Tôi dự định viết một bài trong đó trình bày đầy đủ về kinh nghiệm thi GMAT của mình nhưng cứ lần lữa mãi cho đến hôm nay mới bắt đầu được. Lâu lâu mới viết lách, thôi thì viết một bài cho đáng vậy. Hy vọng kinh nghiệm mà tôi trình bày ở đây sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn Việt Nam đang/sẽ vật lộn với kỳ thi GMAT.
Bài viết này có một số điểm khác biệt so với những bài trình bày kinh nghiệm GMAT trước kia ở những điểm sau:- Tôi thi GMAT 2 lần: lần đầu được 630, sau đó đúng 1 tháng thi lần thứ hai được 730.- Tư chất của tôi rất bình thường: hồi đi học cấp 3 thường xếp hạng 30-32 trên 34 người trong lớp, ở trong xóm thì mấy gia đình khác đều khoe con cái họ thông minh, chăm chỉ còn ba mẹ tôi thì chẳng có gì để tự hào về con của mình.- Những bài viết khác phần lớn đều do người nước ngoài viết, còn không thì đều do các bậc đại cao thủ ở Việt Nam trình bày. Các bạn này thi một phát là được điểm cao chót vót, nên kinh nghiệm của họ chưa hẳn có thể áp dụng cho những người khác được.
Ngược lại, tôi hy vọng rằng những kinh nghiệm giúp tôi đạt được kết quả tốt rất có khả năng giúp ích cho phần đông những bạn khác được.
Tóm tắt quá trình chuẩn bị và thi GMATTôi bắt đầu tìm hiểu về GMAT từ tháng 12/2006, đến khi có điểm thi chính thức là tháng 12/2007, như vậy là tròn một năm.
Giai đoạn đầu tiên từ 12/2006 cho đến 2/2007, tôi chỉ đọc qua để hiểu GMAT là gì, thi ra làm sao, và tìm xem cách học thế nào là tốt nhất. Tôi làm thử một đề trong GMATPrep thì được 560, và quyết định sẽ tự học để thi GMAT. Tuy nhiên tôi chưa bắt tay vào luyện thi, chủ yếu vì cùng thời điểm đó chỉ số VN-Index tăng chóng mặt từ 900 điểm lên trên 1100 điểm! Những ai sống cùng hơi thở của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày đó hẳn sẽ thông cảm với tôi.
Tôi dự định sẽ khởi động sau Tết Nguyên Đán, ôn luyện từ tháng 3 đến hết tháng 5 để có thể thi vào tháng 6. Lý do cũng rất đơn giản: tôi quyết định sẽ cưới vợ vào tháng 8/2007, nên muốn giải quyết GMAT xong để còn dành ra 1-2 tháng để chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới.
Đứng như kết hoạch, tôi bắt đầu luyện với cuốn “Arco – Master the GMAT 2007”. Cảm nhận đầu tiên là phần Math khá dễ, phần Verbal quá khó, còn phần AWA thì tôi chưa đụng đến. Sau gần 2 tháng, tôi chuyển sang luyện OG11. Trước tiên tôi làm thử mấy câu trong phần Diagnostic ở đầu cuốn sách, kết quả là bị sốc nặng. Những gì tôi học trong cuốn sách Arco không phải là GMAT! Tôi cũng bắt đầu làm quen với forum www.gmatclub.com và thấy nhiều người cũng chê bai cuốn sách của Arco rất dữ. Xem như công sức 2 tháng trời đổ sông đổ biển vì cuốn sách vớ vẩn.
Sau thời gian đầu vất vả với OG11, chủ yếu là phần Verbal, tôi bắt đầu làm tốt hơn các câu hỏi trong sách. Đến đầu tháng 6, tôi hoàn thành phần lớn các câu hỏi trong đó, với xác suất đúng trong phần Verbal là trên 70%, còn phần Math là trên 90%. Tôi cũng làm thử một đề free của Kaplan trên Internet thì được 660. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người trên forum GmatClub thì tôi biết rằng mấy cái đề thi của Kaplan thường khó hơn thi thật nên kết quả của nó không đáng tin cậy. Tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc để đăng ký thi thật rồi.
Tuy nhiên, đến lúc đó thì lại có thay đổi trong kế hoạch. Công việc chuẩn bị cho đám cưới cần nhiều thời gian hơn tôi nghĩ. Chỉ có một mình vợ sắp cưới của tôi ở Sài Gòn thì e rằng không thể giải quyết hết được. Tôi nghĩ mình cần về nước sớm hơn để cùng chuẩn bị mọi thứ. Ngoài ra, một trong những người bạn thân nhất của tôi sẽ tổ chức đám cưới trong tháng 6/2007 rồi đi Mỹ ngay sau đó. Tôi quyết định tạm ngưng kế hoạch thi GMAT lại để về Sài Gòn dự đám cưới người bạn vì trước kia tôi đã hứa rằng nhất định sẽ về dự đám cưới của người bạn đó, hơn nữa đám cưới chỉ có 1 lần trong đời, còn GMAT thì thi bao nhiêu lần mà chẳng được.
Sau vài ngày ở Sài Gòn, tôi quay lại Nhật, tranh thủ sắp xếp công việc ở đó, rồi lại trở về Sài Gòn vào tháng 7 để chính thức chuẩn bị cho đám cưới của mình. Suốt tháng 7 và 8 tôi dành thời gian cho đám cưới cũng như gia đình mà không đụng đến GMAT trong một phút nào. Mọi việc diễn ra tốt đẹp (ít nhất là theo đánh giá chủ quan của tôi). Đến đầu tháng 9, vợ tôi có việc phải đi Pháp trong 1 năm. Còn tôi tiếp tục sang Nhật.
Tôi nghĩ mình cần ôn luyện lại GMAT cho nghiêm túc từ tháng 9. Tôi làm lại những câu trong OG11 mà trước đó tôi đã làm sai, luyện thêm một số tài liệu khác (sẽ trình bày ở phần sau). Sự tự tin tăng lên đáng kể, nên tôi quyết định đăng ký để thi chính thức vào đầu tháng 11. Trước khi thi, tôi nghĩ rằng mình có thể đạt trên 700 nếu như không bị xui xẻo, còn nếu không ít ra cũng phải trên 650.
Kết quả thi lại là một bất ngờ đáng thất vọng: 630 (49Q, 26V, 5.5AWA). Chẳng hiểu sao điểm Verbal lại kém đến vậy. Ngay hôm sau, tôi có việc nên cần về Việt Nam trong 1 tuần. Tôi quyết định chưa nghĩ đến GMAT để đầu óc thư thái trong 1 tuần xem sao.
Sau khi sang Nhật trở lại, tôi bắt đầu nghiền ngẫm thất bại vừa qua: phân tích những sai sót thường mắc phải, tham khảo kinh nghiệm thi cử của những người khác. Kết luận rút ra: phong độ phần Verbal của tôi rất không ổn định, và lần thi vừa rồi thật oái ăm lại rơi vào những lúc đó! Tôi tập trung rèn phần Verbal cho thật ổn định. Thậm chí mỗi sáng chủ nhật tôi còn tự ép mình vào nhịp sinh hoạt giống hệt như ngày thi: thức giậy lúc mấy giờ, ăn sáng lúc mấy giờ, ăn món gì, bắt đầu làm một bài test lúc mấy giờ,… Để cứ đúng như vậy mà thực hiện cho ngày thi thật.
Đến hôm trước ngày thi thì tôi bị tiêu chảy (tôi nghi ngờ món cá ở Nhật là thủ phạm chính). Vật vã suốt đêm, đến sáng thì tôi liên hệ với vợ gấp để được bày cách uống thuốc. Nuốt viên thuốc với hy vọng cầm cự được càng lâu càng tốt, tôi đến địa điểm thi để rồi phát hiện ra thêm một sự cố: tôi quên đem theo mắt kiếng!
Phần AWA trôi qua bình thường. Phần Quant (Math) cũng tạm ổn, tuy hơi nhức con mắt, xốn cái bụng một chút. Tới giữa phần Verbal thì có vẻ như tôi bị lạc lối. Đến gần cuối thì tôi gần như hóa điên: có tới 4 đoạn RC trong phần thi của tôi (trước kia tôi cứ nghĩ tối đa 3 đoạn RC dài là cùng). Tôi kết thúc phần Verbal với tâm trạng không phấn khởi lắm rồi nhấn Next để xem điểm thi thế nào.
730 (V40, Q49)!
Vài ngày sau thì tôi biết điểm AWA là 5.5. Tôi thật không thể tin vào mắt của mình. Tôi hét to một tiếng, đấm tay liên tục vào không khí. Theo như tôi nhớ không lầm thì chỉ có lần mời riêng được bạn gái đi xem phim, tôi mới điên loạn như vậy.
Anh chàng nhân viên ở trung tâm thi đến chúc mừng tôi. Tôi cảm ơn và rời khỏi trung tâm một cách gấp gáp. Cần phải về nhà gấp vì viên thuốc hồi sáng có vẻ đã hết tác dụng rồi.
Tài liệu và phương pháp ôn luyệnYếu tố quan trọng nhất giúp một người bình thường như tôi đạt được kết quả tốt là nhờ tài liệu và phương pháp ôn luyện phù hợp.
Trước tiên là về tài liệu. Có thể tóm tắt những tài liệu tốt cho từng phần trong GMAT như sau.
Quantitative:- OG11: đọc phần Math Review để ôn lại những kiến thức được kiểm tra GMAT. Tôi nghĩ bất kỳ ai đã học xong phổ thông ở Việt Nam đều đã biết qua nhưng kiến thức này, chỉ có điều cần ôn lại để không bị xa lạ với thuật ngữ tiếng Anh.Nếu có thời gian thì làm hết các câu hỏi trong OG11 (trong đó có rất nhiều câu quá dễ). Còn nếu ít thời gian thì chỉ cần chọn ra những câu xác đáng nhất mà làm.
Nói chung phần Quant không khó đối với sinh viên Việt Nam. Thách thức chủ yếu ở 2 điểm: 1) có nhiều câu hỏi bẫy rất tài tình, 2) thời gian làm rất eo hẹp, mà nếu làm vội vàng rất dễ bị sai nhảm hoặc dính bẫy. Muốn vượt qua thì chỉ có cách là luyện tập, luyện tập, và luyện tập.
– Nếu có thời gian thì lên forum của GmatBlub hoặc ScoreTop để tìm những câu Math mà mình còn yếu để luyện thêm. Còn những tài liệu khác cho phần Math thì tôi nghĩ không cần xem qua.
Verbal:Quyển đầu tiên cần luyện (và luyện cho hết) là OG11. Ngoài ra, bạn nên tham khảo những cuốn bổ trợ như sau:
– OG Verbal Workout: nếu làm hết trong OG11 mà vẫn chưa thấy đã thì nên luyện tiếp trong cuốn này. Mẹo nhỏ: nếu không tìm được OG Verbal Workout thì bạn tìm OG10 mà luyện. Một số câu trong OG10 trùng với OG11, phần khác nhau chính là cuốn OG Verbal Workout đấy.
Verbal – CRNên luyện cuốn “The PowerScore GMAT Critical Reasoning Bible”. Bạn sẽ biết cách phân loại các câu CR và biết cách suy luận thế nào để tìm ra lời giải đúng nhất.
Để làm tốt phần CR thì bạn cần: 1) khả năng suy luận (critical reasoning), và 2) hiểu được cách hỏi và trả lời theo kiểu GMAT. Cá nhân tôi đã có sẵn 1) nhưng 2) thì không biết nên lúc đầu làm sai te tua. Luyện xong cuốn sách trên thì tôi có thêm 2) nên làm CR dễ dàng hơn nhiều.
Verbal – SCNhiều người cho rằng cuốn “Sentence Correction GMAT Preparation Guide” của Manhattan là tốt nhất. Tôi cũng phần nào nghĩ vậy. Nhiều người trước kia chỉ làm đúng phần SC khoảng 50%, sau khi luyện cuốn này thì làm đúng trên 95% như chơi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chuyện đó chỉ đúng với dân bản xứ. Trước kia tôi có thử đưa một thằng Mỹ trong công ty làm vài câu SC, kết quả là nó làm còn kém hơn cả tôi! Mấy em gái trong công ty nhìn tôi ngưỡng mộ vô cùng, nhưng không biết rằng thằng Mỹ bị điểm kém vì: nó không hiểu GMAT muốn kiểm tra cái gì trong SC. Sau khi được tôi hướng dẫn một số tips (chủ yếu lấy từ trong cuốn sách của Manhattan), thằng Mỹ hiểu được những điểm quan trọng để spot được lỗi trong câu, biết cách tập trung vào những điểm đó. Kết quả: nó làm nhanh như gió và đúng hết tất cả các câu SC. Lúc đó thì nó chỉ lại bí quyết cho tôi: chỉ cần đọc lại câu hỏi, uốn lưỡi (đọc lại) xem nó có thuận tai không là tìm ra chỗ sai liền.
Nói chung, vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ nên bạn rất khó có thể đạt được mức độ cao như trên. Tôi nghĩ sau khi luyện trong cuốn Manhattan và làm hết bài tập trong OG11, bạn đặt mục tiêu đúng trên 85% (dĩ nhiên là có những câu khó trong đó) là thực tế nhất.
Verbal – RC:Một số bạn cho rằng phần này là chua nhất. Còn tôi thì thấy không hẳn. Vấn đề là ở chỗ chưa có một tài liệu nào đáng tin cậy để giúp luyện tốt phần RC. Kinh nghiệm của tôi chỉ đơn giản như sau:
– Làm hết RC trong OG11 và Verbal Workout (hoặc OG10).- Tìm thêm các bài đọc trong Kaplan, Princeton,… nếu có thời gian.- Chịu khó đọc báo trên mạng như New York Times, CNN,… Đặc biệt tìm đọc các bài viết về book review, research review trong đó nhiều người đánh giá, tranh cãi với nhiều ý tưởng khác nhau.- Khi đọc, đừng mất công tra từng nghĩa từng chữ chưa hiểu. Cứ ráng đọc tới rồi để xem mình hiểu đến đâu, sau đó rồi mới tra từ điển để học thêm từ mới.- Nếu bạn thực sự thích thú với RC, thì dù nó có dài hoặc chua đến đâu cũng không phải là vấn đề. Hãy thử tượng tượng bạn đọc RC trong GMAT như đọc Kim Dung! Tôi nhớ mình từng trả lời đúng hết tất cả các câu trong đoạn caffein của OG10 với thời gian cực ngắn nhờ tuyệt chiêu này.
AWA Lúc đầu tôi rất lo lắng cho phần này, vì nhiều người nói rằng tôi vốn là dân kỹ thuật chân lấm tay bùn thì làm thế nào mà viết tiếng Anh được như những người chuyên ngữ, học ở nước ngoài, hoặc bằng như dân bản xứ. Nhưng khi tìm hiểu kỹ thì hóa ra AWA không khó: viết AWA còn dễ hơn viết blog nhiều Mà viết blog hoặc comment trên blog thì có gì là phức tạp.
Vấn đề chỉ là thể hiện ý tưởng của mình bằng tiếng Anh cho trôi chảy và trong thời gian thật ngắn. Cách đơn giản nhất đối với tôi là tìm sẵn những cấu trúc mẫu (template) để dựa theo đó mà thể hiện ý của riêng mình. Cuốn “Peterson’s Writing Skills for GRE/GMAT”.
Cách luyện AWA của tôi rất đơn giản: đọc cuốn sách trên, sau đó tự viết khoảng 20 bài essays trong danh sách các essay của GMAT để quen tay. Những essay còn lại thì tôi chỉ đọc qua topic, rồi tự phác thảo trong đầu những ý chính sẽ viết. Đến lúc thi thì vừa đọc topic xong là nhào vô viết, hệt như khi vừa đọc xong một blog entry hấp dẫn là muốn nhào vô comment liền.
Các đề thi mẫu (Practice Tests)- GMATPrep: bạn nên download cái phần mềm này từ sớm. Về lý thuyết, nó cho bạn làm 2 đề. Kết quả làm 2 đề này sẽ khá giống với kết quả thi thật của bạn. Bạn có thể làm trước một đề, rồi để dành đề còn lại đến gần ngày thi mới làm.
Trên thực tế, bạn có thể khai thác GMATPrep để làm nhiều hơn 2 đề! Rất đơn giản: sau khi làm xong 2 đề, bạn uninstall cái GMATPrep, rồi xóa sạch cái thư mục GMATPrep trong Program Files (phải làm bằng tay vì chương trình uninstall không tự làm). Sau đó cài GMATPrep lại một lần nữa. Lần này bạn sẽ có 2 đề mới (tuy có một số câu sẽ trùng lặp với lần trước, nhưng không đáng kể). Như thế bạn tha hồ mà làm quen với không khí thi thực tế nhé.
– ETS Paper Test: có khoảng 9 đề. Đây chính là đề thi thật hồi xưa (lúc còn thi trên paper chứ không phải computer). Một số câu trong những đề thi này trùng lặp với OG11 và OG10. Tuy nhiên, đây là tài liệu rất tốt để luyện đua thời gian khi thi. Nếu bạn có thể làm kịp thời gian của từng section trong mấy đề thi này thì không có lý do gì để lo lắng khi thi thật trên máy tính. Chỉ một lưu ý: có vẻ như điểm thi trên Paper Test không tương đương với điểm thi CAT, một số người làm Paper Test thì thấy dễ hơn thi thật, một số người thì lại thấy khó hơn (chủ yếu là thời gian eo hẹp hơn).
– Đề thi miễn phí trên trang web của Kaplan, Princeton, Manhattan, Peterson’s. Bạn cứ dùng google đề tìm ra trang luyện GMAT của mấy công ty trên. Mỗi nơi đều cho phép bạn làm 1 để test miễn phí để kiểm tra trình đó. Lưu ý: những đề thi này thường khó hơn nhiều so với thi thật, nên nếu có bị điểm thấp thì bạn cũng đừng nản chí.