Gương mặt sáng với nụ cười luôn nở trên môi, từng đoạt giải nhì quốc gia môn hóa và nhận học bổng toàn phần tại các trường ở Mỹ và Hàn Quốc, có vốn kiến thức sâu, rất khiêm tốn… Đó là phác họa sơ nét chân dung của bạn Phạm Văn Ninh.
Từng đến trường với nồng nàn… mùi cá!
Lớp 7, theo chân gia đình di cư từ một vùng núi ở Quảng Ninh vào miền Nam, cậu bé Ninh dần thấy chán ngán việc phải đến trường mỗi ngày do không theo kịp bài giảng, đuối sức so với chúng bạn xung quanh. Ninh sau đó nghiện chơi game đến mức từng cùng bạn đi lượm ve chai để bán lấy tiền “cúng” cho các tiệm game. Trong một lần nói dối nhà đi học thêm nhưng thực chất là đến tiệm game và bị phát hiện, Ninh bị cha mẹ phạt bằng cách cho ra phụ bán cá ngoài chợ những khi không lên lớp.
“Lúc đầu tôi rất uất ức, nghĩ tại sao cha mẹ lại bắt một đứa trẻ như mình làm công việc như vậy. Phải bưng bê, bắt cá, làm cá… không ngơi tay. Chưa kể mùi cá bám vào mình ngay cả khi đã tắm gội kỹ, tôi không khỏi tự ti lúc lên lớp và bị bạn bè dòm ngó, xầm xì. Nhưng sau đó nhờ bắt tay vào làm mà tôi mới nhận ra cha mẹ mình đã rất vất vả, phải còng lưng dọn hàng và ngồi bán từ 4h sáng đến tối mịt. Đây là điều trước đó tôi chỉ chứng kiến nên không cảm nhận được. Cha mẹ ắt hẳn phải xoay xở rất chật vật để có được căn nhà cấp 4 và để tôi được đến trường” – Ninh chia sẻ về lý do bạn quyết tâm học sớm khuya.
Quyết tâm thanh đổi
Quyết tâm đó lớn đến mức Ninh từng tự cột hai chân vào ghế để không vô thức vọt đi chơi cùng chúng bạn như thói quen cũ. Kết quả học tập dần nhích lên. Ninh sau đó đoạt nhiều giải thưởng các cấp môn hóa và thi đậu vào ngôi Trường trung học chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai). Tại môi trường mà Ninh khẳng định “rất nhiều thầy cô tâm huyết, thậm chí có người dạy mà chẳng màng đến tiền lương”, bạn tiếp tục đoạt giải nhì quốc gia môn hóa năm lớp 12. Còn theo lời của cô Tôn Nữ Thanh Thủy (giáo viên toán, chủ nhiệm lớp 12 hóa niên khóa 2006-2009) thì: “Ninh là một học sinh rất chăm chỉ và chịu khó, đặc biệt học xuất sắc môn hóa. Tôi tin em sẽ trở thành một công dân tốt, giúp ích cho xã hội sau này”.
Thích tự “dồn vào đường cùng”
Tốt nghiệp cấp III, Ninh thi đậu vào ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Ngoại thương (cơ sở II). Học xong một học kỳ tại ĐH Ngoại thương, Ninh quyết định đi du học. Tôi không xin bảo lưu kết quả vì muốn mình không còn đường lùi. Khi bị dồn vào đường cùng, bạn sẽ chỉ còn một hướng là tiến lên” – Ninh giải thích về quyết định liều lĩnh năm nào.
Khoảng thời gian ở nhà để ôn luyện tiếng Anh với Ninh dài đằng đẵng. “Cha mẹ tôi không nói gì nhưng hàng xóm, người thân… đều hỏi thăm nhiều khiến tôi vô cùng áp lực. Tôi thậm chí từ chối đi chơi cùng bạn bè, không dám ra phòng khách mỗi khi có họ hàng đến thăm. Ninh cho biết cũng lo nhiều về vấn đề tài chính do nhà chẳng khá giả gì. Lại do học chuyên hóa nên tiếng Anh của Ninh thời điểm đó rất ẹ. Nhưng có lẽ nhờ chính những áp lực chất chồng này mà sau đó Ninh lấy được bằng IELTS 6.5 và có suất học bổng toàn phần chương trình kỹ sư tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến (KAIST), một trong những trường ĐH nổi tiếng Hàn Quốc. “Ngày nhận được tin vui này, tôi thấy mình vỡ òa trong hạnh phúc” – Ninh chia sẻ.
Dù lịch học tại KAIST rất căng thẳng, Ninh vẫn cố gắng sắp xếp vừa học vừa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để bổ sung những kỹ năng bản thân còn thiếu. Bạn cũng tìm các suất học trao đổi, hoạt động cộng đồng tại Phần Lan, Đức, Philippines… để mở mang tầm nhìn, làm giàu vốn sống. Sau khi tốt nghiệp, Ninh từ chối làm việc ở một tập đoàn lớn của Hàn Quốc để làm chuyên gia phân tích tại Singapore.
Bạn cũng thường xuyên về nước để tổ chức, tham gia giao lưu với giới trẻ trong nước. Gần đây nhất, Ninh tham gia làm diễn giả của USGuide (tổ chức phi lợi nhuận, do một nhóm cựu sinh viên Việt tại Mỹ gầy dựng từ năm 1997 nhằm hỗ trợ miễn phí giới trẻ trong nước có nguyện vọng du học tại Mỹ) sau khi nhận được học bổng tại Học viện MIT (Mỹ).
Link bài gốc: https://www.vanlanguni.edu.vn/ky-su-nhan-vat/854-tu-cau-be-ban-ca-den-sinh-vien-mit