Connect with us

Hi, what are you looking for?

Kinh nghiệm

Nộp hồ sơ học bổng bậc tiến sĩ tại các đại học Úc

Định không chia sẻ bài viết này, nhưng vì thấy có ích cho một số bạn nên post lại đây. Có thể sẽ có ích nhiều cho các bạn có xuất phát điểm thấp và trung bình như mình. Phần chia sẻ này dựa vào kinh nghiệm cá nhân đúc rút từ quá trình nộp hồ sơ ở Úc và New Zealand. Các chiến lược mình áp dụng trong này đều học từ thầy Vũ Hồ. Tổng kết: Năm 2016 mình apply hai học bổng chính phủ gồm học bổng Endeavour và học bổng chính phủ New Zealand (trượt cả hai), 6 học bổng trường (1 trường của New Zealand – Aukcland University và 5 trường ở Úc) thì được 4 trường Úc cho học bổng toàn phần gồm Flinders University, Latrobe University, University of Canberra và Monash University. Có mấy điểm mình thấy làm cho hồ sơ lột xác hoàn toàn so với trước đây là:

Một là sense of purpose (hiểu rõ mục đích bản thân): Mục đích đời bạn là gì? Các mục tiêu ngắn hạn của bạn? Bạn sẽ đi con đường nào để theo đuổi những mục đích và mục tiêu đó? Hình dung cuộc sống của bạn khi có học bổng sẽ thay đổi như thế nào? Học bổng sẽ giúp bạn đạt được điều gì?

Trước đó mình có ý muốn đi du học, nhưng chưa xác định được cụ thể mình tại sao mình cần đi học (mà chỉ có ý định trốn chạy vì công việc ngột ngạt thôi). Thấy “mông lung như một trò đùa” nên những câu hỏi kiểu như nên đi học về cái gì, sau này học xong thì làm gì, học bổng giúp thay đổi điều gì trong cuộc sống v.v. đều không có một định hướng gì để trả lời cả. Do chưa có xác định được rõ ràng nên toàn bộ những hồ sơ mình đã nộp trong năm 2014-đầu 2016, đặc biệt là phần phát biểu về mục đích (statement of purpose) và đề cương nghiên cứu (research proposal) đều phiên phiến, mơ hồ và thiếu dấu ấn cá nhân (personal touch). Bản thân mình còn thấy thế, người ta chấm học bổng thì không chấm trượt mới lạ!

Có bạn cứ bảo học xong thạc sĩ rồi mà còn mông lung. Mình thì thấy, mỗi giai đoạn cuộc đời đều rơi vào một số các mông lung đặc thù: lúc ra học cấp 3 thì không biết học đại học gì, lúc tốt nghiệp đại học thì không biết nên làm gì, đến lúc đi làm rồi không biết làm nghề này có đúng không hay chuyển nghề khác, lúc học xong thạc sĩ rồi thì không biết nên học tiến sĩ hay tiếp tục đi làm là đủ, v.v. Nói chung, cuộc sống mà thiếu mông lung thì có gì đó không đúng. Nếu có mông lung tức là phải nghiêm túc để tìm kiếm lối ra. Quá trình tìm kiếm mục đích của mình bắt đầu bằng việc suy nghĩ thật chín chắn cái gì mình thực sự đam mê – cái này rất quan trọng. Nếu không đam mê thì sau này khó mà theo đuổi được. Đối với mình, lựa chọn chủ đề nghiên cứu chính là cụ thể hóa của đam mê. Sau khi đã trằn trọc suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp của mình, thì việc tham khảo cả ý kiến của thầy cô và đồng nghiệp đi trước sẽ rất có ích. Họ là những người đi trước mình, nên chia sẻ của họ là cực kỳ giá trị. Mỗi lần chia sẻ với họ giúp mình nhận ra mục đích của mình còn chưa phù hợp chỗ nào để mà điều chỉnh. Khi mục đích lớn dần dần lộ rõ thì các phần khác của bộ hồ sơ trở nên liên kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất do xoay quanh một định hướng. Chốt lại, không có sense of purpose thì viết cái gì cũng nhạt.

Hai là research proposal (đề xuất nghiên cứu).

Có lẽ cái này là phần khó nhất, và là điểm khởi đầu trong hồ sơ apply tiến sĩ. Trước đây đề tài nghiên cứu thạc sĩ của mình là về “nghi thức thể hiện sự tôn trọng trong đời sống người Việt”, dù mình khá hứng thú với nó, nhưng thực tế nó ít được các nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm và cũng khó khơi gợi được sự quan tâm của các giáo sư ở Úc. Do đó mình nghĩ phải tìm một chủ đề mới, thực tế hơn. Trước khi có bản cuối cùng mình có phải đến vài ba chủ đề khác nhau, mỗi chủ đề viết thành 4-5 bản khác nhau, cái về Internet và truyền thông xã hội, cái về mạng lưới tương tác ảo, cái về tổ chức xã hội tự nguyện, v.v. Khi đã chọn cho mình một chủ đề với ý tưởng thú vị, việc tiếp theo là xây dựng nó thành một đề xuất nghiên cứu (research proposal). Vì không thạo với tài liệu chuyên ngành liên quan đến chủ đề lựa chọn nên dù mình tự mày mò, tự xây dựng, tự sửa cho mình nhưng rốt cuộc vẫn rối như canh hẹ. Sau đó, mình quyết định tham khảo các anh chị tiền bối trong ngành bằng cách trao đổi với họ, gửi proposal cho họ góp ý, rồi từ đó tìm cách sửa chữa lại. Mình gửi đi khoảng 4-5 người. Qua đó mình thấy mình học hỏi được rất nhiều thứ. Đúng là phải soi mình vào một cái gương thì mới thấy mình thế nào. Qua đó, phải nói research proposal của mình tốt lên hẳn. Kết quả là khi mình gửi đi thì hầu hết giáo sư đều đồng ý nhận hướng dẫn ngay từ lần đầu tiên với comment đại ý là đề tài của mày promising (đáng mong đợi) và thú vị.

Tóm lại, tìm ra được ý tưởng nghiên cứu hấp dẫn, nằm trong một topic đúng mốt (không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà phù hợp với định hướng nghiên cứu của trường và được cả giáo sư họ quan tâm), xác định được được lỗ hổng của nghiên cứu hiện tại, đặt ra câu hỏi đích đáng , có một hình dung tốt về phương pháp nghiên cứu sẽ sử dụng, quyết định phần lớn thành bại của một hồ sơ học PhD.

Ba là chọn và liên lạc với giáo sư hướng dẫn (supervisor).

Có một số chiến thuật để tiếp cận với giáo sư hướng dẫn. Trước hết là tìm kiếm từ rộng đến hẹp. Xác định trình độ của mình ở mức trung bình thôi (mình nghĩ cái này nên trung thực với bản thân, biết mình đang ở đâu!), nên mình chọn các trường đại học rank thấp và trung bình thôi. Trong các trường đó, mình tìm về các khoa liên quan đến chủ đề nghiên cứu mình quan tâm, ví dụ mình quan tâm đến thảm họa tự nhiên từ góc độ xã hội học thì sẽ tìm khoa nhân học, xã hội học, nghiên cứu phát triển, v.v. Trong các khoa đó có các hồ sơ (profiles) của các giáo sư. Mình tìm tới từng profile, đọc, tham khảo một số các nghiên cứu của họ, tìm chỉ số trích dẫn của họ (chẳng hạn qua Google Scholar), suy nghĩ xem có liên hệ nào giữa họ và đề tài của mình hay không (cố tìm ra!). Sau đó, chọn “nạn nhân” để đầu tư thời gian. Lưu ý là mỗi khoa, mỗi thời điểm chỉ nên lựa chọn một giáo sư thôi vì họ có thể trao đổi với nhau. Mình gửi nhiều người họ cũng có thể biết, và như thế không hay. Ngoài ra, khi chọn giáo sư thì không nên chọn người có thâm niên quá cao, vì họ có thể không có nhiều thời gian để trả lời thư của mình, hoặc không có nhiều thời gian để hướng dẫn cho mình sau này (sau này sang bên Monash học mình mới biết, nhiều trường hợp giáo sư thâm niên rất ít khi gặp và trao đổi với sinh viên, làm sinh viên toàn tự bơi. Về lâu dài thì rất khổ!). Hơn nữa, giáo sư rank cao cũng sẽ chọn các sinh viên xuất sắc (outstanding), mình nên biết lượng sức mình mà lựa chọn người cho phù hợp. Mình thường chọn các associate professor hoặc các senior lecturer hoặc những người có citation thấp hơn một chút. Kết quả phản hồi rất tốt.
Một vấn đề quan trọng nữa là liên lạc email. Đầu tiên là tiêu đề thư, ngắn gọn, súc tích, và làm rõ ý định của người viết thư. Nội dung thư đầu tiên mình cũng không đặt quá nhiều vấn đề kiểu như lá thư trăn trối cuối cùng (nhét được bao nhiêu thông tin thì cố nhét) vì giáo sư họ sẽ khiếp, không có thời gian mà đọc thư quá dài. Mình chỉ giới thiệu đề tài nghiên cứu của mình, đặc biệt nhấn mạnh vào sự tương đồng giữa mình và các research interests hay topics mà họ đang theo đuổi, rồi cuối cùng chốt hỏi một câu xem họ có quan tâm đến đề tài của mình không. Trong phần tái bút, mình cũng chèn thêm tài khoản researchgate.com hoặc academia.edu để họ cần thì vào xem.
Thời điểm gửi thư thì mình dùng Boomerang để set thời gian đúng 8h sáng bên nước họ và thấy rất hiệu quả. Tất cả giáo sư mình gửi đều phản hồi (sớm hay muộn thôi) và hầu hết đều đồng ý. Sau đó mình mới hỏi họ cho phép mình đặt tên họ vào hồ sơ xin nhập học (admission) và học bổng (scholarship). Như vậy đến đây đã xong một bước quan trọng là xin được giáo sư đồng ý hướng dẫn, việc tiếp theo là hoàn thành hồ sơ xin nhập học và học bổng. Tóm lại, cách liên lạc với giáo sư phải thể hiện mình tôn trọng thời giờ vàng ngọc của người ta, và qua đó cho họ thấy mình là người chuyên nghiệp.

Liên quan đến liên hệ giáo sư, mình cũng chia sẻ thêm là chăm đi các events và workshops rất có ích. Thời điểm mình đang mơ hồ tìm kiếm thì có dự một event do Chính phủ Úc tổ chức ở Hà Nội. Ở đó mình có trao đổi với một chị người Úc rời đại sứ quán Úc về nước làm tiến sĩ. Ngay lập tức mình xin kết nối với nhóm nghiên cứu bên đó thì được ngay. Sau đó giáo sư chủ động gọi mình phỏng vấn qua Skype và qua đó mình được nhận. Đặc biệt là trong supervisory panel của mình có một leading scholar trong mảng environmental politics, và bác ý cũng đồng ý làm hướng dẫn hai cho mình vì thích đề tài của mình. Quả thực họ rất nhiệt tình ủng hộ mình trong quá trình nộp hồ sơ cho trường, thậm chí còn viết của thư support gửi cho trường và hứa cho thêm tiền để làm thực địa và đi dự conference nữa. Kinh nghiệm là cứ đi kết nối nhiều vào, mạnh dạn trình bày ý tưởng, và nắm bắt mọi cơ hội tới.

Bốn là làm bài luận (essays).

Một trong những phần quan trọng của hồ sơ xin nhập học và hồ sơ học bổng là viết các bài luận theo các câu hỏi khác nhau. Việc viết này quả thực tương đối thách thức theo nghĩa mình vừa đang đi làm kiếm tiền, vừa phải lo viết bài xuất bản, nên việc viết bài luận phải tranh thủ và tập trung cao độ. Hơn nữa, việc hoàn thành các bài luận này thường không phải một lúc là xong, mà kéo dài rất mệt mỏi. Viết thế nào để thuyết phục hội đồng cho học bổng quả không dễ. Vậy viết thế nào?

Ý tưởng, nội dung của các bài cần phải có ‘personal touch’, tức là cần phải mang dấu ấn cá nhân, chứ không phải cứ copy các bài mẫu trên mạng, tạo ra các bản sao. Đã là bản sao thì không thể xuất sắc hơn bản chính được, dù nó được trau chuốt đến đâu. Dấu ấn cá nhân là hình ảnh, trải nghiệm, mục đích cá nhân được in đậm trong đó. Đó là cái phân biệt hồ sơ của bạn với hàng loạt hồ sơ khác.

Thứ hai là phải viết logic và mạch lạc. Mỗi bài luận thường có các câu đề bài, ví dụ hỏi: Tại sao mày là một ứng cử viên xuất sắc để nhận học bổng này? và được giới hạn trong một lượng tự nhất định (ví dụ 100-200 từ). Người chấm học bổng phải đọc rất nhiều hồ sơ, nên họ không có quá nhiều thời gian để thẩm thấu cái gì quá phức tạp, cao siêu. Mình cần phải viết cái gì rất rõ ràng, dễ hiểu. Để làm được điều đó, kinh nghiệm của mình là trước khi viết, vạch ý ra thật rõ ràng. Ví dụ một câu trả lời mình dự định có 3 ý, thì xây dựng 3 ý thật rõ ràng, đi kèm các lập luận và ví dụ cụ thể của bản thân (nhất thiết phải của bản thân). Hơn nữa, cần sắp xếp 3 ý này theo tuyến tính, hay theo một logic nào đó. Ví dụ, ý A, B và C được sắp xếp theo trật tự thời gian, từ quá khứ tới hiện tại. Như vậy, người đọc sẽ biết mạch văn của mình. Không chỉ mạch lạc, logic trong nội bộ một bài luận, mà các bài luận cũng nên liên kết với nhau, cùng làm toát lên mục đích nghề nghiệp của mình.
Thứ ba, tự sửa cho mình. Để hoàn thiện một bài luận, bản thân mình phải tự sửa rất nhiều lần. Đây là một quá trình phản thân (reflective process) rất cần thiết. Một bài luận của mình thường có rất nhiều bản thảo. Ví dụ mình hoàn thành một bản thảo, sau đó cách hai ba ngày bỏ đi không nghĩ tới, rồi quay lại đọc bản thảo đó. Cách này khiến mình nạp lại năng lượng, làm mới đầu óc mình, từ đó nhìn nhận bản thảo rõ ràng hơn, dễ tìm các điểm chưa được mà khắc phục. Ngoài cách trên, nếu nhờ được ai xem giúp cho mình thì rất tốt.

Năm, sắp xếp một hồ sơ (điện tử) gửi đi.

Hình dung là người nhận và xét duyệt sẽ có hàng tá bộ hồ sơ gửi đến. Làm thế nào để bộ hồ sơ của mình nổi bật và dễ thiện cảm? Có mấy gợi ý.
Thứ nhất, ghi tên rõ ràng. Mỗi file trong hồ sơ cần ghi tên rõ để họ nhìn là biết file đó là gì.
Thứ hai, đối với các bằng cấp, bảng điểm, nên ghi thêm năm. Hình dung họ nhìn vào list các file bảng điểm là biết mình tốt nghiệp năm nào.
Thứ ba, đối với các files như passport, giấy khai sinh thì nên ghi thêm tên mình.
Thứ tư, các files trong một bộ hồ sơ nên đánh số thứ tự: 1, 1.1., 1.2. Thứ tự nên theo yêu cầu trong form hồ sơ học bổng/nhập học. Khi họ mở hồ sơ ra thì đã biết nên đọc file nào trước.
Thứ năm, nên bổ sung thêm một số files có tác dụng làm rõ thêm các tài liệu khác, dù không được yêu cầu. Ví dụ mình bổ sung thêm một bản báo cáo đánh giá luận văn thạc sĩ của mình từ các examiners, có dấu xác nhận của trường cũ.
Thứ sáu, đừng nên tiếc tiền mà không chuẩn bị các file đẹp nhất có thể. Ví dụ nếu scan các ấn phẩm xuất bản thì nên scan màu, cắt gọt các phần đen, thừa đi.
Thứ bảy, khi gửi hồ sơ tới một địa chỉ cụ thể, tiêu đề thư nên ghi rõ hồ sơ của ai, dành cho học bổng hay nhập học.
Thứ tám, nội dung thư nên nói rõ phần đính kèm gồm những files gì.
Thứ chín, nếu toàn bộ hồ sơ quá nặng để đính kèm thì chia thành hai thư, nhưng cần nói rõ là sẽ có 2 thư, mỗi thư gồm các tài liệu gì đính kèm. Lưu ý, số thứ tự của hai phần vẫn thống nhất với nhau.
Thứ mười, vẫn nên set thời gian gửi email vào đầu giờ làm việc buổi sáng của bên nước họ.
Cuối cùng, kiên nhẫn chờ đợi, thành công sẽ tới.

Năm nay, trước khi thành công đến thất bại viếng thăm liên tiếp. Bắt đầu với học bổng New Zealand sau khi đã vào vòng 3, sau đó đến trường Aucland cũng bị từ chối nốt dù đã chấp nhận học bổng, tiếp đó học bổng Endeavour cũng trượt (cái mình cực kỳ hy vọng), trường Western Sydney University cũng từ chối dù đã cho nhập học. Thời điểm đó cứ cách 1-2 tuần là một tin báo trượt. Chắc ai đã từng apply học bổng rồi mà trượt nhiều và liên tục thì mới thấy đau khổ và thất vọng thế nào. Thực sự thì tới thời điểm nhận được mấy tin báo thất bại liền, mình không còn tin ở khả năng mình nhận được học bổng nữa. Thực tế là đa số các trường ở Úc mỗi năm chỉ dành 1-2 suất học bổng cho sinh viên quốc tế làm PhD thôi (ví dụ University of Canberra họ báo ngay cho mình từ khi chuẩn bị hồ sơ kiểu như để mày nghĩ cho kỹ đỡ mất công làm). Khi mình so các tiêu chí chấm điểm học bổng thì thấy hồ sơ của mình chỉ ở mức trung bình thôi, đặc biệt là phần xuất bản phẩm (đòi hỏi các bài báo trên tạp chí peer-review).

Nhưng cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười. Vào một buổi trưa của chuyến công tác, đang nằm võng ở Trà Vinh, mình nhận được email thông báo học bổng. Rồi có thêm 3 trường nữa gửi thư thông báo học bổng liên tiếp làm mình không tin nổi luôn. Việc này cho thấy một điều này: nhiều khi may mắn chiếm một phần rất quan trọng đối với việc apply học bổng. Nhiều khi mình trượt nhưng mình đến đến rất gần với thành công, chỉ thiếu một chút may mắn thôi (mà may mắn đó có thể do hội đồng chấm hắt hơi, đau đầu hay vừa cãi nhau với partner) và cần phải kiên trì chờ đợi. Ví dụ năm 2016, học bổng Endeavour dành cho PhD cho Việt Nam duy nhất 1 học bổng, trong khi đó Bangladesh tận 6-7 người. Năm trước đó Việt Nam còn được đến 5-6 giải thì phải. Có một anh tâm sự (không biết đúng không) bảo năm nay review hồ sơ học bổng có nhiều bạn nổi bật hơn cả những người năm trước đạt giải nhưng do chính sách cắt giảm của Úc nên không được chọn. Vậy đó, đôi lúc mình cố rồi mà hoàn cảnh khách quan thì phải chịu. Nhưng có lẽ, cứ cố gắng, đi đúng hướng, làm đúng cách thì rồi thành quả sẽ tới.

Link lớp thầy Vũ Hồ: https://www.facebook.com/notes/vu-ho/class-faq-question-list/1023968900991076/
Source: Kien Nguyen

Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dành cho bạn

Chương trình

LỚP TÌM VÀ NỘP HỌC BỔNG ONLINE HANNAHED Xin chào mọi người đã ghé thăm HannahEd và tìm hiểu về lớp tìm và apply...

Chứng chỉ

6 QUY LUẬT BẤT BIẾN CỦA VŨ TRỤ Xem thêm: Thông tin về 5 học bổng du học Úc 2021 10 website chất lượng...

Thông tin học bổng

Hàng năm chính phủ Thụy Sỹ đều có học bổng toàn phần cho các bạn mong muốn sang học. Trước đây founder của HannahEd,...

Kinh nghiệm

Honestly speaking,  vì quá lười nên bh tớ mới viết bài cho mọi người được, nói chung đây cũng ko có gì, chỉ đơn...

Email: hannahed.co@gmail.com Phone: 0396425987