Du học không chỉ là một hành trình mưu cầu kiến thức, mà nó còn là một chuyến đi dài để mỗi cá thể có thể bước ra khỏi “comfort zone” và tìm được bản ngã và những chân giá trị của chính mình. Tuy nhiên, thay vì viết về những khó khăn học thuật và sự khác biệt trong văn hóa, mình xin viết về một rào cản cực kì khó khăn mà gần như mọi du học sinh (mình từng gặp) đều trải qua, đó chính là khủng hoảng tâm lí.
Có vẻ cụm từ “khủng hoảng tâm lí” trông có vẻ hơi vĩ mô và xa lạ đối với các bạn nhỉ. Thường thì khủng hoảng tâm lí thường được nhắc đến trong những bài viết về xu hướng trầm cảm gia tăng trong cộng đồng du học sinh hiện nay. Tuy nhiên trong bài viết này, mình sẽ tập trung nói về một vấn đề còn khá lạ mà du học sinh thường gặp phải, đó là “existential crisis”, hay còn gọi là khủng hoảng về ý nghĩa tồn tại.
Vậy thì “existential crisis” là gì? Là khi một người dành một khoảng thời gian dài để tự vấn về ý nghĩa và giá trị của bản thân trong cuộc đời. Theo quan sát của mình, những du học sinh thường có xu hướng gặp phải loại khủng hoảng tâm lí này hơn là những học sinh trong nước. Có lẽ đó là do khi đặt bản thân vào một môi trường lạ, văn hóa lạ, cùng với những người lạ, con người ta thường khép mình lại nhiều hơn. Không có nơi để chia sẻ, những du học sinh vì thế thường trải qua giai đoạn cận trầm cảm này. Thậm chí, một số du học sinh mình quen, mặc dù có đời sống xã hội khá là sôi nổi, nhiều bạn bè, nhưng vẫn trải qua một thời gian dài trắc trở trong cái guồng tự vấn này.
Bản thân mình cũng từng trải qua một thời gian khá dài chống chọi với cơn khủng hoảng này, và khi mình đi gặp bác sĩ tâm lí thì chẩn đoán là suýt bị “bipolar disorder” (rối loạn lưỡng cực). Đó là vì mặc dù trong trường mình có người việt, nhưng mình hầu như khó để thân với ai. Trong lớp của mình một nửa là người Trung một nửa là các nước châu Á khác như Hong Kong, Đài Loan, …, mình đã từng cảm thấy cực kì lạc lõng trong một khoảng thời gian dài. Lên đại học, mình lại cảm thấy cái guồng quay vùn vụt của đại học càng làm con người ta đánh rơi mất bản thể gốc của mình nữa. Những sinh viên tay ôm lớp lớp sách vở, vai đeo những chiếc ba lô nặng nề và đôi chân liến thoắn bước nhanh cho kịp lớp tiếp theo. Nhìn cảnh tượng đó, mình nhận ra là đại học còn khó để mình có thể kết bạn hơn nữa.
Câu chuyện về “existential crisis” không chỉ dừng lại ở sự lạc lõng giữa một nền văn hóa khác, nó còn là về “identity crisis” (khủng hoảng danh tính bản thân). Khi bạn lên đại học, bạn sẽ dần dà hun đút cho bản thân một cái tôi to lớn hơn, và một ngọn lửa âm ỉ trong lòng mưu cầu thành tựu để chứng tỏ bản thân hơn. Bạn sẽ cảm thấy mình còn nhỏ bé và vô giá trị giữa cuộc đời, giữa những con người giỏi giang. Có thể niềm tin vào bản thân sẽ rơi rụng đôi chút, có thể niềm hứng thú và động lực cho việc học sẽ bị mất đi dăm ba phần, nhưng không sao đâu bạn ơi. Có biết bao nhiêu con người trẻ ngoài kia vẫn còn đang trắc trở trải qua giai đoạn này như bạn đấy. Rồi một ngày khi bạn đã trải qua rồi, bạn sẽ biết ơn cái khoảng thời gian này, cái khoảng thời gian mà bạn tìm được chân giá trị của bản thân và con người mình muốn trở thành.
Tác giả: Bao Le