Hồ sơ xin học bổng rất phức tạp nên mình sẽ chia làm 2 phần nhỏ. Có 2 dạng học bổng chính là dạng Merit-based (HB dựa trên năng lực, như HB học sinh giỏi) và dạng Need-based (HB cho sinh viên nghèo). Thông thường đối với MBA, HB Need-based chỉ dành cho công dân Mỹ mà gia đình có thu nhập thấp. Sinh viên quốc tế thường chỉ được nhận học bổng Merit-based. Bộ hồ sơ nộp học bổng có nhiều phần, mình sẽ giải thích từng mục một:
(1) GMAT (cực kỳ quan trọng) hoặc GRE quy đổi sang GMAT
(2) Bảng điểm đại học
(3) IELTS/TOEFL
(4) Thư xin học (bài luận)
(5) Thư giới thiệu
(6) CV
(7) Phỏng vấn
Ngoài ra tuỳ trường sẽ yêu cầu thêm, ví dụ yêu cầu chuyển đổi bảng điểm theo chuẩn quốc tế từ tổ chức độc lập thứ ba, thu sẵn video hoặc làm video sáng tạo, chứng minh tài chính, v.v…
1. GMAT
Đây là phần quan trọng nhất, quyết định sống còn đến hồ sơ của bạn.
Thông tin về kỳ thi GMAT các bạn có thể tìm hiểu trên trang web chính thức https://www.mba.com/. Đây là kỳ thi chung toàn thế giới đánh giá tư duy phục vụ cho việc học sau đại học liên quan đến các ngành quản trị. Lệ phí thi GMAT là 250$ từ năm 2009 đến nay không thay đổi. GMAT khó hơn nhiều so với IELTS vì yêu cầu rất nặng nề về tư duy trong khi bạn phải có nền tảng tiếng Anh vững, từ vựng chuyên ngành phong phú.
GMAT có 4 phần, Quant – Toán trắc nghiệm, Verbal – Tiếng Anh trắc nghiệm, AWA – Bài luận, IR – Toán giải quyết vấn đề (lý luận đa nguồn, giải thích đồ họa, phân tích bảng biểu) và thi liên tục trong gần 5 tiếng trên máy tính, được 1 lần nghỉ giữa giờ 15 phút. Phần quan trọng nhất là Q và V, tổng điểm từ 200-800. AWA và IR chấm độc lập với thang điểm 0-8. Các trường quan tâm nhiều nhất đến Q+V, nhưng thường sẽ yêu cầu AWA và IR của bạn phải đạt một mức nhất định.
Khi thi GMAT xong bạn sẽ biết số điểm của mình, đồng thời biết thêm về “percentile”, là mức độ cao thấp của bạn so với điểm thi chung trên toàn thế giới. Ví dụ bạn thi được Q+V = 700 với percentile là 88%, nghĩa là số điểm của bạn nằm ở mức 12% cao nhất toàn thế giới.
Các bạn lưu ý percentile cũng rất quan trọng, có trường quy định Quant và Verb phải đạt tối thiểu percentile là bao nhiêu, tránh trường hợp “học lệch”.
MBA tại các trường top 10 thường có trung bình GMAT đầu vào trên 720.
Điểm GMAT có thời hạn 5 năm, nghĩa là nó sẽ được lưu trên hệ thống của GMAC trong vòng 5 năm kể từ ngày thi, sau ngày này dù bạn có muốn thì hệ thống cũng không còn lưu lại để gửi cho trường nữa. Bạn có thể thi nhiều lần, khi GMAC gửi điểm cho trường thì trường sẽ nhìn thấy điểm tất cả các lần thi của bạn trong vòng 5 năm trở lại. Phần lớn các trường sẽ lấy kết quả cao nhất để đánh giá, cũng có trường xem xét tất cả kết quả thi.
Một điều thú vị là GMAT cũng là môn thi đắt tiền nhất trong bộ 3 chứng chỉ sau đại học: GRE dành cho khối tự nhiên & xã hội ($220), LSAT dành cho khối luật ($180) và GMAT dành cho khối quản lý ($250).
2. IELTS/TOEFL
Đây là phần rất hay bị hiểu nhầm.
Nhiều bạn nhầm rằng điểm IELTS cao sẽ tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ của bạn. Thực tế thì IELTS chỉ phản ánh khả năng ngôn ngữ, không đánh giá được về tư duy. Bạn học ngoại ngữ giỏi không đủ để chứng minh tư duy của bạn tốt.
Các trường top đầu thường yêu cầu IELTS 7.5 trở lên, không có kỹ năng nào dưới 6.5 hoặc 7, còn thông thường mức yêu cầu là 7.0 nhưng ưu tiên 7.5 trở lên.
Kỹ năng quan trọng nhất mà các trường hay quan tâm là Speaking (nói). Một số trường ghi chú hẳn điểm nói vào hồ sơ của bạn, ví dụ: Overall (tổng): 7.5 – Speaking (nói): 7.0, hoặc quy định hẳn trong phần yêu cầu đầu vào về điểm nói. Có trường chỉ nhận sinh viên có Speaking 7.0 trở lên làm trợ giảng. Vì vậy bạn nào muốn nộp hồ sơ xin HB Mỹ cần tập trung nhiều vào kỹ năng nói.
Tuy nhiên, chỉ cần bạn qua mức sàn mà trường yêu cầu tức là bạn đủ năng lực để hiểu và tiếp thu nội dung học. Lúc này kể cả bạn có 9.0 IELTS đi nữa thì cũng không có ý nghĩa nhiều lắm.
Một câu hỏi được các bạn đặt ra rất nhiều là nên thi IELTS ở IDP hay BC. Bản thân mình đã từng thi ở cả 2 nơi, mỗi nơi thi 1 lần. Lần đầu thi ở IDP tháng 11/2012, sau đó 5 năm vì bằng hết hạn nên thi lại ở BC tháng 7/2017. Cả 2 lần thi mình đều được số điểm như nhau, thậm chí 4 điểm thành phần cũng giống hệt nhau nên kết luận là thi ở đâu thì mức độ khó dễ cũng vậy. Tuy nhiên, tại Hà Nội thì BC có thái độ làm việc tốt và chuyên nghiệp hơn hẳn IDP, đây là kết luận của mình sau khi gọi điện cho cả hai trung tâm để tìm hiểu dịch vụ trước thời điểm đăng ký thi tầm tháng 06/2017 và có vẻ nhiều người cũng cùng quan điểm. Vì vậy, dù đã thi ở IDP rồi mình cũng quyết định sang BC thi.
3. GPA
Giáo dục Mỹ sử dụng thang điểm 4.0. Đến nay hầu hết các trường ĐH ở VN đều có thêm thang điểm 4.0 bên cạnh thang điểm 10.0 truyền thống. Trong trường hợp điểm Đại học của bạn chỉ có điểm 10.0, nếu trường bên Mỹ có bộ phận hỗ trợ chuyển đổi điểm thì bạn chỉ cần nộp bảng điểm 10.0 là trường sẽ tự quy đổi, nếu trường không có chức năng này thì bạn sẽ phải yêu cầu bên thứ 3 độc lập quy đổi, danh sách những dịch vụ được trường chấp nhận sẽ được mô tả trên trang web của trường, phổ biến nhất là WES. Phí dịch vụ là 205$ mỗi lần chuyển đổi, chưa tính chi phí gửi bảng điểm gốc sang cho WES thông qua chuyển phát nhanh DHL/FedEx/UPS/TNT (~55$) và phí gửi điểm đã quy đổi về cho trường (~35$/lần).
Trường hợp bảng điểm không có tiếng Anh, bạn phải gửi bảng điểm dịch công chứng cùng với bảng điểm tiếng Việt. Việc một số trường ĐH ở VN có bảng điểm song ngữ đã hỗ trợ sinh viên tiết kiệm rất nhiều công sức và tiền bạc.
Khi nộp hồ sơ xin học bổng MBA, vì đặc điểm của MBA khá độc lập, không liên quan đến những bằng cấp khác, nên trường sẽ yêu cầu bạn nộp bảng điểm của TẤT CẢ cấp bậc học từ Đại học trở lên, nghĩa là kể cả bạn đã có bằng Tiến Sỹ thì bạn cũng phải nộp kết quả học và nghiên cứu bậc Đại học, Thạc Sỹ, Tiến Sỹ (không cần biết bạn có tốt nghiệp hay không) về cho trường, không được che giấu bảng điểm.
Thông thường các trường sẽ yêu cầu GPA tối thiểu 3.0/4.0 mới được xét hồ sơ, một số trường không có mức nào tối thiểu nhưng khi nhìn vào thống kê sinh viên đầu vào bạn sẽ ngầm hiểu là GPA của mình có đủ điều kiện nộp hay không. GPA rất quan trọng, nhưng trong trường hợp điểm GPA của bạn thấp, bạn đã tốt nghiệp và không thể thay đổi được nữa thì cải thiện hồ sơ bằng GMAT là cách hiệu quả nhất, vì xét cho cùng thì cách chấm điểm và đánh giá mỗi trường một khác nhưng GMAT là chuẩn chung toàn cầu.
Phần tiếp theo sẽ nói đến CV, Bài luận, Thư giới thiệu, Phỏng vấn và các mục khác.
Tác giả: Nguyễn Thị Diệu Xuân
Link: https://thembaworld.wordpress.com