Connect with us

Hi, what are you looking for?

Kinh nghiệm

Hành trình đến nước Pháp – Phần 2

Những tháng đầu ở Pháp, mình thực sự khủng hoảng. Là một đứa quen sống trong vòng tay cha mẹ, lại nhiều cảm xúc, mình không thoát khỏi tâm lý tiêu cực. Ngay từ khi chuẩn bị bước lên máy bay, cảm giác sợ hãi đã bao trùm lấy mình. Mình ý thức rõ ràng được rằng mình đang thoát khỏi vòng bảo vệ của gia đình. Ở lại, ra đường dẫu nhiều khó khăn cách mấy (cướp giật, mất tiền, hết tiền,…) thì chỉ cần mình chạy về nhà, mọi việc đều có ba mẹ lo ổn thỏa. Hay thậm chí ở một tỉnh thành khác Sài Gòn, mình vẫn có thể mở miệng để xin ai đó sự giúp đỡ. Nhưng ở Pháp, nhà sẽ không có ba mẹ và lời cầu xin giúp đỡ cũng không dễ dàng khi mình và người đối diện khó hiểu nhau.

 

Nhớ lúc vừa xuống sân bay ở Pháp, ngồi ở ga tàu về thành phố mình sống, mình ngốc đến mức không biết cách xem bảng giờ tàu. Rồi mình hỏi một người gần đó. Họ không biết. Ở Pháp, với mật độ khách du lịch dày đặc, bạn sẽ không thể biết ai là người bản xứ, ai không phải. Người mình đã hỏi không phải là người bản xứ, hoặc có thể họ không hiểu mình nói gì. Mình tiếp tục hỏi người khác. May mắn thay, người thứ 3 mà mình hỏi có thể giúp mình. Mình nhớ rất rõ cô ấy đã tận tình chỉ mình như thế nào. Cô ấy còn cẩn thận ngồi kế bên mình, chờ đến khi tàu của mình đến và nhắc mình lên tàu. Mình nhận ra rằng, người nước ngoài không khó gần như mình nghĩ, hoặc ít ra, mình cũng cần chủ động, cố gắng hết sức nếu muốn được giúp đỡ. Một đứa bạn Pháp đã từng tán thưởng mình rằng: “Mày có khả năng loay hoay giải quyết khó khăn (débrouiller trong tiếng Pháp) tốt đấy”. Điều đó chứng tỏ rằng, họ rất chú trọng nỗ lực của một người trong việc giải quyết khó khăn.

 

Quay trở lại những cảm xúc, suốt một tháng đầu, mình chợp mắt trong những cơn mộng mị y hệt nhau. Khi thức, mình thường xuyên khóc và tự hỏi vì sao mình lại chọn ở đây. Mình hoàn toàn có thể ở nhà, lẳng lặng sống, lẳng lặng đi học rồi đi làm. Tại sao mình phải bon chen nơi đất khách quê người? Mình không hòa nhập được với bạn trong lớp vì tụi mình không có những mối quan tâm chung. Các bạn cũng ngại tiếp xúc với mình vì tiếng Pháp của mình không tốt. Mình có làm quen được vài bạn, nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở những câu giao tiếp đơn giản, hoặc hỏi bài. Một phần vì mình thiếu kiến thức. Một phần vì nếp nghĩ, đời sống tinh thần, nề nếp của mình khác họ. Mình đã chọn giữ lại nếp nghĩ, nếp sống của mình, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dù mình có ở đây bao lâu đi chăng nữa, nói tiếng Pháp sõi đến đâu đi chăng nữa, mình vẫn sẽ không khỏi cảm giác “ăn nhờ ở đậu”. “I am not among them”.

 

Việc đi xin việc ở trình độ Đại học cũng thật sự rất khó. Ở Pháp, nhiều ngành, cụ thể là ngành của mình, các công ty đa phần tuyển thực tập sinh bậc Cao học (Master). Các sinh viên Pháp cũng gặp khó khăn trong việc xin thực tập huống chi mình, nhất là khi mình mới sang 1 học kì đã phải xin việc ngay. Tiếng Pháp chưa sõi và mới ở bậc Cử nhân, các công ty đều ngại mình sẽ không làm được gì. May mắn thay, nhờ kiên trì và thể hiện tinh thần tích cực học hỏi, không ngại khó khăn, mình được 2 chỗ nhận sau khoảng 1 tháng xin việc và 50 bộ hồ sơ được gửi đi. Ở nhiều người khác, thời gian xin việc có thể kéo dài hơn, từ 2 tháng tới 5 tháng, số bộ hồ sơ đã gửi đi cũng có thể lên đến vài trăm. Vậy nên, kiên trì không phải là điều gì đáng xấu hổ khi đi xin thực tập ở Pháp. Sau khi có thực tập, điều đầu tiên mình làm là đặt vé về VN. Tuy nhiên, kể từ lúc đó trở đi, cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn vì những áp lực đã vơi bớt.

 

Bài học ở đây là khi mình có vẻ chưa có gì (thật ra mình cũng có thể có chút chút, nhưng không đáng là bao), đặc biệt là ở Đại học, ở tuổi trẻ, việc học hỏi là lẽ dĩ nhiên, tiền bạc nên là thứ yếu. Với nhà tuyển dụng, bạn còn non lắm, nhưng họ có thể chọn bạn vì bạn có tinh thần học hỏi, thể hiện được sự háo hức khám phá, sẵn sàng thử và cố gắng. Mình từng đọc được bài viết của một người, trong đó có ý rằng, khi bạn được giao những việc mới lạ, thay vì bảo tôi không biết, tôi không làm, bạn nên bảo tôi chưa biết nhưng tôi sẽ thử. Thử thì có thể thành công hay thất bại, nhưng từ chối nỗ lực chắc chắn không mang đến thành công. Không ai có thể tin tưởng bạn khi bạn từ chối cơ hội thành công. Mình luôn tự nhắc bản thân rằng: “Mình đã là gì đâu, đã làm được gì đâu, thứ duy nhất mình làm được chỉ có lì lợm cố gắng mà thôi”.

 

Bên cạnh việc học, mối quan tâm tiếp theo của mình là du lịch. Ưu điểm của việc du học ở một nước châu Âu là bạn có thể đi du lịch nhiều nước một cách dễ dàng. Mới chỉ đến nước Pháp thôi mà nhiều lần mình đã choáng ngợp bởi khung cảnh, kiến trúc nơi đây. Mình đã nhiều lần reo thầm trong bụng rằng: châu Âu đây rồi! Xứ sở mà mình vẫn thường mơ ước được một lần tận mắt nhìn thấy đây rồi! Giữa khung cảnh ấy, mình ước ba mẹ mình, anh chị mình, bạn bè mình sẽ nhìn thấy những gì mà mình đang thấy. Mình nhớ về gia đình, nhớ về những người bạn vẫn luôn khát khao một cơ hội đến đây. Vậy nên, đi đâu mình cũng cố gắng ghi lại tất cả những gì mình nhìn thấy bằng ngôn ngữ hình ảnh, dù là cảnh tượng hoành tráng hay những cảnh đời thường nhất như chiếc xe điện, nơi mình học, nơi mình làm,… Mình cảm thấy hạnh phúc khi đôi mắt mình đang thay họ nhìn ra thế giới, đôi tai mình đang thay họ lắng nghe thế giới, và đôi chân mình đang thay họ, từng bước đi khắp thế giới.

 

Sau 7 tháng ở Pháp, mình trở lại Việt Nam học năm cuối cùng Đại học. Có thể bạn chưa biết, việc tốt nghiệp Đại học ở VN tương đương với cấp Master 1 (Bac + 4) ở Pháp. Điều đó có nghĩa là tốt nghiệp Đại học ở VN, bạn có thể học tiếp Master 2 tại Pháp. Đương nhiên, trường có sự chọn lựa dựa trên thành tích học tập của bạn.

 

Với thành tích học tập của mình, không khó để mình có được một trường nhận ở Pháp. Tuy nhiên, vấn đề của mình lúc này là chi phí cho việc du học. Một năm học tập ở trường công của Pháp tốn trung bình 200 triệu đồng. Số tiền đó đè nặng đôi vai của ba mẹ mình, dù họ luôn nói rằng họ có thể lo được. Để chắc ăn, mình lên kế hoạch xin học bổng.

 

Học bổng đi Pháp thường có nhiều nguồn. Với trường mình đang học, học bổng có thể đến từ Chính phủ (Eiffel, Đại sứ quán), đến từ vùng (vùng mình là Rhône-Alpes), đến từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Hệ thống trường ĐH Paris-Saclay cũng có học bổng của riêng họ. Các trường ĐH khác cũng có thể có nguồn học bổng riêng cho sinh viên. Số học bổng có vẻ nhiều, nhưng không phải mình cứ nộp đại thì sẽ đậu. Việc đó chỉ khiến mình tốn thời gian và có khả năng “mất cả chì lẫn chài”. Mình cần thu hẹp lại, chỉ giữ lại quan tâm những nguồn học bổng có tiềm năng, để rồi đầu tư vào đó thì cơ hội đạt sẽ cao hơn.

 

Học bổng Eiffel dựa trên các hồ sơ do trường ĐH gửi đi. Do vậy, các trường sẽ chỉ gửi đi những ứng cử viên xuất sắc của họ. Với thành tích học tập không mấy nổi trội (so với hàng trăm sinh viên quốc tế của trường), mình không đặt sự quan tâm của mình vào học bổng này. Mặc dù vậy, mình vẫn gửi thư dạm hỏi ý bên khoa mà mình xin học. Y như rằng, họ im lặng đến tận 2 tháng sau khi hết hạn nộp hồ sơ rồi mới báo cho mình duy nhất cái tin rằng họ nhận mình học.

 

Học bổng vùng hằng năm thường có 3 suất cho sinh viên chương trình mình học ở VN. Tuy nhiên, năm trước mình lại chỉ còn 1 suất. Như vậy, nhiều khả năng năm của mình sẽ chỉ có từ 1 suất trở xuống. Do đó, mình sẽ phải cạnh tranh với các bạn trong lớp (tức các bạn lớp ĐH ở VN muốn sang Pháp) hoặc tất cả tụi mình đều trắng tay. Thông tin về học bổng đó lại đến khá muộn. Nếu mình chỉ chăm chăm chờ vào nguồn học bổng đó mà bỏ qua các học bổng đến sớm hơn thì đến cuối cùng, mình có thể sẽ không có gì. Vậy nên, mình không trông đợi vào “tin giờ chót” như thế.

 

Học bổng AUF ngày xưa có khá nhiều suất cho sinh viên chương trình của mình. Tuy nhiên, năm trước mình chỉ có 5 sinh viên trong cả nước đạt được, 4 trong số đó ở Hà Nội, còn lại ở TPHCM và không phải khoa mình. Học bổng năm nay đòi hỏi sinh viên làm luận văn, bảo vệ luận văn sau đó trải qua 1 vòng phỏng vấn. Nhìn chung, học bổng này khá “khoai”, phụ thuộc vào nhiều “tin giờ chót” nên mình cũng không chú trọng loại học bổng này. Tuy nhiên, vì sau đó mình có thực hiện luận văn, nên mình cũng không bỏ qua cơ hội apply học bổng này, xem như một phương án dự phòng.

 

Nhìn chung, học bổng Đại sứ quán là phù hợp với mình nhất. Học bổng này không đòi hỏi sinh viên thực hiện luận văn. Sinh viên có thể tự chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ. Thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng khá dài, từ tháng 9 – 10 đến đầu tháng 1 năm sau. Vậy nên, mình quyết định đầu tư công sức cho bộ hồ sơ xin học bổng này.

Bộ hồ sơ xin học bổng này gồm có: CV, thư động lực (cover letter, lettre de motivation), bản kế hoạch học tập (projet professionnel), thư giới thiệu, bằng ĐH hoặc bảng điểm và bằng tiếng Pháp. Đầu tiên, mình quyết định nộp bằng ĐH (của trường bên Pháp cấp cho mình sau 3 năm học), vì bảng điểm của mình không đẹp (mình rớt 1 môn vào kì trao đổi sinh viên và chưa có cơ hội gỡ lại).

 

CV, thư động lực và bản kế hoạch học tập, mình dành 2 tháng để soạn. Trong 2 tháng đó, mình liên tục viết rồi nhờ giáo viên tiếng Pháp sửa, về viết lại và sau đó lại mang đi sửa tiếp. Đương nhiên, cô giáo mình hoàn toàn không có nghĩa vụ giúp mình, nhưng chẳng ai lại nỡ từ chối một đứa học trò đang nỗ lực. Năm 4, chương trình học của mình không nhiều môn, nhưng nhìn chung, mình lên trường đều đặn để được sửa hồ sơ.

 

Đã từng đạt được bằng B2 trong 1 năm rưỡi, trải qua 7 tháng học ở Pháp, xin thực tập trong vòng 1 tháng, cộng thêm hơn 3 năm tích cực tham gia hoạt động CLB và đóng góp cho cộng đồng Pháp ngữ trong thành phố, mình có không ít thứ để viết vào CV và thư động lực.

 

Về bản kế hoạch học tập, dự định cá nhân, phần lớn mình phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, để rồi từ đó đưa ra quyết định về chuyên ngành mà mình sẽ chọn. Về điểm mạnh, mình phải đoán được những điểm mạnh nào mà người ta sẽ cần, sẽ đòi hỏi, như tinh thần ham mê học hỏi chẳng hạn. Về điểm yếu, dĩ nhiên đó là điểm yếu của mình thật, nhưng mình phải tìm cách diễn đạt để biến điểm yếu đó thành điểm mạnh. Ví dụ, điểm yếu của mình là dễ bị áp lực, nhưng đó là vì mình thường hay đặt quá nhiều tâm trí vào công việc. Điểm yếu của mình là cầu toàn, nhưng đó là lí do để mình làm mọi việc một cách tốt hơn, tránh những sự cố ngoài ý muốn. Quá trình mình đi thực tập ở Pháp và sự hài lòng của giáo viên hướng dẫn cũng chính là điểm cộng trong những phần này.

 

Ngoài ra, mình đã tranh thủ xin được thư giới thiệu của 2 người: 1 là của thầy hướng dẫn thực tập của mình ở Pháp, 2 là một giảng viên từng công tác ở nước ngoài, được khá nhiều người biết đến trong lĩnh vực mình học. Ban đầu, mình chỉ đánh liều nhờ thầy cô viết thư giới thiệu, nhưng không ngờ cả 2 lá thư đều được các thầy cô viết rất nhiệt tình, thể hiện sự quan sát, theo dõi mình rất tỉ mỉ, mang những chi tiết riêng về tính cách của mình, chứ không phải là những ý kiến chung chung. Nhờ vậy mà hồ sơ của mình trở nên khá mạnh, dù mình chưa nhận được thư nhận học của trường bên Pháp.

 

Tháng 3 năm sau, mình nhận được thư nhận học của trường bên Pháp (nhiều truờng khác thực hiện bước này nhanh lắm, chỉ có trường mình là chậm phản hồi thôi). 2 ngày sau, mình nhận được tin gọi đi phỏng vấn của Đại sứ quán. Lúc này, mình được bổ sung hồ sơ với 2 loại giấy tờ mạnh: thư nhận học của trường và bảng điểm học kì 1 năm 4 (với 3 môn chuyên ngành lần lượt có số điểm là 9, 9.5 và 10).

 

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng của một buổi phỏng vấn trực tiếp không nằm ở các loại giấy tờ, mà nằm ở chỗ mình phải biết người phỏng vấn cần gì, đòi hỏi mình điều gì. Nhìn chung, cũng như dựa vào thông báo từ ĐSQ, các chủ đề sau đây có thể được quan tâm trong buổi phỏng vấn: trình độ tiếng Pháp (thể hiện qua khả năng nói lưu loát), quá trình tìm hiểu du học Pháp nói chung (dạng như vì sao bạn chọn du học Pháp?), sự nghiêm túc đối với việc học sắp tới. Bạn phải chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu kĩ lưỡng ngành học, hoạch định rõ ràng con đường mình sẽ đi, hiểu về nó, nghiêm túc chọn nó chứ không phải chọn đại. Chắc chắn, họ cũng không muốn dành học bổng cho một người để rồi sau này người đó học không xong, chuyển hết ngành này đến ngành khác (dĩ nhiên chuyển ngành thì sẽ không còn học bổng nhưng như vậy cũng vẫn mất nhiều thời gian, tiền bạc của bạn). Hội đồng phỏng vấn cũng có thể sẽ nhìn vào sự quyết tâm của bạn, khả năng giải quyết tình huống của bạn, bởi vì học ở Pháp thực sự khó khăn và gian nan hơn nhiều so với việc học trong nước khi bạn vừa phải học kiến thức mới bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, phong thái tự tin và thể hiện được nét riêng trong việc trả lời các câu hỏi cũng sẽ là điểm cộng khá lớn. Mình nhớ, khi được đặt cho câu hỏi rằng: vì sao hiện nay làn sóng du học ở các nước nói tiếng Anh đang nở rộ thì em lại chọn du học Pháp, mình đã trả lời rằng: cơ hội du học cũng giống như cái bánh gato, cái bánh mà quá nhiều người tham gia vào ăn thì cơ hội của mỗi người sẽ giảm đi, và ngược lại. Một người trong hội đồng phỏng vấn đã bật cười. Mình nghĩ đó là điểm cộng của mình.

 

Một tháng sau, mình nhận được tin được học bổng. Mình đã khóc ngay lúc đó.

 

Nhìn lại tất cả những gì mình đã trải qua, 4 năm không phải là điều gì to lớn vì có nhiều anh chị đã đến Tiến sĩ, sau Tiến sĩ và thành công. Nhưng 4 năm cũng có thể là khoảng thời gian dài cho những ai mới bắt đầu quãng đường Đại học. Đối với mình của 4 năm trước, những gì mình đạt được hôm nay như một điều thần kì, một giấc mơ không biết bao giờ mới trở thành hiện thực, cũng giống như suy nghĩ của bao thế hệ đàn em đang nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Vậy mà mình đã kiên trì, bền bỉ, cố gắng từng chút, từng chút một trong suốt 4 năm ấy, bắt đầu từ một mục đích nhỏ nhoi là làm sao để không bị đuối so với các bạn, rồi đến kế hoạch đạt B2 trong vòng 1 năm rưỡi, rồi đi Pháp, rồi đi xin thực tập, rồi về Việt Nam, xin học bổng. Trong suốt hành trình đó, mình đã không ít lần chán nản khi phải môn chuyên ngành mà mình không thích, lo sợ khi học tiếng Pháp. Mình cũng đã tuyệt vọng khi đón nhận môn học đầu tiên rớt trong đời. Nhưng rồi, bằng sự lì lợm, mình đã lại ở đây, lại đến nước Pháp lần 2, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Trong lĩnh vực rộng lớn, mình đã tìm được chuyên ngành mà mình yêu thích, muốn gắn bó, muốn tìm hiểu sâu về nó.

 

Mình cũng như bao đứa trẻ lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình, từng hời hợt về tương lai, chùng chình không biết mình muốn gì, mình cần làm gì để chuẩn bị cho tương lai. Mình cũng từng không ít lần ngốc nghếch để rồi nhận về cho mình những bài học về sự phũ phàng của cuộc sống. Mình đã tổ chức nhiều hoạt động bể tét lét để rồi có những hoạt động tốt hơn. Chúng ta có tuổi trẻ, sức khỏe, nghĩa là chúng ta có cơ hội để thử, sai và làm lại.

 

Có những sự chuẩn bị từ hôm nay, ngày mai sẽ có kết quả, nhưng cũng có những sự chuẩn bị từ hôm nay, nhưng kết quả sẽ được gặt hái vào những năm sau. Việc tham gia CLB ngay từ những năm đầu đã tôi rèn cho mình sự phán đoán mong muốn của người đối diện, biết mình có ưu điểm nào, khuyết điểm nào, biến khuyết điểm thành ưu điểm, biết mình khác biệt như thế nào so với các bạn xung quanh, biết thể hiện sự tự tin và biết diễn đạt khéo léo. Mình của những ngày xưa cũng không thể ngờ những bước chập chững ngày ấy có thể mang lại hoa thơm như bây giờ, mình chỉ biết cố gắng mỗi ngày hơn một chút, đặt cho mình một mục tiêu cao hơn, làm tốt hơn mình của ngày hôm qua.

 

Thế gian này mỗi ngày thực sự có rất nhiều điều thay đổi. Mình cũng không biết sự thay đổi đó sẽ mang đến may mắn hay nỗi buồn cho mình. Tuổi trẻ của chúng ta có thể thiếu nhiều thứ, thiếu tiền bạc, thiếu kiến thức, thiếu gia đình bên cạnh. Nhưng có một điều chúng ta không được thiếu, đó chính là tinh thần tích cực, tích cực học hỏi, tích cực lên kế hoạch, tích cực thực hiện kế hoạch, tích cực ước mơ, đối mặt với khó khăn một cách tích cực, tích cực loay hoay tìm cách để thoát ra khỏi tình huống khó khăn.

 

Những gì mình đã làm được, nó không xa vời đâu. Mình đảm bảo là thế, vì mình đã thực sự trải qua mà 😉 Mình làm được thì bạn cũng có thể làm được, bạn còn có thể làm được hơn thế nữa. Con đường mình đang đi vẫn chưa kết thúc, câu chuyện của mình vẫn chưa hẳn viên mãn, nó chỉ là chút động lực dành cho chúng ta. Mình vẫn còn một đoạn đường dài để đi, và bạn cũng vậy. Vậy nên, chúng ta hãy cũng nhau cố gắng nhé!

 

Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987