn vừa đủ”.
Những lời khuyên khác
- Trong quá trình học tiếng Anh, Tú Anh nhận ra rằng có một khoảng cách giữa tiếng Anh học thuật và tiếng Anh thực tế. Điều này đã khiến cô bạn quyết tâm trau dồi khả năng nghe nói trong các ngữ cảnh đời sống, nhằm chuẩn bị cho cuộc sống du học sau này.
- Đối với riêng Tú Anh, việc tham gia các hoạt động xã hội không chỉ để làm nổi bật hồ sơ xin học bổng mà còn là một hoạt động giúp bạn cảm thông và chia sẻ với mọi người. Và đó cũng là lý do nhiều chương trình học bổng đánh giá cao yếu tố này.
- Với một số học bổng Châu Âu, các bạn có thể nộp hồ sơ ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, với các học bổng chính phủ của Úc và Hà Lan thì thường đòi hỏi kinh nghiệm làm việc từ 2 đến 3 năm. Một số trường hợp khó khăn được đặc cách 1 năm như học bổng Úc. Bản thân Tú Anh từng là cán bộ dự án và cán bộ truyền thông cho các tổ chức phi chính phủ và chính quá trình này đã giúp ích rất nhiều trong khâu ứng tuyển.
- Cuối cùng, bạn có thể sẽ không được học bổng ngay lần đầu tiên, nhưng hãy cứ tiến lên. Bản thân Tú Anh cũng đã trải qua hơn một lần trượt học bổng để đạt được thành công này.
Source: Hotcourses