Trần Thành Bảo, anh chàng lớp trưởng 12A1 Tin của trường THPT KHTN – người nhận học bổng gần 5 tỷ đồng du học Mỹ, đam mê nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, muốn tạo ra một robot có chức năng như bác sĩ tâm lý học cùng hành trình biến bụng mỡ thành 6 múi sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Trần Thành Bảo (sinh năm 2000), cậu bạn lớp trưởng 12A1 Tin, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHKHTN – ĐHQGHN vừa nhận được thư báo trúng tuyển đỗ 4 trường đại học tại Mỹ, bao gồm: Univerisity at Cincinnati, University of Buffalo, University of Rochester, và University of Minnesota Twin Cities.
Thành Bảo chọn ngôi trường University of Rochester với mức học bổng gần 5 tỷ đồng cho 4 năm học. Rochester là ngôi trường có tỉ lệ cạnh tranh khá cao (19% theo thống kê năm 2017). Trong acceptance letter, trường có nhấn mạnh về việc Bảo được nhận là do hứng thú của bản thân trong việc nghiên cứu. Không chỉ vậy, với việc số lượng học sinh rất hạn chế, ngôi trường này ưu tiên những học sinh thể hiện 1 sự tự chủ (self-direction) trong lối suy nghĩ và phát triển bản thân.
Học bổng của University of Rochester được cấu thành từ 1 vài khoản học bổng khác nhau của trường, trong đó nổi bật nhất chính là học bổng danh giá bậc nhất dành cho các sinh viên theo chuyên ngành khoa học và khối STEM – học bổng Whipple. Học bổng này được đặt tên theo giáo sư nhân chủng học George Hoyt Whipple, trưởng khoa dược và nha khoa của đại học Rochester vào năm 1921 và cũng là người đã từng nhận giải Nobel Sinh học.
Hơn thế nữa, Thành Bảo còn xuất sắc nhận HCB cuộc thi Toán Châu Á Thái Bình Dương APMOP 2012, HCB cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC 2013, Giải 3 Olympic Tin học – Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội, HCĐ Olympic Tin học – Chuyên Khoa Học Tự nhiên mở rộng (gồm các trường THPT Chuyên khắp Việt Nam).
Trong hồ sơ apply học bổng, điểm số của Thành Bảo như sau: 1480 SAT (Toán 800, Đọc – Viết 680), TOEFL 107, và SAT 2: Toán 800, Lý 780. Tất cả kết quả đó đều được cậu bạn vượt qua chỉ với 1 lần thi, vì thời gian ôn cho TOEFL và SAT vào khoảng 3 tháng/1 đầu điểm, còn SAT 2 cả 2 môn, Bảo ôn thi chỉ có vỏn vẹn 3 tháng.
Trần Thành Bảo
(2000)
- Lớp trưởng 12A1 Tin, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHKHTN – ĐHQGHN
- Học bổng du học 4 trường ĐH tại Mỹ Univerisity at Cincinnati, University of Buffalo, University of Rochester, và University of Minnesota Twin Cities
- 1480 SAT (Toán 800, Đọc – Viết 680), TOEFL 107, và SAT 2: Toán 800, Lý 780
- HCB cuộc thi Toán Châu Á Thái Bình Dương APMOP 2012.
- HCB cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC 2013.
- Đội tuyển toán trường cấp 2 Marie Curie.
- Giải 3 Olympic Tin học – Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- HCĐ Olympic Tin học – Chuyên Khoa Học Tự nhiên mở rộng (gồm các trường THPT Chuyên khắp Việt Nam)
- Hoạt động ngoại khóa: Sắc Xanh Tự Nhiên (Chương trình chào 10), Nắng Sân Trường ( Chương trình chia tay lớp 12), Codecamp Project…
- Đam mê nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và tâm lý học.
Phấn đấu trở thành người giỏi nhất là một sai lầm
Quá trình ôn thi và chuẩn bị hồ sơ apply học bổng du học của bạn như thế nào?
Mọi thứ đều cực kì gấp rút vì mình bắt đầu quay lại ôn để đi Mỹ từ giữa năm lớp 11 (tháng 10/2017) và rất nhiều người bảo rằng rất khó vì đã muộn. Nhưng cuối cùng moi thứ đều ổn, mình không thực sự thấy căng thẳng dù cho 1 tuần phải chạy đi học hết cả 6 ngày. Thay vì vậy, mình dồn hầu như mọi sự lo lắng vào bài luận, không phải vì bí ý tưởng, mà mình sợ những câu chữ trong đó chưa thật sự lột tả hết cái mà mình muốn cho nhà tuyển sinh nhìn nhận ở bản thân mình.
Dành hết mọi tâm huyết cho bài luận, ắt hẳn đây là một bài luận mà bạn cực kỳ tâm đắc và thể hiện rõ con người của bạn?
Bài luận của mình giống như 1 thước phim quay ngắn về chặng đường mình đã đi qua. Trong thước phim này, mình đã nhận ra rằng thế giới không phải Utopia (xã hội lý tưởng)từ khi còn bé. Những người giỏi nhất sẽ giành lấy sự vinh quanh, sự ghi nhận và những phần thưởng. Giống như Usain Bolt (một vận động viên điền kinh người Jamaica, anh là người đang giữ kỷ lục thế vận hội và thế giới ở các nội dung chạy 100 mét với 9,58 giây, 200 mét với 19,19 giây – PV), người giành chức vô địch, mọi người đều biết đến tên ông. Tuy nhiên chẳng ai nhớ đến người về nhì sau Usain Bolt cả.
Bạn đã thay đổi bản thân mình như thế nào với suy nghĩ đó?
Mình tự hạ quyết tâm sẽ luôn phải làm người giỏi nhất, người đứng đầu của cuộc chơi. Tuy nhiên đó là 1 sự sai lầm. Phấn đấu để hơn người khác khiến mình trở nên mệt mỏi và tràn ngập trong thất bại. Để rồi cuối cùng mình mới nhận ra cái thực sự cần là tốt hơn mình của hôm qua. Và chỉ khi nhận ra điều đó, mình mới bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định và trở nên hài lòng với những gì mình đang và sẽ phấn đấu để có trong tương lai.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu “tốt hơn ngày hôm qua”, bạn có dành thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa hay thiện nguyện?
Mình đã tham gia khá nhiều các chương trình của trường như Sắc Xanh Tự Nhiên (Chương trình chào 10), Nắng Sân Trường ( Chương trình chia tay lớp 12), Codecamp Project (dạy học sinh lớp 6,7 cách sử dụng C++ để giải quyết 1 số bài toán đơn giản)…
Những hoạt động này đã giúp mình đẩy mạnh khả năng teamwork, đồng thời mở rộng không chỉ các mối quan hệ xã hội mà còn thoát khỏi comfort zone (vùng an toàn) của bản thân. Chúng đều là những cơ hội mình tận dụng để tự khám phá chính mình.
Hành trình “No pain no gain”, biến bụng mỡ thành 6 múi
Đam mê lớn nhất của bạn là gì?
Mình có 2 niềm đam mê lớn, 1 trong số đó là nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (A.I). Tuy nhiên, hơn cả thế, mình còn muốn nghiên cứu cả trí thông minh khởi nguồn cho mọi thứ, hay chính là bộ não con người. Mình thực sự tò mò về mục đích sau mỗi hành động của con người. Tại sao chúng ta lại cần những động lực đó?
Chỉ khi mình hiểu rõ cách chúng ta đưa ra quyết định, cách chúng ta sắp xếp các sự kiện và đưa ra chỉ thị cho mỗi cử chỉ, sắc thái, mình mới có thể thực sự đi sâu vào nghiên cứu cách đưa những đặc điểm đó vào trong 1 cỗ máy. Nghe có vẻ hơi lệch (cười) nhưng suy cho cùng tâm lý học thực sự rất quyến rũ đối với mình. Đó cũng chính là lí do mình chọn nó làm một ngành phụ.
Ngoài nghiên cứu, sáng tạo, bạn còn sở thích nào khác không?
Mình tập calisthenics hay còn gọi là thể thao đường phố đã được hơn 1 năm. Cái này bắt nguồn từ việc mình muốn giảm mỡ để có 6 múi. Trong quá trình tập, mình đã học được thêm rất nhiều điều mới mẻ đồng thời cải thiện được cách tự chăm sóc bản thân. Cái đáng giá nhất có lẽ chính là tư duy “No pain no gain” mà mình tôi luyện được qua cực nhọc.
Là một người tự tin, bạn có nghĩ cuộc sống du học sắp tới sẽ không phải là thử thách mà là những trải nghiệm mới đầy thú vị?
Tháng 8 này mình sẽ đáp máy bay tới New York. Mình rất tin tưởng vào tương lai sáng ngời và tràn ngập niềm vui sắp tới trên đất khách. Lo lắng tuy có, nhưng nó chỉ là 1 phần rất rất nhỏ mà thôi..
Muốn tự tạo ra một robot có chức năng như bác sĩ tâm lý học
Bạn sẽ theo học chuyên ngành nào tại Mỹ?
Mình sẽ học chuyên ngành về CS, cụ thể hơn là về trí thông minh nhân tạo (A.I) và Big DATA. Ngoài ra, nếu có thể, mình muốn học một ngành phụ về Psychology (tâm lý học).
Bạn có kế hoạch gì trong tương lai với ngành học này chưa?
Dự định trong tương lai của mình là tích lũy kinh nghiệm liên tục và tự tạo ra 1 phần mềm kết hợp giữa chuyên ngành học chính và phụ. Cụ thể hơn 1 chút thì mình muốn 1 robot A.I có khả năng như 1 bác sĩ tâm lý học với các chức năng cơ bản, đủ để tư vấn và chỉ lối cho các bạn trẻ không có điều kiện và thời gian gặp bác sĩ tâm lý ngoài đời thực.
Bảo có muốn chia sẻ gì cho các bạn ở Việt Nam đang ấp ủ giấc mơ Mỹ?
Có 1 điều mà mình muốn chia sẻ về những bạn đang ấp ủ American Dream, đó là có rất nhiều trường và rất nhiều cơ hội. Tài chính có quan trọng thật, nhưng nó không có nghĩa để đi được thì ban phải tốn cực nhiều tiền. Có nhiều trường dù xếp hạng không cao nhưng chất lượng vẫn rất tốt và chưa kể rất hào phóng về khoản tiền học bổng. Nên hãy cố gắng và quyết tâm và kiên trì và rồi bạn sẽ tìm được những kho báu.
Cảm ơn Bảo về cuộc trò chuyện. Chúc bạn có một hành trình du học thật ý nghĩa tại Mỹ!