Dành tặng bản thân, vì những cung đường mình đã đi qua, những năm tháng mình đã bền bỉ cố gắng và vì tương lai gian truân nhưng cũng đầy hứa hẹn. Một ngày nào đó, bất chợt trên đường đời, ta lại thấy khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc, hãy nhìn lại hôm nay, nhìn lại những gì đã qua để mình có thêm động lực bước tiếp.
Dành tặng chị Thanh Hoa, người đã thuyết phục em viết bài này. Em đã ngần ngại vì em thấy mình thật nhỏ bé giữa tầng tầng lớp lớp các anh chị tài năng hơn. Học bổng mà em đang sở hữu không danh giá, không có mức hỗ trợ cao như của nhiều anh chị khác. Em cũng không trải qua những ngày “dâu bể” để hoàn thành hồ sơ như nhiều người. Em không dày dạn kinh nghiệm xin học bổng. Em cũng không phải điển hình của motif “vịt hóa thiên nga”, từ làng quê khó khăn đến xứ sở mơ ước. Nhưng em muốn giúp chị một tay, vì những gì chị đã, đang và sẽ nỗ lực mang đến cho cộng đồng.
Dành tặng bạn đọc.
Có thể bạn đang có một ước mơ. Có thể bạn vẫn đang nhìn những người xung quanh mình lần lượt ra đi bằng ánh mắt ngưỡng vọng. Có thể bạn đang có một cuộc sống bình lặng như bao người, sinh ra, lớn lên, đi học rồi sẽ đi làm nhưng ý nghĩ được một lần đi ra khỏi VN vẫn đôi lần xuất hiện trong tâm trí bạn. Có thể du học chưa bao giờ là điều bạn dám mơ tưởng. Cũng có thể việc sống và học tập ở nước ngoài luôn xa vời không chỉ với bạn mà còn với bố mẹ, họ hàng, anh chị của bạn.
Mình cũng từng như vậy – y hệt những mô tả trên.
Câu chuyện của mình sẽ không có những kinh nghiệm, chiến lược săn học bổng. Nếu bạn đi con đường y hệt mình, chưa chắc mọi thứ sẽ đến với bạn y hệt như đến với mình. Nhưng mình hi vọng câu chuyện mà mình sắp kể đây sẽ mang đến bạn nguồn cảm hứng để bước tiếp và hiện thực hóa giấc mơ của riêng bạn.
Mình sinh ra trong một gia đình không khá giả nhưng bố mẹ là mẫu phụ huynh cố gắng hết mức vì việc học hành của con. Vì vậy, mình lớn lên bình lặng mà không phải lo cơm áo gạo tiền. Cấp 3, mình thi đậu vào một trường cũng khá có tiếng trong nước. Tuy nhiên, khác xa với nhiều bạn tích cực ôn luyện, tìm cơ hội để đi du học, mình học hành cũng làng nhàng, học những gì thầy cô dạy trên lớp, chờ ngày thi đại học như đa số học sinh VN. Mình cũng không ấp ủ ước mơ thi vào Đại học tốp cao, mình chỉ mong được đậu vào ngành mình thích rồi đi làm với công việc mình ước mong.
Chỉ trong lớp mình thôi, từ lớp 10 lên lớp 11 đã có gần 10 bạn đi du học. Mở rộng ra toàn trường, con số đó tăng lên chục lần, nếu tính cả những người đi du học sau khi tốt nghiệp cấp 3, con số đó tăng chắc phải vài chục lần. Giữa cảnh đó, mình cũng có chút suy nghĩ, hơi tò mò, hơi háo hức nhưng rồi mong muốn đó chóng đến rồi cũng chóng đi, chẳng có gì thay đổi trong thế giới quan hay trong hành động của mình. Nó giống như việc bạn xem thời sự, tình cờ nghe tin gì đấy ở một đất nước nào đó trên thế giới, bạn tặc lưỡi, thể hiện một vài biểu cảm rồi lại thôi, vài ngày sau, bạn quên béng tin tức hôm nào. Nghe có vẻ hời hợt! Nhưng đó là sự thật, và mình tin không ít bạn trẻ đã, đang và sẽ như mình lúc ấy. Chúng ta có tò mò, có háo hức, nhưng rồi du học cũng là chuyện của người ta, bởi lẽ nhà mình làm gì có vài chục ngàn đô mỗi năm để đi Anh, đi Úc, đi Mỹ. Giả sử có học bổng thì người giành được ắt hẳn phải xuất chúng lắm. Vậy nên, cấp 3 của mình là những ngày tháng bình dị, tươi đẹp, an yên bên bạn bè, với kỉ niệm tuổi học trò và phảng phất đôi chút hoài bão mà thôi.
Bước ngoặt trong đời xuất hiện khi mình bước vào Đại học với một ngành mà mình không thích. Bỏ qua hết những lí do, lý giải hay ngụy biện (ai cũng có lí do của riêng mình, phân tích đúng hay sai không giải quyết được gì), điều quan trọng là mình đã vào học một ngành mà mình không thích và mình không lựa chọn điều gì khác. Không bỏ học, không thi lại, không gì khác. Điều duy nhất mà mình nhận thấy mình có thể làm đó là cố gắng, kiên trì đi theo con đường mà mình đã chọn.
May mắn thay, bên cạnh ngành học cố định, mình có thể chọn học chương trình liên kết với Pháp. Mình phải học tiếng Pháp tăng cường từ vỡ lòng trong khoảng hơn 1 năm để sau đó có thể học chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Mình chọn chương trình đó đơn giản vì mình cũng có sở thích về ngôn ngữ, thấy đứa bạn biết tiếng Pháp nó “hót” hay hay, thấy dân Pháp ngữ có thần thái “sang chảnh” và việc học một ngôn ngữ mới có thể khiến mình hứng thú hơn, giải tỏa phần nào những chán ngán do môn chuyên ngành mang lại.
Bắt đầu kì học đầu tiên, học trong một lớp toàn con trai, học một ngành gần như không phải thế mạnh đối với nữ giới, mình tự nhủ phải cố gắng thật nhiều để không bị đuối so với các bạn. Mình không bao giờ cúp học hoặc đến trễ. Mình luôn chép bài đầy đủ (dù giáo viên có viết bảng hay không, dù mình không hiểu gì) để cuối kì có thể mở ra xem lại. Mình xung phong làm lớp trưởng để trở nên có trách nhiệm hơn với chính mình. Mình cũng tham gia CLB để trở nên dạn dĩ, tự tin. Mình dần hiểu ra rằng, đôi khi kết quả của những gì bạn làm không quan trọng bằng việc bạn thực hiện nó như thế nào. Nếu không có thử (và có thể sai), sẽ không có điều tốt đẹp nào đến với bạn cả. Một học kì trôi qua tốt hơn mong đợi khi điểm của mình khá cao. Mình bắt đầu tin rằng mình có thể học tốt ngành này.
Thêm vào đó, ngày ngày, thông qua tiếp xúc với các anh chị trong CLB, thông qua những câu chuyện truyền lửa của thầy cô, mình bắt đầu mơ về một chuyến trao đổi sinh viên tại Pháp. Lời kể rằng, hằng năm đều có khoảng vài sinh viên năm 3 được tham gia chuyến trao đổi đó. Như vậy, nếu thành tích học tập hiện tại của mình được duy trì đến năm 3, mình hoàn toàn có thể trở thành một trong số các sinh viên tham gia chuyến trao đổi.
Trong mình từ đây bắt đầu nhen nhóm lên hình hài của một kế hoạch. Duy trì thành tích học tập đến năm 3, đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ lúc ấy: vào năm 3, mình phải có bằng B1 (chuẩn châu Âu) trở lên. Biết rằng, B2 là mức tối đa có thể đạt được của người theo ngành không đòi hỏi trình độ tiếng Pháp cao (ngành đòi hỏi trình độ tiếng Pháp cao là những ngành như luật, văn học Pháp, sư phạm Pháp văn,…). Vì đợt phỏng vấn trao đổi sẽ diễn ra vào đầu năm 3, mình tự đặt ra yêu cầu phải có bằng B2 vào cuối năm 2, tức sau 1 năm rưỡi nữa. Điều đó có nghĩa là, sau 1 năm nữa, mình phải có B1 và sau nửa năm nữa, mình phải có A2 (kì thi lấy bằng chỉ tổ chức nửa năm 1 lần vào thời điểm đó). Giả sử mình không có B2 (vì thi rớt) trước kì phỏng vấn trao đổi, điều đó cũng chấp nhận được. Bằng việc lo sớm như vậy, mình có thể chuẩn bị sớm cho kì thi B1 để có B1 trước đợt phỏng vấn. Giả sử mình rớt B1 1 lần thì mình vẫn còn kịp thi B1 lần 2. Điều đó hẳn nhiên chắc ăn và an toàn hơn là bỏ 1 đợt thi và chỉ thi B1 ngay trước đợt phỏng vấn. Ngoài ra, việc có B2 sớm cũng không hoàn toàn bất khả thi vì trước mình đã có vài sinh viên làm được điều đó. Và thật vậy, mình đã lần lượt thi và đậu ngay, từ A2, đến B1, đến B2.
Cơ hội tham gia trao đổi đã đến như đúng ý định của mình. Điều nằm ngoài dự định duy nhất là chuẩn chọn lựa sinh viên đã nâng từ bằng B1 lên bằng B2 và không ít bạn của mình chỉ có B1 đã bị từ chối tham gia trao đổi vào năm đó. Họ không dở hơn mình, họ bị từ chối chỉ vì đã quá tin chắc vào cơ hội đi Pháp chỉ với bằng B1. Giả sử bạn có thể đi Pháp với bằng B1, làm sao bạn có thể tin chắc mình theo kịp chương trình học bên đó khi rất nhiều người đi trước có bằng B2 mà vẫn gặp khó khăn?
Mình dần nhận ra rằng việc nghiêm túc tìm hiểu, lên kế hoạch và bắt tay thực hiện kế hoạch chính là con đường dẫn đến ước mơ. Mình không thể đặt chân đến một đất nước chỉ bằng việc ngày ngày ngồi trước tivi xem thời sự. Mình cũng không thể chạm tay đến ước mơ bằng việc suốt ngày tìm hiểu, mơ mộng về một đất nước nào đó nhưng không bắt tay vào việc hiện thực hóa ước mơ.
Chuyến đi Pháp của mình sau đó kéo dài 7 tháng, gồm 4 tháng học và 3 tháng thực tập. 4 tháng học đều không tốn học phí, gia đình mình chỉ cần lo chi phí ăn ở. 3 tháng thực tập của mình có lương, không cao, nhưng vừa đủ cho một cuộc sống sinh viên. Ở Pháp, sinh viên được hưởng khá nhiều ưu đãi: hỗ trợ nhà ở (CAF), chi phí đi lại chỉ khoảng một nửa so với người đi làm, miễn phí khi vào bảo tàng và nhiều địa điểm tham quan, giảm giá ở các trung tâm vui chơi, giải trí. Trung bình 1 tháng, mình tốn khoảng 500 euros, bao gồm tất cả các nhu cầu thiết yếu và 1 – 2 chuyến đi chơi xa xa. Hiển nhiên, khi bạn đi xa, bạn không thể chuẩn bị vừa đủ số tiền như dự tính, bạn cần có khoản dự phòng. Như ở Pháp, bạn sẽ phải đóng đầy đủ tiền nhà rồi sau đó một thời gian mới nhận lại tiền hỗ trợ nhà ở. Khi đi thực tập, đi làm, bạn cũng sẽ đối mặt với nguy cơ chưa có lương ngay ở tháng đầu tiên, nếu bạn làm ở đơn vị nhà nước (Pháp vốn nổi tiếng vì chậm trễ trong các thủ tục hành chính) hoặc nếu bạn làm ở công ty nhỏ (vì họ gặp khó khăn trong việc lưu động vốn). Nhưng bạn yên tâm là thực tập có kí hợp đồng đàng hoàng, nên bạn sẽ không bị quỵt đồng nào cả. Tổng kết lại, chuyến đi 7 tháng của mình tốn khoảng 75 – 80 triệu đồng (khoảng 3000 euros lúc ấy), bao gồm cả tiền sinh hoạt phí, vé máy bay, một ít quà cho gia đình và cái quần, cái áo cho bản thân. So với chi phí du học ở các nước nói tiếng Anh, số tiền đó mình nghĩ thấp hơn khá nhiều.
Còn tiếp…
Tác giả: Vy Nguyễn
Bản quyền thuộc HannahEd